feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Hơn hai tháng, trước ngày khai mạc vòng chung kết Cúp bóng đá châu Âu Euro 2012, hôm 22/ 3/2012, trong một cuộc họp báo tại thủ đô Vacxava, Thủ tướng Ba Lan Donal Tusk và người đồng nhiệm Ukraina Mykola Azarov đã tuyên bố hai nước đồng tổ chức đã sẵn sàng đón Euro 2012, một vòng chung kết khó khăn nhất của các nhà tổ chức.

Thủ tướng Donal Tusk tuyên bố : “ Với quyết tâm phi thường của nhân dân hai nước, của chính phủ Ukraina và Ba Lan, của giới thể thao và sự cố gắng về tài chính, đến lúc này, với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi có thể nói là Ukraina và Ba Lan đã sẵn sàng đón Euro-2012”.

Về phần mình, thủ tướng Azarov khẳng định mặc dù gặp khó khăn vì khủng hoảng kinh tế và tài chính, hai nước đồng tổ chức đã huy động thành công mọi tiềm năng để ngày hội bóng đá của châu Âu diễn ra tốt đẹp từ ngày 8 tháng Sáu đến 11 tháng Bảy tới đây. Trước đó ít ngày, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA, Michel Platini đánh giá Ban Lan và Ukraina đã có những tiến bộ phi thường trong công tác chuẩn bị cho giải đấu. 95% công việc chuẩn bị cho vòng chung kết Euro 2012 đã hoàn tất.

Năm 2007, Liên đoàn bóng đá châu Âu đã mạnh dạn trao quyền tổ chức giải đấu lớn nhất châu lục cho hai nước đông Âu thuộc khối cộng sản cũ. Trước khi đi đến quyết định này, UEFA đã phải loại hai ứng cử viên nhiều triển vọng là Ý và cặp đồng tổ chức Hungary -Croatia. Sau đó nhiều vấn đề đã nảy sinh trong công việc chuẩn bị, như xây dựng nâng cấp hệ thống sân vận động, cơ sở hạ tầng mà nguyên nhân là do thiếu vốn và giá thành bị đội lên quá cao, nhất là tại Ukraina.

Ba tháng trước ngày khai mạc Euro 2012 , nhiều hạng mục công trình tại Uckraina vẫn có nguy cơ không hoàn thiện kịp. Trong suốt quá trình chuẩn bị cho giải đấu từ 5 năm qua, không ít lần Ukraina bị dư luận thể thao của châu Âu chỉ trích vì tiến độ chuẩn bị. UEFA ra hạn cho hai nước đồng tổ chức đến cuối năm 2010 các công trình phục vụ thi đấu phải cơ bản hoàn thành. Nhưng việc nâng cấp, hiện đại hóa sân vận động đến cuối năm 2011 vẫn còn ngổn ngang ở cả hai nước Ukraina và Ba Lan.

Tại cuộc hội thảo với các huấn luyện viên 16 đội bóng tham dự Euro 2012 hồi đầu tháng 3, một quan chức của UEFA thừa nhận đây là vòng chung kết “khó khăn nhất” của Liên đoàn. Tuy nhiên đây cũng là giải đấu lớn đầu tiên của châu lục mở ra sang phía đông.

Ukraina, nước đang nhăm nhe gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU), muốn đây là dịp để chứng tỏ khả năng hội nhập của mình vào EU đã phải gồng mình cố gắng hết sức để có một Euro 2012 diễn đúng hẹn và suôn sẻ. Trong hoàn cảnh kinh tế eo hẹp giữa thời khủng hoảng tài chính, chính phủ Ukraina đã phải chi hơn 5 tỷ đô la từ ngân quỹ quốc gia cho các dự án của Euro, cùng với ngân quỹ của các nhà đầu tư tư nhân lên tới 15 tỷ đô la.

Khác với Ukraina, Ba Lan với lợi thế là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu có vẻ như không gặp khó khăn nhiều trong tiến độ xây dựng các công trình phục vụ giải đấu. Nhưng nhiều vấn đề khác trong việc chuẩn bị đón tiếp cũng bắt đầu nảy sinh.

Thông tín viên RFI, Lê Hải vừa có chuyến công tác tại Ba Lan, cho biết thêm thông tin :

Chính xác là còn 75 ngày nữa là đến ngày khai mạc giải Euro 2012 do Ba Lan và Ukraina đồng tổ chức. Theo lịch thì lễ khai mạc ngày 8 tháng Sáu và những trận đầu tiên đá ở Ba Lan, sau đó là toàn bộ giải sẽ đá ở Ukraina cho đến trận chung kết vào đêm 1 tháng Bảy ở Kiev. Ban tổ chức đã tổng duyệt lại toàn bộ mọi khâu và tuyên bố hoàn toàn kiểm soát được tình hình, cho phép khán giả hâm mộ bóng đá ở Việt Nam trên thế giới kỳ vọng sẽ được thưởng thức một mùa giải Euro như mong đợi.

