feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Chiến dịch phát hiện và xóa sổ một nhóm cực hữu có tên "Tổ chức xã hội dân tộc bí mật - NSU" - hình thành từ năm 1998 và là thủ phạm của cả chục vụ giết người, 14 vụ cướp bóc - lại trở thành một vụ bê bối thực sự trong hàng ngũ các cơ quan an ninh của Đức.

Hóa ra, Cơ quan bảo vệ hiến pháp đã theo dõi những tên tội phạm này ngay từ cuối những năm 90, nhưng không hiểu vì lý do gì đã không báo cho cảnh sát, đồng thời vẫn tiếp tục uổng phí tiền bạc cho những nguồn tin đáng ngờ. Vụ việc này còn  được coi là đòn đau giáng vào uy tín của các cơ quan mật vụ Đức.

Nhân vật cầm đầu của nhóm cực hữu này đáng chú ý lại là một phụ nữ có tên Beate Zschaepe (36 tuổi), nổi tiếng với biệt danh là "Kẻ đốt nhà từ Zwickau". Tòa án tối cao CHLB Đức theo yêu cầu của Viện kiểm sát liên bang đã ra trát bắt giữ nhân vật nguy hiểm này vào ngày 13/11. Theo những dữ liệu cáo trạng ban đầu, Beate Zschaepe cùng với Uwe Mundlos và Uwe Boehnhardt đã lập ra NSU tại thành phố Jena từ năm 1998. Đến năm 2007, nhóm này tiếp nhận thêm một thành viên mới là Holger G, trường hợp của tên này đang được điều tra riêng.

Beate Zschaepe, Uwe Mundlos và Uwe Boehnhardt.

Mục tiêu hoạt động chính của NSU là tiêu diệt hoàn toàn những thành phần nhập cư vào nước Đức. Những tội ác của NSU, theo Viện Kiểm sát, là hàng loạt những vụ sát hại những người nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là những người bán "doner" (một món ăn truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ). Cũng chính vì đặc điểm này, báo chí Đức còn gọi vụ trên là "Những vụ sát nhân doner".

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2006, các thành viên NSU đã giết hại tổng cộng 8 người Đức gốc Thổ và 1 người Hy Lạp tại Nuremberg, Hamburg, Munich, Rostock, Dortmund và Kassel. Đến năm 2007, NSU được cho là đã tổ chức vụ sát hại 2 cảnh sát tại Heilbronn, một trong số này là cảnh sát viên Michele Kiesewetter đã qua đời sau đó vì những vết thương nặng.

Được biết là cả Uwe Mundlos và Uwe Boehnhardt đều được phát hiện đã chết tại ngoại ô thành phốEisenach vào ngày 4/11/2011. Cũng trong ngày này, Beate Zschaepe đã tìm cách đốt căn nhà tạiZwickau (là nơi nhóm này đã tụ tập sống chung) với hy vọng xóa hết các bằng chứng tội ác của chúng. Tên này cuối cùng đã bị bắt giam vào ngày 9/11.

Liên quan đến vụ tự sát của những tên tòng phạm trong nhóm, báo chí Đức cũng đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Một tờ báo cho biết, hai tên dính tới một vụ cướp ngân hàng bất thành. Sau đó chúng chạy trốn và ẩn náu trong một chiếc xe rồi tự sát khi bị cảnh sát phát hiện. Theo một giả thuyết khác, bên trong nhóm này đã nảy sinh những bất đồng nghiêm trọng. Không loại trừ vụ tự sát nhằm tạo ra một "hiệu ứng quảng bá".

Được biết là ngày 13/11, Văn phòng Bộ Nội vụ Đức ở Bavaria và đảng cánh tả vùng Sachsen-Anhalt đã nhận được những đoạn băng hình thú nhận về những vụ giết người và tội ác của NSU. Quá trình lục soát căn hộ tại nơi sinh sống của các thành viên NSU cũng phát hiện ra 1 khẩu súng lục đã dùng để bắn chết những người nhập cư. Các nhà chức trách còn tìm ra những bằng chứng cho thấy, các tội ác đều xuất phát từ động cơ hằn thù chủng tộc.

Thành viên cuối cùng Holger G (37 tuổi) bị bắt vào ngày 13/11. Tên này chính là kẻ đã trực tiếp thuê những chiếc xe hòm được NSU sử dụng để gây tội ác, trong đó có cả vụ sát hại 2 cảnh sát tạiHeilbronn.

Trong căn nhà bị đốt cháy tại Zwickau, cảnh sát đã tìm thấy một cuốn băng làm bằng chứng quan trọng, trong đó Mundlos và Boehnhardt đã kể về những tội ác mà chúng đã thực hiện như là "những chiến công". Chẳng hạn như trong một đoạn băng hình, chúng nhận trách nhiệm về vụ nổ bom nhồi đinh tại Cologne vào năm 2004. Trái bom này - nổ ngay tại khu phố chủ yếu có người gốc Thổ nhập cư sinh sống - đã làm 22 nạn nhân bị thương.

Các điều tra viên cũng đang tập trung làm rõ liệu nhóm này có là thủ phạm của những vụ nổ tại một nghĩa trang của người Do Thái ở Berlin (tháng 3/2002), tại nhà ga tàu điện ngầm ở Dusseldorf năm 2000 và tại một triển lãm ở Saarbrucken tháng 3/1999. Cảnh sát cũng đang nghi ngờ NSU còn dính dáng tới vụ sát hại một người bán doner tại Doebeln đầu tháng 11 vừa qua.

