feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Cuộc khủng hoảng tồi tệ ngày càng bi thảm đối với châu Âu thật ra chẳng phải là hệ quả của cuộc suy thoái toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 như được nghĩ. Vấn đề của châu Âu nói cho đúng hơn đã "manh nha" xuất phát từ nhiều năm trước...

Đã có vô số cảnh báo về mô hình bất ổn châu Âu khi EU "say máu" với những cuộc "nâng cấp" bằng cách kết nạp thêm thành viên; để rồi bây giờ chuyện EU không còn là chuyện nội bộ châu Âu nữa mà ảnh hưởng của nó đối với phát triển kinh tế thế giới mỗi lúc mỗi nghiêm trọng! Thử nhìn lại ba "gương mặt" từng được xem là mạnh nhất EU để có thể thấy rõ thêm sự tình…

Chuyện gì ở nước Đức?

Nhìn ở nhiều góc độ, Đức vẫn là người khổng lồ. Cộng hòa Liên bang Đức (Bundesrepublik Deutschland) là thành viên Liên Hiệp Quốc, NATO, G8 và cũng là thành viên sáng lập Liên minh châu Âu (EU). Đức là nước đông dân nhất EU và cũng là thành viên có tiềm lực kinh tế hùng hậu nhất khối này. Cho đến nay, Đức được đánh giá là nền kinh tế thứ tư thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc  và Nhật). Đức là nước công nghiệp nặng, chuyên về sắt thép, cầu đường, viễn thông… với nhiều đại công ty hàng nhất nhì thế giới. Tuy nhiên…

Tình hình tồi tệ bắt đầu đến với nước Đức vào giữa thập niên đầu của thế kỷ XXI. Sau 7 năm dưới sự lãnh đạo của Gerhard Schroeder, tỉ lệ thất nghiệp tại Đức lên gần 5 triệu người, nợ quốc gia đến hồi nghiêm trọng và trường học biến thành bãi rác. Kinh tế trì trệ xảy ra cùng lúc với tình hình dân số lão hóa báo động (19% người Đức hiện từ 65 tuổi trở lên). Thâm thủng ngân sách Đức đã vượt quá mức mà EU quy định (3% trong 4 năm) và nợ trong xã hội chiếm 66% GDP. Chương trình cải tổ kinh tế Agenda 2010 đưa ra sau khi Gerhard Schroeder tái đắc cử năm 2002 hoàn toàn thất bại. Tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc là 11,6% nhưng tỉ lệ trên tại Đông Đức là 30%. Các bang Đông Đức tiếp tục ì ạch so với Tây Đức.

Trong thực tế, một số tiền không nhỏ (tương đương 4% GDP của Đức) được gửi đến Đông Đức mỗi năm (1,4 ngàn tỉ euro kể từ 1989), hầu hết được chuyển vào quỹ lương hưu, quỹ trợ cấp thất nghiệp, quỹ phát triển cơ sở hạ tầng. Dù vậy, tình hình không hề sáng sủa. Thu nhập của người dân tại các bang Đông Đức tiếp tục giảm và có đến 40% "thu nhập" hộ dân tại đây đến từ két bạc (trợ cấp) quốc gia.

"Sự lạc quan (đối với Đông Đức) vào những năm đầu nay đã biến mất" - nhận xét của Joachim Ragnitz, Giám đốc bộ phận kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức - "Tiến trình thống nhất đã xảy ra ở tốc độ cực nhanh. Do đó, sự cân bằng trong đời sống sinh hoạt giữa Đông và Tây phải mất rất nhiều năm nữa". Vấn đề Đông Đức chính là một trong những nguyên nhân kiềm hãm tốc độ phát triển quốc gia - như nhiều nhà phân tích nhận xét. Năm 2006, Đức được "phong danh hiệu" là một trong những nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất khu vực đồng euro. Tăng trưởng 2001-2003 chỉ đạt 1%; tăng lên 1,7% vào năm 2004 trước khi giảm xuống còn 0,9% vào năm 2005!

Tương lai Italia ở đâu?

Với Italia, người ta chứng kiến một bức tranh u ám khác. Có chân trong G-8, nền kinh tế được xếp hạng 6 thế giới, trong một thập niên qua, Italia theo đuổi chính sách tài chính thắt lưng buộc bụng. Nhưng xã hội Italia mỗi lúc mỗi tồn đọng nhiều bất an. Năm 2002, khoảng 2 triệu công nhân đã biểu tình rầm rộ tại Rome để phản đối Luật Lao động cải cách. Hơn 9.000 xe bus và 60 xe lửa chở thành viên Liên đoàn Lao động lớn nhất Italia - CGIL - từ khắp nơi đã kéo về Rome. Cuộc biểu tình quy mô hơn vụ biểu tình năm 1994 khi hơn 1 triệu người xuống đường phản đối chính sách sửa đổi lương hưu của chính phủ khiến nội các Berlusconi tan rã và Silvio Berlusconi buộc phải rút khỏi chính trường cho đến cuộc bầu cử vào năm 2001.

