feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Đúng vào cái tuổi thích làm người lớn, lần thứ hai cô gái Việt sống ở Đức Ina Thùy Dương giật giải thơ của Nhà xuất bản FiFa (*). Ngày 24-4-2010, cô cùng cả nhà tới thành phố Muenchen nhận giải nhì với bài thơ Ai cũng là người - dù khuyết tật. Sau đây là câu chuyện về thơ của thi sĩ nhí với bạn đọc TTCT.


Tôi tên Ina Thùy Dương Nguyễn. Mẹ sinh tôi năm 1996 ở Chemnitz, một thành phố rất đẹp ở đông nam Đức. Tại đây, bố mẹ tôi có một tiệm quần áo nhỏ để mưu sinh. Tôi làm thơ từ năm học lớp 3. Hồi ấy, cô giáo ra bài tập cho cả lớp viết về mùa xuân. Và tôi làm bài thơ Mùa xuân. Bài thơ được cô giáo khen và từ đó, khi nào thích, nghĩ điều gì hay hay hoặc gặp chuyện buồn, tôi đều làm thơ.

Mỗi người nghĩ một kiểu, còn tôi thì nghĩ bằng thơ

Có lần mẹ kể với tôi, ở nông thôn Việt Nam, các bạn nhỏ chơi với các thẻ tre, cục đất, những viên đá nhỏ, cả với các con vật nho nhỏ bắt được ở ven sông. Rồi những lần về thăm bà nội, bà ngoại ở thôn Cổ Đô, ở đó có con sông lớn chảy cạnh làng và một bãi cát rộng lắm đầy nắng. Cả những hàng tre. Tháng hè nóng lắm và tôi nhìn thấy các bạn ở làng nhễ nhại mồ hôi, có bạn cưỡi trên những con trâu...

Ở Đức, chúng tôi có rất nhiều đồ chơi, thậm chí đồ chơi rất đắt tiền. Quay lại Đức, tôi làm bài thơ Trò chơi kể về sự khác biệt ở các miền đất khác nhau, để các bạn Đức biết trẻ con ở những vùng đất khác nhau đó chơi và sống ra sao. Đơn giản thôi!

Mỗi người có cách nói ra những suy nghĩ của mình. Năm vừa rồi, lớp tôi có đề tài vẽ hoặc kể về những người khuyết tật. Nhiều bạn vẽ tranh. Tôi thấy mình có thể nói về người khuyết tật bằng thơ thay việc vẽ tranh. Thế là bài thơ Mensch ist mensch - auch mit behinderung (Ai cũng là người - dù khuyết tật) ra đời. Sau đó, Nhà xuất bản FiFa lại mở cuộc thi, tôi gửi nó tham dự với dăm bài thơ khác.

Mỗi người ở lớp chúng tôi có thể suy nghĩ khác nhau về một điều gì đó trong cuộc sống. Ở lớp tôi, cô giáo không bắt buộc ai cũng phải thể hiện suy nghĩ giống theo một kiểu, miễn là phải nói thật điều mình nghĩ, điều mình cảm. Bạn nào không vẽ được thì kể, không kể được có thể làm thơ. Tôi nói lên điều mình nghĩ bằng thơ và viết mọi vui buồn ra mỗi tối bên cửa sổ. Tại đó buổi tối trông xuống mảnh vườn, có con voi ngồi trên thảm cỏ xanh nom rất buồn cười.            


Với một cô gái 13 tuổi thì ngôn từ bài thơ thể hiện là thật vững, không viết khác được. Nhất là cách gieo vần, rất đạt! Cách dụng ngôn từ thì có hẳn cường độ tăng dần cho tứ của đề tài, theo từng khổ một và khi đối chiếu ý kết, bài thật rất thuận và bất ngờ.


