feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Như tiêu đề của bài này đã nói rõ, ở đây tôi muốn mạn phép nêu một số suy nghĩ cá nhân liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở Đức. Đó là suy nghĩ của một người gắn bó hơn nửa cuộc đời với đất nước này, trăn trở nhiều về những người „đồng hương“ cùng con Lạc, cháu Hồng của mình và muốn đóng góp một chút gì đó vào sự lớn mạnh chung của cộng đồng chúng ta.

Cộng đồng người Việt ta ở Đức lớn hay nhỏ?
 
Trong nội bộ các nước Liên minh châu Âu (EU) thì so với Pháp, cộng đồng Việt Nam ở Đức hình thành muộn hơn do những hoàn cảnh lịch sử nhất định gắn với sự chia cắt ở cả Việt Nam và Đức. Chúng ta có những người đi du học từ miền Nam sang Tây Đức và từ miền Bắc sang Đông Đức trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước sau đó ở lại sinh sống. Những người lao động xuất khẩu sang Đông Đức trước năm 1990 rồi ở lại sau khi nước Đức thống nhất; những người di tản bằng thuyền trong những năm cuối 70, 80 và những thế hệ tiếp sau sang đoàn tụ hoặc sinh ra, lớn lên ở Đức. Điểm qua như vậy để thấy chúng ta có nguồn gốc xuất phát rất khác nhau. Đây cũng là một trong những đặc điểm làm cho cộng đồng chúng ta khác so với cộng đồng nhiều nước khác ở Đức.
 
Về số lượng thì cả phía Việt Nam và Đức đều không có số liệu chính xác vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do sự biến động không ngừng của cộng đồng dân cư này (do nhập quốc tịch Đức nên không được thống kê là người nước ngoài, do hồi hương hoặc bị trục xuất về Việt Nam thời gian qua, do số người vẫn tiếp tục sang Đức „xin tỵ nạn“ v.v…). Bộ Nội vụ Liên bang ước chừng con số là khoảng trên 87 ngàn người là công dân Việt Nam, còn nếu tính cả những người gốc Việt Nam (có quốc tịch Đức và không còn quốc tịch Việt Nam) thì cũng khoảng trên 120 ngàn.
 
Vậy nếu chỉ tính về số lượng thì cộng đồng ta ở Đức lớn hay nhỏ?  Ở Hoa Kỳ có gần 2 triệu người Việt. Ở Úc, Canada hay ở Pháp mỗi nơi cũng có từ 200 đến 300 ngàn người. Ở các nước láng  giềng của Việt Nam hay ở Nga cũng khá đông người Việt. Nếu so với cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ thì chúng ta là cộng đồng nhỏ, nhưng nếu so với các nước khác thì không nhỏ. Trong EU chúng ta đứng thứ hai sau Pháp. Còn ngay tại Đức chúng ta cũng không thể so với Thổ Nhĩ kỳ có tới  gần 2,5 triệu người hay với Italia, Ba Lan hay Hy Lạp là 4 nước có đông công dân sinh sống (mỗi nước cũng đến gần 1 triệu người).  Tuy nhiên nếu so với những nước khác, nhất là các nước châu Á thì chúng ta không nhỏ.
 
Về sự hiện diện và đóng góp vào xã hội Đức thì cộng đồng người Việt ta như thế nào? Những năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ (1989) thì ở phía Đông Đức người Việt chi phối bức tranh người nước ngoài ở đó (lưu học sinh, học nghề và hợp tác lao động), là cộng đồng ngoại kiều lớn nhất ở CHDC Đức. Còn ở phía Tây thì bức tranh về người Việt những năm cuối thập kỷ 70, đầu 80 chủ yếu bị chi phối bởi làn sóng „thuyền nhân“ và tàn dư của chiến tranh lạnh. Sau thống nhất nước Đức (1990) bên Đông là cuộc chiến của các „maphia thuốc lá“ làm vấy bẩn hình ảnh về người Việt ở đó. Nói đến người Việt là dư luận nhắc đến bán thuốc lá lậu, là chém giết, thanh toán lẫn nhau. Ở bên Tây tình hình dần đi vào ổn định; người Việt „thuyền nhân“ hòa nhập cùng người Việt di chuyển từ Đông Đức hay Đông Âu qua. Hơn một thập kỷ qua người ta ít nghe nói về người Việt Nam, cho đến mới đây đầu năm 2009 báo chí nhắc nhiều đến kết quả học tập của con em người Việt tại các trường học ở Berlin và các bang phía Đông, cũng như đến „hiện tượng Philipp Rösler“ hay đến vận động viên điền kinh gốc Việt Marcel Nguyễn.
 
