feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Sau hai tiếng đồng hồ, chiếc xe lửa cao tốc của công ty đường sắt Deutsche Bundesbahn đưa tôi từ Hannover đến nhà ga trung tâm của thành phố Berlin, trễ mất gần nửa giờ.

Bình thường xe loại này chạy rất đúng giờ và chỉ cần một tiếng rưỡi là có thể đến đích. Nhưng mấy tuần nay trời lạnh, tuyết rơi phủ đầy đường, kể cả đường sắt, nhiều nơi nhiệt độ bên ngoài xuống đến -12 độ C.

Xe của chúng tôi chạy ngon trớn được khoảng nửa đường, thình lình chậm lại và ngừng hẳn. Người ta xin lỗi và cho biết xe phải ngưng khoảng 15 phút để nhân viên của công ty hoả xa dọn tuyết phía trước.

Mặc dù phải đợi nhưng phần lớn hành khách không tỏ vẻ khó chịu, có lẽ vì đã quen cảnh tượng này, riêng tôi có một chút lo lắng, e rằng nếu tuyết rơi nhiều hơn nữa, đường sẽ bị nghẹt và chương trình dự định tham quan của tôi ở Berlin sẽ bị ảnh hưởng.

Berlin cách Hannover khoảng 300 km về hướng đông. Với 3,4 triệu dân, Berlin là thành phố đông dân nhất Cộng hoà Liên bang Đức và đứng hàng thứ hai trong Liên hiệp châu Âu (EU).

Berlin xuất hiện chính thức trên giấy tờ từ năm 1244 và đã trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm của lịch sử, từng là thủ đô của nhiều chế độ. Sau khi thống nhất nước Đức vào năm 1990, Đông và Tây hợp trở lại thành Berlin ngày nay.

Năm 1991, người Đức biểu quyết chọn Berlin thay vì Bonn (thủ đô của CHLB Đức cũ) làm thủ đô của nước Đức thống nhất, gồm 16 tiểu bang. Vì vậy, Berlin là thành phố chính trị và thương mại quan trọng. Với số lượng lớn lâu đài kiến trúc cổ, nhà hát và viện bảo tàng, Berlin còn là một thành phố văn hoá bậc nhất của CHLB Đức. Du khách đến thăm Đức thì không thể quên Berlin.

Tuy xe lửa đến Berlin trễ hơn dự tính nhưng vẫn còn khá sớm nên tôi chưa vào khách sạn vội và tìm nơi gửi tạm hành lý. Hầu hết các nhà ga lớn ở Đức đều có tủ sắt để giữ hành lý trong 24 giờ với giá từ 3 - 5 euro, tuỳ tủ to hay nhỏ. Trạm đầu tiên mà tôi dự định tham quan là viện bảo tàng Neues Museum, nằm trong khu Inselmuseum (Cồn bảo tàng), gồm bốn viện bảo tàng quốc gia lớn của Berlin, nằm sát bên nhau được bao bọc bởi hai nhánh của dòng sông Spree. Tại các viện bảo tàng này, khách có thể xem các di tích lịch sử, văn hoá và nghệ thuật của rất nhiều nước trên thế giới.

Neues Museum có nghĩa là "Viện Bảo tàng Mới" nhưng thật sự được xây dựng cách đây 155 năm. Chiến tranh thế giới thứ hai đã làm viện bào tàng này hư hại nặng và phải đóng cửa liên tục trong mấy mươi năm. Năm 1986, để không bị sụp đổ hoàn toàn, Neues Museum được tạm chống đỡ cơ bản. Năm 1997, trong khuôn khổ chương trình xây dựng chung cho “Cồn bảo tàng” với chi phí gần 300 triệu euro, Neues Museum được tu bổ lại và việc thiết kế được giao cho kiến trúc sư người Anh, David Chipperfield thực hiện.

