feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Trước kia Trung Quốc chỉ là nước cung cấp hàng rẻ  tiền. Bây giờ đất nước này  đang vươn lên bằng con đường đào tạo.

Đối với rất nhiều sinh viên Đức, hình ảnh đất nước Trung Hoa càng ngày càng gần gũi hơn. Giai đoạn đầu vươn lên vũ đài kinh tế thế giới, Trung Quốc là một xưởng sản xuất khổng lồ của phương Tây. Học sinh ở Đức được sử dụng những máy điện tử, quần áo rẻ tiền, nhiều người lớn mất việc, nhưng điều đó chả liên quan gì đến lứa tuổi học sinh, vì họ đang học phổ thông.

Đến bây giờ, những học sinh năm xưa đã trở thành sinh viên và chứng kiến sự vươn lên trong đào tạo giáo dục của vương quốc khổng lồ này. Trước đây mười năm, số lượng sinh viên Trung Quốc ước chừng mười triệu, bây giờ đã là hai mươi. Trong thời đại toàn cầu hoá với những hãng xuyên quốc gia, câu hỏi lập tức được đặt ra là, liệu sinh viên Đức có sắp phải đương đầu với lực lượng hàn lâm từ đất nước nhân công rẻ mạt này không? Liệu kỹ sư Đức có phải chứng kiến chỗ làm việc cứ mất dần? Các chủ hãng trẻ bị loại khỏi cuộc đua, vì xí nghiệp của họ không phát triển nhanh bằng các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc? Sinh viên sau khi ra trường tìm việc có khó khăn hơn không?

Sinh viên Trung Quốc trong hoàn cảnh này được coi như những con mọt sách đầy tham vọng và vì thế ít nhiều có thể coi như một mối đe doạ? 

Trả lời những câu hỏi như thế này quả thực không hề đơn giản, vì thực tế khi nói đến Trung Quốc, nó có đơn giản bao giờ đâu!

Biết đâu chúng ta có thể bắt đầu trả lời câu hỏi này bằng việc trò chuyện với một sinh viên Đức đã từng sống và học tập tại Trung Quốc, cô Birte Winkel 23 tuổi.

Birte đến Trung Quốc lúc cô 17, khi đang học lớp 11. Các bạn của cô phần lớn chọn Mỹ là đích đến thì cô lại chọn thành phố Tongling tỉnh Anhui. Cô học tiếp cấp ba ở đây và ở trong một gia đình Trung Quốc, dù chưa biết một câu tiếng  Trung nào. Cô kể, giờ học bắt đầu lúc 8 giờ, nhưng 7 giờ mọi người đã đến hết cả rồi. Một tiếng đồng hồ tự học. Chuyện học sinh Trung Quốc „cày“ nhiều hơn ở Đức thì cô đã nghe từ lâu, nhưng họ học đến ngã quỵ như thế này thì cô không thể tưởng tượng được. Cô con gái của chủ nhà chỉ được phép gặp bạn bè một buổi chiều trong một học kỳ, nếu thành tích học tập trôi chảy. Còn lại chỉ có học. Đôi khi mẹ cô gái còn chuẩn bị cả bàn chải có thuốc đánh răng để đỡ mất thời gian quý báu dành cho học. Nhìn vào danh sách lớp, người ta biết ngay mình đang ở đâu, ai là người khá nhất lớp, lớp nào khá nhất trường, trường nào khá nhất tỉnh. Một nghiên cứu cho biết, học sinh ở Bắc kinh dành gần 18 tiếng trong ngày cho học tập. Học sinh được bơm kiến thức ngay từ lúc còn đi nhà trẻ „để sau này chúng nó tốt hơn những đứa khác“.

Wen chuan Jang, một sinh viên kinh tế 21 tuổi nói :“ Chúng tôi phần lớn là con một, nên gia đình hy vọng rất nhiều. Chính sách một con của Trung Quốc dẫn đến tất cả hy vọng dồn lên hai vai chúng tôi.“. Ngoài bố mẹ ra, bốn ông bà nội ngoại thay nhau trông cháu và thu cất tất cả những đồ chơi, những thứ được coi là không phục vụ cho mục đích học tập. Địa vị xã hội phụ thuộc vào công việc, mà việc làm phụ thuộc vào trường đại học, và vào đại học phụ thuộc thi tuyển sinh … Đó là con đường kinh khủng của những cô nương cậu ấm mới xong lớp mười hai.