Phải chăng đó là tất cả những gì mà cộng đồng chúng ta đóng góp cho đất nước nơi đã cưu mang chúng ta? Về mặt chính trị, chúng ta chỉ có Philipp Rösler nhưng đáng tiếc là Rösler không thể coi là những người như anh chị và tôi vì được nhận làm con nuôi và mang sang Đức từ 9 tháng tuổi, được lớn lên và dậy đỗ để trở thành „người Đức hơn cả người Đức“ (có người nói vui là đến 200%  deutsch chứ không chỉ Đức 100%). Người Việt hầu như không tham gia hoặc không thể tham gia hoạt động chính trị vì nhiều hạn chế (về ngôn ngữ, về trình độ, về sự tỏa sáng chính trị nhưng cũng vì cộng đồng rời rạc quá không tạo nên một sức mạnh chung - sức mạnh của lá phiếu bầu). Ở Tây Đức hay nói gần như ở Frankfurt am Main có rất nhiều trí thức làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, nhà băng, chứng khoán v.v. của Đức; nhiều hãng lớn như Bosch, Mercedes, Siemens v.v. cũng có những kỹ sư gốc Việt giữ các vị trí trọng yếu. Nhưng nhìn về tổng thể họ vẫn chỉ âm thầm làm việc như những nhân viên cần mẫn, không hoặc không có khả năng bứt phá vươn lên hơn nữa.
 
Doanh nghiệp của người Việt ở Đức hầu như chỉ tập trung vào 2 lĩnh vực chính là kinh doanh nhà hàng và xuất nhập khẩu hàng châu Á; hình thức kinh doanh chủ yếu là lập chợ và bán buôn, bán lẻ. Thời gian gần đây một số anh chị em lập những công ty làm ăn hay đầu tư ở Việt Nam, nhưng số lượng và tiềm lực còn hạn chế. Nhưng ngay cả trên lĩnh vực kinh doanh thì số lượng „đại gia“ người Việt cũng hiếm, một phần do sự ngặt nghèo của sở tại nên không dám „xuất đầu lộ diện“, nhưng mặt khác cũng do tiềm lực thực tế có hạn.
 
Vậy nên nếu chúng ta có đọc ông Thilo Sazarrin (trong cuốn „Nước Đức tự tiêu vong“ „Deutschland schafft sich ab“) thấy ông ta chê người Thổ, người Ả rập không kinh doanh, sản xuất để „tạo nên giá trị“ mà chủ yếu làm dịch vụ (bán hàng v.v.) thì tôi nghĩ ta cũng nên chạnh lòng, chứ đừng thấy ông ta „khen“ con em chúng ta học giỏi mà nghĩ ông ta khen cả cộng đồng người Việt ở đây.
 
Câu hỏi tiếp theo là người Việt chúng ta ở Đức đã hội nhập tốt hay chưa?
 
Câu hỏi „hội nhập“ là câu hỏi lớn chưa có lời giải đối với cả Chính phủ Đức và cả cộng đồng nước ngoài  chiếm  hơn 10% dân số ở Đức. Bà Thủ tướng Merkel thì đã tuyên bố mô hình „MultiKulti - Gesellschaft“ („Xã hội đa văn hóa“) coi như thất bại ở Đức. Ngay cả Tổng thống Đức Wulff cũng bị phản đối rầm rĩ khi ông tuyên bố „Hồi giáo cũng thuộc về nước Đức“ trong bài phát biểu đầu năm 2011. Ông Sazarrin cũng mất luôn chức vụ lãnh đạo trong Ngân hàng Trung ương Đức và bị huýt sáo phản đối mọi nơi và suýt bị khai trừ khỏi Đảng Dân chủ xã hội SPD khi có cách đề cập khác với thiên hạ về vấn đề hội nhập hay không hội nhập.
 