LÊ TRỌNG PHƯƠNG
(chuyên gia nghiên cứu văn hóa giao thời, giảng viên khoa Đông Nam Á học Đại học Bonn, CHLB Đức)

 

Làm thơ được thêm bạn và thấy vui hơn

Làm thơ xong, trước hết tôi dịch ra tiếng Việt đọc cho bố mẹ nghe. Ở lớp thì cô giáo hay tự tôi đọc cho các bạn. Lớp tôi không phải ai cũng làm thơ hay viết văn. Trong lớp chỉ có một bạn viết truyện. Truyện bạn ấy viết rất hay và chúng tôi đọc của nhau, cũng như xem tranh của các bạn khác. Tôi và bạn ấy đã chơi với nhau bảy năm và nay vẫn rất thân nhau. Cũng có lúc bạn giận tôi, tôi buồn lắm và làm thơ viết về nỗi buồn mất bạn gửi cho bạn ấy, thế là chúng tôi lại làm lành.

Tôi có một cô giáo từ hồi lớp 3. Cô rất hiền, chính cô là người gửi cho tôi giấy mời của FiFa và động viên tôi gửi thơ đi dự thi. Cho tới bây giờ, dù đã lâu không còn học cô giáo ấy, tôi và cô vẫn gặp nhau và cô vẫn quan tâm, đọc thơ của tôi...

Làm thơ không khó lắm vì như một trò chơi

Thật ra làm thơ không khó lắm. Khi cô giáo ra đề tài tại lớp, về những người khuyết tật, hằng ngày đi học, mua sắm, tôi vẫn gặp rất nhiều người khuyết tật, do chiến tranh hay do nguyên nhân nào đó. Nhìn họ đi lại, mua bán, thậm chí ca hát, tôi thường tự hỏi vì sao họ có thể sống được như mình đã nhìn thấy? Thật đáng khâm phục! Thế là tôi làm thơ kể về họ, những gì nhìn thấy và cảm được.

Hay là John Maynard (Người lái đò John Maynard) của Theodor Fontane. Ở hai người này, chả có ai nhất hay nhì. Hai bài thơ, mỗi bài hay một kiểu. Tất nhiên thơ của tôi thì khác, ví như bây giờ đọc lại những bài thơ làm hồi ở lớp 3 thấy có bài trẻ con lắm.

Năm ngoái tôi có viết một truyện ngắn dự thi toàn nước Đức, dành cho các bạn từ 13-28 tuổi và tôi đã thất bại. Bố mẹ rất lo tôi sẽ buồn. Thú thật là có buồn ít thôi, rồi lại quên ngay. Vì đây là một trò chơi mà, giống như các trò chơi ở lớp, đã tham gia thì tôi cũng muốn mình thắng. Song nếu bại, tức là mình phải cố gắng hơn nữa ở cuộc chơi tiếp theo. Vả lại, còn nhiều trò chơi khác và không ai là tuyệt hảo cả. Vì chúng tôi không chỉ có thơ và truyện hay phim ảnh.

Tôi rất thích múa pop và một ít hip hop. Tôi theo học múa tám năm nay, tham gia nhóm múa DaChixxx [www.dachixxx.de] của thành phố Chemnitz. Nhóm của chúng tôi cũng đoạt nhiều giải... Những điều ấy cũng thích thú như đi xem phim hay sưu tầm các câu nói ở lớp, ví như câu: “Thời gian không thể chữa lành vết thương, chỉ có con người phải làm quen với nó” cũng làm tôi suy nghĩ một cách thú vị. Đôi khi nhiều câu bè bạn sưu tầm còn hay hơn cả một bài thơ.

Cuộc thi lần này bao gồm cả thơ, tiểu thuyết, kịch, kịch bản phim viết bằng tiếng Đức và có tác giả từ Thụy Sĩ và Áo dự thi. Mỗi thể loại có ba giải nhất, nhì, ba. Giải nhất về thơ năm nay được trao cho một bé trai người Đức ở một thị trấn nhỏ gần Frankfurt. Giải nhì thuộc về Ina Thùy Dương sống tại Chemnitz với bài thơ Mensch ist mensch - auch mit behinderung. Bài thơ viết có vần điệu, theo lối cổ điển, nhưng vấn đề đặt ra rất hiện đại. Chúng tôi cùng với một hội đồng xét thưởng bao gồm sinh viên và giáo viên văn học đã đánh giá cao bài thơ này và số phiếu cho giải nhì là tuyệt đối.

