feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Dư luận thế giới tiếp tục quan tâm đặc biệt tới những biến động đang diễn ra tại Hy Lạp và Italia bởi 2 quốc gia này bị coi là "con nợ khủng" của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nhiều người nói rằng, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang bao trùm Hội nghị cấp cao APEC 2011 diễn ra tại thành phố Honolulu, bang Hawaii, Mỹ cuối tuần này.

Từ 2 con nợ khủng Hy Lạp và Italia

Ngày 11/11, chính phủ liên hiệp của tân Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos gồm 49 thành viên đã tuyên thệ nhậm chức. Các thành viên chính phủ đến từ 3 đảng: đảng Xã hội PASOK, đảng trung hữu Dân chủ mới và đảng cực hữu LAOS. Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos, người chịu trách nhiệm đàm phán với các chủ nợ của Hy Lạp vẫn được tham gia nội các và giữ nguyên chức vụ.

Thủ tướng Lucas Papademos tuyên bố, ưu tiên hàng đầu của chính phủ Liên hiệp là thực hiện thoả thuận tín dụng với Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, tân chính phủ ủng hộ gói cứu trợ trị giá 130 tỉ euro (khoảng 176 tỉ USD) kèm theo các yêu cầu của EU, tiến hành tổng tuyển cử sớm dự kiến diễn ra trong tháng 2/2012.

Thủ tướng Lucas Papademos khẳng định, với sự đoàn kết toàn dân, Hy Lạp sẽ thành công. Tuy nhiên, tại phiên họp đầu tiên diễn ra ngay sau khi tân chính phủ liên hiệp tuyên thệ nhậm chức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos đã cảnh báo về những khó khăn mà liên minh 3 đảng đang phải đối mặt.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chúc mừng tân Thủ tướng Lucas Papademos, trong đó cam kết Berlin và Paris sẽ đứng về phía Hy Lạp. Từng có tin nói rằng, các chủ nợ đang điều hành Hy Lạp. Việc Hy Lạp phải bán đấu giá 1 tỷ euro (1,38 tỷ USD) trái phiếu kho bạc kỳ hạn 26 tuần để tài trợ cho việc gia hạn đối với 2 tỷ euro (khoảng 2,75 tỷ USD) trái phiếu đáo hạn ngày 11/11 là minh chứng cho nhận định này.

Nhiều người coi nền kinh tế Hy Lạp èo uột nên khó cứu, nhưng liệu pháp shock kiểu Hy Lap vừa thực hiện khiến khu vực Eurozone choáng váng. Được biết, nhóm thanh tra của IMF, EU và ECB sẽ đến Hy Lạp đầu tuần tới để giám sát kết quả chương trình thắt lưng buộc bụng mà nước này đã cam kết để nhận cứu trợ.

Châu Âu mệt mỏi với những gì đang diễn ra tại Italia khi lãi suất trái phiếu của nước này tăng lên. Tuy là nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Eurozone, nhưng Italia lại là thị trường trái phiếu chính phủ lớn nhất khu vực này cùng khoản nợ tương đương 120% GDP.

Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos.

Lãi suất trái phiếu của Italia đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 85 điểm cơ bản kể từ cuối tháng 9 và chạm mức kỷ lục 6,4% vào ngày 4/11. Được biết, hiện nợ công của Italia lên tới 1.900 tỷ euro, gấp 2,7 lần nợ công của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, 3 nước đang nhận cứu trợ cộng lại.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo sẽ ngưng mua trái phiếu của chính phủ nếu Italia không thực hiện cải cách tài chính như đã hứa. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng, kế hoạch cải cách ngân sách hiện nay của Italia thiếu tin cậy. Bà Christine Lagarde cũng kêu gọi Hy Lạp và Italia phải minh bạch hơn nữa vấn đề chính trị trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng tồi tệ.

Được biết, ECB đã tích cực mua vào trái phiếu Italia trên thị trường để ngăn việc tăng chi phí vay của nước này, nhưng sự can thiệp kể trên chỉ giúp lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italia giảm từ 7,46% xuống 7,25%. Giới truyền thông cho rằng, việc Thượng và Hạ viện Italia thông qua dự thảo luật nhằm ổn định tình hình kinh tế đất nước, trong đó có các biện pháp chống khủng hoảng đã cam kết với lãnh đạo EU cho thấy nước này muốn thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để đổi lại các khoản trợ giúp tài chính.