Sau khi trở về  Đức và làm tốt nghiệp phổ thông, Birte trở  lại Trung Quốc để học ngành kiến trúc ở một trong những trường đại học nổi tiếng Thượng Hải. Được nhận vào những trường đại học nổi tiếng đối với sinh viên Đức không mấy khó khăn, nhưng đối với sinh viên Trung Quốc thì quả là nhiêu khê. Hàng năm có khoảng sáu triệu sinh viên được nhập trường. Nghe có vẻ nhiều nhưng riêng năm nay, con số đăng ký vào đại học lên đến hơn mười triệu. Như vậy 40% phải trở về cày cuốc. Trong số đạt nguyện vọng, phần lớn phải học trong các trường trung bình rải rác khắp đất nước. Giáo sư Chen Hongjie của đại học Bắc Kinh nói :“Không được đào tạo ở những trường có tên tuổi, sinh viên sẽ ít có cơ hội!“. Chính vì thế sinh viên không chọn ngành mà là chọn trường tốt nhất. Giáo sư này bổ sung :“ Đi tìm việc thì tên của trường đại học quan trọng nhất, thậm chí quan trọng hơn chỉ tiêu về điểm“. Khổ sở nhất đối với sinh viên là kỳ thi đại học, họ phải dồn sức học đến quỵ ngã.

So sánh sinh viên Trung Quốc và sinh viên Đức, bà Stefanie Eschenlohr thuộc viện Trao đổi hàn lâm Đức nhận xét :“  Về môn Toán, học sinh Trung Quốc trội hơn học sinh Đức nhiều lần“. Nhưng học đại học ở Trung Quốc dễ hơn, vào trường 100 thì ra trường cũng gần 100. Cũng chính vì thế sự cạnh tranh giữa các sinh viên sau khi ra trường rất lớn. Phần đông sau khi ra trường không có việc làm, riêng mùa hè 2009 hơn một triệu rưỡi sinh viên tốt nghiệp vẫn ngồi chơi sơi nước, dù Trung Quốc là nước đang phát triển kinh tế với cường độ mạnh. Ngay cả những người có việc, số lượng phải làm không đúng ngành rất lớn.

Kiến thức được  đào tạo trong trường đại học lại không đúng nguyện vọng của các doanh nghiệp. Họ có những trường như đại học Bắc Kinh, đại học Thượng Hải ... được xếp thứ hạng cao trên thế giới, còn phần lớn nằm ở phần dưới trung bình. Một phần nguyên nhân sâu xa của vấn đề này có dính đến cách mạng văn hoá.

Vấn đề mở  rộng đào tạo cũng xảy ra với tốc độ chóng mặt, nhưng nó không khác gì nhà cao tầng ở  thành phố lớn mọc lên như nấm và khi hợp  đồng thuê nhà đầu tiên vừa ký chưa ráo mực thì họ đã phát hiện những vết nứt.

Giáo sư Chen phát biểu: „Phương Tây rất sợ số lượng sinh viên của chúng tôi, nhưng chúng tôi có vấn đề về chất lượng đào tạo. Sự khác biệt giữa những người xuất sắc và đại đa số dưới trung bình càng ngày càng lớn.“

Anh sinh viên Đức Jörn Huenteler 24 tuổi nhận xét :“ Cách học chỉ  dùng chăm chỉ và kỷ cương không phải lúc nào cũng là lợi thế“. Anh là sinh viên chế tạo máy đến từ trường đại học Aachen, một trong những trường nổi tiếng của Đức. Anh nhận xét :“Phần lý thuyết cũng khó như nhau, nhưng thi dễ hơn, chỉ cần học thuộc là được, không đòi hỏi phải suy luận nhiều“. Anh thường nộp bài trước, trong khi những sinh viên Trung Quốc ngồi đến phút cuối. Sau một năm ở Trung Quốc anh bình tĩnh nói :“Tôi đã hiểu, được học đại học ở Đức có giá trị đến mức nào“.

Chính phủ Trung Quốc có những kỳ vọng rất lớn: Họ đã nhìn thấy sự hùng mạnh của kinh tế Đức dựa vào sự canh tân và nắm bắt những công nghệ then chốt. Trước đây ba năm một chương trình đặc biệt nhằm đưa hơn 100 trường đại học lên đẳng cấp quốc tế đã bắt đầu. Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến việc không thể tiếp tục là một quốc gia có nhân công rẻ để sản xuất ra hàng rẻ nữa. Họ đã bước vào vòng hai và trên thực tế, các hãng nội địa chiếm lĩnh dần vị trí của những hãng tên tuổi trên đất Trung Hoa, đồng thời đầu tư mạnh ra nước ngoài. Chính vì thế dân Đức biết dần đến Lenovo (máy tính), Haier (tủ lạnh). Năm 2003 Yang Liwei là người Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ.

