feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Ba tháng sau khi xảy ra sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), Chính phủ Ðức quyết định từ giã năng lượng hạt nhân.

Hôm thứ Hai 29-5 Bộ trưởng Môi trường Đức Norbert Röttgen cho biết, hai đảng cầm quyền Dân chủ Thiên chúa (CDU) và Dân chủ Tự do (FDP) đã thỏa thuận, từng bước một, đến năm 2021 sẽ cho tắt phần lớn các nhà máy điện hạt nhân, chỉ giữ lại ba nhà máy mới đến năm 2022, cho trường hợp kinh tế Ðức phát triển không đủ năng lượng như dự tính.

Quyết định của chính phủ Ðức chủ yếu dựa vào đề nghị của Hội đồng Luân lý (Ethikkommission), gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đạo đức... do chính phủ bổ nhiệm. Thủ tướng Angela Merkel cho rằng “Con đường này là một thách thức lớn đối với nước Ðức, nhưng đồng thời cũng mang lại cho thế hệ sắp đến một cơ hội to lớn”. Theo Bộ trưởng Norbert Röttgen, đây là một quyết định “vững chắc, hợp lý và không thay đổi”.

Fukushima, yếu tố duy nhất?

Thật ra quyết định ngưng sử dụng điện hạt nhân đã được Chính phủ Ðức do đảng Dân chủ Xã hội (SPD) liên hiệp với đảng Xanh (B90&Grüne) đưa ra trước đây, nhưng vào cuối năm qua chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Merkel, dưới áp lực của các tập đoàn sản xuất năng lượng hạt nhân, đã thay đổi lập trường và cho phép các nhà máy điện hạt nhân tiếp tục hoạt động, tùy điều kiện mà kéo dài thời hạn, thêm trung bình 12 năm, đến năm 2036. Sự thay đổi lập trường này mang đến cho các tập đoàn khoảng một triệu euro lợi nhuận mỗi ngày.

Hai đảng cầm quyền CDU và FDP được xem là các đảng chính trị đứng về phía tập đoàn sản xuất điện hạt nhân. Vì vậy đối với nhiều người, công bố của chính phủ Merkel vào thứ Hai vừa qua về ngưng sử dụng điện hạt nhân là một sự kiện bất ngờ. Nhiều chuyên gia cho rằng, lý do thay đổi đó chính là sự cố xảy ra tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima và yếu tố bầu cử tại các tiểu bang Ðức vừa qua. Trong các cuộc bầu cử này số phiếu thuận cho CDU và FDP đã giảm rõ rệt. Tại một vài tiểu bang đảng FDP đã không còn đại diện trong quốc hội. Theo cuộc thăm dò mới đây của đài truyền hình Ðức ARD, số người đồng ý, Ðức ngưng dùng điện hạt nhân hiện nay là 71%.

Ảnh hưởng đến kinh tế?

Tuy nhiên việc thay đổi chính sách năng lượng của một nước kỹ nghệ hàng đầu không dễ dàng. Ðức cần phải vượt qua nhiều yếu tố kỹ thuật và kinh tế. Trong số 17 nhà máy điện hạt nhân hiện nay có bảy nhà máy điện hạt nhân cũ nhất đã tạm ngưng hoạt động và một nhà máy điện Krümmel, vùng bắc Đức, bị trục trặc kỹ thuật. Theo dự tính của Chính phủ Ðức các nhà máy này sẽ ngưng hoạt động hẳn. Sáu trong số chín nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động sẽ bị đóng cửa trước năm 2021 hay sớm hơn nữa và ba nhà máy mới xây dựng được giữ lại để dự phòng trường hợp thiếu năng lượng và cuối cùng sẽ cho ngưng hoạt động vào cuối năm 2022.

Hiện nay điện hạt nhân chiếm 22,6% tổng lượng điện sản xuất tại CHLB Ðức. Ðiện xuất phát từ các năng lượng hóa thạch (than, dầu...) chiếm 60,3% và điện từ các loại năng lượng tái tạo (gió, nước...) là 16,9% (xem bảng).

Theo dự tính của các chuyên gia, đến năm 2020 phần lớn số lượng điện hạt nhân sẽ được thay thế bằng điện tái tạo, chủ yếu từ năng lượng gió. Một phần năng lượng thiếu hụt sẽ được bù đắp do tiết kiệm điện. Ðến năm 2030 Ðức sẽ hoàn toàn không còn điện hạt nhân và điện xuất phát từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 60% tổng số điện sản xuất tại Ðức.

Quan trọng hơn thời điểm quyết định ngưng dùng điện hạt nhân là việc xây dựng thành công các nhà máy sản xuất điện tái tạo để bù đắp. Stefan Lechtenböhmer của Viện “Wuppertal Institut về khí quyển, môi trường và năng lượng” cho rằng, Ðức hoàn toàn có khả năng ngưng sử dụng điện hạt nhân mà không bị ảnh hưởng xấu đến kinh tế.

Theo ông hiện nay các nhà máy điện hạt nhân của Ðức sản xuất khoảng 20 gigawatt, trong đó 10 gigawatt dư thừa không cần đến. 5% gigawatt đang xây dựng và 5% còn lại đang được chuẩn bị. Trong thập niên qua Ðức đã tăng cường sử dụng điện từ năng lượng tái tạo, đặc biệt là phong điện và hiện nay đã trở thành một quốc gia có kỹ thuật hiện đại trong việc sản xuất nhà máy điện sử dụng năng lượng gió và các thiết bị sử dụng trong nhà tiết kiệm điện.

Franz Fehrenbach, Tổng giám đốc của tập đoàn Robert Bosch, cho rằng giá điện tăng có thể tạo ra nhiều ý tưởng hay và kỹ thuật mới làm giảm tiêu thụ năng lượng. Theo ông kỹ thuật phát triển thiết bị tiết kiệm năng lượng sẽ có một tương lai rực rỡ. Sử dụng năng lượng hạt nhân phục vụ đời sống là một ý tưởng đẹp của những năm 1960, nhưng sự cố ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima cho thấy, năng lượng hạt nhân là một công nghệ mà con người không thể làm chủ hoàn toàn, luôn còn dư lại một rủi ro và rủi ro này có thể làm chết người và gây tác hại lâu dài, không khắc phục nổi cả cho con người và môi trường sống.

Vì vậy chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân là con đường thuận lợi nhất. Việc Chính phủ Ðức, một nước công nghiệp hàng đầu, quyết định giã từ năng lượng hạt nhân là một tiếng chuông cảnh tỉnh, có thể sẽ là mô hình cho nhiều nước trên thế giới, sử dụng năng lượng tái tạo, hòa hợp với thiên nhiên và không trút gánh nặng lên vai của thế hệ kế tiếp.

  • Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.