feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Bài học từ cải cách lao động ĐứcĐức phục hồi kinh tế nhanh hơn hầu hết các quốc gia phát triển khác, thậm chí tỉ lệ thất nghiệp cũng thấp hơn. Năm 2005, tốc độ tăng trưởng trung bình trong 10 năm của Đức được thống kê chỉ bằng phân nửa tốc độ của Mỹ, trong khi tỉ lệ thất nghiệp lại cao gấp đôi. Nhưng nay, điều này đã thay đổi.

 
Tỉ lệ thất nghiệp của Đức trong tháng 8.2010 chỉ là 7,6% so với 9,6% của Mỹ, trong khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, đạt 9% trong quý II/2010 (so với cùng kỳ năm 2009). Nhờ đâu mà Đức làm được như vậy?

Tối hậu thư của thủ tướng

Nói đến thành công ngày hôm nay của Đức phải quay về thời điểm 20 năm trước. Năm 1990, sự thống nhất Tây Đức và Đông Đức đã giúp nước này mở cửa đón lượng vốn đầu tư lớn, chủ yếu từ các doanh nghiệp Đông Đức. Đến năm 1999, việc đưa đồng euro trở thành đồng tiền giao dịch chính thức đã buộc các công ty Đức phải cắt giảm chi phí và gia tăng năng lực sản xuất để cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.

Và điều quan trọng hơn là chính sách cải cách lao động bắt đầu vào năm 2003 dưới thời Thủ tướng Gerhard Schröder đã giúp cho các công ty Đức dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng và sa thải lao động. Khi ấy, nền kinh tế Đức bị đình trệ, tỉ lệ thất nghiệp cao, hệ thống phúc lợi xã hội thì thiếu vốn trầm trọng và gần như sụp đổ. Ông Schröder đã đưa ra tối hậu thư cho các công đoàn, nếu không chấp thuận các quy định mới về lương và tuyển dụng lao động, ông sẽ đưa chúng thành luật. Trước sức ép này, các công đoàn đã từ bỏ việc tăng lương để đổi lại sự đảm bảo việc làm.

Vào tháng 11.2004, các công nhân của Volkswagen, công ty ôtô đang có lợi nhuận giảm quý thứ 7 liên tiếp, đã đồng ý không tăng lương và chấp nhận các biện pháp cắt giảm chi phí. Điều này đã giúp Volkswagen cắt giảm được 2 tỉ euro.

Cải cách của Schröder nhằm tạo sự linh hoạt cho thị trường lao động càng được củng cố vào năm 2005, với sự ra đời của chương trình cải cách lao động gọi là Agenda 2010. Các công đoàn căm ghét cải cách này vì nó đảm bảo việc làm bằng cách cắt giảm trợ cấp thất nghiệp, yêu cầu người lao động phải trả một phần chi phí chăm sóc y tế của họ và buộc người thất nghiệp phải chấp nhận việc làm lương thấp, hoặc làm những công việc không thuộc lĩnh vực được đào tạo.

Nhờ vậy, Đức có năng lực cạnh tranh cao hơn 13% so với các nước láng giềng trong 11 năm đến hết năm 2009, dựa vào năng suất lao động trên mỗi đồng euro được chi tiêu, theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). “Agenda 2010 đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đặt nền móng cho cơn bùng nổ hoạt động tuyển dụng hiện nay”, Hans-Werner Sinn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo ở Munich, chuyên tư vấn cho Chính phủ Đức, nhận định.

Trong một thời gian dài, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh đã mang đến cho Chính phủ Đức nguồn thu cao từ thuế. Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, khiến cho hoạt động xuất khẩu của Đức sa sút. Các công ty lo ngại sẽ phải sa thải hàng ngàn lao động. Thủ tướng Angela Merkel (kế nhiệm ông Schröder năm 2005) lúc đó đã đẩy mạnh trợ cấp cho doanh nghiệp để hạn chế tình trạng sa thải lao động.