Nạn thất nghiệp trong giới trẻ Italia ngày càng trầm trọng.

Từ năm 2005, tỉ lệ thất nghiệp tại Italia đã bắt đầu ngấp nghé 9% và thị trường lao động Italia là một trong những thị trường bị giám sát chặt chẽ nhất trong các nước công nghiệp. Thất nghiệp chưa phải là vấn đề duy nhất. Chính sách giáo dục và đào tạo nghề buông lỏng, thuế lao động cao và mức chênh lệch trong bảng lương… là các yếu tố khác tạo nên bức tranh toàn cảnh u ám. Giới nghiệp đoàn lên án việc sửa đổi Bộ luật Lao động tồn tại 32 năm, trong đó điều luật 18 cho phép giới chủ có quyền sa thải công nhân "không cần lý do rõ ràng"… (cũng na ná bộ luật do Thủ tướng Dominique de Villepin đặt ra đã bị chết yểu tại Pháp vào tháng 4/2006).

CIA - The World Factbook cho biết, tăng trưởng kinh tế của Italia trong năm 2005 gần như bằng... O! Có thể thấy, Italia tương tự Đức và Pháp, cũng là một ông già hom hem với một thế hệ trẻ bi quan và chán chường. Italia đúng là một ông cụ hết gân cốt. Trong một thập niên qua, tỉ lệ sinh ở mức thấp nhất thế giới (1,3 trẻ em/phụ nữ; so với 2,7 trẻ em vào giữa thập niên 60 thế kỷ trước). Đó là lý do khiến trục kinh tế bị nghiêng. Trong hơn 10 năm trước thời điểm "chuông nguyện hồn ai" với cuộc khủng hoảng toàn cầu vào năm 2008, tỉ lệ thành phần nghỉ hưu so với đối tượng đi làm tại nước này đã tăng từ 23% lên 28% (cao thứ hai thế giới), ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động và thâm lạm nghiêm trọng hệ thống quỹ lương hưu.

Hiện thời, trung bình đàn ông Italia ở tuổi 33 mới có con đầu lòng trở thành ông bố có con đầu lòng già nhất châu Âu. Hơn nữa, thanh niên Italia tiếp tục có khuynh hướng ở nhà níu váy mẹ. 80% thanh niên ở độ tuổi 18-30 hiện tiếp tục sống với các cụ. Một lần nữa, vấn đề cũng ở chính sách. Chương trình cải tổ an sinh xã hội năm 1992 (nâng tuổi nghỉ hưu lên 64) vô hình trung đã giúp phụ huynh đủ khả năng tài chính để nuôi cậu con lớn khụ trong nhà.  Chẳng trách có đến gần 50% đối tượng dưới 35 tuổi lè phè không hề có việc làm…

Trung tuần tháng 5/2006, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã miêu tả bức tranh kinh tế Italia với những gam màu ảm đạm và u ám đến mức tờ La Repubblica gọi đó là một "sự thật phũ phàng đáng thương". Theo kinh tế gia Giuseppe Turani, nhiệm vụ của Chính phủ Italia "giống như việc cố thay động cơ của một máy bay khi nó còn trên không trung. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng, điều đó cũng giống như việc thay động cơ máy bay khi nó đang phóng vào tâm bão". Thị phần mậu dịch toàn cầu của Italia (xuất và nhập khẩu) đã giảm 2,7% vào năm 2005 so với 4,6% năm 1995.

Với việc gia nhập khu vực đồng euro, sự đuối sức của Italia càng lộ rõ. Trong suốt thập niên 80-90, Italia thực hiện chính sách giảm giá đồng lira để hàng xuất khẩu của họ rẻ hơn trên thị trường thế giới. Bây giờ, chính sách tiền tệ Italia phải tuân thủ quy định từ Ngân hàng Trung ương châu Âu nên không thể tự ý điều chỉnh tỉ giá tiền tệ. Hơn nữa, với Ngân hàng Trung ương châu Âu, chính sách giảm giá đơn vị tiền tệ bị xem là trò ma quái ngoại đạo trên bình diện chính sách kinh tế chuẩn mực nói chung.

Giữa tháng 9/2011, hãng đánh giá xếp hạng tín dụng Standard & Poor's đã hạ điểm tín nhiệm kinh tế Italia từ A+ xuống A; và ngày 4-10-2011, Hãng Moody's tiếp tục hạ bậc Italia từ Aa2 xuống mức A2. Với mức thuộc hàng hạng bét này, Italia bây giờ trở nên "bằng vai phải lứa" với Malta và Botswana, và còn thấp hơn cả Estonia (hạng A1)!

