feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Ngoài những giá trị hấp thụ từ xã hội Đức, tinh thần Việt Nam vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng để một thế hệ thứ hai có thể phát huy tốt nhất những lợi thế từ hai nền văn hóa, với những giá trị truyền thống Việt Nam được gìn giữ.

d
Vũ Thu Hương và hai con trai trong ngày tốt nghiệp trung học của Mai Vũ Sơn Hà. Ảnh: Haschi
Tôi luôn nhắc các cháu về ý nghĩa của ngày tết, về sự sum họp của gia đình, và lấy ví dụ ngày Giáng sinh của người Đức để các cháu dễ hình dung“ – Vũ Thu Hương, 42 tuổi, một phụ nữ Việt Nam sống ở Berlin cùng chồng và hai con, thổ lộ. Đón nhận văn hóa bản xứ và không quên những nét truyền thống của quê hương, bằng cách đó, vợ chồng chị cố gắng truyền thụ lại những tinh hoa trong nếp nhà người Việt cho hai cậu con trai của mình, đều sinh ra và lớn lên trên nước Đức. Ngày tết cổ truyền của gia đình chị luôn có mâm quả, bánh chưng, cành mai hay cành đào, dâng lễ tổ tiên và phong tục mừng tuổi để lưu giữ ký ức về quê nhà.

Gia đình chị Hương là một ví dụ cụ thể nhất đại diện cho cộng đồng người Việt gồm khoảng 100.000 người hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức, sau một lịch sử di dân ngắn ngủi chỉ thực sự bắt đầu từ thập kỷ 1970. Trong gia đình đó, ngoài những giá trị hấp thụ từ xã hội Đức, tinh thần Việt Nam vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng để một thế hệ thứ hai có thể phát huy tốt nhất những lợi thế từ hai nền văn hóa, với những giá trị truyền thống Việt Nam được gìn giữ. “Tôi mừng nhất là cháu nó ngoài tính cách tự lập còn biết quan tâm chăm sóc đến gia đình và quý trọng cha mẹ.“ – chị Hương thổ lộ về người con trai lớn 19 tuổi.

 

Khi ở tầm tuổi ấy, cô gái Hà Nội từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo với giấy gọi nhập học Cao đẳng Sư phạm để đến Cộng hòa Dân chủ Đức theo diện hợp tác lao động, như bao thanh niên khác cùng thế hệ, mà con số ước tính khoảng 60.000 người cho đến năm 1989. Chị gặp gỡ người bạn đời cùng quê ở nơi đất khách trong một dịp họp đồng hương nhân ngày Tết cổ truyền. Sau khi nước Đức thống nhất, họ quyết định ở lại tìm kế sinh nhai, trong một tình thế không dễ dàng khi chính nước Đức còn đang phải đối mặt với những khó khăn ở thời điểm mới sáp nhập. Nhưng họ đã vượt qua, và nay có thể tự hào với những cố gắng hơn hai chục năm gầy dựng cuộc sống ở nơi xa tổ quốc.

