feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Hầu như cử tri nào cũng hiểu nghị sỹ đại diện cho mình, luôn kỳ vọng sẽ chọn lưạ được người tin cậy, ký thác sinh mệnh chính trị mình cho họ. Luật bầu cử ở ta đưa ra những tiêu chuẩn đòi hỏi đại biểu phải thoả mãn này khác, chắc xuất phát từ kỳ vọng đó.

 

Nhưng Nghị sỹ không phải một nghề đào tạo, tha hồ chọn lựa thông qua tuyển chọn theo tiêu chuẩn, hay xét biên chế qua tập sự, thải hồi. Họ trước hết là chính khách, những người dấn thân vì lợi ích của người dân, nên người dân chỉ chọn lựa một khi tín nhiệm họ qua chiêm nghiệm thực tiễn hoạt động trước nay của bản thân người đó, nếu không lá phiếu dành cho họ chẳng khác mấy lá số rủi ro. Do đó, một xã hội thường xuyên cải cách, một đời sống chính trị luôn sôi động tranh cãi vì lợi ích người dân bởi tiếng nói của đông đảo chính khách vừa là nền tảng cho họ tự thể hiện mình, vừa là cơ sở cho người dân vững tin chọn ai trong số những chính khách đó; "nghị gật" khó có thể tồn tại trong một môi trường như vậy.

Khác với những chính khách hoạt động vì nghĩa khí, hy sinh lợi ích cá nhân, Nghị sỹ do nhà nước trả lương - vốn được coi là giá cả sức lao động; dưới góc độ tương quan này, nghị sỹ lại có thể coi như một nghề mưu sinh hệt bất kỳ nghề nghiệp nào khác. Khi đó, kết qủa bầu cử nghị sỹ không chỉ tùy thuộc khả năng chọn lựa của cử tri, mà trước hết tùy thuộc mức độ ứng viên sẵn sàng tham gia cả về số lượng lẫn chất lượng. Họ chỉ có thể đua nhau dự tuyển, và cố gắng làm hết sức mình nếu trúng, một khi thực sự hiểu được đối tượng mình nhắm tới; nghị sỹ là ai, làm như thế nào, điều kiện lao động, thù lao ra sao... tương tự như kỹ sư, cử nhân, bác sỹ, thầy, thợ dự tuyển việc làm ở các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, công sở...

Bất cứ nước nào, nếu cử tri lẫn ứng viên đều thiếu kiến thức thực tế đó, thì nước đó khó có thể kỳ vọng về một kỳ bầu cử kết qủa như mong đợi; lý giải tại sao ở Đức, quyền, trách nhiệm, điều kiện làm việc, tiền lương, chế độ đãi ngộ đối với họ, được chi tiết hoá bằng văn bản lập pháp. Mọi công việc của nghị sỹ đều được cập nhật, thông tin minh bạch, bất cứ cử tri nào quan tâm đều có thể biết, bất cứ ai trúng cử cũng có thể tự tin sẽ làm được không cần tập sự vốn là giai đoạn bắt buộc của nhiều nghề nghiệp.

Ở họ, lao động nghị sỹ được coi không phải lao động làm thuê theo hợp đồng phải tuân thủ mệnh lệnh của chủ nếu không sẽ bị thải hồi, mà hoàn toàn độc lập chỉ làm theo nhận thức cá nhân mình, nghĩa là mang tính chất lao động tự hành nghề, dù có nằm trong 1 đảng đoàn hay nhóm nghị sỹ, thì đó cũng chỉ là một sự liên kết hoàn toàn bình đẳng, không phải một tổ chức quản lý theo nghĩa chỉ huy phục tùng. Từ tính chất bao trùm này, nghị sỹ không còn là một danh xưng cá nhân mà mang chức năng của một văn phòng, một bộ máy, phải được bảo đảm nhân lực, tài lực, vật lực và hành lang pháp lý cho nó hoạt động, nếu không nghị sỹ cũng chẳng khác bất  kỳ cá nhân lao động nào ở bất cứ ngành nghề gì, không thể kỳ vọng cao hơn năng lực cá nhân họ có, "nghị gật" phần đa từ đó mà ra, chứ chưa hẳn do ý thức trách nhiệm.

