feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Thỏa thuận mới nhất giữa Pháp và Đức nhằm giúp EU vượt qua cuộc khủng hoảng nợ hiện nay chỉ là một tia hy vọng giữa lúc niềm tin đã phôi pha.

Ngày 9-10, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết họ sẽ trình bày một “gói toàn diện” các biện pháp chống lại cuộc khủng hoảng châu Âu, theo tin từ tờ The Wall Street Journal.

Phát biểu sau cuộc họp thượng đỉnh đột xuất tại Đức, Thủ tướng Merkel nói: “Chúng tôi quyết tâm làm những gì cần thiết để đảm bảo việc tái cấp vốn cho các ngân hàng khu vực eurozone. Chúng tôi sẽ đề xuất một gói giải pháp toàn diện cho phép hợp tác chặt chẽ hơn giữa các thành viên khối eurozone”.

Thủ tướng Đức cũng tái nhấn mạnh quan điểm cần thay đổi các thỏa thuận của EU để tăng cường “kỷ luật ngân sách” đối với những quốc gia thành viên.

Theo giới quan sát, thỏa thuận lần này của hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức nhằm cố gắng thu hẹp những khác biệt giữa hai nước trước khi Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU diễn ra ngày 17-10 tại Bỉ. Cả hai nhà lãnh đạo cũng ý thức rằng EU sẽ không thể hành động hiệu quả trừ khi bất đồng quan điểm giữa Pháp và Đức được hóa giải. Tổng thống Sarkozy nói châu Âu cần giải quyết cuộc khủng hoảng trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes, Pháp, vào ngày 3 và 4-11. Tuy nhiên, cả ông Sarkozy và bà Merkel đều từ chối tiết lộ kế hoạch chi tiết mà hai nước sẽ đề xuất.

Niềm tin bị lung lay

Nhiều tháng qua, khối eurozone chịu áp lực mạnh mẽ từ các thị trường tài chính và các quốc gia khác trong việc thực hiện các bước đi quyết định để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công không lan ra ngoài khu vực châu Âu. Mới đây, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch lại vừa hạ bậc tín nhiệm đối với Ý và Tây Ban Nha.

Tuy các thành viên eurozone, Quỹ Tiền tệ quốc tế và một số ngân hàng hồi tháng 7 đã thông qua gói cứu trợ mới nhất dành cho Hy Lạp, nhưng thâm hụt ngân sách mà Hy Lạp mới công bố đã phình ra nên quy mô gói trợ không đủ đáp ứng. Vì thế, lãnh đạo Anh và Mỹ đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các nước eurozone phải nhanh chóng kiểm soát hiệu quả cuộc khủng hoảng vì lo ngại ảnh hưởng có thể lan rộng ra ngoài khối này. Nếu như vậy nền kinh tế thế giới vốn đang phục hồi đầy bấp bênh có thể lại một lần nữa rơi vào đại họa với hậu quả khó lường.

Thế nhưng, vì eurozone không làm được điều đó, các nhà đầu tư đang dần mất niềm tin vào khả năng kiểm soát của khối này đối với cuộc khủng hoảng. Nỗi lo sợ về tương lai tồi tệ của các ngân hàng châu Âu cũng như khả năng vỡ nợ của một số nước thành viên eurozone đã làm tổn thương niềm tin của giới kinh doanh lẫn người
tiêu dùng.

Cứ như thế, tình hình của cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi chứ không có sự cải thiện nào đáng kể trong thời gian qua. Trong tình hình đó nhiều chuyên gia tỏ ra không mấy tin tưởng vào triển vọng của thỏa thuận mà Pháp và Đức vừa công bố để hướng đến kế hoạch toàn diện giải quyết khủng hoảng tại châu Âu. Kathleen Brooks, một chuyên gia tài chính tại London, châm biếm: “Liên minh châu Âu đã thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng suốt hai năm qua, nên giờ họ nói rằng chỉ cần ba tuần để có một giải pháp cuối cùng thì có chút gì đó buồn cười”.
Hơn nữa việc từ chối tiết lộ các chi tiết cụ thể liên quan đến thỏa thuận cho thấy Đức và Pháp còn phải làm rất nhiều để có một giải pháp chung hữu hiệu nhằm giải quyết núi nợ nần của Hy Lạp và tình trạng căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng châu Âu.

