feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Các nước châu Âu càng ráo riết truy quét nạn nhập cư trái phép thì cuộc sống của những người Việt Nam nhập cư theo kiểu này ở các nước châu Âu càng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và rủi ro. Có những địa điểm khi bị Cảnh sát nước sở tại truy quét, một số người Việt Nam đang bị giữ tập trung trong một môi trường rất tù túng và khổ sở.

Những ngày qua, một số báo đã đưa tin về việc Cảnh sát Anh, Pháp, Đức, Séc và Hungary vừa phát hiện, bắt giữ 14 người Việt Nam nhập cư trái phép tại trạm trung chuyển gần Dunkerque (Pháp).

Đây là những người được một tổ chức tội phạm đưa nhập cư bất hợp pháp đến Anh thông qua việc sử dụng giấy tờ giả hoặc thị thực gian lận, bay qua châu Âu, rồi đưa lậu qua biên giới Anh bằng cách ẩn náu trong những khoang bí mật ở thùng xe chở hàng hoặc ngụy trang dưới hàng hóa trên xe tải. Đây không phải là vấn đề mới xảy ra, nhưng một lần nữa, là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những người dân Việt Nam khi có ý định đổi đời bằng cách theo các tổ chức, đường dây tội phạm nhập cư bất hợp pháp đến "miền đất hứa" như Vương quốc Anh.

Cách đây chưa lâu, vào cuối tháng 12/2010, tại một làng quê nhỏ bé ở một tỉnh miền Trung đã xảy ra một bi kịch đau lòng. Người chồng, người cha của 2 đứa con là anh Trần H., đã bị sát hại tại Vương quốc Anh. Anh H. đi xuất khẩu lao động tại CH Séc vào cuối năm 2008. Thế nhưng, chỉ một năm sau, anh H. báo về là được bạn bè mời sang Vương quốc Anh làm việc với mức lương cao. Từ ngày sang Anh làm việc, anh H. được một người chủ tên là Long trang bị điện thoại di động nhưng liên tục thay đổi số nên chỉ có anh H. mới chủ động gọi về cho gia đình được.

Vào ngày 9/12/2010, anh H. đang nói chuyện điện thoại với chị dâu thì thấy có tiếng lịch kịch đầu bên anh H.. Anh H. nói với chị: "Chị ơi! Có người vào, em cúp máy đây, liên lạc chị sau nhé". Mọi người trong gia đình không thể ngờ đó là cuộc liên lạc cuối cùng và họ vĩnh viễn không bao giờ gặp được anh H. nữa. 16h ngày 10/2, gia đình nhận được điện thoại của một người, tự xưng là bạn anh H., báo tin H. đã bị chết vào ngày 9/12/2010. Gia đình không tin, gạn hỏi nguyên nhân chết thì người này im lặng, sau đó cúp máy. Cả gia đình như cuồng dại bởi thông tin đột ngột này nhưng không biết hỏi thăm ở đâu. Đến buổi chiều, một người đàn ông khác lại gọi điện thoại từ Anh về gia đình thông báo việc trên và cho số điện thoại cùng địa chỉ trang web để liên lạc. Quá đau đớn về tin anh H. bị chết, vợ anh bị sốc nặng, ngày đêm mê sảng, đòi đưa xác chồng về. Nỗi đau của người vợ trẻ cùng 2 đứa con nhỏ trong ngôi nhà nghèo rách khiến bao người rơi nước mắt…

Sau khi có yêu cầu xác minh của Công an Việt Nam, mới đây, Văn phòng Interpol Việt Nam (VPI) nhận được công văn trả lời của Cảnh sát Anh. Một thông tin khá trùng lặp cho biết, Cảnh sát Essex (Vương quốc Anh) nhận được tin báo đã phát hiện phía trong cánh cửa của một nhà kho thuộc khu công nghiệp Rehill tại South Woodham Ferres có một xác chết nam giới. Các dấu hiệu cho thấy nạn nhân sống tại đây và được thuê trồng cây cần sa. Hiện trường cho thấy có 2 cửa sổ bị đập vỡ, một vài cây cần sa bị nhổ, có vài mảnh vỡ trên mái…, nghi vấn đã xảy ra vụ trộm cần sa, có thể kẻ trộm đã ra tay sát hại nạn nhân khi bị phát hiện.

Nạn nhân được xác định tên trùng với anh Trần H., cư trú bất hợp pháp tại đây. Cơ quan tư pháp Anh cũng đã phát hiện một số nghi phạm liên quan đến cái chết của anh H và đang tiến hành điều tra.

Chồng hồ sơ về vụ nạn nhân Trần N., cũng bị sát hại tại Vương quốc Anh được các cán bộ của VPI lưu giữ khá dày. Tuy nó đã xảy ra cách đây hơn 4 năm nhưng những vấn đề liên quan đến vụ việc này hiện vẫn được Cảnh sát 2 nước trao đổi thông tin và tiếp tục điều tra, giải quyết.

