feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

77 người thiệt mạng trong vụ thảm sát ở Na Uy, 6 người bị giết trên đảo Jeysey, cuộc bạo loạn đang làm náo động nước Anh hơn 1 tuần nay phải chăng đang là những tiếng chuông cảnh tỉnh con người về sự suy thoái của nhân tính tại những nước công nghiệp phát triển? Liệu mô hình xã hội được xây dựng dựa trên một niềm tin tuyệt đối vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, vào sự phát triển kinh tế tại châu Âu có là đủ cho một mẫu hình xã hội lý tưởng mà nhân loại hướng tới hay không?

Văn minh châu Âu trong một thời gian dài chỉ thấy những sai lầm, ảo tưởng và lạc hậu trong những nền văn hóa khác cũng như chỉ quen phán xét các nền văn hóa khác qua những thành tích khoa học công nghệ giờ đây đang phải đối mặt với những hỗn loạn và tan rã trong lòng xã hội.

Ngày 23/7 vừa qua, 77 người đã thiệt mạng trong vụ đánh bom ở thủ đô Oslo và vụ xả súng ở đảo Utoyea bởi sát thủ Anders Behring Breivik. Thêm vào đó bạo loạn của một bộ phận thanh thiếu niên vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt tại thủ đô London và các thành phố lớn khác ở Anh.

Tiếp đó 1 người đàn ông, 2 phụ nữ và 3 trẻ em đã bị đâm chết trong một căn nhà tại khu Victoria Crescent của thủ phủ St Helier trên đảo Jersey. Liệu những hành động bạo lực liên tiếp diễn ra trên khắp châu Âu có phải là những minh chứng rõ ràng nhất cho những nguy cơ suy thoái nhân tính ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu này?

Trở lại với vụ thảm sát tại Na Uy ngày 23/7, 77 người thiệt mạng không phải do bom đạn của những cuộc nội chiến, cũng không phải bởi sự thù hận của một kẻ tấn công khủng bố mà bởi một thanh niên gốc Na Uy mà theo kết luận của bác sỹ không hề có bất kỳ một dấu hiệu tâm thần nào.

Điều đáng nói ở đây là thảm họa đã xảy ra ở một quốc gia có phúc lợi xã hội được xếp vào hàng cao nhất trên thế giới, một quốc gia luôn được đánh giá là hòa bình và cởi mở nhất châu Âu. Nơi đây, người dân không xa lạ với hình ảnh Thủ tướng Jens Stoltenberg đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng và các bộ trưởng đi bộ trên các con phố ở Olso mà không có vệ sĩ đi kèm.

Vậy logic nào có thể lý giải cho hành động mất hết nhân tính của kẻ sẵn sàng đặt bom hẹn giờ, sẵn sàng chĩa súng tiêu diệt những đồng loại vô tội của mình với ý nghĩ điên rồ rằng “điều đó là độc ác nhưng cần thiết” tại một đất nước vẫn thường diễn ra các lễ trao giải thưởng Nobel hòa bình thường niên?

Châu Âu chưa hết hãi hùng khi chứng kiến gương mặt không một chút ăn năn hối hận của Breivik khi hắn trực tiếp nã súng giết đồng loại của mình thì tiếp tục chấn động bởi cuộc biểu tình kéo dài và lan rộng khắp nước Anh. Bạo loạn ở nước Anh bắt nguồn từ một đám đông tụ tập đòi công lý cho một tài xế lái xe taxi 29 tuổi bị cảnh sát bắn chết.

Kịch bản này làm cho người ta nhớ lại cuộc bạo loạn đã diễn ra cách đây 3 năm ở vùng ngoại ô thủ đô Paris của Pháp. Vào thời điểm ấy, cái chết của hai thiếu niên do đâm xe máy vào ôtô cảnh sát đã khiến nước Pháp bị nhấn chìm trong các hành động bạo lực và đốt phá của hàng nghìn thanh niên.

Liệu hành động giết người của Breivik hay những hành động bạo lực của những thanh, thiếu niên tại Anh và Pháp chỉ nhằm để bảo vệ ý thức dân tộc cực đoan, chỉ nhằm đòi công bằng và lẽ phải cho một công dân? Hay những hành động điên cuồng và bạo loạn ấy là sự phản kháng của một thế hệ được đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất do những tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại nhưng chưa bao giờ được nuôi dưỡng và bồi đắp về nhân tính tương xứng với những thành tựu vật chất ấy?

Những biện minh về sức ép do khủng hoảng kinh tế, sự suy thoái nền tảng gia đình hay vấn nạn nhập cư cho những hành động bạo lực trên không đủ sức để che đậy một sự thật rằng nhân tính đang bị xói mòn trong những xã hội công nghiệp phát triển.

