feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Đi Châu Âu về học được sàng gì không đây? Xin bà chị cho em kể chuyện thường ngày, chả có gì đặc biệt với họ mà lạ hoắc với ta nhé.
Ở bên Đức và Ý, em “báo cáo” về rằng tiền ăn bằng tiền xem bảo tàng, thời gian xếp hàng vào bảo tàng như xếp hàng mua gạo thời bao cấp ở ta, ông xã kêu trời: Bầy đặt! Bảo tàng nhà mình đầy rẫy, miễn phí cũng có ma nào vào!

Kể ra thì bảo tàng, phòng tranh của ta không ít hơn ở các nước Châu Âu nhưng cách tồn tại, hoạt động thì khác hẳn. Bảo tàng ta là cái kho chứa đồ. Phòng tranh là nơi bán đồ du lịch, lưu niệm kiếm tiền. Chấm hết!

Ở Berlin cũng có một khu phố tập trung các gallery như Soho ở London và New York. Mỗi cuối tuần năm, mười cuộc khai mạc, khách vào thoải mái. Nghệ thuật từ khắp nơi về đây với tác phẩm của các hoạ sĩ thời danh và các nghệ sĩ thể nghiệm vô danh. Tranh tượng Âu Mỹ đã đành mà mỹ thuật từ Châu Phi, Châu Úc, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia…, cả Miến Điện cũng không thiếu. Người đi dạo, qua đường cứ ngẫu nhiên tạt vào như vào quán nước, quán bán hoa tươi… Hàng ngày như vậy.

Cái Ifa-Gallerie của Viện quan hệ quốc tế của Chính phủ Đức cũng nằm ở khu trung tâm “dân dã” này. Nhân 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Đức, bà giám đốc B. Barsch và bà V. Radulovic, đã tổ chức ở đây một triển lãm mỹ thuật đương đại với tác phẩm của 11 nghệ sĩ thị giácViệt Nam khá hấp dẫn. Một số nghệ sĩ được mời sang trình diễn, tiếp xúc với công chúng.

Em có nhiệm vụ nói chuyện và toạ đàm một buổi về mỹ thuật ta. Nghe họ chất vấn và “comment” (bình luận - BT) về tình hình hoạt động, về các nghệ sĩ ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn mà giật mình. Họ quan tâm tới nghệ thuật ta hơn cả ta. Họ hiểu “món ngon nghệ thuật ba miền” có khi còn kĩ hơn cán bộ quản lí văn hoá ta. Cứ tự hỏi họ công đâu, mắc mớ gì mà lại say mê các thứ xa lắc xa lơ như vậy? Hay họ có mục đích thăm dò, diễn biến gì chăng?

Chính trị em không rành nhưng đây là công chúng bình thường, nhiều người chưa sang Việt Nam lần nào và cũng yêu nghệ thuật Trung Quốc hay Miến Điện không kém. Thế thì đúng là dân trí chúng họ cao hơn ta thật. Cao hơn hay không không biết nhưng họ ham học hơn. Cô trực phòng tranh nói với em rằng: Người Việt ở Đức khá đông nhưng vấn đề lớn của họ là con cái không nói tiếng Việt mà bố mẹ, ông bà vốn là công nhân xuất khẩu lao động ở Đông Đức hoặc thuyền nhân chiến tranh ở Tây Đức lại không rành tiếng Đức. Bi kịch ấy khiến họ lo lắng.

Cổ lại nói ở Việt Nam người Bắc và người Nam hoà hợp lâu rồi nhưng người Bắc và người Nam ở Berlin này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, chưa hoà hợp. Hỏi tại sao làm nghệ thuật mà cô biết những chuyện đó. Cổ bảo: Phải biết chứ! Ifa-Gallarie nhân TL Connect này có một chương trình nghệ thuật cho thanh thiếu niên. Tên nó là einladen nghĩa là xin mời- chơi chữ tách ra ein Laden thì nghĩa là một quán hàng. Link vào phim trên mạng đây:…youtube.comwatch?v=nAMOGk7uEZ8!

Học sinh lớp 9 một trường phổ thông tới xem tác phẩm Việt Nam, toạ đàm trao đổi với nghệ sĩ. Rồi các em cùng thâm nhập các khu dân cư của người Việt, làm các phóng sự ảnh, tiếp xúc với người Việt ở đó, từ giáo sư đại học tới chủ quán phở, người bồi bán và anh chạy hàng xách…

Sau đó các em sáng tác các “tác phẩm” sắp xếp thành các khay hàng rong đeo trước bụng, thể hiện các chủ đề mình quan tâm. Câu hỏi các em đề ra rất phong phú: Tại sao bố mẹ ra đi? Tại sao chọn đất Đức? Tôn giáo của bạn là gì? Bạn có định trở về Việt Nam làm việc không? V.v và v.v… Xuất phát từ một bức tranh các em đi vào đời sống thực trong thành phố của mình và tìm hiểu một đất nước xa xôi. Gallerie là như vậy chứ đâu chỉ How much (Giá bao nhiêu - BT) như ở ta!

Bảo tàng thì khỏi nói. Mọi lúc, mọi nơi có các thầy cô dẫn các lớp đi xem, giảng giải, tranh luận, ghi chép, chụp hình. Liên tục là các đoàn tham quan, các tour đủ nam phụ lão ấu. Có hai chị em sinh đôi, vừa lùn vừa liệt ngồi chung một xe lăn điện háo hức tự tin dừng lại trước các tác phẩm mà nghe giới thiệu và bình phẩm cùng nhau. Một bé gái khoảng 9 tuổi ngồi trầm ngâm nghe giới thiệu qua tai nghe về một tác phẩm siêu thực! Học ở phòng tranh và bảo tàng, quá siêu thực!

Cái sàng khôn này ở ta chửa dùng làm gì được đâu!

Nguyễn Bỉnh Quân
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.