feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Trong đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC) Đức có hai vận động viên (VĐV) nhập cư mang dòng máu Việt là Marcel Nguyễn và Kim Bùi. Chuẩn bị cho Olympic London 2012, cả hai có điểm chung duy nhất: đây là cơ hội cuối cùng để họ bước lên đỉnh vinh quang.

Không thể buông xuôi

Bốn năm trước, Bùi Kim Ngân bị loại ở vòng tuyển chọn VĐV Đức dự Olympic Bắc Kinh 2008, nhưng sau đó cô gái chưa đầy 20 tuổi này vẫn đến được Bắc Kinh bằng suất dự khuyết của đội. Bốn năm sau, cô chính thức có vé đến Olympic London khi đã là nhà vô địch nước Đức.

Có bố là người Lào và mẹ là người Việt, Bùi Kim Ngân (đồng đội và báo chí Đức gọi cô bằng cái tên ngắn gọn Kim Bùi) sinh ra ở Đức. Có lẽ, tinh thần kỷ luật của người Đức, sự cần mẫn của dân tộc Lào và tính kiên trì, chịu đựng của dân tộc Việt tạo nên một Kim Bùi xuất sắc trong môn TDDC.

 

Marcel Nguyễn

Kim Bùi

“Tôi thực sự đam mê môn thể thao này, tại sao tôi lại bỏ cuộc khi mới thất bại ở rào cản đầu tiên trong đời?”, Kim Bùi nói sau khi trở về từ Bắc Kinh mà không có cơ hội được thi đấu thật sự. Cô tiếp tục tập luyện với nỗ lực gấp đôi. Cô khẳng định: “Khi nào vẫn còn hứng thú với môn TDDC thì tôi còn có mặt ở các giải đấu”. Nỗ lực của Kim Bùi được các huấn luyện viên (HLV) ghi nhận. Cô liên tục có mặt tại các giải lớn và bắt đầu gặt hái thành tích quốc tế, đầu tiên là ba chiếc huy chương (HC) tại Cúp Thế giới tổ chức vào mùa hè năm 2009. Đó cũng là thời điểm Kim Bùi dự định ghi tên vào đại học (ĐH) nhưng khát vọng được một lần thi đấu chính thức ở Olympic khiến cô phải phân vân. Vào giảng đường có nghĩa là phải san sẻ thời gian với sân tập. Cô hỏi ý kiến bố mẹ, câu trả lời của cả hai là “Con cứ làm điều gì con thích nhất”. Câu trả lời này khiến Kim Bùi càng thêm do dự. Cô biết trong thâm tâm bố mẹ muốn mình vào ĐH, nhất là sau lần cô chấn thương cổ chân nặng đến mức phải nghỉ tập đến sáu tháng. Nhưng, TDDC đã trở thành niềm đam mê không thể dứt của cô. Cô ghi tên vào Khoa Sinh Trường ĐH Stuttgart, nhưng vẫn tiếp tục tập luyện cùng đội tuyển quốc gia.

Mọi việc trở nên khó khăn hơn vì Kim Bùi phải tập luyện từ 28 đến 30 giờ mỗi tuần. Với suy nghĩ “không thể kết thúc sự nghiệp thể thao mà chưa một lần được thi đấu ở Olympic”, cô cố gắng tìm cách thu xếp cho vẹn đôi đường. Tìm được một học bổng, Kim Bùi có thêm thuận lợi trong việc học: “Với khoản học bổng này, tôi có thể mua thêm nhiều sách tham khảo để sau mỗi buổi tập tôi học từ sách mà không nhất thiết ngày nào cũng đến giảng đường”.

Kim Bùi không khi nào tạo sức ép quá lớn lên chính mình, đó là yếu tố dẫn đến việc khi nào cô cũng thi đấu đúng sức. “Trước mỗi giải đấu, tôi không hề đặt ra mục tiêu đặc biệt nào. Tôi chỉ muốn thể hiện phong độ ổn định và chuyển những gì đã thu hoạch được từ những buổi tập thành kết quả trên sàn đấu”, Kim Bùi nói. Cũng chính điều đó đã giúp cô có được sự yêu mến của đồng đội, đặc biệt là những người có thành tích cao hơn cô hoặc nhiều tuổi hơn. Họ sẵn sàng chia sẻ với cô những kinh nghiệm và cách ứng phó không chỉ trong sự nghiệp mà còn cả trong đời thường. Điều đó giúp Kim Bùi không ít trong việc nâng cao trình độ.