Tính chất "tự hành nghề" buộc mỗi nghị sỹ họ phải có trụ sở, được cấp văn phòng riêng tại điạ phương ứng cử với đầy đủ trang thiết bị cần thiết, được thuê các cộng sự giúp việc, được trang trải mọi chi phí vận hành văn phòng, được bố trí văn phòng làm việc trong toà nhà quốc hội, được sử dụng miễn phí phương tiện giao thông công cộng khi đi công tác, được cấp xe công vụ, được sử dụng hệ thống thông tin liên lạc miễn phí... Tất cả chi phí văn phòng trên, hàng tháng, nghị sỹ Đức được tính khoán gọn, hiện tại là 3.868 Euro/tháng/1 nghị sỹ, gọi là phụ phí, cộng 14.312 Euro/tháng trả lương cho 3-4 cộng sự trình độ đại học.

Quyền lợi nghị sỹ được hưởng, gồm lương chính 7.668 Euro/tháng, (tương đương bậc lương thẩm phán toà án Liên bang), đài thọ bảo hiểm ốm đau 250 Euro/tháng, cùng nhiều phụ cấp khác. Ngoài ra còn các chế độ đặc biệt về tiêu chuẩn hưu trí, bảo lưu chỗ làm việc cũ ((nếu không hết nhiệm kỳ, họ sẽ bơ vơ) , trợ cấp chuyển việc hoặc tìm việc khi hết nhiệm kỳ, khi mất tín nhiệm, khi nghỉ mất sức, hoặc trợ cấp cho con cái vợ chồng khi chết...

Được làm thêm, chỉ cần không ảnh hưởng đến công việc nghị sỹ, không lạm danh nghị sỹ, hoặc những chức danh bị nhà nước cấm theo luật định. Vì vậy, ở họ, nghị sỹ là nghị sỹ, không thể và không được phép phân biệt, chuyên trách hay kiêm nhiệm như ở ta, bởi công việc nghị sỹ hiểu theo nghĩa văn phòng lúc nào cũng phải hoạt động, chứ không phải cá nhân nghị sỹ có thể làm việc bán phần hay toàn phần. Mặc dù vậy, không ít nghị sỹ Đức làm thêm, thu nhập gấp nhiều chục lần lương nghị sỹ, đỉnh cao tới 250.000 Euro/năm như nghị sỹ Friedrich Merz, vừa có văn phòng luật, vừa  có chân trong hội đồng quản trị nhiều doanh nghiệp.

Nghị sỹ hoàn toàn độc lập, không có cấp trên, nhưng không phải vua chuá, Quốc hội cũng vậy, bị ràng buộc và điều chỉnh bởi các văn bản luật, từ hiến định chức năng nhiệm vụ cơ cấu nguyên lý vận hành quốc hội đến các văn bản lập pháp, Luật Quốc hội, Luật Giám sát, Luật Nghị sỹ, Luật Bầu cử, Luật Kiểm tra bầu cử, Luật Đảng phái tham gia Quốc hội, Luật Quốc hội đối với quân đội. Nếu thừa nhận "con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội", thì chính hệ thống pháp lý trên đã tạo nên tên tuổi vai trò nghị sỹ Đức quyết định đời sống chính trị đất nước họ, nhiều nhân vật có uy tín quốc tế, không phó mặc cho hành pháp, được khẳng định bằng một khối lượng công việc đồ sộ, năm ngoái thông qua tới 101 dự thảo Luật, với 69 phiên họp toàn thể, kéo dài 800 giờ,  (11,5 giờ/phiên), có 4.260 lượt ý kiến phát biểu, 6.545 câu hỏi chất vấn chính phủ (xem bài Nghị sỹ làm những việc gì và làm ra sao?).

