Không chỉ thu hút người đối diện bởi vẻ ngoài xinh đẹp, Kiều Khanh còn tạo được ấn tượng cũng như thiện cảm khi đi cùng nhan sắc là tính cách hiền hòa, chân thành. Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Thế giới Người Việt 2010 không nói chuyện kiểu hoa mỹ mà rất gần gũi, luôn lắng nghe người khác.
Thế nhưng, ít ai biết được rằng, cô gái có đôi má lúm đồng tiền dễ thương, hay cười này hồi nhỏ lại mũi tẹt, trán dô, mắt bé liêu riêu, đi đâu cũng bị chê xấu. Những tâm sự của bà Phương - mẹ Kiều Khanh - về con gái sẽ dần hé lộ cho chúng ta tuổi thơ cũng như cuộc sống đời thường của Khanh, trong khi cô nàng ít dành thời gian chia sẻ, gặp gỡ và giao lưu với người hâm mộ.
Hồi nhỏ, đi đâu ai cũng chê xấu!
Kiều Khanh sinh ra ở Đức, là kết quả của một cuộc hôn nhân đầm ấm của cha mẹ cô là người Việt Nam sang Đức hợp tác lao động. Bà Phương - mẹ Kiều Khanh - kể thời có bầu Kiều Khanh, bà hâm mộ cô hoa hậu Đỗ Thị Kiều Khanh lúc đó đoạt vương miện Hoa hậu Áo dài báo Phụ Nữ TP.HCM 1989. Bà treo hình cô hoa hậu áo dài có gương mặt phúc hậu và nụ cười sáng bừng ấy khắp trong phòng của mình để mong sau này sinh được cô con gái có vẻ đẹp mơ ước ấy. Thật không may mắn, bà sinh ra cô con gái bé bỏng cũng đặt tên là Kiều Khanh nhưng không hề xinh đẹp lúc lọt lòng, chỉ được cái dễ nuôi.
“Tôi vẫn còn nhớ, quá trình mang thai Kiều Khanh quá vất vả. Tôi phải làm việc rất nhiều mà lại không ăn uống gì được cả, cứ ăn vào là bị nghén, nôn ra hết. Chỉ có thể ăn một thứ duy nhất là đậu cô-ve! Thế là tôi ăn đậu suốt 8 tháng và chỉ tăng được có hơn 7 ký.
Kiều Khanh được sinh non, chỉ mới ở trong bụng mẹ 8 tháng nhưng chào đời đã nặng 3 ký rưỡi. Trời thương, lúc trong bụng hành hạ mẹ bao nhiêu, thì ra đời, Khanh dễ nuôi dễ dạy bấy nhiêu. Tôi lấy tên hoa hậu đặt cho con gái, nhưng con mình sinh ra, mình thương thì thương thôi, chứ mang đi đâu, ai cũng chê xấu! Mũi tẹt, trán dô, mắt thì bé liêu riêu... Chỉ được cái dễ nuôi, không hề khóc bao giờ. Dễ ăn, lại dễ ngủ, ngủ một mạch đến sáng, không phiền ai. Tôi cho con bú nhưng sức yếu quá, lúc đó chỉ còn 39 ký nên Khanh được một tháng thì phải bú bình. Đến chừng 8 tháng thì tự dưng thay đổi, lại xinh ra! Hai tuổi, mũi bắt đầu cao lên, mắt to, tóc dài ra” - bà Phương kể.
Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống phương Bắc, vậy nên, dù được giáo dục và trưởng thành trong môi trường nước ngoài, Kiều Khanh vẫn giữ cho mình “vốn liếng” về văn hóa nước nhà, về những phong tục tập quán, thói quen ứng xử chừng mực và thân thiện.
Đặc biệt, tuổi thơ của Kiều Khanh ngập tràn những kỉ niệm đẹp đẽ với những câu chuyện cổ tích qua lời kể của mẹ, những vần thơ và bức tranh trong sách vở, qua những thông tin và những chuyến hành trình mà Khanh tự khám phá để trở về cội nguồn của dân tộc. Vốn liếng tiếng Việt của cô gái thích “nghe nhạc, hát và... làm bánh ngọt” cũng là một điều rất thú vị. Khanh cho biết, khi cô còn nhỏ là lúc bố mẹ mới sang Đức, do đó vốn tiếng Đức của bố mẹ cô cũng chưa thật sự tốt nên đã dạy cho cả hai chị em giao tiếp (Khanh có một em trai 11 tuổi) bằng tiếng Việt trước, sau đó mới học tiếng Đức.
