feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Được phát hiện cách đây 3 tuần tại Đức, vi khuẩn E.coli có trong dưa chuột đến nay đã phát tán ra khắp châu Âu, làm chết 17 người, trong đó có đến 16 người ở Đức và hơn 1.500 người bị nhiễm bệnh (có nguồn cho rằng 1.900 người). Thông tin mới nhất còn cho biết tại Mỹ cũng đã phát hiện trường hợp nhiễm E.coli do ăn phải dưa chuột.

Tâm lý hoảng loạn đang bao trùm khắp châu Âu, nhất là sau khi giới chức châu lục này thừa nhận chưa thể xác định được nguồn phát tán vi khuẩn gây bệnh. Cảnh báo sai lầm của Đức đang khiến ngành sản xuất hoa quả tại một số nước châu Âu đã bị "đánh quị". Báo chí châu Âu cũng bắt đầu lên tiếng chỉ trích sự thiếu vắng một chính sách cảnh báo chung cho toàn cựu lục địa.

Ngày 1/6 vừa qua, ngành y tế châu Âu như đã phải "xóa sổ làm lại" trong việc tìm xem khuẩn gây ra dịch tiêu chảy chết người bắt nguồn từ đâu. Công việc nghiên cứu lại được đặt ra, sau khi nước Đức xác định rằng dưa chuột xuất xứ Tây Ban Nha không phải là nguồn phát sinh ra bệnh dịch. Thoạt đầu, ngành y tế Đức đã quy kết cho loại dưa chuột sản xuất trong nhà kính ở Andalucia, miền Nam Tây Ban Nha là thủ phạm truyền tải vi khuẩn độc hại E.coli.

Tuy nhiên, người ta cũng không loại trừ khả năng dưa bị nhiễm khuẩn trong công đoạn phân phối, hay chính tại nước Đức. Vào hôm 31/5, giới chức y tế thành phố Hamburg, miền Bắc nước Đức, nơi phát xuất đợt dịch, đã chính thức thừa nhận sai lầm. Tình nghi rằng dưa chuột Tây Ban Nha là thủ phạm, thành phố này đã cho tiến hành xét nghiệm. Trong 2 quả dưa chuột Tây Ban Nha, họ đã tìm thấy khuẩn E.coli, thế nhưng chủng của khuẩn này không phải là loại 0104:H4 vốn là căn nguyên của dịch tiêu chảy chết người. Vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy có hội chứng lị, tiêu chảy có ra máu hoặc không, trong một số trường hợp là nguyên nhân của chứng suy thận cấp, gây tử vong. Để phòng bệnh, các cơ quan an toàn thực phẩm Đức kêu gọi người tiêu dùng nên tránh sử dụng các loại rau quả đầu mùa, như cà chua, dưa chuột, xà lách, đến từ miền Bắc nước Đức.

Kể từ khi bùng phát đến nay, dịch tiêu chảy do vi khuẩn độc hại E.coli đã làm cho ít nhất 17 người châu Âu thiệt mạng. Trong số các ca tử vong, có trường hợp một phụ nữ Thụy Điển đã chết vào hôm 31/5, sau khi từ Đức trở về nước. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên bên ngoài nước Đức. Ở miền Bắc nước Đức, nơi bị coi là ổ dịch, nhiều bệnh viện đang bị quá tải.

Bên cạnh đó, người ta thống kê Thụy Điển có 36 trường hợp, Pháp có 3 trường hợp. Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Áo cũng phát hiện có người nhiễm khuẩn. Tính tổng cộng đến ngày 2/6, tổng số người nhiễm E.coli tại châu Âu và Mỹ đã lên đến 1.500 trường hợp, trong đó có khoảng 15 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch. Tất cả các trường hợp thống kê được đều là những người trở về từ Đức.

John Dalli, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế cho biết, đây là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà nguyên nhân cần được xác định càng sớm càng tốt. Hiện tại, nguồn phát xuất vi khuẩn E.coli trong đợt bùng phát lần này tại châu Âu vẫn chưa được tìm thấy. Sau kết luận không phải loại E.coli có trong dưa chuột trồng tại Tây Ban Nha, hiện nay các nhà nghiên cứu châu Âu đang tập trung tìm kiếm những nguồn chứa mầm bệnh khác ngoài rau quả, môi trường (có thể là nước sinh hoạt…).

"Chúng tôi có thể biết chính xác được nguồn bệnh một khi mối liên hệ trực tiếp giữa người bệnh và nguồn lây nhiễm được xác định" - Patrick Fach, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia An toàn thực phẩm, môi trường Pháp, cho biết. Hiện tất cả những người nhiễm bệnh cũng như những vùng nghi là nơi phát dịch đều đã được cách ly nghiên cứu.

Theo khẳng định của ông Patrick Fach thì trong vài ngày tới chưa thể xác định được đâu là nơi vi khuẩn E.coli phát xuất và lây nhiễm diện rộng tại châu Âu hiện nay. Trước mắt, theo chuyên gia này, giải pháp an toàn nhất vẫn là hạn chế sử dụng đồ rau quả tươi sống, cách ly vùng có nhiều người nhiễm bệnh.

Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Anh (HPA) cảnh báo: Dịch bệnh có thể sẽ lây lan thứ cấp từ người qua người nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Vì dưa chuột thường được dùng để ăn sống nên để loại bỏ các nguy cơ nhiễm khuẩn, tốt nhất trước khi ăn cần rửa sạch bằng nước muối pha loãng, sau đó gọt vỏ. Khi gọt vỏ dưa cũng cần rửa tay sạch, dao sạch nhằm mục đích tránh lây nhiễm. Ngoài ra, yếu tố nhiễm khuẩn E.coli khi ăn dưa chuột sống cũng mang tính du lịch, tức là những người nước ngoài đến Đức ăn dễ bị nhiễm hơn chính người dân bản địa vì họ chưa có kháng thể để quen với loại ký sinh trùng. Trong khi, người dân bản địa, có quá trình tiếp xúc nhiều nên có sức đề kháng cao hơn nhờ thế cũng ít bị ảnh hưởng hơn.

Tuy nhiên, trước sự lo lắng của người tiêu dùng về nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều nước châu Âu đã ra lệnh cấm nhập khẩu dưa có nguồn gốc Tây Ban Nha. Do thông tin từ Đức, được các nước khác lặp lại, ngành sản xuất dưa chuột và rau quả tại Tây Ban Nha và Hà Lan, hai nước bị "nghi oan", đang sống dở chết dở. Được biết, mỗi tuần nhà sản xuất rau của Tây Ban Nha mất đi 200 triệu euro vì hàng trăm nghìn tấn rau quả của họ không bán được phải đổ đi. Là nơi trồng dưa chuột lớn nhất châu Âu, trong đó 25% sản lượng được xuất sang Đức, đến lúc này thì các mặt hàng rau quả khác như ớt ngọt, xà lách, cà chua của Tây Ban Nha cũng bị vạ lây.

Cần phải biết thêm là ngành rau quả thu hút 300.000 lao động ở Tây Ban Nha và cũng không quên là Tây Ban Nha đang phải lao đao chống chọi với nợ nần chồng chất. Trước tổn thất này, các nhà sản xuất rau quả Tây Ban Nha hy vọng nước Đức sẽ giúp họ phục hồi lại hình ảnh của các sản phẩm Tây Ban Nha đồng thời yêu cầu Liên minh châu Âu đền bù cho họ theo giá thị trường. Báo chí Tây Ban Nha những ngày này đang chỉ trích mạnh mẽ cách làm của Đức.

Tờ El Mundo viết: "Bộ trưởng Y tế bang Hambourg, Đức, Cornelia Prüfer-Storcks khẳng định kết quả xét nghiệm cho thấy nguồn gốc gây bệnh lần này không phải là E.coli từ Tây Ban Nha, nhưng bà ta đã không có lời xin lỗi nào. Trách nhiệm đầu tiên với tình hình hiện nay là Đức, mà cụ thể là chính phủ Berlin do không giám sát chặt chẽ những hoạt động của giới chức Hambourg để có điều chỉnh kịp thời. Những người này đã không tuân thủ những quy định của EU trước khi phát đi lời cảnh báo khiến Tây Ban Nha mang họa. Sự thiếu kém trong chính sách cảnh báo cần phải được xem xét lại".

Tờ Volkskrant của Hà Lan thì nhìn nhận: "Không phải dưa chuột nhiễm vi khuẩn E.coli gây nên sự hoang mang cho người dân châu Âu mà chính là sự yếu kém trong công tác dập dịch của chính quyền các nước thành viên. Sự yếu kém này thể hiện qua sự thiếu minh bạch trong quá trình di chuyển rau, củ, quả trong châu Âu". Mới đây nhất, ngày 2/6, Nga, quốc gia nằm ngoài Liên minh châu Âu, cũng đã tuyên bố ngưng nhập rau củ, quả từ châu Âu.

Sau một cuộc họp khẩn cấp tại Debrecen, Hungary, ngày 31/5, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước châu Âu hứa sẽ sử dụng tất cả các biện pháp có thể nhằm cứu lấy ngành trồng rau hiện nay tại châu lục này. Từ khi bùng phát nạn dịch do vi khuẩn E.coli diễn ra cho đến nay, các nhà sản xuất rau quả của châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lòng tin nặng nề. Tại Pháp, lượng dưa chuột bán ra giảm 70%, Hàn Lan, Bỉ và Italia cũng bị tác động nghiêm trọng. Ngành trồng rau quả ở Tây Ban Nha thì coi như bị "đánh gục".

Trong lúc này, các bộ trưởng Nông nghiệp châu Âu đang nghĩ tới nhiều cơ chế có thể cho phép EU hỗ trợ các nhà sản xuất rau tại những nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để nhận được những khoản tiền này, giới nông nghiệp châu Âu phải chờ cả tháng nữa và phải được sự phê chuẩn của Ủy ban châu Âu. Trong khi nguồn gây bệnh thì vẫn chưa được tìm ra, sự lo sợ của người tiêu dùng ngày càng lớn, số lượng rau quả phải đổ thùng rác vì nghi nhiễm bệnh ngày càng nhiều, việc chờ được đền bù của người nông dân được ví với câu "chờ được vạ thì má đã sưng"

  •   Mộc Thạch - Văn Bôl (tổng hợp) CAND


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.