Ăn ở

Vấn đề khiến truyền thông các nước về dự giải quan tâm nhiều nhất hiện nay có lẽ là điều kiện ăn ở và đi lại cho cổ động viên. Hiện ban tổ chức đang phải thuyết phục các khách sạn đừng tăng giá trong mùa giải. Ban đầu người ta chỉ nghĩ chuyện đó chỉ có ở Ukraina nhưng bây giờ ngay cả ở Ba Lan cũng có khách sạn bị tố cáo là nâng giá trong đêm thi đấu ở Gdansk lên gấp hơn 10 lần bình thường.

Đài phát thanh địa phương nêu tên một khách sạn giá phòng bình thuờng chừng 50 euro thế nhưng với khách đặt phòng vào đêm thi đấu thì mức giá đưa ra lên đến 700 euro cho một đêm. Giới bình luận lo rằng nếu tình trạng này không được các cơ quan chính quyền kiểm soát thì sẽ khiến khách du lịch bỏ chạy khỏi Ba Lan trong mùa bóng đá, khiến các khách sạn chỉ đầy phòng trong đêm thi đấu nhưng suốt cả tháng thì vắng lặng, và kéo theo là cũng giảm sức mua sắm và chi tiêu cho dịch vụ từ khách du lịch bình thường.

Đi lại

Ngoài ra tai nạn tàu hỏa chết người trên đường Vacxava và Kraków gần đây cũng khiến người ta phải tính toán thêm về đường di chuyển cho cả chục ngàn cổ động viên. Các trận đấu được chia ra nhiều thành phố khác nhau, ví dụ như bảng A (Ba Lan, Hy Lạp, CH Czech và Nga) sẽ đấu ở Vacxava và Wroclaw cách nhau trên 3 giờ đi xe lửa. Bảng C (Ý, Tây Ban Nha, Ai Len và Croatia) cũng thi đấu ở hai thành phố của Ba Lan cách nhau trên dưới 3 giờ xe lửa tốc hành InterCity là Gdansk và Poznan. Các đội bóng cũng phải di chuyển nhiều.

Có đội như đội Pháp chọn đóng quân ở môt thàh phố là Donieck và sẽ đi về Kiev đá các trận còn lại trong bảng D. Nhưng cùng bảng này có đội Anh thì lại quyết định đóng quân hẳn ở tận Kraków của Ba Lan. Hai đội Ý và Hà Lan cũng quyết định như vậy, cho nên người ta ước tính sẽ có trên 100.000 du khách kéo đến Kraków trong mùa giải mặc dù ở đây không có trận đấu nào, và thành phố này hưởng lợi nhờ các sân bóng được nâng cấp cho đủ tiêu chuẩn tập luyện cho 3 đội mạnh tên tuổi là Anh, Ý và Hà Lan.

Thế nhưng nếu cổ động viên muốn đến Kraków sống gần đội tuyển rồi đến thành phố khác để xem đá thì phương tiện giao thông công cộng không phải là chuyện đơn giản. Với điều kiện chỗ ở và giao thông như mùa giải năm nay, chắc chắn sẽ có nhiều cổ động viên chọn cách di chuyển liên tục giữa các thành phố của Ba Lan và Ukraina.

Cho nên, không phải tự nhiên mà các dự án giao thông và hạ tầng đã được ban tổ chức quan tâm đặc biệt, và chiếm phần lớn trong các hạng mục cần phê duyệt trước ngày khai mạc không phải là sân bãi mà là tuyến đường nối kết giữa các thành phố lớn của Ba Lan và Ukraina để khán giả có thể di chuyển bằng ô tô riêng. Tính ra thì một lượng xe hơi rất lớn sẽ đổ về hướng này của châu Âu trong tháng Sáu này.

An ninh

Tiếp theo, vấn đề an ninh trong mùa giải Euro 2012 năm nay cũng là câu chuyện được quan tâm đặc biệt vì nó không chỉ là phối hợp giữa các nước Eu mà còn là giữa Ba Lan và Ukraina là nước nằm bên ngoài biên giới EU và Schengen. Có thể thấy người ta phân cấp thành hai mức độ rõ rệt. Trước hết là những vấn đề chung thì sẽ là sự hợp tác giữa cảnh sát quốc gia và các tổ chức thế giới như Interpol. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng tham gia hoạt động loại trừ nguy cơ an ninh hạt nhân cho mùa giải này.

Tiếp theo là ở mức địa phương thì mỗi thành phố hay chính xác là mỗi tỉnh ở nơi diễn ra trận đấu chính quyền sẽ phải có chính sách an ninh riêng, được nâng cấp phục vụ cho mùa lễ hội. Ví dụ như thành phố Vacxava hồi tuần trước vừa khai trương một trung tâm chỉ huy an ninh theo tiêu chuẩn mới nhất của EU, tập trung xử lý mọi khả năng có thể, từ an ninh đường phố cho đến tai nạn nhà cửa.

