feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Ray, thiếu niên 17 tuổi từng khiến báo chí Đức xôn xao sau khi xuất hiện bí ẩn tại thủ đô Berlin, đang trở thành trung tâm nghi vấn của cảnh sát. Nhà chức trách cho rằng câu chuyện ly kì Ray kể về thời gian sống trong rừng kéo dài nhiều năm trời chứa nhiều mâu thuẫn và rất có thể đã được cậu cố ý bịa ra, để phục vụ cho một mục đích nào đó chưa được làm rõ.

Cảnh sát Berlin hôm 28/9 xác nhận rằng lời khai của Ray chứa rất nhiều chi tiết mâu thuẫn nhau.

Không giống như người ở rừng dài ngày 

Ray, nhân vật chính trong sự kiện "người rừng" ở Đức, đang bị nghi ngờ là đã dựng chuyện

Thiếu niên 17 tuổi này khai rằng chỉ nhớ bản thân tên là Ray và đã cùng cha dọn tới Đức sống, sau khi mẹ Doreen qua đời vì tai nạn đụng xe cách đây 5 năm. Ray nói rằng họ không có họ hàng thân thích. Khi ở trong rừng, hai cha con cũng không sống cố định mà thường xuyên di chuyển và ngủ lại trong những chiếc lều. Họ săn bắn và hái lượm, dựa hoàn toàn vào thiên nhiên để sinh sống. 

Sau khi ông Ryan bị ngã trong lúc đi trong rừng và thiệt mạng, Ray đã chôn cất cha. Tiếp đó cậu tiến theo hướng Bắc rồi tới Berlin sau 2 tuần ròng rã. Ray xuất hiện trước toà thị chính Berlin vào chiều ngày 5/9, trên người bận một chiếc áo phông màu nâu, lưng đeo ba lô, trong có một chiếc lều, một túi ngủ. Trông Ray có vẻ được ăn uống đầy đủ và được cắt tóc khá gọn gàng. Những từ tiếng Anh đầu tiên Ray thốt ra đã khiến giới chức Đức há hốc mồm ngạc nhiên: "Cháu hoàn toàn cô đơn trên cõi đời này".

Ban đầu cảnh sát Đức tin vào câu chuyện của Ray. Các chuyên gia ngôn ngữ cũng thấy không có dấu hiệu của sự lừa đảo trong lời kể của cậu. Nhưng khi xem xét kỹ vụ việc, cảnh sát nhận thấy có nhiều chi tiết mâu thuẫn. "Cậu ta trông chẳng giống như một người ở rừng, dù dài hay ngắn ngày" - phát ngôn viên cảnh sát Berlin Thomas Neuendorf tuyên bố - "Rất có thể cậu ta đang kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện không có thực và đó là lý do vì sao cậu ta không muốn chường mặt ra trước công chúng". 

Neuendorf nói rằng chiếc lều của Ray đã qua sử dụng, nhưng nó không quá cũ nát, điều hoàn toàn có thể xảy ra khi chủ nhân của nó có tới 5 năm sống ở rừng. "Và cậu ta trông rất sạch sẽ, mặc quần áo đã giặt giũ tử tế. Móng tay của cậu ta được cắt tỉa gọn gàng và tay cậu ta rất mềm, không giống một người phải lao động nhiều trong rừng. Những điều này khiến chúng tôi nghi vấn" - ông Neuendorf cho biết. 

Dấu hỏi nghi vấn từ phía các chuyên gia

Sự nghi ngờ của cảnh sát Đức đã nhận được sự ủng hộ từ một số người có hiểu biết về rừng và sinh tồn trong thiên nhiên. Khu rừng mà Ray nói tới có thể là cánh rừng rậm rạp thuộc dãy núi Ore của Đức, vốn chạy xuyên qua biên giới sang tận đất CH Séc. Nhưng những người quen thuộc với khu rừng cho rằng rất khó để ai đó sống trong nó chừng ấy năm mà không bị phát hiện. 

Ronny Schmidt là một cựu lính dù Đức, hiện đang điều hành trường Team Survival dạy người ta cách sinh tồn trong thiên nhiên. Schmidt đã bác bỏ khả năng con người ta có thể sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên trong điều kiện của rừng trên núi Ore. "Chuyện sống dựa vào thiên nhiên có thể xảy ra ở những khu vực xa xôi hẻo lánh như Canada chẳng hạn. Nhưng ở Đức thì chẳng có nhiều môi trường hoang dã như vậy" - Schmidt nói.

Cơ quan điều tra Đức đã tỏ ra sốt ruột trước việc không có tiến triển trong quá trình xác minh gốc gác của Ray, ngay cả khi họ đã nhờ Interpol giúp đỡ. Cảnh sát ở miền Nam Đức, tại Cộng hoà Séc và Áo cũng được đề nghị trợ giúp nếu họ tìm thấy một xác chết trong rừng, nhưng tới nay vẫn chưa có phát hiện nào như vậy.

"Chúng tôi không tìm thấy một thi thể nào cả" - Neuendorf nói - "Cậu ta không có thêm thông tin gì mới cho câu chuyện ban đầu và cũng không kể cho chúng tôi bất kỳ điều gì hữu dụng. Cậu ta không thể gọi tên hay mô tả một công trình đáng nhớ, một thị trấn hay nơi nào đó có thể giúp chúng tôi tìm ra gốc gác. Và cậu ta luôn kể lại đúng một câu chuyện cũ". Ông Neuendorf cũng chỉ ra điểm nghi vấn nằm ở chỗ Ray khai mình đã đi 2 tuần trong rừng, nhưng lại chẳng nói gì về chuyến đi, cũng như tại sao cậu ta lại tới Toà thị chính Berlin. 

Khó xác định gốc gác "người rừng"

Hiện người ta vẫn chưa thể xác định Ray có phải người gốc Anh hay không. Cậu ta chỉ nói được vài từ tiếng Đức và sử dụng tiếng Anh khá trôi chảy. Nhưng ông Neuendorf cho biết tiếng Anh của Ray có thể không phải tiếng mẹ đẻ mà cậu đã học được. 

Cảnh sát đã chỉ định một người giám hộ với Ray và thông qua người này, họ có thể mở rộng cuộc điều tra, bao gồm kiểm tra mẫu ADN, kiểm tra dữ liệu răng và nghiên cứu ngôn ngữ của cậu bé. Ngoài ra cảnh sát cũng sẽ kêu gọi dư luận giúp đỡ nhận diện Ray. "Với sự tham gia của đông đảo công chúng, rất có thể ai đó sẽ nhận ra cậu ta và giúp khoả lấp các khoảng trống còn thiếu trong vụ này" - ông Neuendorf nhận xét. 

Nhưng điều kỳ quặc nằm ở chỗ Ray đã nói với người giám hộ rằng cậu ta không có ý định tìm lại danh tính thực. "Tôi chỉ muốn sống tiếp cuộc đời mình" - Ray nói. Quyết định bất ngờ từ Ray đã khiến cảnh sát nghi ngờ câu chuyện đời của cậu ta. "Làm sao có chuyện ai đó không biết mình là ai lại có thể hoàn toàn vô cảm với việc tìm lại gốc gác" - ông Neuendorf đặt nghi vấn.

  • Tường Linh (Theo TTVH, Telegraph)


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.