feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Sự cô lập bà Merkel trên chính trường quốc tế bắt đầu lan sang cả nội bộ đảng cầm quyền CDU khi mà quyết định bổ nhiệm ứng viên Ursula von der Leyen của bà thay cho ông Horst Koehler vừa từ chức lại bị chính người trong đảng CDU phản đối.


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Spiegel, cựu Ngoại trưởng Đức Joshka Fischer khẳng định rằng, bà Merkel đã bỏ lỡ một cơ hội lịch sử trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro, khác với những người tiền nhiệm như Helmut Kohl trong việc thống nhất đất nước và Thủ tướng Gerhardt Schroeder sau sự kiện 11/9/2001.

Nước Đức hiện nay bị rơi vào thế cô lập chưa từng biết đến. Theo ông Fischer, kế hoạch giải cứu Hy Lạp và đề ra quỹ dự phòng cứu nguy đồng euro là tác phẩm của Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Italia, Berlusconi. Bà Merkel chỉ là người gật đầu đồng ý. Giới phân tích nhận định, bà Merkel đã đứng trước sự lựa chọn giữa một bên là sự gia nhập và dấn thân thực sự vào khối Liên minh châu Âu (EU) và bên kia là sự giải tán của khối này.

Trong khi đó, phát biểu trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Barroso, đã cho rằng ham muốn sửa đổi các hiệp ước thành lập EU để từ đó tăng cường sự kiểm soát đối với vấn đề chi tiêu ngân sách các quốc gia thành viên của bà Merkel là quá "ngây thơ".

Theo ông Barroso, khả năng siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước thành viên không tuân thủ những nguyên tắc bình ổn khối là khó thực thi, nhất là vào thời điểm hiện tại. Thường thì Chủ tịch Ủy ban châu Âu rất thận trọng trong việc phê bình các nước thành viên EU, nhưng những lời phát biểu vừa qua của ông Barroso chứng tỏ rằng trong nội bộ khối EU đang tồn tại một thái độ rất khó chịu đối với cách xử lý của bà Merkel trong cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại châu Âu.

Xin nhắc lại rằng, ngay khi cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp nổ ra, bà Merkel bắn tiếng rằng, cần xem xét khả năng trục xuất những nước như Hy Lạp ra khỏi khối euro để cứu lấy đồng tiền này. Tuyên bố này đã dẫn đến sự mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên khối euro.

Theo Lorenzo Bini Smaghi, thành viên trong ban điều hành của Ngân hàng châu Âu, thì chính sự chần chừ của Đức trong việc cứu nguy Hy Lạp cũng như những tuyên bố của bà Merkel về khả năng trục xuất Hy Lạp ra khỏi vùng euro đã đẩy nhanh sự mất lòng tin của giới đầu tư vào các nước châu Âu.

Cũng chính vì bất đồng quan điểm với Thủ tướng Merkel trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại châu Âu mà Tổng thống Horst Koehler đã tuyên bố từ chức hôm 31/5. Trong khi nhiều người hiểu rằng sự ra đi của ông Koehler là do những phát biểu của ông về vai trò của lính Đức ở nước ngoài thì nhà nghiên cứu Frank Baasner, lại cho rằng cần phải tìm kiếm những nguyên nhân của sự từ chức này ở chỗ khác: "Thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa chính phủ Merkel với ông Koehler gia tăng liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và sự mất giá của đồng euro. Tổng thống Horst Koehler đã không thể hoàn thành sứ mệnh đúng như ông mong muốn và dưới quan điểm của ông, liên minh cầm quyền mà bản thân ông cũng nằm trong đó đã không tiến hành được những chính sách đúng đắn".

Và nay việc chỉ định người lên thay ông Koehler của bà Merkel lại gặp phải sự phản đối của chính hàng ngũ đảng CDU. Theo như dự tính ban đầu, bà Merkel đề cử Bộ trưởng Lao động liên bang Ursula von der Leyen, một người thân cận của bà Thủ tướng, thay thế ông Koehler. Tuy nhiên, đảng CDU đã phủ quyết đề nghị này và đề cử Christian Wulff, đương kim Thủ hiến bang Niedersachsen.

Đây là lần phủ quyết đầu tiên của các thành viên đảng CDU kể từ khi bà Merkel lên nắm quyền. Xin nói thêm rằng ông Christian Wulff là một đối thủ tiềm năng của bà Merkel ngay trong đảng CDU. Tuy vậy,  quyết định đề cử ông Wulff đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía các đảng đối lập. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng đối lập lớn nhất hiện nay ở Đức, cùng đảng Xanh tuyên bố đã lựa chọn ông Joachim Gauck làm ứng cử viên chung.

Theo Hiến pháp Đức, Tổng thống không do người dân bầu trực tiếp, mà sẽ do Hội nghị liên bang bầu ra. Hội nghị liên bang, bao gồm toàn bộ nghị sĩ Hạ viện (hiện nay là 622 người) và một số lượng đại biểu tương đương do 16 tiểu bang của Đức lựa chọn, thông thường chỉ được lập ra 5 năm một lần, có nhiệm vụ duy nhất là bỏ phiếu bầu tổng thống.

Chủ tịch Hạ viện Đức Norbert Lammert ngày 1/6 tuyên bố sẽ triệu tập Hội nghị liên bang và bầu tổng thống thứ 10 của Đức vào ngày 30/6 tới. Giới quan sát cho rằng, với ưu thế đa số của liên minh cầm quyền tại Hội nghị liên bang hiện nay, gần như chắc chắn ông Wulff sẽ trở thành Tổng thống Đức.

Bị giới lãnh đạo châu Âu đổ lỗi cho việc để tình hình Hy Lạp thêm tồi tệ và đẩy khu vực đồng euro vào tình thế hiểm nghèo, bị chỉ trích vì đã gây ra những xáo trộn lớn trong thời gian đầu của chính quyền sau khi tái đắc cử thủ tướng nhiệm kỳ hai, và bị buộc trách nhiệm về sự thất bại của đảng CDU trong cuộc bầu cử vùng hồi tháng trước, giờ đây quyền hành của bà Merkel không còn đủ sức nặng để đặt ứng cử viên Von der Leyen vào chiếc ghế Tổng thống.

 

 


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.