Giới truyền thông đưa tin, Thủ tướng Silvio Berlusconi có thể từ chức vào cuối ngày 12/11 (theo giờ địa phương) để mở đường cho việc thành lập chính phủ lâm thời do cựu Ủy viên châu Âu Mario Monti đứng đầu. Được biết, tối 2/11, tuy chấp nhận cắt giảm ngân sách nhưng nội các Italia không thông qua việc công bố sắc lệnh thực hiện cải cách nên phải bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

Italia được coi là quốc gia bị khủng hoảng nợ công nặng nề nhất và EU liên tục yêu cầu chính phủ nước này phải tăng cường cắt giảm chi tiêu để khỏi lún sâu thêm vào cuộc khủng hoảng nợ công. Hơn 1 tháng trước (12/10), Tổng thống Italia Giorgio Napolitano từng nhấn mạnh, Thủ tướng và Chủ tịch Hạ viện phải có trách nhiệm đưa ra câu trả lời có thể tin tưởng về khả năng điều hành và đảm bảo việc thực hiện các biện pháp không thể trì hoãn.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi kế hoạch ngân sách lần đầu năm 2012 của liên minh trung hữu của Thủ tướng Silvio Berlusconi không được thông qua tại Hạ viện. Trước đó (24/10), Thủ tướng Silvio Berlusconi từng trấn an các đối tác châu Âu không nên lo ngại về núi nợ công của nước này. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từng tuyên bố, trường hợp của Italia khác hoàn toàn so với Hy Lạp và ông Silvio Berlusconi biết rõ sự nghi ngờ không nằm ở các biện pháp mà ở chỗ thực hiện các biện pháp ấy như thế nào.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Pháp, Thủ tướng Silvio Berlusconi đã chấp thuận để IMF giám sát các biện pháp tài chính của Italia cho dù từ chối đề xuất hỗ trợ tài chính của IMF. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Jose Manuel Barroso cho biết, EU sẽ tiến hành giám sát cẩn trọng sau khi phái đoàn EU đến Rome hôm 11/11.


Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Tính tới thời điểm hiện nay, chi phí đi vay của Italia cao kỷ lục, tới 6,06% cho trái phiếu kì hạn 10 năm so với mức 5,86% của 1 tháng trước đó. Đây cũng là mức lãi suất trái phiếu cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với Italia đang sụt giảm nghiêm trọng.

Italia cần phải trả khoảng 300 tỷ Euro (gần 420 tỷ USD), khoảng 16% trong tổng số nợ công trị giá 1.900 tỷ euro trong năm 2012. Tuy đưa ra mức lãi suất cao nhất, nhưng Italia chỉ bán được 7,9 tỉ euro trái phiếu thay vì 8,5 tỉ euro như dự kiến. Giới truyền thông từng đưa tin, khu vực Eurozone không có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Italia cho dù chi phí vay của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu đã tới mức bất ổn.

Cách đây không lâu Hãng Standard & Poor's từng hạ xếp hạng của 24 ngân hàng và tổ chức tài chính Italia do những căng thẳng trên thị trường và triển vọng tăng trưởng kinh tế thấp. Giới chuyên môn cho biết, với giá vàng 1.764 USD/ounce, lượng vàng Italia nắm giữ tính đến hết tháng 10 có giá trị khoảng 141 tỷ USD. Theo báo cáo tháng 10 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), lượng vàng nắm giữ của Ngân hàng Trung ương Italia hiện là 2.451,8 tấn, đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Đức và IMF.

Đến những cảnh báo

Ngày 11/11, IMF cảnh báo các nền kinh tế phát triển có thể quay trở lại suy thoái nếu giới hoạch định chính sách không hành động khẩn trương hơn nhằm nhất trí về các chính sách thúc đẩy tăng trưởng. IMF cho rằng, chính sách kém hiệu quả và rời rạc đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn, mất niềm tin và căng thẳng cao trên thị trường tài chính. IMF cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách khu vực Eurozone cần đưa ra bức tranh rõ ràng về giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nợ ở châu lục này.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde từng cảnh báo, nền kinh tế thế giới không những rơi vào giai đoạn nguy hiểm và không ổn định, mà còn đang trải qua cuộc khủng hoảng lòng tin tập thể và nếu không hành động tập thể khẩn cấp, thế giới có thể rơi vào vòng xoáy suy thoái, bất ổn định tài chính với tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao.