Quy trình pháp lý họ thông qua dự thảo rất khẩn trương nhằm thu hút nhiều đề xuất Luật dự thảo (chỉ cần 5% nghị sỹ liên danh, hoặc đảng đoàn quốc hội, hoặc chính phủ, hoặc Thượng viện, đệ trình là buộc phải họp toàn thể, không hề qua rào cản ủy ban thường vụ quốc hội như ta), và rất kỹ lưỡng: 1 dự thảo có thể qua tới 5 chặng (phiên họp toàn thể): mở đầu trình ra phiên họp toàn thể, rồi chuyển kèm cả tranh cãi cho các uỷ ban liên quan nghiên cứu; chặng 2 trình lại phiên toàn thể xem xét; nếu có bất đồng sẽ phải thương thảo để xem xét lần 3; chặng tiếp theo chuyển qua Thượng viện nếu xảy ra bất đồng sẽ phải thương thảo tiếp và quốc hội phải họp lần 4; nếu Thượng viện vẫn không chấp nhận có thể phải họp tới lần 5.

Họp toàn thể không phải để nghe, quán triệt, mà để tranh cãi, diễn thuyết, đặt câu hỏi, trả lời, và biểu quyết, (nhiều khi "nảy lửa" là vậy, do luật đòi hỏi, mọi nghị sỹ đều bình đẳng, không phân biệt chức vụ), được truyền hình trực tiếp qua kênh của quốc hội và kênh đại chúng, mục đích để dân chúng giám sát - công cụ quyết định chất lượng công việc nghị sỹ. Bởi, nếu là lao động hưởng lương đơn thuần còn có chủ thuê việc giám sát, là công chức còn có cấp trên, là lao động tự hành nghề còn do động cơ lợi nhuận thúc đẩy; lao động của nghị sỹ hưởng lương như công chức nhưng lại không có cấp trên, độc lập như tự hành nghề lại không nhằm lợi nhuận. Công cụ duy nhất buộc họ phải làm tốt, chỉ còn trông vào mỗi tai mắt của dân - người chủ đất nước, có quyền quyết định sẽ bầu tiếp họ hay thôi.

Với quy trình pháp lý trên, công việc của nghị sỹ được phân thành 2 giai đoạn, gọi là 2 pha nối nhau, cứ hai tuần họp (nội họp), tiếp 2 tuần không họp (ngoại họp) để làm công việc chuẩn bị (điều hành văn phòng thực hiện). Trong 2 tuần nội họp, các ngày đầu tới giữa tuần dành cho các cuộc họp đảng đoàn, các ủy ban, hội đồng, các nhóm làm việc, các cuộc chất vấn, 2 ngày cuối tuần họp toàn thể. Kỳ nội họp, nghị sỹ phải làm việc từ 8 - 15 tiếng/ngày với vô số công việc khác nhau, từ bao quát thư từ báo chí gửi tới, đến trả lời phỏng vấn, tham gia các cuộc họp khác nhau, nối tiếp, kéo dài nhiều giờ, chất vấn, phát biểu, diễn thuyết, tranh cãi, bổ sung, góp ý.

Đặc biệt, luật quy định nghị sỹ khi có cuộc họp toàn thể không được rời khỏi toà nhà quốc hội, nhưng cho phép lưu ở văn phòng mình, bởi tại đó được trang bị màn hình theo dõi trực tiếp, tham gia phiên họp. Nếu vắng mặt không chính đáng sẽ bị cắt tiêu chuẩn phụ cấp ngày hôm đó. Chỉ riêng lịch và qũy thời gian làm việc, sít sao, chặt chẽ, khẩn trương cật lực, theo luật định như trên đã cho thấy, nói chung, các quan chức hành pháp muốn làm nghị sỹ dứt khoát phải từ quan, bởi họ không thể, và không được phép bỏ bê, thoát ly nhiệm sở 2 tuần, dồn lại giải quyết trong 2 tuần tiếp, liên tục như vậy được. (Ở đây chưa đề cập đến học thuyết tam quyền phân lập, tách bạch nhân sự giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, vốn là sản phẩm nhận thức từ thực tế đã xảy ra, như bất kỳ học thuyết nào, chứ không phải thực tế xảy ra nhờ học thuyết đó, nên người ta có quyền bàn cãi, theo hay không).

