feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Cách nay ít lâu, một tờ báo xuất bản ở Cộng hòa Liên bang Đức đã đăng tải một bài báo với tiêu đề: "Từ tiến sĩ toán trở thành triệu phú xúc xích". Tác giả của bài viết ấy là một nhà báo Đức - Gubler, sau một chuyến đến thăm Việt Nam.

Trong chuyến thăm và tác nghiệp ấy, tình cờ ông đã gặp một doanh nhân người Việt, người mà cách nay hơn 20 năm đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tại Trường Đại học Tổng hợp mang tên nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Đức ở thế kỷ 16 - Martin Luther. Vậy mà giờ đây vị tiến sĩ ấy đã trở thành một ông "trùm xúc xích" ở Việt Nam. Ông "trùm xúc xích" ấy là tiến sĩ Mai Huy Tân, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Đức - Việt.

5 lần được gặp Bác

Sinh năm Kỷ Sửu (1949), trong một gia đình công chức ở đất Hà thành, Mai Huy Tân giờ đây vẫn chôn giữ bao kỷ niệm về những ngày thơ ấu của mình. Đó là những đêm thu Hà Nội với mùi hoa sữa nồng nàn, hồ Gươm xanh, tiếng tàu điện leng keng, kem sữa Tràng Tiền, cầu Long Biên, Hồ Tây thơ mộng… Hà Nội ngày ấy với anh sao yêu và đẹp thế. Song những kỷ niệm mà có lẽ anh không thể quên, đó là 5 lần anh được gặp Bác Hồ và 2 lần được nhận phần thưởng của Bác.

Theo anh kể thì 5 lần gặp Bác là những lần anh cùng đoàn học sinh Hà Nội được lựa chọn vào Phủ Chủ tịch gặp Bác khi Bác tiếp các đoàn khách quốc tế như Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Tổng thống Indonesia Xu Các Nô, Tổng thống Ấn Độ, vợ chồng luật sư người Anh Nuxembai - Người đã có công đưa Bác ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch ở Hồng Kông. Trước đó, anh còn có vinh dự cùng đoàn thiếu nhi Hà Nội vào tặng hoa Bác trong ngày khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3.

Tiến sĩ Mai Huy Tân (người đầu tiên bên phải) cùng các đồng đội cũ đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Là một học sinh mê toán từ hồi nhỏ nên sau khi tốt nghiệp trường trung học phổ thông trung học, Mai Huy Tân thi đỗ vào khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là thời khắc diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc của Đế quốc Mỹ đối với các tỉnh, thành miền Bắc nước ta, trong đó Hà Nội và Hải Phòng và các tỉnh Khu 4 là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ nhằm ngăn chặn nguồn chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ngày đó, cũng như nhiều cơ sở kinh tế, cơ quan nhà nước, thầy và trò của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã phải đi sơ tán về các địa phương ở vùng sâu, vùng xa. Theo anh Mai Huy Tân thì Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đóng đô ở Hà Nội song suốt 4 năm theo học ở đây, do chiến tranh nên thời ấy anh chưa một lần có dịp được đặt chân về trường.

Cũng 4 năm đó, anh không một ngày được học dưới ánh đèn điện mà làm bạn với ánh sáng đèn dầu. Ăn uống, sinh hoạt kham khổ vậy mà mọi người đều siêng năng học tập. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề, nhưng ai nấy đều rất tự tin, lạc quan yêu đời. Ngoài giờ học là phong trào thể dục thể thao, văn nghệ với những lời ca tiếng hát vừa lãng mạn vừa yêu đời. Dàn hợp xướng với bài "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" do các sinh viên Khoa toán ngày ấy trình diễn và đoạt giải trong mùa hội diễn văn nghệ năm ấy vẫn lắng đọng trong ký ức của anh.

Chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị

Năm 1970, tức là sau 4 năm theo học Khoa toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh được Bộ Đại học điều động về công tác tại Phòng Toán kinh tế, Vụ Nghiên cứu kinh tế của Bộ Điện và Than. Ngỡ tưởng cuộc đời anh sẽ gắn bó với công việc này, nào ngờ làm việc ở đây được 9 tháng thì anh lên đường nhập ngũ trong đợt tổng động viên năm ấy.

