feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Có một thực tế là học sinh người Việt tỏ ra khá vượt trội tại các trường phổ thông Đức, một phần do sự kèm cặp khá nghiêm ngặt của các bậc phụ huynh vốn có quan niệm „con hơn cha là nhà có phúc“.

Tại các trường chuyên của các quận thuộc phía Đông Berlin như Friedrichshain, Lichtenberg hoặc Marzahn,  có khoảng 15% số học sinh là người Việt Nam. Những học sinh này giỏi vượt trội so với các học sinh khác, đặc biệt trong lĩnh vực toán học và khoa học tự nhiên.

Tính tổng thể trên toàn nước Đức, 59% số học sinh Việt Nam vào được trường chuyên, hầu hết các em đều có kết quả cao hơn học sinh Đức. Nếu so với học sinh đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Italia, kết quả học tập của học sinh người Việt cao gấp 5 lần.

Hiện nay có khoảng 100.000 người Việt Nam đang sinh sống trên lãnh thổ CHLB Đức. Trong những gia đình đến Đức hồi những năm 80, gia đình ông Trần Châu là một ví dụ. Trước đây, gia đình ông Châu sống tại  Đông Đức. Ông Trần Châu có hai cô con gái, bé lớn tên là Bảo Châu mười tuổi, bé gái thứ hai lên bốn. Hiện nay Bảo Châu đang học tại trường Heinrich-Hertz Gymnasium, một trong những trường chuyên tốt nhất tại Berlin. Cô bé đạt điểm trung bình các môn là 1,3 trong học kỳ vừa qua (trong thang điểm của Đức, điểm 1 là cao nhất và điểm 5 là kém nhất). Bảo Châu cho biết, em rất thích học môn toán.
 
Vào đêm giao thừa Tết Việt Nam, gia đình ông Trần Châu ngồi quây quần bên chiếc bàn nhỏ với bánh chưng và các món ăn ngày Tết. Vợ ông là  bà Anh tâm sự: “Đối với chúng tôi, con cái lúc nào cũng quan trọng nhất. Chúng tôi làm tất cả để các con có được một nghề nghiệp tốt sau này”. Bà tự hào nói thêm : “Đó là truyền thống của người Việt Nam”.

Bảo Châu là một cô bé có tinh thần trách nhiệm và tính tự giác cao. Lịch học trong một tuần của cô dày đặc. Hàng ngày, Bảo Châu tan học vào lúc 15 giờ, chiều Thứ Hai em học tiếng Việt để không quên tiếng mẹ đẻ. Thứ Ba, đón em từ nhà trẻ về và đem đến câu lạc bộ bóng ném. Thứ Tư, học đàn Piano. Thứ Năm, lại tập bóng ném. Thứ Sáu  học nhạc. Hàng ngày, em dành nửa giờ để luyện đàn và hai giờ để làm bài tập về nhà. Mỗi Thứ Bảy Bảo Châu thường tập bóng ném. Còn Chủ Nhật, em giúp mẹ làm việc nhà hoặc đọc sách.

Bảo Châu luôn cảm thấy không hài lòng mỗi khi bị điểm kém. Mẹ Anh thường cùng em tìm ra điểm sai và nói: “Lỗi của con ở đây”. Bà Anh nói: “Mỗi khi tôi mắng cháu thì cháu buồn, nhưng cháu cũng biết rằng mẹ mắng đúng.”

Không ít các bậc phụ huynh cho rằng “cần cù bù thông minh” và  không „có những đứa trẻ dốt, chỉ có những đứa trẻ lười biếng“.

Bà Tamara Hentschel, chủ tịch CLB Reistrommel (Trống cơm) được lập ra để giúp đỡ những người Việt di cư và đoàn tụ, cho biết: “Người Việt Nam làm việc rất chăm chỉ, ngay cả khi ốm đau. Không hiếm người làm việc cả 365 ngày trong năm. Trẻ em trong gia đình người Việt không chỉ giúp đỡ công việc trong gia đình, mà còn rất chăm chỉ học hành. Bố mẹ các em luôn đề cao khẩu hiệu học tốt mới có khả năng có một cuộc sống tốt. Họ luôn nói đã hy sinh nhiều vì con cái nên con cái cần phải có trách nhiệm và càng phải cố gắng học cho giỏi.”