Ngày 12/12/2006, VPI nhận được công hàm của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đề nghị phối hợp xác minh thân nhân của một người đàn ông bị sát hại dã man trong một vụ án xảy ra tại đất nước này. Nạn nhân là Trần Quang Dương, trú tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, khi VPI phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thì được biết, nạn nhân tên thật là Trần N., quê ở một tỉnh miền Trung, mang hồ sơ giả của Trần Quang Dương để di cư và sống bất hợp pháp tại Vương quốc Anh.

Theo thông tin từ phía Cảnh sát Anh, Trần N. được một số đối tượng thuê làm tại một xưởng sản xuất ma túy (trồng cần sa) ở khu vực Newsport. Vì nơi này bị mất cắp ma túy nên các đối tượng nghi vấn chính Trần N. là thủ phạm.

Ông chủ (người gốc Phi) đã yêu cầu các đối tượng trong đường dây bắt ép Trần N. lên ôtô đưa đến London. Chúng đưa anh N. đến một ngôi nhà ở Feltham, nơi đó đã có sẵn 4 người đàn ông lực lưỡng. Chúng đợi ông chủ Win cùng một người đàn ông da đen đến để bắt đầu cuộc tra khảo bằng nhục hình đối với anh N.. Sau mỗi câu tra khảo về việc mất trộm ma túy, những đòn roi liên tiếp ập xuống cơ thể người đàn ông nhỏ bé. Sau đó, chúng bắt anh N. gọi điện thoại về gia đình ở Việt Nam yêu cầu vợ phải nộp cho chúng 40 nghìn bảng Anh. Gia đình anh N. không thể lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để đáp ứng yêu cầu của bọn chúng. Vì thế, cuộc tra tấn tiếp tục. Đến khi người đàn ông da đen đi cùng ông chủ Win đá mạnh vào anh N. làm nạn nhân ngã, đầu va mạnh vào lò sưởi, bất tỉnh thì bọn chúng mới dừng tay. Thấy anh N. rơi vào tình trạng tồi tệ, bọn chúng đã đưa nạn nhân trở lại Bệnh viện Hoàng gia Groent tại Newpost. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng được đưa vào bệnh viện, anh N. đã tử vong…

Cảnh sát Anh đã tiến hành điều tra, qua đó bắt giữ 8 đối tượng (7 đối tượng phạm tội giết người và 1 đối tượng phạm tội cản trở quá trình điều tra). Hiện Cảnh sát 2 nước vẫn đang tiếp tục phối hợp điều tra và truy bắt một đối tượng phạm tội khác nghi trốn về Việt Nam.

Ông James Sharp, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Cục Biên phòng Anh khuyến cáo:

"Vào nước Anh một cách giấu giếm mà không có thị thực là bất hợp pháp và rất nguy hiểm. Chúng tôi khuyến khích tất cả người Việt Nam nên đến với nước Anh bằng con đường đúng đắn. Các bạn đừng nên đặt cuộc sống của mình vào vòng nguy hiểm".


Theo VPI Việt Nam, nếu như vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, hoạt động đưa người nhập cư bất hợp pháp chủ yếu diễn ra dưới hình thức lén lút, bí mật, đi bằng đường biển, đường bộ, không cần giấy tờ xuất cảnh thì hiện nay, bọn tội phạm đã tăng cường hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, táo tợn.

Bọn tội phạm thỏa thuận với khách đi không phải nộp tiền trước, chỉ khi nào nhập cảnh vào nước cần đến, báo tin về gia đình mới phải nộp tiền. Cho nên, số vụ người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp trong những năm gần đây tăng lên nhanh chóng, vào các nước có mức sống cao như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu (hiện chủ yếu là vào Vương quốc Anh).

Các nước châu Âu càng ráo riết truy quét nạn nhập cư trái phép thì cuộc sống của những người Việt Nam nhập cư theo kiểu này ở các nước châu Âu càng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và rủi ro. Có những địa điểm khi bị Cảnh sát nước sở tại truy quét, một số người Việt Nam đang bị giữ tập trung trong một môi trường rất tù túng và khổ sở. Những người nhập cư trái phép có thể lâm vào tình trạng nợ nần vì những kẻ tổ chức đưa đi sẽ đòi rất nhiều tiền nếu đưa vào trót lọt, trong khi nếu kiếm được việc làm ở những nước này thì thu nhập không cao. Tệ hơn, nếu bị phát hiện và buộc hồi hương, họ còn trắng tay và đương đầu với một khoản nợ khổng lồ khi quay trở lại quê nhà…


T.Hòa
 
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.