HARRY THEODOR
(đại diện Nhà xuất bản FiFa)
Thú thật tôi thích truyện và đọc truyện nhiều hơn là làm thơ. Vì vậy tôi chỉ đọc những bài thơ ở lớp học và thấy chẳng có bài thơ nào là bài thơ hay nhất cả. Vì qua nhiều bài thơ cô giáo dạy, thấy mỗi bài thơ hay mỗi vẻ. Tôi thích đọc thơ của Johann Wolfgang von Goethe. Ví dụ như bài Der Zauberlehrling (Gã phù thủy tập sự).

 

Mở trường dạy múa là ước mơ

Chương trình học lớp 8 của tôi không quá bận và tôi chỉ học ở trường. Thời gian nghỉ không khi nào học sinh phải học cả. Nghỉ là tự do và vui chơi. Tại sao người ta lại phải học trong các ngày nghỉ? Bạn bè tôi ở lớp cũng như vậy. Nghỉ để đi chơi và nếu bố mẹ cho tiền tôi thích về Việt Nam chơi. Tôi nhớ mùi Việt Nam. Nhớ mùi nước sông và bãi cát. Nhớ cả những ngày nóng nực và đặc biệt những món ăn ở Việt Nam rất ngon.

Tháng 11 tới cha mẹ tôi sẽ làm lễ trưởng thành cho tôi. Tôi không ước mơ làm thi sĩ chuyên nghiệp. Tôi ước mơ làm nghề dạy chụp ảnh hay nhảy múa. Nhất là múa! Nhảy múa thật giỏi và mở lớp dạy nhảy cho trẻ con như em tôi. Em Ina Thùy Linh Nguyễn của tôi cũng rất thích ca hát, nhảy múa, dù nó bắt chước người mẫu quảng cáo thời trang rất giỏi. Tôi sẽ mở trường để trẻ em Việt Nam và Đức phải được nhảy múa, vì nhảy múa vừa khỏe mạnh lại vừa rất vui vẻ...

Đấy, câu chuyện của tôi chỉ như vậy.

 

Ai cũng là người - dù khuyết tật

Chúng ta hẳn đều như nhau cả
Chúng ta nào sống với thảnh thơi
Chúng ta khác nhau nhiều, khác lắm
Điều này thôi, thì đúng ở nhiều người.

Có những người không may lòa mắt
Song vẫn tường ngọn gió lẫn thanh âm
Vẫn hiểu đời, khi vòng tai còn tiếng
Họ không hề bỏ cuộc, họ không thua.

Có những người không may phải điếc
Chưa từng nghe xào xạc tiếng lá vàng
Họ biết đấy, qua cái nhìn, ánh mắt
Dù đôi tai thôi đã tuyệt, không dùng.

Có những người tay không còn nữa
Nhưng đầu hàng, thì họ chẳng bao giờ
Đôi chân đấy, họ còn đôi chân đấy
Để viết nên bao câu chúc, lời thư.

Có những người không đi vì chân bại
Thế mà nhanh lăn bánh đến cửa hàng
Khối việc thong dong, làm được tất
Nào múa, nào ca, cả trà nướcmiếng cơm.

Vâng, Trời không ban cho ta mọi thứ
Nhưng với đời, ta vẫn cứ vui thôi
Đấy, quanh ta bao người khuyết tật
Không buông xuôi, không lìa bỏ cuộc đời.

LÊ TRỌNG PHƯƠNG chuyển ngữ

NGUYỄN VĂN THỌ ghi

------------------

(*) Ina Thùy Dương từng đoạt giải nhất với bài thơ Những vì sao huyền diệu trong cuộc thi của FiFa năm 2008 (xem TTCT số ra ngày 1-8-2009).


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.