feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Ngày xưa, ông ngỏ lời với bà bằng lời cầu hôn rất lạ: "Nếu em chịu được khổ thì hãy nhận lời lấy tôi". Cán bộ cách mạng như tôi chỉ có phụ cấp, không có lương. Nhưng em yên tâm một điều rằng, khổ trước rồi sau sẽ vinh quang” - “Dạ, em đồng ý, dù khổ hay vinh quang, em cũng sẽ thuỷ chung với anh đến suốt đời!”, bà thỏ thẻ.


Chiến tranh và chia ly

Bà tên Nguyễn Thị Thanh Tâm, quê ở Vụ Bản, Nam Định. Cụ thân sinh của bà sang Lào làm việc ở mỏ than Tà Khẹt đem theo người vợ mới cưới 18 tuổi. Hai năm sau đó, mẹ bà sinh lần lượt hai cô con gái, bà là con gái thứ hai. Ông cụ tham gia phong trào yêu nước nên bị trục xuất về Hà Nội.
 
Chiến tranh, khó khăn, đủ mọi thứ lo toan, sợ không kham nổi, ông gửi con gái đầu ở lại Lào, đưa Tâm mới 16 tháng tuổi về quê hương. Sau đó, ông cụ xin vào làm ngành hoả xa và hai ông bà có thêm hai con nữa. Ông vì công việc đi biền biệt, có khi mấy bữa liền mấy mẹ con không có gì ăn, phải đi vay mượn mỗi nhà một nắm gạo.
 
Mong muốn con có được cuộc sống tốt hơn, mẹ Tâm gởi cô cho người bác ruột khá giả, lại không có con. Gia đình giờ chia ba, con cái thêm ly tán. Tâm, từ ngày sang nhà bác được ăn ngon mặc đẹp, học hành tử tế, nhưng rất ít cười vì cô chỉ mong được ở cùng mẹ, dù đói khổ.
 
Cuối năm 1944, cha của cô trở lại Hà Nội, đón mấy mẹ con vào Nam. Trên đường đi, chiến tranh Nhật – Pháp nổ ra, trục đường Bắc Nam bị bom của quân đồng minh băm nát, cả nhà kẹt lại ở thị trấn Tháp Chàm. Lúc đó Tâm đã 13 tuổi. Một năm sau, mẹ ốm rồi mất, Tâm trở thành chị lớn chăm sóc hai em.
 
Cả nhà sống trong goòng xe lửa, nơi cha làm việc. Giặc đánh đến Nha Trang, Tâm cùng cha đưa các em theo đường rừng ra Tuy Hoà, đến Tam Quan thì dừng lại, ở nhờ nhà dân. Mãi đến năm 1948, cha Tâm lúc đó làm khu uỷ Liên khu 5, được phân một miếng đất nhỏ và dựng lên căn nhà mái lá. Hàng ngày, ông làm việc ở xưởng đúc các thiết bị cho tàu hoả.
 
Thời gian này, trưởng ban tài chính của liên đoàn Lao động khu 5, một chàng thanh niên gầy ốm nhưng có đôi mắt sáng, giọng nói trầm ấm, tên Trần Hoài Nam hay sang xưởng đúc mua thiết bị. Chàng thanh niên ngày càng sang xưởng thường hơn, mỗi lần mua một ít.
 
Và mỗi lần, anh đều xin cô con gái ông chủ xưởng một ly nước. Rồi mỗi lần uống nước, anh lại nói chuyện dài hơn. Cuối cùng thì anh ngỏ lời cầu hôn với Tâm. Và họ thành vợ thành chồng từ đó. Anh đưa cô về Bồng Sơn (Bình Định), tại đây họ sinh ra cô con gái đầu lòng.

 


Vẫn chờ ngày đoàn tụ

Lấy chồng bộ đội, cuộc sống của Tâm phải dời đổi nhiều hơn. Năm 1950, theo lệnh trên, tất cả vợ con cán bộ phải đi sơ tán. Hai mẹ con về Bình Định. Mỗi tháng, Tâm chỉ có tiêu chuẩn 12kg gạo. Dân làng thương tình, cho miếng đất nhỏ trồng rau. Rồi lại có lệnh chuyển ra Quảng Ngãi, về Cổ Phong.
 
