feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Cái lạnh ôm choàng lấy tôi khi vừa bước qua cửa kính tự động ra khỏi sân bay Frankfurt, Đức. Gần hai tiếng đồng hồ chen chúc vào những hàng “Non-EU” đông nghịt làm thủ tục nhập cảnh, chạy suốt mười mấy băng chuyền tìm hành lý... tôi mướt mồ hôi, phải dẹp phăng áo choàng mũ len. Quên mất ngoài kia mới mờ sáng, tháng 10 cuối thu, Frankfurt 7 độ C.

 

Thực ra, Frankfurt - thành phố ngã ba hàng không châu Âu - đầu tháng 10 “nóng” lên với người từ khắp nơi đổ về hội chợ sách hàng năm. Khi anh hải quan hỏi chỗ cư trú trong thời gian ở Frankfurt, tôi đã định lôi ra tờ thông tin về cái nhà trọ tôi sắp đến, nhưng rồi đổi ý và trả lời đơn giản: “Ở hội chợ sách”. Thế là được gật đầu, đóng dấu cái cụp và cho qua.

Hành trình đi hội chợ sách quốc tế của chúng tôi bắt đầu…

Zum Adler, nhà trọ hơn 250 tuổi

Xe chở chúng tôi rời sân bay đi Neuberg, một vùng ven Frankfurt. Những khung cảnh đầu tiên đẹp hơn tranh: hàng cây lá hoe hoe đỏ hoe hoe vàng trong mù sương. Các ngôi nhà nhỏ nhắn xinh xinh êm đềm thả lơi loài dây leo lá xanh rực trên ban công và bờ tường.

Những cánh đồng cải dầu đang mùa ra hoa, nối tiếp các khu nhà đường nét kiến trúc duyên dáng ấy dẫn vào làng Neuberg. Gasthof (nhà trọ) Zum Adler hiện ra với phong cách thuần châu Âu cổ điển, kiến trúc một tầng chỉ hai màu: màu tường trắng và màu gỗ nâu đen.

Bài trí bên trong nhà trọ mang lại cảm nhận thưởng thức không gian sống của một thuở nào đã qua ở chốn làng quê châu Âu. Nồi gốm thô cũ kỹ, lọ hoa đất mộc vàng nâu, những bức tranh nhỏ phai phai màu, chân nến đồng xỉn, tượng gỗ chạm trổ tỉ mỉ sờn sứt...

Nghe tôi nói khi về Việt Nam sẽ viết bài về nơi này, bà chủ thích thú dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ đầy ắp giấy tờ lưu trữ lâu đời, cho tôi xem tấm giấy cây gia phả của gia đình mà “tuổi tác” chắc cũng dày nên rã rời theo các nếp gấp. Bà thuyết minh cho tôi biết từ ai với ai đã xây nên Zum Adler để giờ đến tay bà (và sắp sửa sẽ là con gái bà) tiếp tục kinh doanh ngôi nhà trọ có 250 năm lịch sử điều hành bởi năm thế hệ của một gia đình. Bà khoe tấm văn tự chủ quyền mảnh đất xây nhà trọ này đề tên cụ tổ bà. Còn huy hiệu hiện nay của nhà trọ thì có từ thời bà ngoại bà còn con gái.

Lần đầu đi hội chợ sách quốc tế

Một ý nghĩ tự cười mình luôn bám chặt lấy tôi: “Frankfurt Book Fair 2007 này thách thức khả năng hội nhập khi người ta... không còn trẻ đây!”.

Tác giả và ba cô gái vui nhộn - những fan của truyện tranh Nhật Bản; cô gái mặc váy trắng đứng giữa cầm tấm bảng viết tiếng Đức, có nghĩa là “Why?” - Tại sao

Sally Nicholls, tác giả quyển Ways To Live Forever

Ngày đầu tiên - Được điều từ Berlin xuống nên không rành đường, anh lái xe cho nhóm ba người NXB Trẻ chúng tôi “xà quần” mãi vẫn không tiếp cận được tòa tháp khu nhà hội chợ đã nhìn thấy đàng xa. Chín giờ rưỡi hơn, chúng tôi mới được đứng trước quầy bán vé. Cuộc hẹn đầu tiên trễ đã xô lệch tất cả cuộc hẹn còn lại trong ngày như hiệu ứng đôminô! Ngày đầu tiên của chúng tôi là hối hả ngược xuôi khắp hội chợ mênh mông để “bắt lại” các cuộc trễ hẹn! Vào lúc kết thúc, với đôi chân “mất cảm giác”, tôi quyết tâm đi tìm hiểu cách để tận dụng các tiện ích như quầy thông tin, khu Internet miễn phí, lối xuống đón xe bus…