Kết thúc 2 tuần họp, các nghị sỹ trở về văn phòng mình ở điạ phương làm các công việc ngoại họp, chuẩn bị tư liệu cho kỳ nội họp tới, duy trì lịch tiếp dân, tham gia các buổi lễ, hội họp điạ phương, giao dịch với các tổ chức cá nhân liên quan, và giải quyết các công việc làm thêm bị đình hoãn trong 2 tuần nội họp.

Dù là giáo sư tiến sỹ, một khi đã trở thành nghị sỹ thì chỉ còn chuyên nghề đại diện không phải chuyên về khoa học, trong khi muốn biểu quyết đúng trước hết phải am hiểu cơ sở khoa học của vấn đề cần biểu quyết. Cơ sở này được bảo đảm bởi tổng cục khoa học của quốc hội, có chức năng trưng cầu, tổng hợp các giám định khoa học, cung cấp các thông tin mang tính tư vấn, thể theo yêu cầu của từng nghị sỹ, giải thích tại sao, trong các chương trình nghị sự họ không tranh cãi về khoa học mà chủ yếu là cân nhắc, tính toán, ai được, ai mất gì liên quan đến các chính sách ban hành.

Mỗi năm nghị sỹ Đức có hàng nghìn thắc mắc, tìm hiểu về mặt khoa học chuyển đến bộ phận này đòi giải đáp. Bên cạnh đó, nghị sỹ còn có thể tham khảo bất cứ vấn đề gì tại tổng cục lưu trữ, mọi hồ sơ biên niên của quốc hội, cùng một thư viện với số đầu sách lên trên triệu thư mục.

Nghị sỹ với chức năng vai trò cao cả của mình, dễ đụng chạm đến lợi ích nhiều đối tượng có quyền lực, phải được bảo vệ bằng quyền đặc biệt, nếu không nghị sỹ sẽ bị đẩy vào thế túc thủ, không thể thực thi chức năng mình. Họ  được miễn điều tra hình sự, chừng nào chưa bị quốc hội tước quyền đó. Được quyền miễn truy cứu trách nhiệm đối với mọi phát biểu của mình tại nghị trường. Được quyền từ chối làm chứng, và không bị tịch thu vật chứng bởi các cơ quan điều tra hay toà án về những điều đương sự đã cho mình biết, hay cung cấp cho mình.

Khảo sát cơ cấu nguồn gốc nghề nghiệp nghị sỹ Đức nhiệm kỳ này, thể hiện bảng dưới đây, cho ta thấy thứ tự các đối tượng nghề nghiệp đáp ứng đòi hỏi của vai trò nghị sỹ, không theo bất cứ cơ cấu nào, bởi lá phiếu của từng cử tri hoàn toàn dựa trên mức độ tín nhiệm cá nhân; khi bỏ phiếu, cá nhân họ không thể tính cơ cấu cho cả nước được và luật pháp có muốn cũng không thể buộc nổi họ phải chọn cơ cấu.

 


Trước khi trở thành nghị sỹ

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Làm việc trong các cơ quan công quyền

199

32

Hành nghề tự do (luật sư, giám định, tư vấn, văn học, nghệ thuật...)

134

21,5

Trong các tổ chức chính trị, xã hội

90

14,5

Lao động hưởng lương trong các doanh nghiệp

87

14

Doanh nhân

53

8,5

Lao động hưởng lương không thuộc lĩnh vực kinh tế

10

1,6

Học sinh học nghề, sinh viên

8

1,3

Nhà thờ

6

1,2

Nội trợ

2

0,3

Thất nghiệp

0

0

Không thuộc các loại trên

33

5,3

Tổng cộng

622

100

 


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.