“Nếu là một công ty, Pháp đã tuyên bố phá sản”

Và bây giờ là nước Pháp. Nền kinh tế Pháp là nền kinh tế doanh nghiệp tư nhân (có gần 2,5 triệu công ty đăng ký) với sự bảo hộ chính phủ ở một số lĩnh vực quan trọng. Trong báo cáo của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) 2005, Pháp đứng đầu các nước công nghiệp G-7 xét về năng lực sản xuất (được tính bằng GDP/giờ làm việc). Năm 2004, GDP/giờ làm việc tại Pháp trị giá bằng 47,7 USD (so với 46,3 USD tại Mỹ; 42,1 USD tại Đức; 39,6 USD tại Anh; 32,5 USD tại Nhật). Có vẻ như dân Pháp làm việc như điên và có hiệu quả nhưng trong thực tế, Pháp tồn tại thực trạng rằng, họ có một trong những tỉ lệ dân số đi làm thuộc hàng thấp nhất các quốc gia OECD.

Ngân hàng BNP Parisbas.

Năm 2003, chỉ có 41,5% dân số Pháp chịu đi kiếm cơm, so với 50,7% tại Mỹ và 47,3% tại Anh. Như đã biết, vấn đề của lực lượng lao động nước Pháp là vấn đề thành phần gốc nhập cư. Họ than phiền về việc bị quẳng ra rìa. Họ bất mãn. Họ quậy phá nhưng khi mệt mỏi, họ lại trở về nhà nằm dài chờ đến tháng lãnh trợ cấp lao động (gần 1/4 thành phần dưới 26 tuổi trong tình trạng thất nghiệp). Đó là một trong những nguyên nhân khiến nước Pháp ngóc đầu không nổi.

Giới trẻ Pháp không ngừng khăn gói bỏ xứ ra nước ngoài tìm cơ hội. Lý do thật đơn giản: Pháp ngày càng hiếm những "chùm khế ngọt" và là một trong những quốc gia khó tìm việc nhất thế giới. Hơn nữa, bộ máy hành chính sự nghiệp Pháp là một trong những bộ máy công quyền nặng nề và cổ lỗ sĩ nhất thế giới. Đó là chưa kể tình trạng phân biệt chủng tộc (từng trở thành nguyên nhân khiến nước Pháp sống trong bạo loạn kinh hoàng vào năm 2005).

Với nhiều người Pháp, trong đó có nhà văn nổi tiếng Nicolas Baverez, hiện tượng chảy máu chất xám là bản tuyên ngôn mới nhất về sự xuống dốc không phanh của nước Pháp… Đó cũng là thời điểm mà, Michel Pébereau - Chủ tịch Ngân hàng BNP Paribas - dự báo, nợ quốc gia Pháp có thể tăng vọt từ 65% GDP thời điểm hiện tại lên 100% GDP vào trước năm 2014! Nói theo chính trị gia trung hữu Francois Bayrou, "nếu là một công ty, Pháp đã tuyên bố phá sản"! Bây giờ, nợ quốc gia của Pháp là 4,698 ngàn tỉ USD!

Như phân tích của nhà bình luận Richard Bernstein, thất bại của “ba chàng ngự lâm” Pháp - Đức - Italia là sự khủng hoảng lãnh đạo chính trị, sự mâu thuẫn sâu sắc trong hệ thống đảng phái chính trị và sự phản đối tập thể ngày càng dãn rộng của cộng đồng xã hội.

LOAY HOAY TÌM LỐI THOÁT

Ngày 14/10/2011, "bằng một thứ ngôn ngữ trực tiếp bất thường", như miêu tả của Reuters, các bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G-20 đã đề ra thời hạn "trong vòng 8 ngày" cho châu Âu tìm cho bằng được giải pháp khắc phục cuộc khủng hoảng nợ công; và điều này phải "báo cáo" rõ tại cuộc họp thượng đỉnh EU ngày 23/10/2011, đặc biệt chiến thuật cụ thể cho kịch bản giải cứu "anh binh nhì" khốn đốn Hy Lạp (tháng 7/2011, kế hoạch cứu Hy Lạp từng được thiết kế với gói tài chính 109 tỉ euro, hỗ trợ cho gói 110 tỉ USD được chuẩn y tháng 5-2010). Chẳng biết EU xoay sở đâu ra để tìm đủ "đạn" cho chiến dịch cứu Athens; trong khi các "binh đoàn" tài chính của họ đang thiếu "lửa" trầm trọng.

Ngân hàng Pháp BNP Paribas cho biết họ đang cần rót thêm 13 tỉ euro; và người anh em Societe Generale cần 11,6 tỉ euro; trong khi Deutsche Bank của Đức cần 11,2 tỉ euro và đồng hương Commerzbank cần 10,7 tỉ euro...

Toàn cảnh, hệ thống ngân hàng châu Âu cho biết họ cần 6 tháng để xoay vốn trước khi thế giới chứng kiến loạt vụ "thảm sát" đầy mùi vị chết chóc xảy ra cho kinh tế EU, gây ra bởi cuộc suy thoái kinh tế thì rõ rồi nhưng còn bởi cơ chế bất cập bộc lộ ngay từ thời điểm khai sinh tổ chức "thống nhất" này.

  •   Anh Vũ CAND (tổng hợp)


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.