feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

http://www.taz.de/uploads/hp_taz_img/xl/landgericht_berlin_dpa_01.jpgChúng tôi rời Toà án sơ thẩm Tiểu bang Berlin (Landgericht Berlin) đã gần trưa ngày 15-12-2010 sau khi chứng kiến 2 phiên toà xét xử 2 vụ án hình sự của Thẩm phán Richter Herbst với nhiều cảm xúc.


Bên ngoài, tuyết đã rơi trắng trời Berlin trong khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới (-) 6 độ C. Tuyết rơi đầy trên đường, khiến xe cộ và người bộ hành đi lại rất khó khăn. Trên chuyến bay từ sân bay quốc tế Frankfurt đến Berlin, tôi nhìn thấy cả một thảm không gian như một tấm chăn choàng trắng rộng lớn, trải bát ngát trên bầu trời, dấu hiệu một mùa đông khắc nghiệt ở Châu Âu…

Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sang khảo sát và tham gia thảo luận chủ đề về “Vai trò của luật sư trong giai đoạn điều tra ban đầu của cơ quan công tố”. Thông qua những cuộc trao đổi thẳng thắn với công tố viên Michael Neuhaus thuộc Bộ Tư pháp Liên bang, ông Otmar Kury - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Hamburg, ông Wolfgang Eichele - Trưởng Ban hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Liên bang Đức, cùng bà Eva Fettweis - công tố viên thuộc Viện Công tố Berlin - đã cho thấy sự tôn trọng và đánh giá rất cao của Chính phủ và người dân Đức đối với nghề luật sư. Tôi nhớ mãi câu nói của ông Josef Brink - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế đại diện Bộ Tư pháp Đức - khi tiếp Đoàn Việt Nam buổi đầu tiên, đã nói: “Các bạn cứ nhìn vào đất nước yên bình của chúng tôi thì sẽ thấy vai trò của luật sư quan trọng như thế nào…”.

Thẩm phán Richter Herbst là một người còn khá trẻ, đeo kính trắng, bên cạnh là thư ký toà và phía xa hơn là nữ công tố viên dáng người nhỏ nhắn. Ông ngồi chủ toạ một mình do tính chất của các vụ án ở mức độ ít nghiêm trọng nên không có hội thẩm nhân dân tham gia. Tôi ngạc nhiên vì cách bố trí chỗ ngồi trong phòng xử đâu có khác gì ở Việt Nam, luật sư cũng chỉ ngồi phía dưới, bên cạnh thân chủ của mình. Thẩm phán hỏi một bị cáo bị truy tố về hành vi câu trộm cá ở hồ trong thành phố mà không có giấy phép câu cá của câu lạc bộ. Đây có lẽ là loại án hiếm hoi ở Berlin. Nghe nói anh ta đã có nhiều tiền án, tiền sự về chuyện đánh nhau, ăn cắp vặt, lái xe không bằng lái, làm hư hỏng đồ vật của người khác và bị toà phạt tiền nhiều lần.

Trong phần thủ tục, thẩm phán hỏi khá kỹ về mức lương và thu nhập của bị cáo, các khoản chi phí tiền nhà, tiền điện, trợ cấp nuôi con khi ly dị vợ… Đồng thời giải thích cho bị cáo rằng anh ta có quyền không khai báo nếu anh ta không muốn. Tuy nhiên bị cáo đã thừa nhận hành vi câu trộm cá của mình và đồng ý để toà tịch thu chiếc cần câu là công cụ phạm tội. Thẩm phán là người thẩm vấn chính. Đến khi công tố viên luận tội và luật sư kết thúc phần bào chữa, ông vào phòng nghị án và sau hơn mười phút bước ra tuyên án với mức phạt tiền 20 đơn vị, mỗi đơn vị tương đương 20 euro và được trả chậm vào trước ngày 15 hàng tháng. Bản án không được viết trước, bởi sau đó vị Thẩm phán giải thích lý do ban hành phán quyết chỉ là phạt tiền, vì mặc dù bị cáo có nhiều tiền án, tiền sự, nhưng thực sự bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình nên đỡ tốn kém chi phí của toà án.

 

Thẩm phán không phải tiến hành thủ tục điều tra và lấy lời khai nhân chứng là một viên cảnh sát đã đến toà, vì bị cáo đã nhận tội, lại thêm toà không phải tốn kém về thủ tục khi phải ban hành một quyết định tịch thu chiếc cần câu… Ông còn giải thích là do điều kiện kinh tế của bị cáo khó khăn, nên toà cho phép mức phạt trả dần hàng tháng, nếu không có tiền để trả, có thể đến liên hệ một cơ quan xã hội để lao động công ích trừ dần, còn nếu không làm được, thì cứ một đơn vị phạt tiền tương ứng với một ngày tù giam. Tuỳ theo đó mà lựa chọn cách thi hành bản án…

Trước khi mở phiên toà kế tiếp, thẩm phán hướng về bị cáo và nói: “Chúc anh một ngày tốt đẹp!”. Tôi thấy bị cáo cảm động hướng về vị thẩm phán, nói lời cảm ơn rồi chậm rãi bước ra ngoài phòng xử…

Thật ra, trong các buổi làm việc và đối thoại, tôi thấy Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Đức, trong đó có nhiều điểm rõ ràng, tiến bộ về quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào nâng cao địa vị pháp lý của luật sư ngang bằng với những người tiến hành tố tụng, quyền im lặng của người bị tình nghi phạm tội, quyền được tiếp xúc riêng tư với  luật sư trong tầm nhìn chứ không trong tầm nghe và bãi bỏ thủ tục xét cấp giấy chứng nhận người bào chữa có lẽ là những điểm mấu chốt trong việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự lần này, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo quyền hành nghề của luật sư.


Có lẽ, dù vẫn còn khoảng cách về mức độ phát triển kinh tế- xã hội nhưng vấn đề bảo đảm quyền con người trong một xã hội có nhà nước pháp quyền thì dưới vòm trời này, ở đâu cũng quan trọng như nhau… Nó vẫn nhẹ nhàng, ấm áp và cần thiết như hơi thở, như lời chúc của vị thẩm phán đối với bị cáo khi bước ra ngoài phòng xử án kia…

Luật sư Phan Trung Hoài (từ Berlin)

 


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.