Ngày thứ hai - Chúng tôi bắt đầu biết đi xe bus trong hội chợ! Đôi chân bây giờ chỉ còn thách thức lội bộ trong từng “hall” rộng cỡ hai block nhà. Lịch làm việc ken dày, ở các “hall” khác nhau, ít cho phép chúng tôi có thời gian dạo chợ với đúng nghĩa kỳ hội. Thỉnh thoảng một vài hoạt động vui nhộn nào đấy lọt vào tầm mắt của chúng tôi, cho biết chừng nào còn “đầu tắt mặt tối” với các cuộc hẹn, chừng đó chúng tôi còn bỏ lỡ nhiều cái đáng thưởng thức!

Đêm dự event - Trong khi các nhà xuất bản khác từ khắp nơi trên thế giới chỉ được mời một người, chúng tôi được “đặc cách” đi hết cả ba dự event quyển sách Ways To Live Forever của Scholastic.

Với “tư duy cách làm event ở Việt Nam”, sau mấy lời chào hỏi, chúng tôi yên tâm ngồi đợi, nghĩ sẽ có ai đó lên đọc diễn văn tuyên bố lý do, tác giả cuốn sách lên phát biểu, rồi thì xin chữ ký… Mãi chỉ thấy đối tác Scholastic dẫn hết đồng nghiệp này đến đồng nghiệp kia tới chào hỏi. Rồi người ta trò chuyện, tán gẫu rào rào. “Sếp lớn” của Scholastic đến chào chúng tôi, rồi cứ ngồi gợi chuyện trong sự toát mồ hôi hột của cả nhóm! Đến khi ông hỏi: “Các bạn có thể nói đùa không?”, chúng tôi mới vỡ lẽ ra: Dự sự kiện “của người ta”, bạn phải có “kỹ năng tán gẫu” tạo quan hệ với càng nhiều người càng tốt. Nhất là muốn quan hệ với “người của sự kiện” thì bạn phải tự “lân la” làm quen lấy! Cách nhóm chúng tôi không xa là đối tác Trung Quốc của nhà Scholastic, đang ngồi âm thầm giữa những tiếng cười xung quanh. Bạn làm sao hội nhập cuộc vui khi chỉ hiểu nhưng không đóng góp được câu nào! Nhìn người bạn chưa quen Trung Quốc mà chúng tôi “lặng người” hiểu rằng đó chính là hình ảnh của mình nếu chẳng được đặc cách đi cả ba người!

Ngày xảy ra sự cố - Ngày căng thẳng nhất của chúng tôi trong chuyến công tác khi một thành viên phải đi cấp cứu! Mấy hôm trước đó tôi để ý thấy còn một tiện ích khác là xe điện chạy trên các hành lang trên lầu nối liền các hall. Hòng tiết kiệm thời gian di chuyển được thêm chút nào đỡ chút ấy, “định vị” một lúc, tôi đưa sếp của mình ra hành lang, đi thang máy xuống đón xe điện. Thang máy ngừng, mở cửa thấy mình ở ngoài đường, thậm chí còn đứng trên cầu vượt!

Frankfurt không chỉ có ngân hàng

Gasthof Zum Adler chỉ hai màu: trắng của tường…

 ...nâu đen của ban công, mái, nẹp trang trí bằng gỗ

Một góc hiện trường khảo cổ

- Trong hội chợ sách, một bộ sách danh nhân được tạo hình theo gương mặt của họ

Người bạn cũ sống ở Frankfurt hơn 25 năm mà tôi may mắn liên lạc được còn hơn cả “thổ địa” Frankfurt! Anh bảo, chỉ tính riêng “tổng hành dinh” thôi cũng đã hơn 1.600 ngân hàng có mặt tại Frankfurt. “Nhưng tôi đã nhận lời ủy thác của bà Thị trưởng Frankfurt phải làm cho quý vị biết Frankfurt không chỉ có ngân hàng!” - anh hóm hỉnh.