Ngày càng có nhiều bậc phụ huynh người Việt thục giục con cái học hành. Con số học sinh người Việt học giỏi gia tăng vượt trội ở các trường học tại Đức chứng minh một phần nào cho nhận định trên.

Đối với các bậc phụ huynh người Việt, xuất thân và nghề nghiệp hiện tại không hề ảnh hưởng đến kết quả học tập của con em. Họ có thể hy sinh tất cả, kể cả tiền bạc để con cái có đầy đủ điều kiện học tập.

Ông Olaf Beuchling, một nhà nghiên cứu giáo dục, đã có cuốn sách nghiên cứu hiện tượng vượt trội của các học sinh gốc Việt “Vom Bootsflüchtling zum Bundesbürger” (Từ thuyền nhân trở thành công dân Liên bang Đức), nói: “Các ông bố, bà mẹ người Việt Nam nhận thức rõ ràng về nghề nghiệp trong tương lai nên họ có đòi hòi rất cao đối với con cái.”

Hiện nay, nhà nước Đức có điều luật khi bố mẹ chưa có giấy phép cư trú dài hạn ở  Đức, nếu con cái của họ học tập tốt, hoà nhập tốt thì có thể giúp cả gia đình được ở lại Đức.  Vì thế,  trách nhiệm của trẻ em đối với gia đình càng nặng nề hơn.

Sau 15 năm nghiên cứu hiện tượng học sinh gốc Việt ở Đức, ông Beuchling cho biết các gia đình người Việt Nam không quá độc đoán như trong các gia đình người Trung Quốc như trong cuốn sách của Amy Chua. Tuy nhiên truyền thống nho giáo vẫn còn tồn tại trong các gia đình này. Họ cho rằng tất cả mọi người, bất kể là con nông dân hay con vua chúa,  đều có thể thành tài, nếu chăm chỉ cần cù học tập.

Với các truyền thống nho giáo và ý chí quyết tâm, học sinh gốc Việt có một năng lực đặc biệt trong hệ thống giáo dục của Đức. Số sinh viên châu Á trong vòng 10 năm qua tăng gần gấp đôi. Hầu hết các sinh viên người Việt thường đến Đức dưới dạng du học sinh và nghiên cứu khoa học.

Ông Dương Anh Vương là một nhà khoa học trong lĩnh vực y tế và  đang nghiên cứu vấn đề bệnh viện tư tại Đại học Công nghệ Berlin. Ông Vương hiện làm việc cho Bộ Y tế tại Hà Nội. Trong bốn năm qua, ông chỉ được gặp vợ và hai con trai ba lần. Ông Vương nói: “Hy sinh sở  thích cá nhân để dành cho việc học tập là chuyện bình thường ở Việt Nam”. Tuy nhiên, ông Vương lại tỏ ra khâm phục việc học sinh Đức học tập rất có kỷ luật và tự giác nhưng vẫn có thể hưởng thụ cuộc sống. Theo ông, người Việt ở Đức đang „tự hủy hoại sức khoẻ và não bộ con em chỉ vì nghề nghiệp trong tương lai.”

Ngay cả bà Tamara Hentschel cũng kịch liệt phản đối việc các bậc phụ huynh người Việt gây áp lực lên con cái. Bà cho biết: “Họ có những hình phạt rất nặng và những hình phạt này ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em. Những đứa trẻ không hề có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn”.

Quay lại với cô bé Bảo Châu nói trên, cô bé chưa biết mình sẽ làm gì trong tương lai. Tuy sinh ra và lớn lên tại Đức, nhưng Bảo Châu vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Đôi khi, Bảo Châu rất khó khăn khi cần giải thích điều gì đó với bố mẹ, vì vốn tiếng Việt của cô bé khá nghèo nàn, trong khi bố mẹ lại không sành tiếng Đức. Về câu hỏi em ước gì trong tương lai, câu trả lời của Bảo Châu là “Đoạt giải Olympic toán học”.

Hà Anh (theo Welt.de)

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.