Nơi mà những đám mây điện tử đang thay thế dần cho trí nhớ con người, nơi mà công cụ tìm kiếm Google biến bất cứ một ai nếu muốn có thể trở thành một chuyên gia trong mọi lĩnh vực với một chiếc máy tính nối mạng, nơi con người sống trong những căn hộ biệt lập và tôn trọng tự do của mỗi cá nhân một cách tuyệt đối.

Trong những căn phòng khép kín và đầy đủ tiện nghi ấy, con người đánh mất dần đi nhu cầu giao tiếp và đối thoại với đồng loại của mình. Sự gắn kết cộng đồng ngày càng mờ nhạt đi trong một xã hội mà con người kết nối với nhau bằng mạng xã hội ảo mà quên mất sự giao tiếp ngay cả đối với những người hàng xóm xung quanh mình.

Trong nhịp sống khép kín và đầy đủ ấy, những giá trị nhân văn dường như bị quên lãng trong tâm thức của con người. Nếu không phải trong một xã hội khép kín và đóng hộp thì liệu có sinh ra một Breivik, con người cô độc âm thầm chuẩn bị cho một kế hoạch giết đồng loại của mình trong 3 năm một cách chi tiết và cẩn thận.

Và liệu trong một xã hội nơi nhân tính được đề cao, nơi mỗi đứa trẻ đều được giáo dục đầy đủ về sự yêu thương đồng loại, sự cảm thông và chia sẻ có sinh ra những thanh niên sẵn sàng lao ra đường phố chỉ để đập phá, để cướp bóc và hôi của?

Thủ tướng Anh David Cameron, trong một bài phát biểu tại Oxfordshire tuần qua đã phải thừa nhận rằng bạo động bắt nguồn không chỉ từ hành vi vô trách nhiệm, chống lại xã hội của những kẻ gây rối mà còn do những vấn đề mang tính văn hóa và xã hội, đồng thời cũng đề cập đến một xã hội đổ vỡ.

Sự đổ vỡ được ngài Thủ tướng đề cập ở đây phải chăng là sự thiếu tương xứng giữa những giá trị nhân văn trong mối quan hệ với việc phát triển kinh tế dựa hoàn toàn vào khoa học kỹ thuật. Sự thật là những tiến bộ liên kết của các ngành khoa học, kinh tế, lịch sử đã mang đến cho các quốc gia phương Tây ảo tưởng rằng họ đang đi về phía tương lai tiến bộ.

Tuy nhiên, sự kiện hai quả bom nguyên tử hủy diệt những thành phố lớn của Nhật năm 1945 đã cảnh tỉnh con người về tính hai mặt của tiến bộ khoa học. Và những phát súng ở Na Uy lại một lần nữa khẳng định rằng sự phát triển không thể khỏa lấp những nguy cơ suy sụp về văn hóa và rằng chỉ một cá nhân lẻ loi cũng có thể tạo nên sự đổ vỡ cho những thành tựu trong phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật của cả một xã hội.

2.140 phần tử quá khích bị bắt, khoảng 1.000 người bị xét xử, nhiều cao ốc và xe cộ bị đốt phá, hàng trăm cửa tiệm bị cướp bóc, thiệt hại vật chất ước tính hơn 100 triệu bảng (khoảng 170 triệu USD) là những thiệt hại do cuộc bạo loạn tuần qua tại nước Anh gây ra.

Chắc chắn rằng những con số này vẫn tiếp tục tăng lên cũng như cái giá mà xã hội Anh và các nước công nghiệp châu Âu  phải trả cho bài toán chưa được giải quyết trọn vẹn. Đó là bài toán về sự phát triển không thể không đề cao những tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tựu kinh tế trong mối quan hệ lấn át những giá trị nhân văn.

Nó tạo ra những khoảng trống trong lòng xã hội, nơi con người trở thành sản phẩm của một xã hội tiêu thụ đầy những công thức của đạo đức mà không có những trải nghiệm thật về tính người. Những vụ bạo loạn và giết người điên cuồng báo động những nguy cơ về sự méo mó của nhân tính trong lòng xã hội phương Tây, một xã hội vốn luôn tự cho mình là mẫu hình của một xã hội hiện đại.

Phải chẳng nhìn sâu vào những sự kiện đó, châu Âu nói riêng và nhân loại nói chung nên tự vấn một cách nghiêm khắc về mô hình xã hội được xây dựng trên nền tảng sự thỏa mãn về vật chất của các cá nhân và sự đề cao quyền uy của phát triển kinh tế.

Khi nhân tính không đủ mạnh để làm chủ những thành tựu về khoa học kỹ thuật và những đủ đầy vật chất, đâu sẽ là một mẫu hình xã hội lý tưởng trong tương lai cho châu Âu?

  • Hải Vân, CAND


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.