feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Câu hỏi việc thông qua Hiệp ước ngân sách mới có giúp châu Âu tránh được những cuộc khủng hoảng vẫn còn đang ở phía trước.

Ngày 2/3/2012, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo 25 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã ký Hiệp ước ngân sách mới. Theo đó, các chính phủ phải thực thi ngân sách cân bằng thông qua “quy tắc vàng”.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tuyên bố, Hiệp ước ngân sách mới sẽ giúp củng cố sự liên kết nhằm mục tiêu tạo ra công ăn việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Âu. Ông nhấn mạnh rằng từ nay, về mặt kinh tế, EU đứng vững trên 2 trụ cột là liên minh tiền tệ và liên minh ngân sách.

EU đã thông qua Hiệp ước mới nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính

Liên minh tiền tệ

Năm 1992, Hiệp ước Maastricht đã quy định chung về chính sách tiền tệ cho các nước thành viên EU, đặc biệt là các nước trong Eurozone, theo đó tỷ lệ lãi suất phải được ấn định chung. Các thành viên Eurozone có quyền lập chương trình tài khóa riêng, nhưng không được quyền in tiền và các quyền liên quan đến điều hành tiền tệ, vì đó là đồng tiền “chung”.

Các thành viên EU phải tuân thủ quy định không được để thâm hụt ngân sách vượt quá 3% GDP quốc gia; nợ công không vượt quá 60%; và lạm phát không được phép vượt quá 1,5%/năm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng không có quyền cho vay trực tiếp đến chính phủ quốc gia thành viên, mà chỉ được phép cho vay gián tiếp qua hệ thống ngân hàng nước sở tại.

Tuy nhiên, về góc độ tài chính các nước thành viên Eurozone vẫn độc lập tương đối, bao gồm thu chi ngân sách và điều hành kinh tế vĩ mô, nhưng không có quyền thu hồi hoặc phát hành tiền tệ.

Cơ chế tài chính nêu trên đã loại trừ giải pháp truyền thống là in tiền, vì quyền này đã thuộc ECB. Tháng 11/2009, khi Hy Lạp tuyên bố thâm hụt tài chính 12,7% GDP, cao hơn 4 lần so với mức cho phép của Eurozone (3%). Hy Lạp đã bó tay và buộc phải xin cứu trợ để thanh toán khoản nợ đáo hạn 20 tỷ euro.

Tiếp theo là các nước Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy… cũng đứng trước nguy cơ khủng hoảng tín dụng, buộc ECB và IMF đã phải lần lượt đưa ra hai gói cứu trợ nhằm giúp các nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Liên minh ngân sách

Nhận rõ lỗ hổng về cơ chế tài chính, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels, 25/27 nước đã ký bản Hiệp ước mới, có tên gọi đầy đủ là Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế. Đây được coi là nền tảng để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài hai năm nay, dẫn tới các gói cứu trợ bắt buộc khổng lồ cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland.

Theo Hiệp ước, tất cả các nước EU phải tuân thủ “quy tắc vàng” kỷ luật ngân sách là thâm hụt cơ cấu ngân sách không được vượt quá 0,5% GDP. Đối với các nước có mức nợ công thấp, thâm hụt ngân sách không được vượt quá 1% GDP. Nợ của tất cả các nước EU không được vượt quá 60% GDP. Các nước có nợ công cao hơn 60% GDP (hiện có 24/27) phải giảm nợ tối thiểu 5% mỗi năm.

Tất cả các nước ký Hiệp ước này phải đưa quy định nói trên vào Hiến pháp và quá trình này sẽ do Toà án tư pháp châu Âu giám sát. Các nước chậm trễ trong việc sửa đổi Hiến pháp có thể bị phạt tới 0,1% GDP và khoản tiền này được chuyển vào Quỹ Bình ổn tài chính của EU.

EC sẽ theo dõi mức thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia. Nếu thâm hụt ngân sách của một nước trong năm vượt ngưỡng 3% GDP, một cơ chế điều chỉnh sẽ tự động vận hành, theo đó EC khuyến nghị nước này thực hiện một gói biện pháp bắt buộc để bình ổn tình hình.