Bà Christine Lagarde cũng cho rằng, triển vọng của kinh tế thế giới đã xấu đi và sự yếu kém tại những nền kinh tế tiên tiến bắt đầu tác động đến cả những nền kinh tế mới nổi. Trước đó (3-11), Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde công bố chương trình giảm thiểu các nguy cơ đe dọa kinh tế toàn cầu. Chương trình này sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như cung cấp tư vấn chính sách và các giải pháp hợp tác để tăng cường ổn định kinh tế toàn cầu.

Bà Christine Lagarde nhấn mạnh, chương trình hành động mới của IMF phản ánh nhu cầu cấp bách phải dành ưu tiên cho việc hỗ trợ những phản ứng chống khủng hoảng mang lại hiệu quả. Chương trình mới của IMF sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như cung cấp tư vấn chính sách và các giải pháp hợp tác để tăng cường ổn định kinh tế toàn cầu.

Giới chuyên môn khá quan tâm tới tuyên bố của Giáo sư Carl Christian von Weizsacker: để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, châu Âu cần kích thích tăng trưởng chứ không phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng mối quan tâm của Pháp và Đức, trụ cột của EU cũng như khu vực Eurozone thực sự khiến dư luận không thể bàng quan.

Theo đó, Đức và Pháp đang thảo luận về cuộc cải cách triệt để của EU liên quan tới việc thiết lập một khu vực Eurozone nhỏ hơn và hòa nhập hơn. Giới truyền thông đưa tin, ngay tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ hôm 23/10, một số nhà lãnh đạo EU đã đề cập tới tương lai của khu vực Eurozone và nếu những chia rẽ này không được giải quyết, khu vực Eurozone chắc chắn sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ sau 12 năm hình thành.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đưa ra đề xuất về một châu Âu hai tốc độ, theo đó tốc độ tăng trưởng của 17 nước thành viên khu vực Eurozone luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của 27 quốc gia trong EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, cần thay đổi Hiệp ước EU do tình hình hiện nay quá bi đát, đòi hỏi phải có sự đột phá.

Trước đó, bà Angela Merkel từng tuyên bố, giải quyết khủng hoảng nợ khu vực Eurozone sẽ mất ít nhất 10 năm để hoàn thành và tất cả các quốc gia thành viên trong khu vực Eurozone đều phải tích cực làm việc để hoàn thành công việc của mình. Tuy nhiên, cũng có một số nhà kinh tế coi những gì châu Âu và một số tổ chức tài chính thế giới tiến hành thời gian qua tại khu vực Eurozone chỉ là nỗ lực mang tính chắp vá, không bài bản…

Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng là nỗi lo mới của khu vực Eurozone sau khi nước này bị Standard & Poor's hạ mức tín nhiệm tín dụng từ AA xuống AA- hôm 14-10. Tờ Le Figaro thậm chí còn cho rằng, cường quốc kinh tế thứ tư châu Âu còn lâu mới thoát khỏi vũng lầy nợ công.

Ngày 11/10, S&P thông báo hạ bậc tín nhiệm của 10 tổ chức tài chính Tây Ban Nha, trong đó có hai ngân hàng lớn nhất nước là Banco Santander và Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA). Tương tự, Fitch cũng cắt giảm xếp hạng tín nhiệm của 6 ngân hàng Tây Ban Nha sau khi hạ bậc tín nhiệm của nước này.

Dư luận khá bất ngờ khi Nga tuyên bố, sẵn sàng mua nợ của Chính phủ Tây Ban Nha nếu các nước thành viên khu vực Eurozone có chiến lược vượt qua cuộc khủng hoảng nợ. Nga hiện là nước có dự trữ ngoại tệ lớn thứ ba thế giới với tổng trị giá 517 tỷ USD. EU từng phê duyệt 6,5 tỷ USD hỗ trợ vốn cho 3 ngân hàng Tây Ban Nha là NCG Banco, Catalunya Banc và Unnim Banc.

Giới tài chính cho rằng, với 3.200 tỷ USD dự trữ ngoại hối, Trung Quốc thừa sức tài trợ cho quỹ EFSF, nhưng dư thừa tiền bạc không phải là lý do để Bắc Kinh cứu khu vực Eurozone. Trung Quốc nhiều lần bày tỏ, chỉ muốn bỏ tiền vào các khoản đầu tư an toàn.

