feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Ngày 02 tháng 4 năm 2011, tại Villa Hanoi, trụ sở của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt am Main, Tổng Lãnh sự Nguyễn Hữu Tráng đã có buổi gặp mặt thân mật với đại diện hội đoàn người Việt tại các bang phía tây và tây nam Đức. Tham dự cuộc gặp còn có bà Phan Ý Nhi, Tham tán, Trưởng ban công tác cộng đồng của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, các cán bộ, nhân viên TLSQ cùng hơn 50 đại biểu.

Trong phát biểu chào mừng, Tổng Lãnh sự Nguyễn Hữu Tráng cho biết, trong hơn 3 năm hoạt động kể từ ngày chính thức thành lập năm 2007 đến nay, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt đã có nhiều dịp gặp gỡ, tiếp xúc với đại diện các hội đoàn cũng như đông đảo bà con người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại các 6 bang trong khu vực lãnh sự, nhất là trong những dịp Tết nguyên đán, kỷ niệm Quốc khánh hay các hoạt động cộng đồng khác, Tuy nhiên đây là lần đầu tiên có một cuộc gặp gỡ đông đủ tại Frankfurt.

 

Ông Tổng Lãnh sự cũng nhấn mạnh: Cộng đồng người Việt cư trú ở Đức đã lâu, về cơ bản đã hội nhập và ổn định; thời gian vừa qua nhiều hội đoàn của người Việt đã được thành lập, góp phần làm cho sinh hoạt cộng đồng sôi nổi và đa dạng hơn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một tổ chức chung của bà con trên toàn Liên bang. Vì lý do đó, trong cuộc gặp mặt định kỳ hàng năm do Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin tổ chức ngày 26/12 vừa qua, đa số các hội bầy tỏ nguyện vọng thành lập một tổ chức chung và nhất trí giao cho một nhóm làm việc nghiên cứu về vấn đề này. Nhóm làm việc đã có dự thảo Đề án và cũng được gửi cho các hội để nghiên cứu và cho ý kiến. Mặc dầu vậy thì trọng tâm cuộc gặp mặt tại Villa Hanoi hôm nay không phải là cho ý kiến về các đề án này hay về các công việc chuẩn bị thành lập Hội, mà nhằm xin ý kiến rộng rãi về vấn đề nên hay không nên tổ chức một hội chung khi mà các nơi đều đã có tổ chức hội của cộng đồng. Chỉ khi đại đa số nhất trí về việc nên thành lập hội chung thì mới bàn đến các bước tiếp theo.


Trưởng ban công tác cộng đồng Phan Ý Nhi nhấn mạnh quan điểm của Đại sứ quán và Ban công tác cộng đồng: việc thành lập Hội người Việt toàn Liên bang là xuất phát từ nhu cầu tự thân của cộng đồng, do cộng đồng đề xuất và thực hiện, nhằm mục đích duy nhất là phục vụ lợi ích của cộng đồng.

 


Các ý kiến phát biểu đều hoan nghênh việc tổ chức buổi gặp này với đại diện các hội đoàn ở phía tây và tây nam Đức, góp phần giải tỏa những thắc mắc, băn khoăn của nhiều hội đoàn và cá nhân khi nhận được những thông tin về việc chuẩn bị thành lập hội toàn Liên bang. Những báo cáo giải trình cụ thể của Nhóm làm việc đã giúp họ hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa của việc thành lập hội cũng như về cách thức tiến hành. Ngay trước cuộc gặp gỡ ở Villa Hanoi, rất nhiều người băn khoăn là hình như việc thành lập hội đã được quyết định và là „sự việc đã rồi“, trong khi cộng đồng ở bên tây Đức không hề được hỏi ý kiến; như vậy thì hội có tính đại diện cho cộng đồng toàn Liên bang hay không khi mà chỉ có các hội ở bên phía đông được hỏi và tham gia.


