feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng Euro tiếp tục diễn biến không mấy lạc quan. Nhiều nhà lãnh đạo các nước đã kêu gọi các nước lớn ở châu Âu giúp đỡ Hy Lạp khỏi tình cảnh vỡ nợ. Trong lĩnh vực kinh tế tuần qua, nguy cơ đổ vỡ Khu vực đồng Euro (Eurozone) do khủng hoảng nợ công, ngày một tăng cao.

Ngày 13/9, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã yêu cầu các nước lớn ở châu Âu thể hiện rõ vai trò lãnh đạo trong cuộc đàm phán nhằm tìm giải pháp cho Hy Lạp, quốc gia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ cho dù đã nhận được những cam kết cứu trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Theo ông Obama, các nhà lãnh đạo Eurozone cần thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng nợ công, sớm đưa ra những quyết sách nhằm phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài chính hiệu quả hơn tránh để châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.

Cùng ngày 13/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố châu Âu đang làm hết sức để cứu Hy Lạp thoát khỏi tình trạng vỡ nợ. Về phần mình, Ba Lan, nước đương nhiệm Chủ tịch EU, cũng ra sức thúc giục Hy Lạp đề nghị Câu lạc bộ Paris (gồm 19 nước giàu nhất thế giới) hỗ trợ tài chính để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong nước hiện nay.

Trong báo cáo thường niên về tình hình tài chính công châu Âu công bố ngày 13/9, Ủy ban châu Âu cho biết nợ công của 17 nước thuộc Eurozone sẽ tiếp tục tăng và có thể lên tới 88,7% GDP vào năm 2012, bất chấp việc kinh tế tăng trưởng trở lại.

Vốn đang phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế trầm trọng hơn so với các nước khác trong Eurozone, bộ ba đã nhận cứu trợ quốc tế gồm Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để có thể giảm được gánh nặng nợ nần. Tình hình cũng không sáng sủa hơn đối với Tây Ban Nha và Anh (nước vẫn đứng ngoài Eurozone), bởi các khoản tiền khổng lồ dành cho cứu trợ ngân hàng và bong bóng nhà đất bị vỡ tung sẽ khiến chính phủ gặp khó khăn hơn trong việc chi phí tài chính để khắc phục ảnh hưởng của tình trạng lão hóa dân số trong những thập kỷ tới. Đối với 5 nước này, nợ nần tăng cao kể từ khi bắt đầu khủng hoảng có nghĩa là khả năng giảm nợ sẽ là rất nhỏ và sẽ phải mất nhiều năm hơn mới có thể đảo ngược tình hình.

Cùng với cảnh báo của Chủ tịch WB Robert Zoellick về kinh tế thế giới đang vào vùng nguy hiểm mới, Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế EIU thuộc Tạp chí The Economist (Anh) cho rằng có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Đó là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, tranh luận chính trị liên quan đến việc nâng trần nợ công ở Hoa Kỳ, bất ổn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi, thiên tai tại Nhật Bản và việc giá dầu tăng hồi đầu năm. Trong tất cả các vấn đề trên thì cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, cho đến nay, là mối đe nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong một diễn biến khác, ngày 14/9, Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos lần thứ 5 đã khai mạc tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Đông Bắc Trung Quốc), với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với chủ đề “Quan tâm và chú trọng chất lượng tăng trưởng, nắm chắc và kiểm soát cơ cấu kinh tế”.

Nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn hy vọng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ (hơn 3.200 tỷ USD) sẽ hỗ trợ các nền kinh tế châu Âu bằng cách mua trái phiếu hoặc nợ của các nước này, giúp châu Âu vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Ngày 13/9, Đại Hội đồng LHQ đã khai mạc khoá họp thứ 66 tại New York, Hoa Kỳ với lời kêu gọi các nước trên thế giới hợp tác chặt chẽ hơn nữa cùng giải quyết các cuộc khủng hoảng từ các cuộc xung đột đến biến đổi khí hậu.

Về những diễn biến ở Libya, trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng ở thủ đô Tripoli ngày 12/9, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC), Mustafa Abdel Jalil tuyên bố Libya sẽ trở thành một quốc gia có luật pháp, thể chế và thịnh vượng.

Cho đến nay, NTC đã được hơn 80 nước và nhiều tổ chức quốc tế công nhận là đại diện hợp pháp của nhân dân Libya.

Ở khu vực châu Á tuần qua có một số sự kiện đáng chú ý.

Ngày 13/9 tại Nhật Bản, 6 tháng sau thảm họa thiên tai, Thủ tướng mới của nước này, ông Noda trong bài phát biểu chính sách đầu tiên ở Quốc hội cam kết sẽ xây dựng chiến lược mới để vực dậy nền kinh tế và tái thiết nền tài chính công của Nhật Bản.

Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét lại chính sách năng lượng để cung cấp điện một cách ổn định cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, đồng thời hợp tác với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thực hiện các biện pháp hạn chế các tác động tiêu cực của hiện tượng đồng Yên tăng giá đối với nền kinh tế Nhật Bản, một nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Ông Noda cũng cho hay Chính phủ Nhật Bản sẽ tìm cách để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân trong giai đoạn trung hạn.

Ở khu vực Đông Nam Á, dư luận quan tâm tới chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau cuộc bầu cử Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Indonesia (ngày 13-14/9); của Thủ tướng Thái Lan tới Indonesia (ngày 12/9) và Campuchia (ngày 15/9). Các chuyến thăm này góp phần thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, trong đó có thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.

  • Nguyễn Chiến, VGP


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.