Sau gần 70 năm đóng cửa, Neues Museum đã mở rộng cửa đón khách vào giữa tháng 10-2009. Hiện nay, Neues Museum là di sản văn hoá thế giới được tổ chức văn hoá Unessco của Liên hiệp quốc công nhận. Nó là niềm hãnh diện của giới nghệ thuật và kiến trúc nói riêng và của người dân Berlin nói chung.

Điều gây háo hức cho tôi đến với viện bảo tàng là muốn xem cách tu bổ hoà hợp giữa cũ và mới, giữa mỹ thuật và kỹ thuật của kiến trúc sư nổi tiếng David Chipperfield. Ngoài ra, tôi còn muốn xem các mẫu khảo cổ, thu thập được trong gần 100 năm nay, từ các dụng cụ sử dụng hằng ngày đến nghệ thuật ướp xác… cách đây hơn 3.000 năm của xứ Ai-cập thần thoại.

Khi nói đến Ai-cập, người ta liên tưởng đến Kim tự tháp và bức tượng bán thân nổi tiếng của vị nữ hoàng xinh đẹp Nofretete, sống vào thế kỷ 14 trước Công nguyên. Bức tượng này được trưng bày và bảo vệ rất kỹ trên tầng hai của viện bảo tàng. Hiện nay, nó là một trong những yếu tố tranh cãi giữa Đức và Ai-cập về quyền sở hữu văn hoá khảo cổ.

Sau gần 3 tiếng đồng hồ “tranh đấu” với không biết bao nhiêu dữ kiện từ xứ Ai-cập huyền bí này, tôi cần ít thời gian để tiêu hoá, vì vậy đến nhà ga lấy hành lý và về khách sạn. Khách sạn mà tôi dự định đến trú ngụ nằm ngay trung tâm bên đông Berlin, sát bên Gendarmenmarkt - một khu phố rộng 3,3 hecta, được xem là khu phố đẹp nhất Berlin. Chính giữa là nhà hát thành phố, bên hông là hai nhà thờ Pháp và Đức nằm đối xứng nhau. Hiện nay, chúng đã được sửa chữa và tu bổ, ban đêm được chiếu sáng trông rất ngoạn mục, vì vậy đây cũng là một điểm tham quan ưa chuộng của nhiều du khách.

Gần chỗ tôi ở có trạm xe điện ngầm rất thuận lợi cho việc di chuyển. Tôi mua vé xe cuối tuần dành cho du khách. Với vé này, khách có thể dùng bất cứ xe điện nào vào bất cứ lúc nào trong vòng 48 giờ. Ngoài ra, khách còn được giảm giá vào cửa nhiều viện bảo tàng, nhà hát… Chỉ riêng giá vào cửa giảm cũng gần bằng giá vé xe, vì vậy với du khách, đây là một loại thẻ di chuyển tại Berlin rất quan trọng.

Chương trình buổi tối của tôi là xem kịch Cabaret của đoàn Klimperkasten, trình diễn về Berlin cận đại trong thời gian từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Tác giả tìm những giai đoạn mấu chốt đã xảy ra tại Berlin và viết thành các màn nhạc kịch ngắn. Rạp hát là tầng hầm của một lâu đài cổ. Trước đây, tầng này được chủ nhân dùng để trữ và thưởng thức rượu vang, nay được sửa lại và dùng làm rạp hát cho khoảng 50 - 80 khách.

Trước khi trình diễn một giờ, khách được phục vụ nước uống và một phần ăn đặc biệt của Berlin (bao gồm trong giá vé). Đúng là “có thực mới vực được đạo”. Thật ra, “đạo” do các diễn viên của đoàn hát gồm 4 người thực hiện, còn khách chỉ ngồi xem và nhâm nhi vài hớp rượu vang. Tuy không hiểu hết hoàn toàn ý nghĩa của các màn kịch nhưng được thưởng thức món ăn Berlin, được nhắc lại các sự kiện quan trọng xảy ra ở Berlin trong thế kỷ 20 dưới dạng ca nhạc, tôi cảm thấy thích thú và không uổng công đến đây.