Càng ngày càng có  nhiều hãng phương tây đặt trụ sở nghiên cứu  và triển khai công nghệ cao ở Trung Quốc. Chuyên gia Ron Haddock, một cố vấn doanh nghiệp của Đức nhận xét :“Quá trình này đã xảy ra từ lâu và sẽ tiếp tục như thế. Lý do chính là triển khai công nghệ cao rồi bán ngay cho thị trường Trung Quốc rộng lớn, mặt khác ở đó cũng có những chuyên gia cao cấp mà chấp nhận lương rẻ.“.

Nhưng trên thực tế, Trung Quốc chưa phải là một đất nước High tech. Rất nhiều linh kiện phải nhập từ nước ngoài, trước khi họ xuất những thành phẩm bán cho thế giới. Ngày nay một sinh viên đang học ở Đức chưa cảm nhận được nhiều sự cạnh tranh Trung Hoa, nhưng xu hướng này là tất yếu. „Từ mười đến hai mươi năm nữa, thế giới này sẽ khác vì Trung Quốc sẽ đóng một vai trò rất lớn“, nhận xét của giáo sư về kinh tế Đông Á Markus Taube, trường đại học Duisburg – Essen.

 Đối với nước Đức vấn đề đã rõ ràng: chỗ làm  việc mất dần, bị ăn cắp công nghệ do gián điệp kinh tế, nhưng cũng được hưởng lợi nhiều do sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc.

Hiện tại, vấn đề học gạo kiểu Trung Quốc đã được đưa ra mổ xẻ, bởi vì nó sẽ làm cho trẻ  em thui chột khả năng sáng tạo, nhưng cải tổ vấn đề này không dễ dàng gì. Nói chung người Đức sẽ vui mừng nếu Trung Quốc phát triển, không nên coi đó là mối đe doạ mà chỉ là một thách thức.

Anh sinh viên ngành địa lý Christoph Huett , 26 tuổi của đại học Köln dùng một học kỳ để lặn lội từ Guangzhou đến tận biên giới phía bắc giáp Triều Tiên, thường xuyên đi ủng cao su để lội xuống ruộng lúa. Anh theo đuổi một đề tài : Dùng hình ảnh Satellit để đánh giá sản lượng lúa trên cánh đồng.

Julian Michel , 23 tuổi của  đại học Tübingen đang học tiếng ở Thượng Hải thì nhận xét : Ở đây quá nhiều vấn đề xảy ra cùng một lúc, đói nghèo vùng sâu trong nội địa, sự trỗi dậy của vùng ven biển. Sinh viên Trung Quốc đang phải chịu áp lực khủng khiếp nhưng họ rất lạc quan về sự vùng lên của đất nước mà họ sẽ đóng góp một phần. Việc học đại học ở Trung Quốc đối với những vùng nghèo khó là một động lực rõ ràng: Thoát khỏi cuộc sống nông dân! Dân ở đây cởi mở thân thiện và hiếu kỳ. Sinh viên rất hiếm khi đi đến các câu lạc bộ vì đắt quá, họ cũng chẳng mấy khi đi đến quán bar, mà chủ yếu ở ký túc xá để học.

Càng ngày càng có  nhiều sinh viên nước ngoài đến Trung Quốc để học tiếng. Một câu hỏi đặt ra : Liệu tất cả  chúng ta có phải học tiếng Hoa không?

Rất nhiều chuyên gia làm việc ở Trung Quốc không hề biết tiếng Trung, nhưng họ có phiên dịch trong các cuộc đàm phán quan trọng. Bởi vì phải mất mười tháng học miệt mài người ta mới có thể viết được một SMS bằng tiếng Trung. Một trong điều kiện ra trường của sinh viên Trung Quốc là phải có kiến thức nhất định về tiếng Anh, trong khi Ấn độ, một nước có nền kinh tế không thua kém Trung Quốc bao nhiêu mà tất cả đều nói tiếng Anh, thuận lợi biết chừng nào!

  • Philipp Schwenke và Nadja Kirsten
  • Nguyễn Thế Tuyền (Chemnitz) tapchihuongviet.eu Lược dịch từ tạp chí Sinh Viên Campus


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.