Nhờ đó, khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục, các công ty Đức đã ở vào thế sẵn sàng. Vào cuối năm 2010, các hãng ôtô Daimler, BMW và chi nhánh Audi của Volkswagen đã tuyển thêm lao động và tăng mạnh công suất sản xuất tại các nhà máy, do nhu cầu đối với các dòng xe hạng sang tăng nhanh hơn dự kiến.

Chìa khoá Mittelstand

Đối tượng đóng góp chủ yếu vào sự phục hồi của Đức không phải là các tập đoàn đa quốc gia mà là các Mittelstand (từ chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đức, thường được gia đình sở hữu và điều hành). Các công ty này thường có quy mô dưới 500 lao động, nhưng lại chiếm hơn 70% lực lượng lao động của Đức và đóng góp đến gần 50% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Chính sự kết hợp giữa công nghệ cao, lối tư duy nhìn về dài hạn và chú trọng chất lượng của các Mittelstand đã giúp ngành sản xuất Đức vượt qua cơn suy thoái kinh tế toàn cầu. “Hoạt động sản xuất không gián đoạn của các Mittelstand đã giúp Đức tránh sự tăng mạnh về số người thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng vừa qua”, Hans Jäckel, chuyên gia kinh tế Ngân hàng DZ ở Frankfurt, nhận định.

Điều này một phần là nhờ sự tiếp sức của Chính phủ Đức bằng các chính sách hỗ trợ, giúp các Mittelstand giữ lại lao động trong suốt thời kỳ suy thoái 2008-2009. Cụ thể, Chính phủ đã giới thiệu và trợ cấp một chương trình giờ làm việc ngắn hơn gọi là Kurzarbeit. Nhờ đó, thay vì sa thải công nhân, các công ty giảm giờ làm việc và đã “cứu” được gần 500.000 việc làm. Chính phủ cũng trả cho người lao động tới 2/3 số tiền mà họ kiếm được nếu làm đủ giờ. Các Mittelstand cũng tận dụng cơ chế giờ làm việc linh hoạt, cho phép công nhân làm việc ít giờ hơn mà không bị giảm lương. Đổi lại, họ phải hứa sẽ làm thêm giờ mà không được tăng lương khi hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục.

Những điều này đã giúp giữ tỉ lệ thất nghiệp tại Đức ở mức thấp và các doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục. Vào tháng 5.2010, tỉ lệ thất nghiệp tại Đức là 7%, mức thấp nhất trong 17 năm qua.

Các Mittelstand cũng có sức đề kháng tốt hơn trước cuộc khủng hoảng tín dụng. Từ trước đến nay, họ vẫn chuộng đi vay ngân hàng hơn là phát hành cổ phiếu hay trái phiếu. Điều này giúp họ tránh được áp lực từ những người nắm giữ trái phiếu và cổ phiếu.

Để giúp cho việc tiếp cận dòng vốn của các doanh nghiệp được thuận lợi hơn, Thủ tướng Merkel vào tháng 12.2009 đã gặp gỡ các lãnh đạo ngành ngân hàng, nhằm đảm bảo cho các Mittelstand có đủ vốn cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, thậm chí ngay thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính, các Mittelstand đều tiếp cận được vốn.

Tuy nhiên, kết quả trên không có nghĩa là Đức đã giải quyết được tất cả các vấn đề kinh tế của mình. Adam Posen, chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và là thành viên của Uỷ ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh, cho rằng, Đức vẫn quá phụ thuộc vào xuất khẩu. Mức lương tại Đức lại quá thấp nên đã làm suy yếu sức mua tiêu dùng trong nước.

Ông Stefan Bielmeier, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng DZ, đặt câu hỏi: “Chính sách kiềm chế mức lương trong suốt 10 năm qua đã làm nên sự thành công của Đức. Nhưng liệu mô hình này có đủ bền vững để đưa Đức tiến về phía trước?”.

 

 

 


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.