feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Làn sóng di cư trái phép từ khu vực Bắc Phi vào các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã gây ra một bầu không khí căng thẳng thực sự trong cuộc gặp mới nhất của các Bộ trưởng Nội vụ 27 quốc gia thành viên khối này. Phần lớn các bộ trưởng đều đứng về phía Pháp, quốc gia đã quyết định xiết chặt các thủ tục kiểm soát đường biên, không cho phép gần 20.000 người di cư Tunisia - trước đó đã được Italia cho phép cư trú tạm thời - được bước chân vào lãnh thổ của mình.


Phản ứng về quan điểm này, Roma đã lên tiếng đe dọa về nguy cơ sụp đổ của khu vực thuộc Hiệp ước phi biên giới Schengen cũng như bản thân EU...

"Chúng tôi đã đề nghị về tình đoàn kết từ phía những người láng giềng, nhưng châu Âu đã trả lời chúng tôi: Hãy tự giải quyết lấy! - đó là phản ứng của Bộ trưởng Nội vụ Italia Roberto Maroni về kết quả cuộc gặp tại Luxemburg - Tôi đang tự hỏi mình, đâu là ý nghĩa của một thành viên trong Liên minh châu Âu. Tốt hơn thà tách ra một mình còn hơn đứng trong một tập thể tồi tệ". Những phát biểu nặng nề của Bộ trưởng Nội vụ Italia đã phản ánh đầy đủ kết quả cuộc họp các Bộ trưởng Nội vụ EU - đó là sự bất đồng sâu sắc của các nước thành viên khu vực Schengen về vấn đề người di cư.

Trước đó, Pháp là nước đầu tiên công khai tuyên bố không muốn đón nhận những người di cư từ Bắc Phi đã được Italia cho phép tạm trú tại các nước thuộc EU. Theo lời Bộ trưởng Nội vụ Claude Gueant của nước này, Paris "đang sử dụng tất cả những phương tiện về pháp lý để có thể trục xuất trở lại những người di cư từ Tunisia". "Nếu như trong quá trình kiểm tra, Csát Pháp xác định không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, Pháp có quyền bắt Italia nhận lại người không đáp ứng được những yêu cầu trên. Chúng tôi đang chuẩn bị làm việc này" - Bộ trưởng Claude Gueant khẳng định.

Cũng theo ông này, phía Italia đã cấp quyền cư trú cho những người di cư theo cách "không tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận Schengen của châu Âu". Đó là lý do khiến Bộ Nội vụ Pháp ra lệnh tăng cường kiểm tra nhập cảnh tại các nhà ga và sân bay. Cụ thể Paris đã cho khôi phục thủ tục kiểm tra đường biên tại khu vực biên giới Pháp - Italia gần thành phố Ventimiglia, là nơi tập hợp đông đảo những người di cư trái phép đang hy vọng có thể vào nước Pháp.

Quyết định này ngay lập tức đã gây ra phản ứng bất bình từ các tổ chức nhân quyền và chính quyền Italia, những người đã buộc tội Paris vi phạm các nguyên tắc Schengen về một châu Âu không có đường biên. Chỉ trong vòng một tháng gần đây, theo số liệu của Bộ trưởng Gueant, Pháp đã tạm giữ 2.800 người di cư bất hợp pháp đến từ Italia, trong đó có 1.700 trong số này đã bị trục xuất về Italia. Nhiều quốc gia khác đã lên tiếng ủng hộ Pháp, khi bày tỏ quan điểm cho rằng, họ không có ý định cấp phép cư trú cho hàng chục ngàn người tị nạn tới châu Âu từ khi làn sóng các cuộc cách mạng trong thế giới Arập bùng phát.

Các đối tác của Italia trong EU tuyên bố, họ sẽ nhanh chóng khôi phục lại các thủ tục kiểm soát đường biên dọc theo biên giới với Italia để ngăn chặn dòng người di cư. Biện pháp này được coi là cần thiết để không làm gia tăng thêm sự bất bình của người dân châu Âu đối với những người di cư trái phép. "Việc thiết lập những biên giới mới có kiểm soát có thể không là điều châu Âu mong muốn. Nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng phải áp dụng trong trường hợp cần thiết" - Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich tuyên bố.

Một người hàng xóm khác của Italia là Áo cũng có quan điểm tương tự. "Việc cho nhập cảnh những người không thể tự nuôi sống mình, không thể chứng minh có phương tiện kiếm sống riêng cũng có nghĩa là tạo điều kiện bùng phát tội phạm. Tôi với tư cách là người chịu trách nhiệm về an ninh sẽ không cho phép điều này xảy ra" -  Bộ trưởng Nội vụ Maria Fekter của Áo giải thích.

Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Italia đã tỏ ra rất bất bình sau khi không tìm kiếm được sự ủng hộ của các đồng nghiệp trong EU. "Hôm nay chúng tôi đã thấy, thực tế có phải đang tồn tại một châu Âu thống nhất và đoàn kết, hay đó đơn giản chỉ là sự biểu thị về mặt địa lý" - ông Maroni mỉa mai.

Cần nhớ rằng, Italia phải đương đầu với làn sóng di cư ồ ạt từ Bắc Phi, sau khi Tổng thống Ben Ali tại Tunisia bị lật đổ vào tháng 1/2011. Do tình trạng kiểm soát đường biên lỏng lẻo tại Tunisia, đã có hơn 20.000 người dân từ quốc gia Bắc Phi này tràn vào hòn đảo Lampedusa của Italia. Chiến dịch quân sự được NATO triển khai tại Libya đang góp phần làm căng thẳng thêm tình hình.

Thủ lĩnh Muammar Gaddafi trước đó xuất phát từ mối quan hệ thân thiện với Silvio Berlusconi đã tìm mọi cách ngăn chặn dòng người di cư vượt qua biên giới của mình. Nhưng mọi việc giờ đây có thể sẽ thay đổi hoàn toàn khi chiến tranh nổ ra. Bản thân lãnh tụ Libya từ trước đã nhiều lần cảnh báo, nếu châu Âu từ chối ủng hộ ông ta kể cả về tài chính, làn sóng hàng trăm ngàn người di cư ồ ạt từ Lục địa đen có thể "nhanh chóng biến châu Âu thành châu Phi!".

Bản thân châu Âu cũng không phải không nhận thức rõ nguy cơ này. Trong phiên họp mới nhất của Nghị viện châu Âu, các đại biểu đã được nghe một bản báo cáo mới nhất về làn sóng người di cư trái phép từ Bắc Phi vào châu Âu. Theo báo cáo, đã có hàng chục ngàn người di cư từ Tunisia, Ai Cập và Libya tràn vào Italia và Malta. Cụ thể ước tính đã có 23.000 người Tunisia tràn ngập hòn đảo bé nhỏ Lampedusa của Italia, nơi bình thường chỉ có khoảng 5.000 cư dân sinh sống vào mùa đông. Hiện các nghị sĩ châu Âu vẫn đang tranh luận gay gắt để tìm ra một giải pháp thống nhất giúp Italia và Malta giải quyết vấn đề

  •   Hồng Sơn (tổng hợp) CAND


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.