Một năm sau, ông Nam mới quay về thăm nhà. Năm 1954, Tâm sinh đứa con thứ hai đặt tên là Hoà Bình. Sau đó cả nhà về Tam Quan và ông có lệnh tập kết. Ba mẹ con đi chuyến tàu đầu tiên dành cho cán bộ trung cao (lúc đó ông làm trưởng ban tập kết). Ra Bắc, chưa có nhà, mấy mẹ con ở chung với anh em đường sắt. Ba mẹ con được phân một cái giường và một cái ghế để ngủ.
 
Khi nghe tin chồng thổ huyết vì lao lực, bà Tâm đứng ngồi không yên. Sau, lại nghe tin Trung ương đã đưa chồng mình ra Hà Nội chữa bệnh, bà và các con tạm thời yên tâm ở Sơn Tây. Cho đến một hôm, tình cờ ra đầu ngõ, thấy đằng xa có một người đàn ông nhỏ bé đang đạp xe về phía nhà mình, bà muốn đứng tim. “Anh ấy đã về!”.
 
Đó cũng là lần đầu tiên, sau khi lấy nhau, bà được ở bên chồng được mươi ngày. Nên bà lặng đi khi nghe ông báo tin đã nhận công tác làm thư ký công đoàn đường sắt Việt Nam. Năm 1963, ông nhận quyết định của Ban Bí thư gọi về làm công tác đối ngoại. Cả gia đình lúc đó mới chính thức đoàn tụ ở Hà Nội.

Phu nhân của “vị đại sứ nghèo nhất”

Năm 1984, bà về hưu thì ông lại nhận được quyết định trở thành đại sứ ở Cộng hoà dân chủ Đức. Bên cạnh đó, bà cũng nhận được quyết định công tác trong vai trò phu nhân đại sứ với mức lương 200 mác Đức/tháng. Nhận mức lương này, bà phải xuất hiện bên cạnh chồng trong các buổi lễ tân, tiếp khách… “Tưởng có dịp theo chồng đi chơi một chuyến khắp châu Âu, ai ngờ vất vả hơn ở nhà. Có hôm một ngày mấy bận tiếp khách, chỉ lo thay đồ, trang điểm, không kịp ăn uống gì”, bà kể.

Sang Đức, bà nghe người xung quanh kể, chỉ cần mua đồ rẻ đem về nước bán là có tiền. Nhưng có lần bà nói với ông: “Chú lái xe nói để chú tranh thủ đem ít đồ về cho mình”, ông nghiêm khắc nhìn bà, ánh mắt giận dữ: “Đừng bán rẻ danh dự của chúng ta”. Bà nói, bây giờ nhắc lại vẫn thấy lạnh cả người.
 
Ông liêm khiết đến mức, chính ông cũng tự dằn vặt bao năm ở xứ người khi nghe tin đời sống trong nước rất khổ cực. Cuối cùng thì chính ông cũng phải lên tiếng xoa dịu những người phải chịu cảnh tha hương để mong tìm được một đời sống tốt hơn cho gia đình.
 
Năm cuối cùng, ông gọi mọi người vào và nói: “Mấy anh chị làm gì thì làm, nhưng đừng để đến tai tôi”. Và ông buồn bã mấy ngày liền không nói năng, ăn uống gì cả. Bà năn nỉ mãi, ông mới nói: “Mình cố gắng vượt qua cám dỗ, ở cùng tôi cho trong sạch”.
Lương của ông cộng với bà được 700 mác. Họ đã vô cùng tiết kiệm, dè sẻn mới đủ chi dùng cho cuộc sống ở xứ người. Nhưng hễ có khách Việt Nam sang, ông bà lại mời về nhà ăn cơm. Bà nói ở đây có sẵn cá tươi, còn gia vị thì bạn bè, các đoàn Việt Nam sang mang rất nhiều, không thiếu. Nhưng ông không kén ăn, chỉ cần có bát cơm là ông đã thấy đủ.

Bây giờ, ông đã quy tiên, bà sống cùng con cháu trong ngôi nhà nhỏ trên đường Đoàn Thị Điểm, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Mỗi lần con cháu ta thán về đời sống, bà lại kể câu chuyện ngày xưa, lúc ông ngỏ lời với bà bằng lời cầu hôn lạ lùng...
 
 

 


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.