feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Dư luận thế giới đang xôn xao về một lượng thực phẩm khổng lồ xuất xứ từ Đức có chứa độc tố dioxin, một chất độc gây ung thư và bị cấm trong sản xuất thực phẩm cũng như thức ăn gia súc, gia cầm.


Đến nay đã có khoảng 5.000 nông trại chăn nuôi gia cầm, lợn, cừu và gà tây trên toàn nước Đức đã được lệnh phải ngừng cung cấp sản phẩm ra thị trường, để các cơ quan chức năng kiểm tra. Chính quyền bang North Rhine-Westphalia đã ra lệnh tiêu hủy ít nhất 8.000 gia cầm nhiễm dioxin và bang Lower Saxony phải tiêu hủy hàng trăm con lợn. Ước tính có khoảng 120.000 trứng nhiễm độc đã được tung ra thị trường ở North Rhine-Westphalia và mới có vài ngàn quả được thu hồi.

Ủy ban châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về vụ trứng gà nhiễm dioxin ở Đức và yêu cầu Chính phủ Đức sớm có thông tin về phạm vi nhiễm độc trứng gà này. Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề sức khỏe cộng đồng John Dalli cho rằng đây là việc làm khẩn cấp và cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng không chỉ ở Đức mà cả phạm vi châu Âu cũng như trên thế giới, bởi vì có tin 136.000 quả trứng gà nhiễm độc ở Đức đã xuất ngoại. Một nhà máy tại Hà Lan đã nhập khẩu số trứng này từ các trang trại ở bang Saxony-Anhalt thuộc Tây Đức và bán đi khắp nơi. Trứng gà nhiễm dioxin từ Đức cũng đã được phát hiện tại nước Anh.  

Mối lo trứng nhiễm độc ở Đức đã lan sang thịt gà khi các nhà điều tra thông báo mức độ gia tăng của chất dioxin trong loại thịt gia cầm này. Các quan chức phụ trách an toàn thực phẩm Liên minh châu Âu (EU) đang yêu cầu xác định xem có bao nhiêu triệu quả trứng đã được bán kể từ khi vụ bê bối bị khui ra.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta chỉ nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thô từ Đức chứ không nhập thức ăn chăn nuôi thành phẩm, trong khi dioxin chỉ phát hiện trong thức ăn chăn nuôi thành phẩm. Do đó có thể loại trừ khả năng thức ăn chăn nuôi trong nước nhiễm dioxin. Việt Nam không cho nhập khẩu trứng gia cầm còn các loại thịt cũng không nhập từ Đức mà chủ yếu từ Mỹ, Canađa, Braxin, Ôxtrâylia.


Nhiều quốc gia đã bắt đầu hành động do lo sợ thịt và trứng nhiễm chất dioxin từ Đức. Hàn Quốc là nước đầu tiên đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt từ Đức, còn Xlôvakia thì đình chỉ bán các sản phẩm gia cầm. Tại Anh, các hệ thống siêu thị khổng lồ như Tesco, Morrisons và Sainsburys đã dỡ toàn bộ các loại bánh và sản phẩm từ trứng khỏi kệ sau khi xác nhận trứng nhiễm dioxin được sử dụng trong thành phần sản xuất. Italia và Hà Lan cũng bắt đầu các cuộc kiểm tra thực phẩm riêng. Bộ trưởng Y tế Italia Ferruccio Fazio cho biết đã yêu cầu tất cả nông dân nhập khẩu trứng, sữa hoặc thịt từ Đức phải kiểm tra nồng độ dioxin. Cục Quản lý nông nghiệp Nga ra quyết định áp dụng các biện pháp kiểm tra gắt gao hơn đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật từ Đức và một số quốc gia khác thuộc EU.

Truy tìm thủ phạm

Chính phủ Đức tuyên bố đang và sẽ tăng cường kiểm soát và siết chặt các quy định về an toàn thức ăn gia súc gia cầm. Người phát ngôn Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm liên bang Đức cho biết, sự cố này bắt nguồn từ việc một công ty thức ăn gia súc gia cầm ở bang Schleswig-Holstein cung cấp hơn 500 tấn nguyên liệu chế biến thức ăn vỗ béo gia cầm gia súc có chứa chất dioxin cho một số nhà máy sản xuất chế biến thức ăn gia súc gia cầm ở 4 bang Nierdersachsen, Nordrhein-Westfalen, Frei Hansestadt Hamburg và Sachsen-Anhalt.

Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Ilse Aigner coi cung cách quản lý dẫn tới mức độ hóa chất độc hại quá cao trong thức ăn vật nuôi là một “hành động tội phạm, một đòn đau giáng vào nhà nông”.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi cơ quan điều tra phát hiện một số loại dầu dùng để sản xuất xăng có mặt trong kho dự trữ thức ăn cho gia súc. Theo chính quyền bang Nierdersachsen, nơi có phần lớn các nông trại bị ảnh hưởng, căn cứ vào nồng độ dioxin và số lượng các sản phẩm bị nhiễm độc, chưa thể kết luận rằng nguyên nhân chỉ đơn giản là một sai lầm trong sản xuất.

Báo chí Đức cho biết, Công ty Harles und Jentzsch, nơi sản xuất các thức ăn này, đã biết đến một phân tích về nồng độ dioxin. Theo đó, các thức ăn chăn nuôi do công ty này sản xuất có lượng dioxin cao gấp 2 lần so với tiêu chuẩn của EU, một số mẫu thức ăn gia súc còn có lượng dioxin cao gấp 80 lần mức tối đa được quy định. Công ty này đã bị cáo buộc là cung cấp hơn 3.000 tấn acid béo nhiễm độc vốn chỉ dùng trong công nghiệp cho 25 nhà sản xuất thức ăn động vật. 2.500 tấn trong số đó đã được chuyển đến bang Lower Saxony vào tháng 11 và 12/2010 để sản xuất và sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi. Bộ Nông nghiệp Đức cho biết tính đến ngày 7/1, 18 trong tổng số 30 mẫu thức ăn gửi từ Harles und Jentzsch được thử nghiệm đã cho kết quả mức độ dioxin vượt quá mức tối đa cho phép. Trong đó có 1 mẫu chất béo “bẩn” đã cho kết quả lên đến 58,17 nanograms dioxin/kg, trong khi giới hạn cho phép là 0,75 nanograms dioxin/kg.

Ban đầu người ta cho rằng sự việc chỉ gói gọn trong vòng nước Đức, tuy nhiên trên thực tế các cuộc thử nghiệm từ tháng 3 năm ngoái đã cho thấy có hàm lượng cao dioxin trong thức ăn chăn nuôi, nhưng thông tin này bị che giấu cho đến cuối tháng 12. Chính vì vậy các sản phẩm từ thịt, trứng của Đức vẫn được xuất khẩu với số lượng lớn sang các nước khác. Nhà chức trách Đức đã gửi báo cáo đến Ủy ban châu Âu và các đối tác kinh doanh xác nhận 136.000 quả trứng (9 tấn) từ các trang trại sử dụng thức ăn nhiễm độc đã được xuất khẩu sang Hà Lan và tại đây đã bị để lẫn lộn với trứng Hà Lan và được dùng để chế biến các thực phẩm như bánh ngọt, kem, mayonnaise... Ngoài ra, 14 tấn trứng tiệt trùng đã được Đức xuất khẩu sang Anh vào tháng 12 năm ngoái.               


Xuân Sơn
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.