Tòa thị chính Frankfurt bao gồm ba khối kiến trúc liền kề nhau, trong đó tòa nhà chính có tên gọi “Zum Rômer” trở thành tên chung cho cả tòa nhà. Các cột tượng tạc từ đá nguyên khối còn nguyên qua năm tháng. Trên cánh cửa gỗ dày của tòa nhà chính có gắn bảng chữ khắc nổi cho biết vào thời Trung cổ (những năm 1400) tòa nhà được gọi là Kaisersaal (Hội trường Hoàng đế), là nơi các lãnh chúa họp nhau để bầu ra hoàng đế Phổ mới sau những vụ chính biến lật đổ ngai vàng.

Khi chúng tôi có mặt tại đây là chiều thứ Hai, quảng trường trước mặt tòa thị chính tấp nập người dạo chơi, những người “xin tiền” nghệ thuật bằng cách thổi sáo, đóng giả thành hiệp sĩ Trung cổ, công nương xinh đẹp... Tượng Karl Đại Đế (742-814) dựng trong vòng khu vực trung tâm quảng trường này. Theo tài liệu, vào năm 794 trong buổi họp các nhân vật quyền lực của giáo hội dưới sự điều khiển của Karl Đại Đế, lần đầu tiên nhắc đến tên “Franconofurd”. Người ta cho rằng đó là truyền thuyết về cái tên Frankfurt ngày nay.

Thiên nga thảnh thơi bơi ven bờ sông Main

Vòng ra phía sau quảng trường chúng tôi đến với một khu hiện trường khảo cổ được bảo tồn. Sau Thế chiến thứ II, trong lúc xây dựng lại Frankfurt người ta phát hiện ra di tích một bể tắm xây bằng đá. Sau khi nghiên cứu đã xác định quần thể di tích này bao gồm: bể tắm tường thấp được xây vào khoảng năm 75-110; bể tắm tường cao xây vào những năm 820-850 một hầm thời kỳ hậu Trung cổ thế kỷ XIV - XVI.

Quần thể di tích này từng nằm trong một khu doanh trại lính dưới thời Kaiser Ludwig (der Fromme) [Hoàng đế Ludwig “Người sùng đạo”]. Liền kề bên khu di tích khảo cổ là Nhà thờ St. Bartholomäus, nhà thờ chánh tòa, nơi làm lễ tấn phong các tân hoàng đế nước Phổ từ 1562-1792. Xưa hơn nữa, năm 852, đây là nhà nguyện Salvatorkirche thuộc về khu doanh trại lính nói trên.

Tên tiếng Đức đầy đủ của Frankfurt là Frankfurt am Main (Frankfurt bên bờ sông Main). Con sông Main lờ lững nhàn tản, tương phản với nhịp sống sôi động suốt đêm ngày của Frankfurt. Chúng tôi băng qua một cây cầu mà người bạn “thổ địa” của tôi cười cười bảo: “Cầu này có tên đẹp lắm. Cầu sắt!”. Cầu không đẹp, trụ cầu to thô có từ trước thế chiến. Nhưng bên dưới dòng sông đẹp dịu dàng. Nước trong xanh cho bầy thiên nga trắng tinh thảnh thơi bơi. Một doi đất nhô ra giữa dòng rợp cây lá vàng. Mấy con bồ câu đậu thành hàng lên thanh sắt từ đâu đó chìa khơi khơi ra giữa mặt sông…

Hưởng nốt cái lạnh ngày cuối, chúng tôi quyết định chọn một quán kem ngoài trời, tay nâng cốc cacao nóng, tay kia cho vào trong áo, miệng xuýt xoa. Sắp phải rời Frankfurt rồi!

Tối 16/10, một cơn mưa lớn bắt chiếc máy bay từ Frankfurt trở về TP. Hồ Chí Minh của Quatar Airways lượn hơn một tiếng đồng hồ mới đáp xuống được sân bay Tân Sơn Nhất. Về đến nhà, giở vali hành lý ra, chai nước lotion vỏ nhựa của mình sao lạnh ngắt như đồng vậy? Thì ra, bị nhét giữa mớ đồ ấm, nó đã giữ lại nguyên cái lạnh đêm cuối cùng ở Frankfurt cho tôi!


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.