Câu chuyện của Trang Ly – một người Hà Nội cùng thế hệ khác – có nhiều điểm tương đồng. Chỉ khác ở chỗ, chị Trang Ly một mình nuôi dạy ba đứa con, tất cả nhờ tiệm càphê hoa cùng tên nổi tiếng ở khu vực tập trung đông dân thuộc ngành sáng tạo của Berlin – Prenzlauer Berg. Một phụ nữ đẹp, lúc nào cũng duyên dáng nụ cười tươi và sự hồn hậu chân thành, đã kết hợp sự khéo léo và chịu khó của người Việt trong nghề hoa – ngành kinh doanh cá thể ở Berlin hiện hầu như nằm chủ đạo trong tay người Việt, với sự tinh tế và quyến rũ của thứ càphê thơm ngon mang thương hiệu Việt. Càphê hoa, nét độc đáo này đã giúp cho tiệm của chị được giới thiệu trên một số tạp chí về phong cách sống của thủ đô Berlin. “Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi chính là những đứa con“ – chị Trang Ly chia sẻ.
d
Nam công nhân Việt Nam và nữ công nhân Cuba tại một xưởng đóng giày ở Erfurt năm 1989. Ảnh: Heinz Himdorf
Sống vì người khác, đặc biệt cho thế hệ sau mình, là đặc điểm chung của hầu hết những người Việt thế hệ thứ nhất ở nước Đức. Sự hy sinh này cũng có những mặt trái, chẳng hạn như làm việc quên mình, thiếu quan tâm đến sức khỏe bản thân, không có hoặc rất ít ngày nghỉ đã dẫn đến những hậu quả khó lường cả về mặt tinh thần và hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên, cũng nhờ chính điều đó, người Việt ở Đức hiện đang được đánh giá là cộng đồng thành công nhất trong quá trình hòa nhập ở nơi sinh sống. Những con số biết nói như trên 50% số học sinh con em người Việt vào được trường Gymnasium – hệ thống trường trung học cao cấp nhất của Đức để dẫn tới bậc đại học – so với 35% người bản xứ đã giúp cho cộng đồng người Việt - vốn sống khá khép kín và không phô trương - bỗng dưng được chú ý đặc biệt trong cuộc tranh luận về mức độ hòa nhập của người di dân ở Đức.

Dù là cộng đồng người Châu Á lớn nhất tại đây và sống rải rác ở các thành phố lớn từ Đông sang Tây, con số thống kê 85.000 người mang quốc tịch Việt Nam (cuối năm 2009) cùng với ước tính khoảng 15.000 đến 35.000 người đã nhập tịch Đức cũng không thấm tháp gì so với 3 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, sự kiện ông Philipp Roesler - vị bộ trưởng gốc nước ngoài đầu tiên và trẻ nhất của nội các Đức được xướng danh vào tháng 10.2009 gây ngạc nhiên bởi một gương mặt đặc trưng Châu Á – ông là trẻ mồ côi sinh ra tại Sóc Trăng, được cha mẹ người Đức nhận về nuôi khi mới 9 tháng tuổi.

 

Mai Vũ Sơn Hà – con trai lớn của chị Hương - vừa vào đại học. Hà nói tiếng Việt rất sõi, tuy rằng tiếng Đức là ngôn ngữ anh sử dụng thành thạo nhất. Chỉ học tiếng Việt qua trao đổi với cha mẹ trong gia đình và những người thân, Hà hy vọng sẽ trở thành một nhân viên ngân hàng và sử dụng được lợi thế ngôn ngữ của mình so với các bạn bản xứ.

Học ngành gì và tương lai của mình ở đâu là một quyết định không dễ dàng với phần lớn các chàng trai cô gái cùng thế hệ Hà. Theo tập quán người bản xứ, một công dân đủ 18 tuổi tự quyết định số phận của chính mình. Tuy vậy, cha mẹ người Việt thường quan tâm kỹ càng hơn theo cách muốn được can dự vào việc quyết định tương lai con cái, điều họ đã luôn làm khi tập trung đầu tư giáo dục cho con ở bậc phổ thông. Điều này có thể dẫn đến bất đồng thế hệ, và để có quyết định độc lập được như trường hợp của Hà, cậu đã phải trải qua một quá trình đấu tranh. “Nhưng tôi luôn ngưỡng mộ sự hy sinh của cha mẹ và biết ơn những gì họ đã làm cho tôi" – Hà cho biết.

Giáo dục con cái coi trọng giá trị của lao động và học tập, sự chăm chỉ và cố gắng không ngừng nghỉ là nét truyền thống được tôn vinh và giữ gìn trong các gia đình Việt Nam ở Đức, nhưng có lẽ nó cũng đang diễn ra ở khắp nơi trên toàn cầu, bất cứ nơi đâu có người Việt sinh sống. Bởi “Có gì đâu, có gì đâu/Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều/Rễ siêng không ngại đất nghèo/Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù" (Tre Việt Nam – Nguyễn Duy). Riêng ở nước Đức, tinh thần giản dị “có gì đâu, Việt Nam!" ấy đang được mang ra làm tấm gương về sự hòa nhập, đồng thời làm phong phú bản sắc văn hóa cho đất nước bản địa.

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.