Sau 3 tháng huấn luyện trong quân ngũ, anh được phân về một đơn vị của Tổng cục Hậu cần rồi được điều lên khu vực biên giới Lạng Sơn để đảm nhận một công việc mà chúng tôi cho là khá "đặc biệt". Đó là tiếp nhận và áp tải 5.000 con lừa do chính phủ Mông Cổ trao tặng cho nhân dân ta để tham gia vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hoàn tất nhiệm vụ tiếp nhận, cả người và lừa được đưa lên tàu hoả chạy thẳng vào Thanh Hoá rồi từ đây cả người và lừa đi bộ vào tận Quảng Bình bàn giao cho đoàn 559. Hoàn thành nhiệm vụ, Mai Huy Tân được điều về công tác tại một đơn vị thuộc Cục Quản lý xe (Bộ Quốc phòng). Đến đầu năm 1972, đơn vị của anh tham gia chiến dịch chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Có một kỷ niệm mà giờ đây anh vẫn còn nhớ. Theo đó, ngày ấy bộ đội ta thu được khẩu đại pháo thường được gọi là "Vua chiến trường" của địch tại chiến trường Quảng Trị. Sau khi thu hồi được chiến lợi phẩm nói trên, đơn vị giao cho anh tham gia sửa chữa và bảo dưỡng rồi cho xe tự hành vận chuyển về hậu phương. "Ông vua chiến trường" ấy giờ đây vẫn đang có mặt trong khuôn viên của Bảo tàng Quân đội.

Hoàn thành công việc ấy, Mai Huy Tân tiếp tục làm nhiệm vụ của một người lính ở chiến trường Quảng Trị cho đến tháng 11/1972 thì được lệnh điều anh trở lại Cục Quản lý xe của Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc Phòng. Công tác ở đây đến hết năm 1974, anh ra quân và trở về với những công việc mà anh đã từng làm ở Bộ Điện và Than. Công việc ấy kéo dài đến năm 1980, anh thi đỗ nghiên cứu sinh ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Nơi mà anh làm nghiên cứu sinh là Trường Đại học Tổng hợp mang tên nhà cải cách tôn giáo và nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Đức ở thế kỷ 16 - Martin-Luther.

Sau 4 năm làm nghiên cứu sinh ở xứ người, năm 1986 anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ với kết quả xuất sắc. Nhận bằng tiến sỹ toán kinh tế, anh trở về nước và tiếp tục công tác ở đơn vị cũ, song thời điểm này Bộ Điện và Than được đổi thành Bộ Năng lượng. Là một cán bộ khoa học, anh đam mê công tác nghiên cứu, đảm nhận nhiều đề tài ứng dụng toán kinh tế vào các hoạt động của ngành. Đây cũng là thời khắc có tính bước ngoặt với đất nước.

Đó là việc Đảng ta phát động công cuộc đổi mới. Do duy trì cơ chế quản lý tập trung bao cấp quá lâu nên đã kìm hãm lực lượng sản xuất khiến cho hàng hoá, đặc biệt là hàng tiêu dùng trở nên khan hiếm, lạm phát ở mức độ phi mã. Để ngăn chặn tình trạng trên, Đảng ta đã ban hành nhiều chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề phát triển.

Tiến sĩ Mai Huy Tân và các cựu sinh viên Việt Nam ở Đức, đón cựu Thủ tướng Đức Schroeder sang thăm Việt Nam.

Còn trong các cơ quan nhà nước cũng diễn ra "cuộc cách mạng" về tinh giảm biên chế nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh ấy, là người có lòng tự trọng, tiến sỹ Mai Huy Tân đã quyết định không nhận lương của đơn vị để xin ra ngoài làm kế hoạch 3. Việc đầu tiên mà anh bắt tay vào làm là biên soạn và cho xuất bản cuốn sách "Tiếng Đức cho người lao động ViệtNam sang Đức".

Giải thích với tôi về việc làm này, anh bảo, những năm đó có rất nhiều lao động Việt Nam đến Đức theo diện xuất khẩu lao động. Họ rất cần được trang bị tiếng Đức, dù là ít ỏi để giao tiếp trong sinh hoạt hàng ngày trên đất Đức. Không ngờ cuốn sách đó xuất bản vào thời kỳ ấy bán khá chạy đã đưa về cho cơ quan một nguồn thu nhất định.