Để Hiệp ước ngân sách mới chính thức có hiệu lực, trong những tháng tới, 25 nước EU đã ký Hiệp ước cần phải phê chuẩn văn kiện này. Hiện chỉ có Ireland tuyên bố sẽ đưa Hiệp ước ra trưng cầu ý dân. Dự kiến, các nước còn lại sẽ đưa ra Quốc hội để xem xét thông qua.

Ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu phát biểu: “Sự ràng buộc mạnh mẽ này… là vì tầm quan trọng của bản thân các khoản nợ và thâm hụt ngân sách”, “Nó giúp ngăn chặn một sự lặp lại của cuộc khủng hoảng nợ công”.

Cơ chế với hai công cụ

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Chúng tôi có hai công cụ. Một là Hiệp ước tài chính, và mặt khác là cơ chế cứu trợ thường trực của châu Âu (ESM). Cả hai được liên kết chặt chẽ với nhau. Điều đó có nghĩa rằng trong tương lai, chỉ có những nước hoàn thành các cam kết trong Hiệp ước tài chính mới đủ điều kiện để nhận được cơ chế hỗ trợ thường trực”.

Ông Van Rompuy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhà lãnh đạo EU trong việc vận động cử tri đồng thuận theo Hiệp ước này. “Bây giờ tất cả phải thuyết phục Quốc hội và cử tri nước mình về tầm quan trọng của Hiệp ước để đưa châu Âu trở về vùng an toàn”. Ông Van Rompuy nói với những người đứng đầu nhà nước và chính phủ châu Âu, “Tôi tin các bạn sẽ thành công”.

Tuy nhiên, cử tri Ireland đã từng bác bỏ luật mới của châu Âu trong cuộc trưng cầu trước đây. Nếu họ làm như vậy một lần nữa trong một cuộc bỏ phiếu dự kiến ​​vào tháng 6/2012, có thể phá hủy kế hoạch vay vốn trở lại của nước này trên thị trường trong năm nay bởi không có sự hỗ trợ của ESM, nước này vẫn đứng trước nguy cơ vỡ nợ cao.

Liên minh kinh tế thực sự

Chủ tịch EC, Jose Manuel Barroso cho rằng, việc ký Hiệp ước ngân sách chứng tỏ EU đang chuyển biến từ một liên minh tiền tệ thành một liên minh kinh tế thực sự. Theo ông, EU đang phát đi một tín hiệu chính trị quan trọng với các thị trường và cộng đồng thế giới về sự thống nhất của khối và về hiện trạng của EU.

Ông Barroso còn cho rằng việc thông qua Hiệp ước ngân sách làm cho đồng euro trở thành một “đồng tiền không thể đảo ngược”, một đồng tiền của toàn EU.

Ngoài các biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính, tăng năng lực cạnh tranh, các nguyên thủ EU quyết định tăng cường thực hiện 5 hướng ưu tiên trong Chiến lược châu Âu đến năm 2020, ở cả cấp độ quốc gia và toàn EU.

Những ưu tiên này do EC đề xuất bao gồm: thúc đẩy giải quyết vấn đề việc làm; tạo điều kiện cho đổi mới, nghiên cứu và phát triển; đáp ứng các mục tiêu năng lượng và biến đổi khí hậu; cải thiện giáo dục; và thúc đẩy quá trình giảm nghèo.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh lần này không bàn đến cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực, song các biện pháp được đưa ra đã đem lại những dấu hiệu tích cực như lãi suất vay trên thị trường tài chính của một số quốc gia thuộc khu vực Eurozone đang dần ổn định và giảm đáng kể, vấn đề giải quyết nợ công ở Hy Lạp cũng đang đi đúng hướng.

Như vậy, với liên minh tiền tệ, liên minh ngân sách, Hiệp ước tài chính và ESM đã hình thành cơ chế mới cho quá trình vận hành nền kinh tế nhất thể hóa châu Âu. Tuy nhiên, câu trả lời “Châu Âu liệu có đứng vững trên hai trụ cột” vẫn còn đang ở phía trước./.

  • CTV Nguyễn Nhâm/VOV online


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.