Và hiện giờ, trong gia đình, khi nói chuyện, mọi người đều nói bằng tiếng Việt. Mẹ Khanh - bà Phương - chia sẻ một “chiến tích” của mình trong việc huấn luyện cô con gái học tiếng Việt là luôn viết lên giấy tên những đồ ăn mà cô con gái thích bằng tiếng Việt và “muốn ăn thì phải đọc được”. Còn bé nên rất sợ, vì vậy Kiều Khanh đã cố gắng học đọc thật tốt để không bị... chết đói. Kỉ niệm vui gần đây nhất về tiếng Việt của cô con gái làm mẹ bất ngờ là việc cô diễn đạt không chuẩn cụm từ “tưới cây” thành “cưới Tây”.
Học xa nên Kiều Khanh ở cùng với bạn, hai người có chăm sóc một số cây cảnh nhỏ. Khi về thăm nhà, hai người gọi điện nói chuyện với nhau, bạn nói rằng đã tưới cây cho Kiều Khanh rồi, Kiều Khanh lại diễn đạt lại thành: “Mẹ ơi, bạn cưới Tây cho con rồi!”, khiến mẹ bất ngờ, không hiểu bạn con mình lấy chồng cho con vào lúc nào.Khanh không có nhược điểm!
Trong mắt bà Phương, con gái Kiều Khanh hầu như không có nhược điểm. Bà bảo Khanh chỉ là cô gái xinh, ngoan, hiếu thảo, tốt bụng như nhiều cô gái khác thôi. Khanh có vẻ đẹp ngoại hình và tư tưởng rất Việt Nam. Khanh có tâm hồn trong sáng, hướng thiện, biết yêu thương và tôn trọng người khác. Bà Phương bảo cho con gái đi thi hoa hậu tại Việt Nam, cũng là vì trong tương lai gần, Khanh sẽ về Việt Nam sống và làm việc. Thi thố cũng là dịp để cháu thử sức, cọ xát với cuộc sống xung quanh.
“Một phần, về phía cá nhân tôi, làm mẹ mà có con gái đẹp, ai mà không muốn có dịp “khoe con” một chút? Nhưng tôi nghĩ, con mình thì mình đánh giá cao vậy thôi. Còn thực tế thì khả năng của cháu cũng còn giới hạn bởi nhiều yếu tố. Chính Kiều Khanh cũng tự lượng sức mình, thì làm mẹ cũng không nên tham lam. Nếu mình biết điểm dừng, thì mình còn có cơ hội trau dồi, học hỏi tốt hơn và sẽ còn toả sáng từ điểm dừng đó” - bà Phương chia sẻ.
Trong nhiều kỉ niệm từ thuở nhỏ của Kiều Khanh, bà Phương kể lại hồi 3 tuổi, Kiều Khanh có tính hay “làm lơ” để không phải làm theo lời mẹ. Ví dụ, mẹ sai “đứng lên lấy áo đi con”, nói rất lớn, Kiều Khanh nghe thấy nhưng đang mải chơi, luôn “làm lơ” để không phải làm. Nhưng nếu mẹ ghé gần tai nói nhẹ “chắc phải lấy cái roi” thì lập tức, cô con gái sẽ lật đật đi làm ngay việc mẹ cần. Một lần, mẹ Kiều Khanh đã vô cùng xúc động khi nhận được món quà sinh nhật bất ngờ từ hai đứa con của mình.
Sinh nhật vào tháng 3, cũng là lúc ở Đức thời tiết rất lạnh. Khi đi làm về, vừa bước vào nhà, bà thấy hai con đứng trước cửa, con trai cầm bó hoa, một loài hoa giống hoa phăng-sê nhưng bị vùi trong tuyết ở ngoài vườn và phải bới lên mới ngắt được, còn Kiều Khanh thì gảy đàn guitar, hai chị em hát tặng mẹ bài hát sinh nhật. Bà nói rằng, mình suýt khóc với món quà đặc biệt và ý nghĩa này.
Một lần khác, cũng vào một ngày rất lạnh, hai chị em lại kéo nhau ra ngoài đắp hình ông già tuyết và đắp rất cao, khiến mẹ đi làm về “tưởng là ma”, nhưng rốt cuộc, dù được chơi thỏa thích nhưng em trai cô lại bị viêm họng do ở ngoài trời lạnh. Hai chị em đã bị mẹ “mắng vốn” để lần sau không được mang em ra trời lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe. Kiều Khanh và em trai, dù cách nhau 10 tuổi, nhưng ở trong nhà luôn là những người bạn rất thân thiết và yêu thương lẫn nhau. “Chuyện gì chúng nó cũng kể cho nhau nghe được, có khi chúng nó leo lên giường, không biết nói những gì, nhưng nói chuyện hàng giờ đồng hồ mới ngủ” - bà Phương chia sẻ.