Các vấn đề mà đại biểu quan tâm và đóng góp ý kiến là:


- Việc thành lập hội phải tiến hành từ dưới lên, không phải từ trên xuống, có nghĩa là phải có ý kiến từ các hội đoàn cơ sở; nếu đa số thấy cần thiết thành lập tổ chức chung thì mới thành lập;


- Các bước chuẩn bị phải thật thận trọng, chu đáo và dân chủ; nếu thấy cần thành lập hội chung thì phải có những bước đi phù hợp, nhưng phải chấp nhận thực tế là không thể có sự nhất trí 100%; vấn đề là hội có đại diện cho lợi ích chung của đa số hay không.


- Để tránh hội có thể trở thành một tổ chức mang nặng tính hình thức, cần có những nội dung hoạt động thiết thực, mang lại lợi ích chung cho bà con, gắn kết bà con các vùng miền, địa phương trên toàn nước Đức. Hội nên đặt mục tiêu đoàn kết, hòa hợp dân tộc, vùng miền, không phân biệt nghề nghiệp, tôn giáo hay nguồn gốc xuất thân, lý do hay thời điểm sang Đức v.v. Nếu hội được thành lập và hoạt động tốt thì „hữu sạ tự nhiên hương“ sẽ ngày càng có nhiều người tham gia, kể cả những người có thể trước đây còn phân vân, lưỡng lự.


- Vấn đề lợi ích chung khi thành lập hội cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến, vì nhiều người cho rằng các hội đoàn địa phương đã có ở hầu hết các bang, các thành phố. Hầu như nơi nào đông người Việt cư trú là có hội và những hội này cũng hoạt động tốt, đáp ứng nguyện vọng của bà con ở đó. Vậy hội chung phải hoạt động như thế nào ? Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng các hội đoàn địa phương đã làm tốt công việc ở địa phương, nhưng chưa hội nào có tầm ảnh hưởng ở cấp bang hay Liên bang, không ai có thể đại diện cho cộng đồng ta ở Đức, chưa phát huy ảnh hưởng ra ngoài phạm vi địa phương; đa phần chỉ tập trung vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ lạt mà chưa có những chương trình dài hơi, như vấn đề hội nhập của những người sang đoàn tụ, nhất là phụ nữ và trẻ em, học tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam cho thế hệ thứ hai, thứ ba, vấn đề tư vấn pháp luật, hợp tác kinh tế và hỗ trợ gia đình, thân nhân ở trong nước v.v. Bên cạnh đó, nếu có một hội chung thì kinh nghiệm, thông tin của các hội cũng sẽ được kịp thời phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, giúp hoạt động của các hội địa phương hiệu quả hơn.


- Nhiều ý kiến cũng quan tâm đến vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức như thế nào trong việc thành lập và hoạt động của hội Liên bang ? Có ý kiến phân vân về vai trò „bảo trợ“ của ĐSQ như nêu trong dự thảo Đề án của Nhóm làm việc vì như vậy có vẻ làm cho hội thiếu tính độc lập hay tạo cảm giác là ĐSQ can thiệp sâu vào công việc của cộng đồng. Ngược lại có nhiều ý kiến lại cho rằng vai trò bảo trợ của ĐSQ và TLSQ là cần thiết vì như vậy chỉ nâng cao uy tín của hội nói riêng và của cộng đồng nói chung trước chính quyền và nhân dân Đức. Không có hội nước ngoài nào ở Đức mà không nhận được sự hỗ trợ của cơ quan đại diện nước đó. Hội đặt mục tiêu gắn kết bà con ở Đức với trong nước thì con đường nào hiệu quả hơn con đường qua sự hỗ trợ của ĐSQ, TLSQ ? Ngoài ra trong bối cảnh hiện nay, hội đoàn nào có đủ uy tín, khả năng để đứng ra hiệu triệu, tập hợp bà con để thành lập một Hội của người Việt Nam trên toàn Liên bang?