Như đã nói ở phần trên, đầu năm 2009 báo chí Đức rộ lên những tin đáng mừng về học sinh Việt Nam ở các trường Berlin và đông Đức với tỷ lệ học sinh vào Gymnasium trên 50%, cao hơn cả học sinh Đức và gấp đôi, gấp ba so với học sinh Italia hay Thổ Nhĩ kỳ. Tại những trường này học sinh Việt Nam luôn dẫn đầu trong các môn học. Nhiều người đã nghiên cứu „hiện tượng“ này nhằm tìm lời giải cho câu hỏi lớn là nguồn gốc xuất thân, xuất phát điểm thấp có quyết định sự thành công của quá trình hội nhập của thế hệ thứ hai hay không? Từ trước đến nay ở Tây Đức người ta mặc nhiên cho rằng học sinh Thổ Nhĩ kỳ có tỷ lệ bỏ học cao nhất và tỷ lệ vào Gymnasium thấp nhất vì xuất phát điểm xã hội của cha mẹ thấp; thế hệ người lao động phổ thông Thổ được chiêu mộ sang Tây Đức cuối những năm 50 cũng tương tự như người lao động hợp tác Việt Nam sang Đông Đức sau này (kém tiếng Đức, nghề nghiệp đơn giản, chủ yếu bán hàng ăn, hàng rau v.v. và hội nhập kém). „Hiện tượng Việt Nam“ hay có báo còn coi „điều kỳ diệu Việt Nam“ ở Đông Đức vừa qua đã làm đảo ngược suy nghĩ vốn tồn tại hàng chục năm qua ở bên Tây. Mới đây, ngày 06/2/2011 trên tờ „Die Welt am Sonntag“ Online (Thế giới chủ nhật), tác giả Preia Peters còn đề cập đến vấn đề này.
 
Không ai phủ nhận đó là tín hiệu đáng mừng ở Đức vì dư luận đã có cái nhìn thiện chí hơn đối với người Việt. Nhưng có phải đúng là người Việt đã hội nhập tốt đến mức như báo chí đề cập hay như ông Sazarrin „ca ngợi“ lấy lệ ? Cá nhân tôi cho rằng  nhìn tổng thể thì người Việt chưa hội nhập tốt hay nói như người Đức là „chưa đến“ (noch nicht angekommen), tức là đã cư trú nhiều chục năm nhưng chưa thật sự trở thành bộ phận khăng khít không tách rời của xã hội này. Người theo đạo Phật thì nói „đã đi nhưng chưa đến“ cũng là ý như vậy. Những người ở phía Tây không nhìn thấy rõ vấn đề này vì họ sống phân tán, về cơ bản tương đối hòa nhập với môi trường xung quanh, đa số có quốc tịch Đức. Nhưng nếu sang bên phía Đông thì thấy rất rõ là người Việt thường chỉ quây quần tại các khu giao hàng, khu chợ (Đồng Xuân, Bến Thành, Asia Markt). Đó như là một xã hội Việt Nam thu nhỏ. Đây cũng là nguyên nhân của việc nhiều người sống nhiều năm ở Đức nhưng tiếng Đức quá kém vì họ hầu như ít giao tiếp với thế giới bên ngoài. Từ thực tế ở bên phía Đông mà Tờ Thời báo Frankfurt (Frankfurter Allgemeine Zeitung – FAZ), tờ báo chính luận lớn và có uy tín nhất ở Đức số ra ngày 14/11/2010 có bài dài về người Việt và đi đến kết luận là người Việt thực sự chưa hội nhập, họ „unsichbar“ thôi (tạm dịch là ít xuất hiện hay vô hình); hơn chục năm qua dư luận ít nhắc đến người Việt vì họ lặng lẽ làm ăn, ít xuất hiện, ít gây ra những vấn đề bức xúc cho xã hội, không trở thành gánh nặng cho xã hội Đức mà thôi. Điều cơ bản là họ sống quá biệt lập trong một „xã hội song hành“ (Paralellgesellschaft).
 