Gần 23 tuổi, Kim Bùi biết là mình sắp đến lúc phải dừng thi đấu. Ở tuổi này, cô trở thành một trong những người lớn tuổi nhất đội tuyển. Xà lệch và thể dục nghệ thuật là hai nội dung Kim Bùi sẽ tranh tài với các VĐV khác tại kỳ Olympic này. Bây giờ hoặc không bao giờ, Olympic London 2012 là cơ hội cuối cùng để cô có thể tìm một chiếc HC ở sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này.

Kim Bùi trên sàn đấu thể dục dụng cụ

Marcel Nguyễn thi đấu nội dung vòng treo
 

Thời gian không dừng lại

Khi Marcel Nguyễn chấn thương sau một động tác tiếp đất ở giải vô địch châu Âu năm 2010, một tờ báo ở Đức đã dùng cái tít “Thế là hết!” để nói về cơ may của đội tuyển Đức ở giải thế giới tổ chức ở Rotterdam vài tháng sau đó. Đối với ban huấn luyện đội tuyển Đức, sự vắng mặt của Marcel Nguyễn là một đòn giáng mạnh vào hy vọng đoạt thứ hạng cao của đội ở giải này, bởi trước đó, họ đang hy vọng sẽ tranh chấp những thứ hạng cao nhất với Nhật và Trung Quốc. Chấn thương của Marcel Nguyễn gần như biến điều đó trở thành vô vọng. Trước khi chấn thương, Marcel Nguyễn từng đoạt HC vàng đồng đội lần đầu tiên trong lịch sử dự giải vô địch châu Âu và chiếc HC đồng cá nhân môn xà lệch.

Với các thành tích đó, không ai ngạc nhiên khi Marcel Nguyễn được đưa vào danh sách đội tuyển TDDC Đức dự Olympic 2012. Trong buổi họp báo chính thức công bố danh sách đội tuyển, người phụ trách truyền thông của Liên đoàn Thể dục Đức phải rất khó khăn để phát âm cho đúng tên đầy đủ của Marcel. Có cha là một người Việt và mẹ là người Đức, tên đầy đủ trong khai sinh của anh là Marcel Nguyễn Văn Minh Phúc Long. Do vậy cũng dễ thông cảm khi ngay cả trong những buổi lễ chính thức, ai cũng gọi anh bằng cái tên ngắn gọn Marcel Nguyễn.

Bắt đầu tập TDDC từ khi bảy tuổi, Marcel Nguyễn đã có 18 năm gắn bó với môn thể thao này. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, anh nói: “Khi nhìn lại, tôi không thể nghĩ mình đã gắn bó với môn TDDC lâu đến thế”. Chấn thương là điều không VĐV TDDC nào tránh khỏi. Vấn đề chỉ là sau những lần chấn thương, VĐV ấy có còn đủ can đảm để trở lại sân tập hay không. Với Marcel Nguyễn, đó là câu hỏi không cần đặt ra. “Tôi còn nhiều mục tiêu trước mắt, nhưng khi nào đôi tay tôi vẫn còn đủ mạnh để chạm đến xà hay vòng treo thì tôi vẫn còn thi đấu”, anh nói.

Cũng như đồng đội và cũng có thể gọi là đồng hương Bùi Kim Ngân ở đội tuyển nữ, Marcel Nguyễn từng thi đấu Olympic Bắc Kinh 2008. Lúc đó, anh và đồng đội chỉ cay đắng đứng nhìn đối thủ bước lên bục HC khi đội Đức mất HC đồng vào tay đội Mỹ với cách biệt về điểm số chỉ trong gang tấc. Bốn năm đã qua, đội tuyển Đức giờ đã có nhiều kinh nghiệm thi đấu hơn, riêng Marcel Nguyễn cũng tự tin hơn sau chiến thắng ở các giải quốc tế, đặc biệt là ở giải vô địch châu Âu. Lần này sẽ khác, anh luôn nói với đồng đội như thế khi đội tuyển Đức chuẩn bị cho Olympic London 2012.

“Một con cá nhỏ cũng có thể làm nên một bữa tiệc lớn”, chàng trai gốc Việt đặc biệt ưa thích câu châm ngôn này. Tuy nhiên, cũng như Kim Bùi, Marcel Nguyễn biết thời gian không dừng lại để chờ ai, đặc biệt là trong lĩnh vực thể thao. Đến Olympic lần sau ở Rio de Janeiro, Marcel đã 27 tuổi, độ tuổi khó có thể hồi phục nhanh sau chấn thương. Bởi thế, mỗi khi gặp nhau tại các buổi tập của đội tuyển, Marcel Nguyễn và Kim Bùi lại siết chặt tay và nhắc nhau: “Bây giờ hoặc không bao giờ”.

  • THIỆN NGA, phunuonline.com.vn


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.