- Vấn đề giành được sự quan tâm của nhiều hội đoàn là ai sẽ đứng ra gánh vác việc chung của Hội, một việc „ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng“ ở cấp Liên bang ? Nếu không có một số người tâm huyết đứng ra gánh vác thì việc thành lập hội là điều không thể. Nhưng người này bên cạnh tâm huyết với hoạt động cộng đồng phải là người có uy tín, có khả năng tập hợp bà con bên đông lẫn bên tây, bà con gốc bắc lẫn gốc nam và tất cả những người có nguồn gốc xuất thân và nghề nghiệp khác nhau.


Sau một ngày thảo luận sôi nổi và thẳng thắn, Tổng Lãnh sự Nguyễn Hữu Tráng cho rằng chỉ riêng sự có mặt đông đủ của đại diện các hội đoàn các địa phương trong khu vực lãnh sự và những đóng góp thẳng thắn, xây dựng đã chứng tỏ sự quan tâm của bà con đối với vấn đề liên quan đến tất cả cộng đồng, không chỉ ở đông hay tây Đức. Nhiều tổ chức, cá nhân do điều kiện khách quan không dự được cũng gửi ý kiến đóng góp. Cùng với các ý kiến khác trên báo mạng, báo viết của cộng đồng thì các ý kiến nêu trong cuộc gặp cũng cho thấy cộng đồng ta không hề hỡ hững với việc này. Vấn đề là cách tiếp cận và xử lý thông tin như thế nào.


Ông Tổng Lãnh sự cũng đề nghị Nhóm làm việc và các đại biểu lưu ý một số vấn đề sau đây:


- Trên các diễn đàn cũng như tại hai cuộc gặp (ở Berlin 26/12/2010 và tại Frankfurt am Main 02/4) đa số ý kiến đều nhận thấy sự cần thiết phải thành lập một hội chung của cộng đồng ta tại Đức. Bên cạnh chức năng đại diện cho cộng đồng trên bình diện Liên bang trong quan hệ với Nhà nước Đức và Việt Nam, Hội cần liên kết và bảo vệ quyền lợi chung, chính đáng của tất cả bà con, có những dự án thiết thực làm cho hoạt động của hội sau này có nội dung và hiệu quả. Tuy nhiên để đạt được sự đồng thuận rộng rãi hơn nữa và đến từng hội viên các hội cơ sở thì các hội ở địa phương phải trao đổi thẳng thắn và xây dựng với họ, thuyết phục họ về sự cần thiết của việc thành lập hội. Lắng nghe cả những ý kiến trái chiều để tìm đến sự đồng thuận cao. Việc này không ai làm thay cho các hội được.


- Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức chỉ đóng vai trò hỗ trợ để các hội trao đổi và tìm tiếng nói chung cũng như đồng hành với các hoạt động của Hội sau này, nếu được thành lập. Nhưng Đại sứ quán hay Tổng Lãnh sự quán không làm thay, không áp đặt, không can thiệp vào công việc của cộng đồng cũng như của Hội. Tuy nhiên cộng đồng cũng nên coi sự ủng hộ, hỗ trợ của cơ quan đại diện là điều kiện thuận lợi để vượt qua chính mình và đoàn kết trong một tổ chức chung là Hội người Việt Nam ở Cộng hòa Liên bang Đức.


- Các vấn đề kỹ thuật như thủ tục lập hội, triệu tập đại hội, nhân sự của hội, Điều lệ (Satzung) của hội v.v. là công việc nội bộ của bà con. Nhóm nghiên cứu hiện giờ đã được mở rộng, gồm cả đại diện bên đông và tây cần sớm hoàn thiện các báo cáo nghiên cứu, dự thảo Điều lệ để làm cơ sở trao đổi tại các địa phương, trên các diễn đàn (báo mạng và báo viết) và tại hội nghị trù bị. Các hội ở địa phương cũng cần tiến cử những người có tâm huyết, có điều kiện và khả năng đứng ra gánh vác công việc chung của Hội.


Cuộc gặp bắt đầu từ 10.00 giờ và kết thúc lúc 17.30 giờ ngày 02 tháng 4 năm 2011.


TỔNG LÃNH SỰ QUÁN VIỆT NAM TẠI FRANKFURT
Frankfurt am Main,
ngày 04 tháng 4 năm 2011

 

 


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.