Cảnh sát bắt giữ Beate Zschaepe.

Được biết là NSU còn tổ chức tới 14 vụ cướp ngân hàng khác nhau. Thông thường, Mundlos và Boehnhardt hay đội tóc giả, bịt mặt, dùng súng đe dọa các nhân viên ngân hàng để lấy đi những khoản tiền lớn. Sau đó, chúng tẩu thoát bằng xe đạp tới một chiếc xe hòm nằm gần đó, là nơi Beate Zschaepe đang chờ sẵn.

Liên quan đến NSU, chính quyền Đức quyết định lật lại các vụ án vẫn chưa được khám phá kể từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Chính vì vậy, không loại trừ khả năng danh sách những tội ác của NSU sẽ còn tiếp tục tăng lên. Beate Zschaepe theo một số nguồn tin đã sẵn sàng hợp tác với cảnh sát để khai nhận hết về những tội ác của NSU với điều kiện được giảm án. Hiện các điều tra viên vẫn cho rằng, thành viên của NSU chắc hẳn sẽ nhiều hơn 4 người, vì nếu không chúng không thể gây ra nhiều tội ác như vậy.

Câu hỏi đang được dư luận Đức quan tâm nhất hiện nay là: Nguyên nhân do đâu nhóm NSU có thể tồn tại và gây tội ác trong một thời gian dài mà không bị phát hiện? Liệu có ai đó trong các cơ quan chính quyền bao che cho chúng không?

Tất cả 3 thành viên chính của NSU thật ra đã từng tham gia trong thành phần một nhóm cực hữu khác hồi đầu những năm 90. Đến năm 1998, các điều tra viên đã khám xét gara để xe của Beate Zschaepe tại Jena, phát hiện tại đó 4 trái bom tự tạo, thuốc nổ, vũ khí và một số tài liệu truyền bá tư tưởng phát xít mới. Sau vụ này, cả 3 tên đều kịp lẩn trốn. Tiếp đó, Beate cùng đồng bọn còn hợp tác với một nguồn tin của Cơ quan bảo vệ hiến pháp.

Giả thuyết chính thức khẳng định rằng, Cơ quan Bảo vệ hiến pháp không biết nơi ẩn náu của các thành viên nhóm tội phạm từ sau năm 1998. Tuy nhiên, theo báo chí Đức, Beate Zschaepe đã duy trì tiếp xúc với nhiều nguồn tin của cơ quan này trong một thời gian dài. Không loại trừ khả năng chính những mối quan hệ này đã giúp cô ta cùng đồng bọn lẩn trốn.

Quá trình khám xét căn hộ tại Zwickau đã phát hiện những tài liệu chứng tỏ nhóm cực hữu trên đã được một nhân vật nào đó trong Cơ quan Bảo vệ hiến pháp che chở - điển hình là những "giấy tờ giả nhưng có nguồn gốc thật" thường được trang bị cho những nguồn tin cộng tác với cơ quan tình báo.

Chưa hết, quá trình điều tra tội ác của NSU còn làm lộ mặt một nhân vật đáng chú ý có tên Andreas T là nhân viên của Cơ quan Bảo vệ hiến pháp. Cụ thể trong một vụ NSU bắn chết chủ nhân quán cà phê Halit Yozgat vào năm 2006, Andreas cũng có mặt tại hiện trường.

Tuy nhiên, khi được cảnh sát lần ra chuyện này, Andreas chối rằng đã rời khỏi hiện trường chỉ vài phút trước khi vụ giết người xảy ra. Lục soát nhà của tay nhân viên này, cảnh sát đã phát hiện ra một cuốn sách của Hitler. Tại thành phố quê hương của mình, Andreas còn được gọi là "Adolf nhỏ" vì những tư tưởng phát xít của mình. Tờ Bild cho biết, không hiểu vì lý do gì, Andreas đều tình cờ có mặt rất gần hiện trường đúng lúc xảy ra các vụ án của NSU. 

Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich sau khi gọi những tội ác của NSU là chủ nghĩa khủng bố cực hữu đã chính thức yêu cầu có lời giải thích từ phía Cơ quan Bảo vệ hiến pháp. Còn Thủ tướng Angela Merkel nhận xét đây là một điều xấu hổ đối với nước Đức. Quyết liệt hơn, Bộ trưởng Tư pháp Sabine Leutheusser -Schnarrenberger yêu cầu phải cải tổ lại Cơ quan Bảo vệ hiến pháp. Nhân sự kiện này, bắt đầu nảy sinh nhiều đề xuất nên cấm hoạt động đối với đảng Dân tộc dân chủ Đức, một đảng phái theo đường lối cực hữu.

Theo số liệu năm 2010 của Cơ quan Bảo vệ hiến pháp, nước Đức hiện đang có gần 25 ngàn phần tử cực hữu, 9.500 tên trong số này sẵn sàng sử dụng những biện pháp bạo lực để phục vụ cho mục tiêu tư tưởng của mình. Cũng trong năm 2010, những tên phát xít mới đã gây ra 15.900 vụ tội phạm khác nhau, nhưng chỉ có 5% trong số này có sử dụng bạo lực. Số còn lại chủ yếu liên quan đến việc tuyên truyền trái phép tư tưởng phát xít hay xúc phạm đến nguồn gốc dân tộc của người khác.

  •   Linh Nga (CAND tổng hợp)


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.