Thực ra thì kinh nghiệm về bảo đảm trật tự xã hội không phải là chuyện lạ với thủ đô Vacxava của Ba Lan, nhưng đây vẫn còn là điều mới mẻ với các thành phố khác của Ba Lan và Ukraina, kể cả thủ đô Kiev. Cảnh sát Ba Lan có kinh nghiệm trong việc xử lý cổ động viên gây rối, và chắc chắn cũng sẽ được huấn luyện đặc biệt để đối phó với các nhóm cổ động viên nhiều nguy cơ, như Anh, Đức và thậm chí gần đây là Hy Lạp.

Nhưng việc bóc tách các nhóm cổ động viên vốn có truyền thống xung đột, giữ trật tự đường phố mà vẫn bảo đảm quyền con người theo tiêu chuẩn một giải bóng đá châu Âu chắc chắn sẽ là khó khăn lớn nhất cho cả Ukraina lẫn Ba Lan trong tháng 6 tới đây.

Vấn đề hợp tác an ninh cũng hoàn toàn mới mẻ, có thể nảy sinh ra nhiều điều bất ngờ, nhỏ nhặt nhưng có nguy cơ phát sinh thành chuyện lớn. Ví dụ như Ba Lan có một giai đoạn mời chào khách du lịch người Anh do nhóm này chi tiêu rất mạnh khi đồng bảng Anh còn rất cao giá, thế nhưng đổi lại là kiểu ứng xử của du khách Anh khiến dân Ba Lan sốc vì những hiện tượng mà ở Ba Lan coi là vô văn hóa, ví dụ như khách uống bia say xỉn quậy phá rồi đái ngay giữa đường, ngủ vạ vật khắp công viên và tượng đài, không quan tâm gì đến chuyện đó là di tích văn hóa của người Ba Lan.

Du lịch

Nói về mối quan tâm của xã hội, thì với người dân Ba Lan thì thực sự ra xã hội ngày nay đã mở cửa và có rất nhiều mối quan tâm khác nhau, cho nên bóng đá không còn là trò giải trí và cánh cửa duy nhất ra thế giới như thời cộng sản trước kia. Do vậy mức độ quan tâm đến bóng đá cũng ở một mức giới hạn, nhưng cũng đủ để các sản phẩm mang logo Euro 2012 tiêu thụ rât chạy trong thị trường nội địa.

Những món quà chính thức của Ba Lan trong dịp này không đơn giản là hàng bán cho khách du lịch mà còn được chính người Ba Lan mua để tặng cho bạn bè người thân ở nước ngoài, hoặc giữ làm kỷ niệm cho sự kiện này.

Với các cấp chính quyền địa phương thì Euro 2012 là sự kiện chứng tỏ vị trí của Ba Lan ở châu Âu và đầu tư quảng cáo cho du lịch trong tương lai. Trên các trang diễn đàn và mạng xã hội người ta thường thấy sự hiện diện và hoạt động tích cực của các nhân viên PR tức là quan hệ công chúng của các văn phòng tỉnh, cung cấp thông tin và quảng bá tối đa cho thành phố của mình, đặc biệt là Kraków. Tuy nhiên, với trên dưới 20.000 người Việt ở Ba Lan hiện chưa thấy diễn đàn nào tính đến chuyện đón tiếp người Việt từ các nước khác sang hưởng thụ không khí bóng đá vào tháng Sáu tới đây.

Người Việt Ba Lan và Sân vận động quốc gia

Người Việt ở Ba Lan bắt đầu bàn tán nhiêu đến chuyện vé đi xem Euro 2012 mà tin đồn có vé chợ đen giá bằng một chiếc xe hơi cũ. Với đa số người Việt ở Vacxava thì sân vận động rực rỡ sẽ diễn ra trận khai mạc giữa Ba Lan và Hi Lạp vào ngày 8 tháng Sáu tới đây vốn từng là nơi chốn vô cùng gắn bó trong những năm tháng đầu tiên xây dựng sự nghiệp ở xứ người.

Xưa kia, thời cộng sản một khu thi đấu thể thao được dựng lên ở khu đất trống bên bờ sông Wisla để tổ chức đại hội thể thao thanh niên khối các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi thay đổi chế độ thì mục tiêu tuyên truyền không còn nữa, và ban quản lý sân vận động bắt đầu cho thuê những khu vực trống quanh sân để người kinh doanh tìm đến dựng quầy, và nơi đây trở thành khu chợ trời lớn nhất châu Âu.

Người Việt chiếm hẳn một khu riêng với tổng cộng có đến trên 2.000 quầy hàng và tạo ra động lực kinh tế chính cho mọi hoạt động của người Việt ở đây. Nay thì những địa danh như đường tàu, tam giác, tứ giác, nhà trắng, sokola vốn đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người Việt Nam ở Ba Lan đều biến mất. Khu chợ trả lại hình dáng ban đầu cho khu thi đấu thể thao và giải trí mang tầm quốc tế. Hi vọng khán giả truyền hình ở Việt Nam xem Euro 2012 qua màn ảnh nhỏ sẽ nhận ra đồng hương hay thậm chí là bạn bè mình đang ngồi trên khán đài sân vận động quốc gia Ba Lan.

  • Theo RFI, Anh Vũ / Lê Hải

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.