Đến năm 1989, trước ngày nước Đức thống nhất, anh nhận được học bổng của cơ quan trao đổi Hàn Đức (DDAD) mời sang Đức để thực hiện một đề tài khoa học tại một trường đại học của Cộng hoà Liên bang Đức. Đề tài mà tiến sỹ Mai Huy Tân đảm nhận là "Các nền kinh tế chuyển đổi". Đây chính là cơ sở để anh thấu hiểu kỹ lưỡng về bản chất của nền kinh tế thị trường.

Do vậy, sau khi kết thúc công việc, trở về nước, tiến sỹ Mai Huy Tân đã viết và cho xuất bản cuốn sách về kinh tế thị trường. Với việc cho ra đời cuốn sách này anh đã góp phần tích cực vào việc đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng nền tảng trong công việc chuyển đổi nền kinh tế ở nước ta. Cuốn sách đó, không ngờ đã đến tay Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Sau khi đọc xong cuốn sách đó, Tổng Bí thư đã viết thư biểu dương tiến sỹ Mai Huy Tân.

Tiến sĩ làm xúc xích

Trong câu chuyện với tôi, Tiến sĩ Mai Huy Tân bảo rằng: Khi Nhà nước ta ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, tiến sỹ Mai Huy Tân đã trở thành cầu nối cho các nhà đầu tư vào Việt Nam. Hoạt động tư vấn đã giúp anh mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp Đức. Từ các mối quan hệ này, đã giúp anh tự tư vấn cho chính mình bằng việc xúc tiến thành lập Công ty TNHH Đức Việt.

Sau đó, Công ty của anh liên doanh với một doanh nghiệp của Đức để cùng thành lập Công ty liên doanh Đức-Việt. Anh vừa là sáng lập viên, vừa giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị và là Tổng Giám đốc điều hành. Sản phẩm chủ yếu mà doanh nghiệp này sản xuất là xúc xích - một mặt hàng thực phẩm rất được nhiều người Việt Nam yêu chuộng.

Sau những chệch choạc ban đầu, sản phẩm "xúc xích Đức" đã được người tiêu dùng Việt Nam ở nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố biết đến. Giải thích cho tôi về việc sản xuất xúc xích, tiến sỹ Mai Huy Tân cho biết: Trong thời gian anh học ở Đức đã kết thân với một người bạn người Đức sống ở TP Enfut, thuộc tiểu bang Thuerigen là bang nổi tiếng với việc sản xuất xúc xích, một mặt hàng thực phẩm nổi tiếng không chỉ được ưa chuộng ở Đức mà cả châu Âu.

Từ mối quan hệ này, tiến sỹ Mai Huy Tân đã trao đổi với người bạn của mình để cùng hợp tác sản xuất xúc xích cung cấp cho thị trường Việt Nam. Từ những thành công ban đầu, năm 2008, Công ty chuyển đổi thành Công ty cổ phần Đức-Việt, tiến sỹ Mai Huy Tân đảm nhận cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Như vậy là từ lúc khởi nghiệp vào năm 2001 chỉ có 7 người, xuất xưởng 50 tấn xúc xích, đến nay qua 10 năm, số lao động đang làm việc ở Công ty đã tăng lên 350 người. Hàng năm, sản xuất trên 3.000 tấn sản phẩm đã đưa Công ty lọt vào tốp 3 các doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất mặt hàng xúc xích ở Việt Nam. Từ chỗ chỉ có mặt hàng thực phẩm xúc xích nay doanh nghiệp đã sản xuất hơn 20 loại sản phẩm khác nhau.

Điều cần nói là tất cả các sản phẩm do Công ty sản xuất đều dựa theo tiêu chuẩn Đức, chứng chỉ HACCP của Đức. Sản phẩm đã đạt Huy chương bạc và Huy chương vàng tại Hội chợ Quốc tế tổ chức trên đất Đức, giải thưởng Sao vàng đất Việt, giải thưởng "Hàng Việt Nam chất lượng cao". Song đối với tiến sỹ Mai Huy Tân thì có một giải thưởng còn lớn hơn nhiều đó là uy tín và thương hiệu sản phẩm đối với người tiêu dùng Việt Nam- sản phẩm mang tên: xúc xích Đức.

  • Lưu Vinh, CAND


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.