Đầu tư vào trái phiếu chính phủ khác so với đầu tư vào những lĩnh vực cụ thể như nhà máy, cơ sở hạ tầng… Hơn nữa, thời gian gần đây Chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp để củng cố các ngân hàng trong nước, đối tượng bị nhiều nhà đầu tư lo sợ là đang hoạt động dựa trên những khoản nợ xấu.  

10 ngân hàng lớn, nhưng trong tình trạng ốm yếu nhất châu Âu. Thứ nhất là RBS (Royal Bank of Scotland) có trụ sở tại Edinburgh, Anh, vốn thiếu hụt: 19,42 tỷ euro, hệ số CAR: 6,2%. Tiếp đến là Deutsche Bank có trụ sở tại Frankfurt, Đức, vốn thiếu hụt: 13,58 tỷ euro, hệ số CAR: 6,3%; BNP Paribas có trụ sở tại Paris, Pháp, vốn thiếu hụt: 13,55 tỷ euro, hệ số CAR: 7,1%; Societe Generale có trụ sở tại Paris, Pháp, vốn thiếu hụt: 12,83 tỷ USD, hệ số CAR: 6,1%; Barclays có trụ sở tại London, Anh, vốn thiếu hụt: 12,78 tỷ euro, hệ số CAR: 7,1%; UniCredit có trụ sở tại Rome, Italia, vốn thiếu hụt: 11,96 tỷ euro; hệ số CAR: 6,6%; BPCE có trụ sở tại Paris, Pháp, vốn thiếu hụt: 12,61 tỷ euro; hệ số CAR: 6,5%; Commerzbank có trụ sở tại Frankfurt, Đức, vốn thiếu hụt: 11,32 tỷ euro, hệ số CAR: 5,4%; Bankia có trụ sở tại Madrid, Tây Ban Nha, vốn thiếu hụt: 7,75 tỷ euro, hệ số CAR: 5,4%. Cuối cùng là Ngân hàng Hy Lạp có trụ sở tại Athens, vốn thiếu hụt: 7,58 tỷ euro, hệ số CAR: -0,8%.

Sáng kiến đổi mới "Nhịp đập toàn cầu" ra đời sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 và được Liên hợp quốc thúc đẩy sẽ giúp lãnh đạo các nước trên thế giới nhận thức rõ tác động của khủng hoảng khi còn đang tiềm ẩn, giúp hành động kịp thời để hướng các tiến bộ phát triển đúng hướng, bảo vệ các thành tựu phát triển.

Sáng kiến này đóng vai trò như phòng thực nghiệm đổi mới, tập hợp các tri thức và kỹ năng từ bên trong cũng như bên ngoài Liên hợp quốc để các tiến bộ mới nhất trong khoa học dữ liệu và công nghệ có thể hỗ trợ các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách và phản ứng hiệu quả trước các tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Công cụ và công nghệ mới này sẽ bổ sung cho các hệ thống hiện hành đang được Liên hợp quốc sử dụng để giám sát khủng hoảng và theo dõi sự phát triển toàn cầu.


Hãng MF Global Holdings vừa sa thải toàn bộ nhân viên môi giới (1.066 người) sau 10 ngày nộp đơn xin bảo hộ phá sản bất chấp sự phản ứng của dư luận. Tính tới thời điểm này, MF Global Holdings là nạn nhân Mỹ lớn nhất của khủng hoảng nợ công châu Âu và cũng là vụ phá sản lớn thứ 7 về giá trị tài sản trong lịch sử nước Mỹ.

Hãng Standard & Poor's cho biết, một lỗi kỹ thuật không liên quan đến việc xếp hạng tín dụng Pháp là nguyên nhân của tin nhắn được gửi đi khiến thị trường biến động do thông báo "Pháp đã bị hạ xếp hạng". Việc hạ xếp hạng tín dụng AAA của Pháp đã ảnh hưởng tới xếp hạng của Quỹ EFSF đang hỗ trợ cho các nước thành viên của khu vực Eurozone như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin đã yêu cầu các nhà quản lý thị trường tại Pháp và châu Âu điều tra nguyên nhân và hậu quả của sai sót này

  • Nguyễn Thị Lân- Lê Trí Thiện, CAND


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.