Cộng đồng người Việt ở Đức đông nhưng không mạnh  
 
Khác so với ở phần trên, phần này tôi muốn bắt đầu bằng sự khẳng định, chứ không bằng một giả định (một câu hỏi) nữa. Ai sống ở Đức lâu cũng thấy một thực tế là chúng ta sống thiếu một sự kết cấu cộng đồng, một sự liên hệ giữa những hội đoàn với nhau. Tâm lý „đèn nhà ai nhà ấy rạng“ thành „hội ở đâu biết ở đó“, biến chúng ta thành những người không nhìn ra khỏi phạm vi hội mình, thành phố mình, bang mình, thậm chí cùng một đối tượng, cùng một mục tiêu cũng không thể ngồi chung mà cứ phải thành lập những tổ chức riêng lẻ của mình.
 
Ở Đông Đức những năm đầu sau thống nhất nước Đức khi các khu nhà ở của người Việt bị bọn đầu trọc tấn công, đốt phá, khi những người Việt bỗng chốc trở thành cư trú bất hợp pháp hay trở thành nạn nhân của chính những người đồng hương của mình mà chính quyền Đức ngoảnh mặt làm ngơ thì ai là người đứng ra lên tiếng bênh vực hay gióng lên một hồi chuông báo động cho dư luận. Đương nhiên Đại sứ quán Việt Nam phải làm việc đó, nhưng sau lưng Chính phủ Việt Nam không hề có một tổ chức, hội đoàn nào của người Việt làm hậu thuẫn. Nhận thấy sự cần thiết này sau đó một số tổ chức của người Việt hay người Đức mới được thành lập (như Hội Diên hồng ở Rostock hay Hội trống cơm ở Berlin).Ngược lại với trước kia, ngày nay ở phía đông có quá nhiều tổ chức, hội đoàn được thành lập, từ các hội văn hóa, hội đồng hương, hội cầu lông, tennis; những người Hà Nội hay yêu mến Hà Nội cũng còn có những tổ chức khác nhau. Nhưng thực tế bao nhiêu trong số hội này là hội thực sự đại diện cho người Việt Nam ở thành phố đó?  Người Việt ở Tây và Đông Berlin, người gốc Nam và những người gốc Bắc cũng còn khó ngồi với nhau. Ở München có hội này thì cũng lại phải có hội khác. Sự phong phú này có mặt tốt, thể hiện sự đa dạng trong sinh hoạt cộng đồng, nó linh hoạt, cơ động trong sinh hoạt, nó gắn kết những nhóm người có chung sở thích v.v... Nhưng mặt trái của hiện tượng này là nó phản ánh tâm lý địa phương, cái nhìn cục bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn.
 
Chỉ xin lấy hai thí dụ dưới đây để minh họa
 
Khi Nhà nước Việt Nam muốn tham khảo ý kiến của cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức về những vấn đề liên quan đến những quyền lợi sát sườn của họ, như về vấn đề hai quốc tịch, mua và sở hữu nhà đất ở Việt Nam, vấn đề cư trú của họ ở Đức để có chính sách phù hợp hay để trao đổi với Chính phủ Đức qua đường ngoại giao thì biết hỏi ai là người đại diện? Ai hay hội đoàn nào đủ tư cách để nhân danh cộng đồng này? Nếu không có tiếng nói thì cầm chắc nguyện vọng của chúng ta không được phản ánh đầy đủ, trung thực về nước và phần thua thiệt thuộc về tất cả chúng ta.
 
