feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Một buổi sáng ra ngõ, gặp anh hàng xóm dạy đại học than: “Thời buổi này, ở đâu cũng có bằng dỏm! Ở Đức mà còn có tiến sĩ dỏm!”. Có lẽ tin tức rầm rộ về ông Karl-Theodor zu Guttenberg, nguyên tiến sĩ luật và nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Đức, phải thân bại danh liệt vì đạo văn đã lan rộng khắp nước.

Quả là một “lô an ủi” thượng hạng khi mà niềm tin vào bằng cấp và chuyện học hành đã lung lay như răng hàm ở tuổi 70! Không “an ủi” sao được khi mà trường đại học Bayreuth ấy đã từng trịnh trọng trao bằng tiến sĩ hạng tối danh dự với lời khen của hội đồng giám khảo (summa cum laude), mà không hề phát hiện ra những đoạn ông này đạo văn! Còn nghe nói trường đại học này đã nhận tài trợ đến 747.764 euro cho một ghế giáo sư quản lý y tế suốt từ năm 1999-2006 từ két sắt bệnh viện Rhön-Klinikum, mà gia đình ông tiến sĩ tương lai làm chủ đến 26% số cổ phần. Nghe nói ông còn sử dụng hệ thống tư liệu của nhà nước để tự cung cấp cho mình các tài liệu cần thiết cho việc “xào nấu” luận án tiến sĩ.

Coi trọng dư luận

Thế nhưng, làm sao một cây “xà beng” chọc giận dư luận cỡ đó, chớ đâu cỡ cây kim, lại có thể yên ổn ẩn mình trong một xã hội mà dư luận định đoạt tất cả! Thật vậy đó là những xã hội mà dư luận rất được xem trọng, trọng đến nỗi từ nhà nước đến các công ty đều có chức vụ “…phụ trách quan hệ với công chúng” (Public Relations, PR), mà nền tảng công việc là theo dõi, bám sát dư luận để nếu không là dẫn dắt, thì cũng kịp để xử lý khủng hoảng, hầu giành lại dư luận về phía mình. Từ gần thế kỷ nay, ít nhất phân nửa thiên hạ không còn giành dân bằng võ lực hay o ép mà bằng những ứng dụng của tâm lý, xã hội học. Làm PR chính là dân vận trong ý nghĩa đó.

Mấy chục ngàn học giả đã ký tên khiếu nại với nữ Thủ tướng Merkel rằng việc bà cứ che chắn cho ông Guttenberg như thế chính là chế nhạo những ai làm khoa học một cách lương thiện, rằng họ không đòi được đãi ngộ mà chỉ đòi được, rằng cách cư xử bao che của bà thủ tướng là không xứng đáng do lẽ bản chất vụ này chỉ là một vụ nhảm nhí tồi tàn. Người làm khoa học cảm thấy nhục nhã vì điều đó. Và rằng chính nước Đức cũng nhục theo (*). Có thể hiểu phản ứng của các học giả Đức này! Ở những xã hội mà từ tấm bé đã được dạy rằng “ăn cắp quả trứng sẽ ăn cắp cả con bò!”, lớn lên làm sao còn thói ăn cắp, kể cả vay mượn ý tưởng người khác làm của mình.

Nếu như ngoài đường, ngoài chợ, lấy một vật không phải của mình bỏ túi mà không trả tiền mua, không mở miệng xin, gọi là ăn cắp, thì khi vào trong lớp, liếc bài làm của bạn bên cạnh, lấy một câu của người ấy chép vào bài của mình, gọi là “quay cóp”, là “cọp dê”, là “chép”…, thì tại sao lên đại học hoặc hơn, lại có thể chép ý cả trang này đến chương nọ, sao y toàn bộ ý tưởng, lại có thể gọi là làm luận văn?

50.00O yen là bao nhiêu?

Chuyện ông Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara từ chức sau khi bị chỉ trích vì nhận tiền hiến cho hoạt động chính trị từ một công dân Nam Hàn định cư tại Nhật Bản càng là một thí dụ cho thấy thế nào là tác động của giáo dục trong những xã hội mà từ tấm bé, như đã nêu ở trên, đã được dạy rằng “nhỏ ăn cắp cái trứng gà, lớn lên ăn cắp con bò…vàng”! Số tiền mà ông ngoại trưởng thừa nhận đã nhận quyên góp chỉ là 50.000 yen (610 đô la)? Ấy thế mà văng là văng, cho dù ông Maehara đã được xem như là một ứng viên tiềm năng kế nhiệm Thủ tướng Kan!

Đúng là ông Maehara “dại” đủ đàng! Làm ngoại trưởng mà hớ hênh trực tiếp nhận tiền! Lẽ ra phải có một anh chánh văn phòng làm “Lê Lai” chớ! “Dại” thứ nhì là đi nhận tiền của người nước ngoài! Gần đây các nước OECD siết chặt các điều khoản chống hối lộ ở nước ngoài dữ lắm.

Vấn đề là các xứ ấy sao lại “hắc” quá vậy? Dính có chút đã tiêu mạng! Chẳng có gì lạ cả. Dân các nước ấy đã quen ở sạch, sống sạch. Còn chuyện tiêu pha, dân các nước ấy cũng đã quen tiêu pha sạch. Thu nhập, thanh toán qua ngân hàng, chẳng sai đi đâu được một cắc. Có một lần, con gái nói với ông bố: “Con lương tháng tám ngàn (đô la Mỹ), chồng con hơn một chút, nhưng đến năm con 57 tuổi mới trả xong cái nhà này!”. Ấy vậy mà có nước, công chức lương tháng vài ba triệu, thậm chí chưa đủ chuẩn đóng thuế thu nhập cá nhân, nhưng lại sắm căn hộ cao cấp, biệt thự để đó chơi! Sao lạ vậy? Dân ở nước chuyên đi vay ODA thì sắm nhà cửa như mua xôi, còn người nước chuyên cho vay ODA thì lại cả đời chỉ có mỗi một căn nhà?!

Mà nước phát triển nào cũng thế. Trước Ngoại trưởng Nhật Maehara 10 ngày, nữ Ngoại trưởng Pháp Michèle Alliot-Marie cũng đã phải từ chức vì bị dư luận đặt câu hỏi: Sao bà lại đi nghỉ mát với các quan chức gộc của cựu Tổng thống Tunisie vừa bị lật đổ? Đừng tưởng bà này trẻ người non dạ! Tuổi bà cũng khá trọng: sinh năm 1946! Bà đã từng là bộ trưởng quốc phòng suốt mấy năm trời.

Triết gia Aristote khi xưa đã dạy: “Đạo đức đảm bảo mục đích ta đeo đuổi có công chính hay không, còn sự thận trọng thì đảm bảo các phương tiện đạt đến mục đích đó có công chính hay không”. Vậy mà có khi lại không có chỗ cho cả đạo đức lẫn sự thận trọng!

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.