Mẹ Kiều Khanh là một người rất nhanh nhẹn và linh hoạt. Chính vì hiểu được những khó khăn của những người con sinh ra trong một đất nước khác, nên bà luôn ý thức giữ gìn và dạy con cái những nếp sống, nếp nghĩ và sinh hoạt truyền thống của người Việt Nam. Từ nhỏ, bà luôn nhắc nhở con gái biết nhận thức, “con là người Việt Nam, con gái Việt Nam, nên từ cách ăn cơm thì phải như thế nào, cầm đũa bát ra sao đều phải học”.
Những phong tục, tập quán cổ truyền cũng được gia đình giáo dục cho cả hai chị em, để dù sống ở Đức, nhưng ngoài cách sống chủ động, tự lập của trẻ em phương Tây, luôn tạo được nếp sống hiền hòa, thân thiện của người Việt Nam. Được giáo dục hoàn toàn là một cô gái Việt thấm đẫm văn hóa Á Đông, Kiều Khanh vẫn giữ được nét mặt rất phụ nữ Việt Nam, không chút lai tạp. Khanh không chỉ học giỏi ở trường mà vẫn phụ cha mẹ quán xuyến công việc ở nhà, chăm sóc em trai nhỏ bé.
“Nó chăm em trai như chăm con vậy” - bà Phương kể. Và đặc biệt, Khanh quan tâm đến giá trị “gìn vàng giữ ngọc” của người con gái Việt Nam. Khanh bảo với mẹ: “Mẹ ơi, Việt Nam mình có truyền thống giữ gìn sự trong trắng trước hôn nhân đẹp như vậy, sao mình không giữ mà lại để mất đi. Con mong rằng con sẽ giữ gìn được!”. Có lẽ vì thế mà bà Phương khẳng định mình rất yên tâm về cô con gái mới đang ngấp nghé tuổi đôi mươi nhưng đã có nhiều suy nghĩ chín chắn, sâu sắc.Kiều Khanh và gia đình đã định cư ở Đức gần 20 năm nay. Vì chính phủ Đức không cho phép một người có hai quốc tịch, nên cả gia đình vẫn quyết định giữ quốc tịch Việt Nam. Người đẹp cho biết, nếu vào đại học mà không có quá nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp, cô sẽ vẫn duy trì quốc tịch của mình, vì đó là niềm tự hào của gia đình.
“Ở nơi em đang định cư, không có nhiều người Việt Nam sinh sống, nên em thường nói chuyện, chat với những người bạn mà em quen biết ở trong nước để trau dồi vốn tiếng Việt. Thành phố nơi em đang ở khá nhỏ bé, các bạn trẻ khi lớn lên đều đi xa để lập nghiệp. Em cũng sẽ phải đi qua thành phố khác, nhưng em đã chọn một thành phố gần để có thể dễ dàng về nhà thăm bố mẹ và em trai” - Kiều Khanh bày tỏ.
Từ ngày đăng quang, Kiều Khanh thường xuyên nhận được nhiều thư từ hâm mộ, làm quen của các bạn bè khắp nơi gửi về... Nhưng bước chân về nhà, Khanh vẫn là cô con gái ngoan, hết lòng hiếu thảo, lễ phép với cha mẹ và mọi người xung quanh. Bà Phương bảo Khanh đặc biệt hiếu thảo với cha mẹ. Bà không cần nhắc nhở gì thì Khanh cũng luôn dành tất cả những gì tốt nhất cho vợ chồng bà.
Bà Phương kể: “Tôi vẫn luôn cảm động, vì từ bé Khanh đã biết dọn cơm thì dành món gì ngon để riêng cho cha mẹ đi làm về mệt, có bữa ăn ngon và sạch sẽ. Tôi mừng vì con gái mình ngoan ngoãn, dễ dạy. Tôi dạy điều gì Khanh cũng tiếp thu, cái gì không đúng ý thì Khanh cũng không cãi, mà cứ lẳng lặng thuyết phục tôi từng ngày, từng ngày đến khi nào tôi xuôi thì thôi. Bây giờ, có thể coi như cháu đã lớn, cũng có vị trí xã hội nên thầm mong cháu vững vàng, tôi giúp được gì thì tốt chừng đó. Khanh chơi với bạn thì thật thà và chiều chuộng bạn hết mình. Bạn bè cũng yêu quý Khanh, khiến tôi cũng yên tâm. Tôi cố gắng dạy cháu ý tứ, giữ gìn truyền thống, Khanh tiếp thu một cách phấn khởi, đầy ủng hộ. Tôi không hề ép hay la mắng, tất cả là Khanh tự ý thức, tự giữ gìn. Tôi nghĩ có con gái như cháu, tôi đã quá may mắn rồi”.
- Kim Kim, Phunutoday
Hoa hậu Kiều Khanh từ vịt hóa thiên nga như thế nào?
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc
Bình luận
luồng RSS cho bình luận của trang này