Bất đồng cơ bản giữa Pháp và Đức

Trong thực tế, giữa Pháp và Đức lại tồn tại nhiều bất đồng then chốt về quan điểm khiến cho châu Âu khó có thể đi đến các bước quyết địnhcần thiết.

Bà Merkel nhiều lần khẳng định, để tái cấp vốn cho các ngân hàng, trước tiên cần huy động vốn của khu vực tư nhân và ngân sách từng quốc gia, cuối cùng mới đến quỹ cứu trợ của eurozone. Hiện nay, Đức đang đóng góp nhiều nhất vào quỹ cứu trợ nên Berlin lo ngại phản ứng chính trị trong nước rằng chính phủ dùng tiền thuế của dân để cứu ngân hàng ngoại quốc.

Ngược lại, Pháp muốn Đức đồng ý tăng cường sử dụng quỹ cứu trợ chung và cho phép các ngân hàng Pháp tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn của quỹ này. Chính phủ Pháp lo ngại nước này sẽ mất mức tín nhiệm tín dụng AAA nếu cam kết giải cứu các ngân hàng nội địa bằng ngân sách quốc gia. Nói một cách khác, Pháp - Đức có thể đồng ý tái cấp vốn cho các ngân hàng đang gặp khó khăn, nhưng sử dụng nguồn nào để tái cấp vốn lại là một dấu hỏi mà hai nước khó có cùng câu trả lời.

Bên cạnh đó, Đức và Pháp cũng chưa tìm được tiếng nói chung về đường hướng đối với khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Đức muốn thúc đẩy tái cấu trúc nợ của Hy Lạp một cách sâu rộng hơn mức mà hiện nay châu Âu hình dung, nghĩa là các chủ sở hữu trái phiếu của Hy Lạp sẽ chịu nhiều thiệt hại. Pháp lo ngại một sự tái cấu trúc như vậy sẽ gây hỗn loạn trên các thị trường tài chính châu Âu đồng thời đẩy các ngân hàng Pháp tới nguy cơ lớn vì các ngân hàng này nắm giữ rất nhiều trái phiếu của Chính phủ Athen.

Vì thế, nhiều chuyên gia dự đoán rằng hai nước sẽ tìm kiếm một sự nhượng bộ lẫn nhau, theo đó Pháp sẽ xóa bớt nợ xấu cho Hy Lạp còn Đức thì chấp thuận đóng góp nhiều tiền hơn vào quỹ cứu trợ của khối eurozone, cũng như ủng hộ các biện pháp bảo vệ các chính phủ eurozone khác và các ngân hàng khỏi những xáo trộn của thị trường tài chính do vụ tái cấu trúc nợ Hy Lạp gây ra.

Một trở ngại khác mang tính pháp lý là, mọi thỏa thuận chung cho khối eurozone phải có sự phê chuẩn của cơ quan lập pháp của các quốc gia thành viên mà mỗi quốc gia lại có riêng những bất đồng nội bộ. Quốc hội Slovakia chẳng hạn từng đe dọa không thông qua kế hoạch cải cách nguồn quỹ cứu trợ cho eurozone.

Tờ The Economist cũng đặt ra một vấn đề về việc tăng cường “kỷ luật ngân sách” đối với những quốc gia thành viên EU mà Đức và Pháp mong muốn. Chính phủ các nước thuộc EU nhưng không thuộc eurozone chắc chắn sẽ phản đối kỷ luật này vì cho rằng họ không thể chịu chung sự giám sát như các thành viên eurozone.

  • (TBKTSG Tổng hợp)


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.