Nguyên buổi sáng hôm sau tôi dành cho viện bảo tàng Bauhaus-Archiv nằm gần sở thú Berlin. Bauhaus có lối kiến trúc hiện đại, khác hoàn toàn với các lối kiến trúc trước đây, do kiến trúc sư Walter Gropius đề ra vào năm 1919 nhằm truyền bá và giảng dạy nghệ thuật xây cất trong lĩnh vực kiến trúc và trang bị nội thất. Các cộng tác viên giảng dạy của ông là những hoạ sĩ nỗi tiếng như Lyonel Feininger, Paul Klee, Wassily Kandinsky, Oskar Schlemmer… Ngoài các mô hình nhà, khách còn có thể xem nhiều dụng cụ sử dụng hằng ngày như ghế, đèn, tủ…

Để được hướng dẫn và giải thích về các vật trưng bày, khách nhận một máy phát âm cầm tay với ống nghe bằng tiếng Đức hay một ngôn ngữ tương ứng. Sau khi xem xong, khách có thể thoải mái bên ly trà hay tách cà phê với bánh ngọt trong một quán cà phê nhỏ nằm bên cạnh và nếu thích thú, khách có thể qua phòng kế bên xem hay mua một số vật như đèn bàn, viết nguyên tử, hay bộ bình trà… nhưng không rẻ.

Sau khi ăn trưa xong, tôi dành hai tiếng đồng hồ thả bộ dọc theo con đường quan trọng nhất của Berlin, Unter den Linden, hướng về phía cổng Brandenburger Tor. Cổng này được xây dựng từ năm 1788 đến năm 1791 theo lệnh của vua Friedrich Wilhelm II.

Khi Berlin còn chia đôi, Brandenburger Tor nằm ngay ranh giới đông và tây Berlin. Vì vậy sau ngày thống nhất, nó chẳng những là biểu tượng của thành phố Berlin mà còn là biểu tượng cho sự hoà hợp của người Đức ở đông và tây. Những năm gần đây cứ vào dịp tết dương lịch, có gần một triệu người đến đây tham dự lễ hội với pháo hoa đầy trời để chào mừng năm mới.

Điểm tham quan cuối trong chuyến đi ba ngày Berlin là vở nhạc kịch 33 biến dạng của Beethoven, được trình diễn tại nhà hát Renaissance-Theater. Đây là một nhà hát đặc biệt của Berlin, nằm ngay góc đường như một tam giác, được xây dựng theo nghệ thuật Art-Déco (một lối kiến trúc nhà hát ở Paris). Renaissance-Theater là nhà hát duy nhất tại châu Âu còn nguyên vẹn.

Theo lịch sử âm nhạc, Anton Diabelli muốn xuất bản một tập nhạc Waltz (loại nhạc ba nhịp) với nhiều dạng khác nhau nên đã mời các nhạc sĩ nỗi tiếng đương thời như Liszt, Schubert và Beethoven sáng tác. Lúc đầu, Beethoven từ chối với lý do không muốn mất thời giờ cho một sự kiện quá nhỏ nhưng sau đó, ông lại tham gia không chỉ với 1 mà với 33 biến dạng khác nhau cho loại nhạc này. Đây là một bí mật mà các nhà khoa học âm nhạc muốn tìm hiểu, từ cách dàn cảnh sân khấu đến các diễn viên điêu luyện và tiếng đàn piano du dương làm cho khán thính giả khó quên buổi trình diễn này.

Một tô bún bò của quán ăn Việt nam Monsieur Vượng, nằm gần trạm xe điện ngầm Rosa Luxemburg và một ly trà xanh nóng bổ sung vào bao tử đang trống rỗng làm tôi cảm thấy dễ chịu. Như vậy là hoàn hảo, đầu đầy thông tin, tim đầy âm hưởng và bây giờ, cái bao tử cũng đầy. Tôi yên lòng rảo bước về khách sạn và làm một giấc đến gần 10 giờ sáng, nhưng còn kịp ăn sáng để rồi chuẩn bị ra ga trở về nhà.
 
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.