Còn ở Đức? Đừng nói Chính phủ Liên bang, ngay chính phủ các bang hay chính quyền các thành phố cũng khó mà liên hệ với một cá nhân hay tổ chức nào của người Việt để nghe ý kiến chính thức của họ với tư cách đại diện cho một cộng đồng sắc tộc sinh sống ở Đức vì có thể tổ chức nào cũng cho là mình có tư cách đại diện nhưng rút cục cũng chẳng đại diện được cho ai. Người Việt ít tham gia các Ausländerbeiräte và hầu như ít quan tâm đến các vấn đề không liên quan trực tiếp đến mình. Vậy nên nhiều khi một cá nhân, một tổ chức nào đó cứ loay hoay với bản thân mình và những vấn đề khó khăn của mình. Năm trước khi hàng trăm người Việt bị trục xuất về cùng một lúc thì chẳng thấy hội đoàn nào lên tiếng, lác đác vài người Việt biểu tình ở sân bay Schönefeld (Berlin). Biết rằng biểu tình cũng không giải quyết được việc gì nhưng ít nhất cũng nói lên một tiếng nói hay biểu thị tình cảm làm ấm lòng những người buộc phải ra về. Hay như vừa rồi người Việt mình trở thành „tấm gương“ cho các cộng đồng khác trong việc hội nhập (do con em người Việt học giỏi), bang Hessen muốn mời đại diện cộng đồng người Việt đi giới thiệu „kinh nghiệm“, nhưng chẳng tìm được ai. Thế nên có người mới ví von cộng đồng ta như một bao khoai tây, để trong bao thì thành một khối, nhưng đổ ra ngoài thì lăn lông lốc mỗi củ mỗi nơi. Trong khi đó người Việt ai mà không biết bó đũa và chiếc đũa, từng cái một thì dễ bẻ nhưng cả bó đũa thì khó. Nói rộng ra đó là vấn đề đoàn kết. Tại sao chiến tranh đã kết thúc ở Việt Nam hơn 35 năm, hai nước Đức cũng thống nhất được hơn 20 năm mà người Việt ở Đông và Tây Đức, người gốc Bắc và người gốc Nam không ngồi lại với nhau bàn về việc thành lập một tổ chức Hội người Việt Nam ở CHLB Đức như là người đại diện cho quyền lợi và nói tiếng nói thống nhất của người Việt ở Đức?
 
Nên hay không nên thành lập Hội người Việt Nam ở Đức?
 
Câu trả lời là nên. Chỉ tập hợp lại chúng ta mới phát huy được thế mạnh của mỗi hội đoàn, mỗi địa phương, mỗi vùng miền, làm cho chính quyền và nhân dân sở tại cũng như bạn bè nước ngoài  hiểu rõ hơn về người Việt Nam, không ví von chúng ta với bao khoai tây hay bó đũa rời rạc.
 
Người Thổ, người Ba Lan, người Hy Lạp v.v... ở Đức có Hội chung, có những điều chúng ta có thể học hỏi.
 
Hội người Thổ Nhĩ kỳ ở Đức („Tükische Gemeinde in Deutschland“) là tổ chức tập hợp các thành viên là người Thổ và các hội, các tổ chức văn hóa, xã hội của người Thổ ở các địa phương (270 tổ chức), thành lập 2/12/1995 sau 2 năm chuẩn bị. Hội người Hy Lạp ở Đức thành lập  từ 1965, đại diện cho 145 trong tổng số 150 các hội đoàn, tổ chức văn hóa của người Hy Lạp ở các địa phương; hiện nay Hội có 60 ngàn hội viên (trong tổng số hơn 700 ngàn người Hy Lạp đang sinh sống ở Đức). Ban chấp hành của các hội người Thổ và người Hy Lạp đều là đại diện từ các hội ở địa phương.
 
Có lẽ chúng ta cũng không nên cầu toàn là 100% người Việt ở Đức sẽ ủng hộ hay tham gia Hội, nhưng việc cần làm là tìm đường đi nước bước phù hợp cho việc thống nhất tổ chức vì một cộng đồng dù đông nhưng không có tổ chức cũng không thể là một cộng đồng mạnh. Trong khi đó tôi tin rằng nguyện vọng chung của tất cả chúng ta là mong muốn cộng đồng người Việt tại Đức ngày càng ổn định và phát triển./.
 
Hoàng Hữu Đức (Frankfurt am Main)
 
BBT HV: Bài viết được đăng lại từ nguồn tin trang nguoiviet.de
 
 
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.