feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

“Công ước tài chính” mới, dựa trên các Hiệp ước liên chính phủ, chỉ áp dụng cho Eurozone và những nước tham gia công ước này. Trong tương lai, thuế và kế hoạch chi tiêu của các nước thành viên EU sẽ phải đệ trình các cơ quan chức năng EU trước khi gửi các chính phủ. Đó là thỏa thuận mới với 26/27 nước thành viên đồng ý tham gia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại Hội nghị Thượng đỉnh EU kết thúc ngày 10-12-2011.

Kết quả tích cực

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ sự hài lòng về kết quả hội nghị khi đại đa số thành viên EU đồng ý cơ chế giám sát tài chính mới với các nước thành viên. Bà Merkel cho đây là một bước đột phá cho sự ổn định của Liên minh và nhấn mạnh EU sẽ sử dụng cuộc khủng hoảng như cơ hội cho một khởi đầu mới. Còn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố hội nghị thượng đỉnh này sẽ đi vào lịch sử đánh dấu sự hội nhập sâu rộng hơn trong EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, thỏa thuận trên đạt được sau gần 10 giờ thương thảo căng thẳng trong cuộc họp thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels (Bỉ), 17 nước thành viên khu vực sử dụng đồng euro và 9 nước EU không dùng đồng euro, trừ Anh đã nhất trí tham gia vào Công ước tài chính mới dựa trên các hiệp ước liên chính phủ.

Trong một tuyên bố được đưa ra, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về một "nguyên tắc vàng" : Thắt chặt kỷ luật về ngân sách nhằm ngăn chặn tái diễn một cuộc khủng hoảng nợ công. Thỏa tuận này giới hạn thâm hụt cơ cấu sẽ ở mức 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước thành viên khu vực sử dụng đồng euro (trước đây là 0%) và trần nợ công vẫn duy trì ở mức 3%/GDP, kèm theo điều luật mới quy định nếu nước nào vi phạm sẽ tự động bị trừng phạt.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel được xem là những người giành được chiến thắng lớn sau Hội nghị Thượng đỉnh vì đã chủ trương đưa ra các biện pháp quản lý tài chính mới, với “tính kỷ luật” cao về ngân sách vào trong thỏa thuận mới.

Để trấn an dư luận, các nguồn tin từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ngân hàng sẽ giữ mức mua trái phiếu trong vòng 20 tỷ euro mỗi tuần vì họ thấy không cần phải có thêm động thái gì sau thành công của hội nghị. ECB cũng sẽ cung cấp kinh phí không giới hạn trong vòng 3 năm để các ngân hàng châu Âu thiếu tiền mặt hoạt động hiệu quả hơn bằng cách cho phép họ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ.

Điều này có nghĩa là các ngân hàng thành viên sẽ đảm bảo được tính thanh khoản. Trước mắt, hôm thứ sáu ECB đã mua trái phiếu Chính phủ Italia để bình ổn thị trường.

Vẫn còn những khó khăn ở phía trước

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn còn phải thảo luận về hình thức pháp lý của thỏa thuận và không loại trừ khả năng tiến trình này sẽ vấp phải không ít trắc trở. Bởi vì, theo thỏa thuận mới, việc duy trì cân bằng ngân sách đòi hỏi tất cả các nước thành viên khu vực sử dụng đồng euro phải sửa đổi hiến pháp.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU cũng thống nhất một số biện pháp mà họ hy vọng sẽ lấy được niềm tin từ các thị trường, trong đó có đề cập tới việc sớm áp dụng Quỹ cứu trợ tương lai, hay còn gọi là Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM). Dự kiến, quỹ này sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2012.

Các nhà lãnh đạo EU cũng cho biết khi ESM có hiệu lực sẽ xem xét lại quy mô 500 tỷ euro của quỹ có cần phải điều chỉnh hay không. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí với ý tưởng cung cấp các khoản vay song phương cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) với tổng giá trị 200 tỷ euro, trong đó Eurozone đóng góp 150 tỷ euro, để IMF có đủ nguồn lực ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu.

Thỏa thuận mới về giám sát tài chính của EU đã được 17 nước khu vực đồng euro ký kết. Các nước Bungaria, Đan Mạch, Latvia, Litva, Ba Lan, Hungary, Romania, Czech và Thụy Điển đang tham vấn các cơ quan lập pháp của các nước này trước khi quyết định có tham gia hay không. Thỏa thuận mới sẽ phải được các chính phủ 17 nước Eurozone thông qua vào tháng 3/2012. Ngoài ra, cũng còn một số rủi ro khi nhiều thành viên phải tiến hành trưng cầu dân ý về thỏa thuận này.

Sau những động thái này, đồng euro tăng giá, giá cổ phiếu Mỹ cũng tăng lên, nhưng các nhà phân tích cho rằng hội nghị chưa thể thuyết phục thị trường rằng họ đã có giải pháp chống khủng hoảng khả thi trong tầm tay. Khi được hỏi: “đồng euro đã an toàn chưa, Thủ tướng Ba Lan, ông Donald Tusk trả lời: tôi không chắc”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU đã được các nhà lãnh đạo khu vực nhất trí với những nguyên tắc nghiêm ngặt hơn về ngân sách đối với khu vực sử dụng đồng euro, nhưng vẫn còn chưa đạt được sự đồng thuận về đề xuất của Pháp và Đức liên quan đến việc sửa đổi Hiệp ước Lisbon - Văn bản pháp lý cao nhất để quản lý EU.

Về sự tham gia của khu vực tư nhân trong nỗ lực đối phó khủng hoảng nợ công, các nhà lãnh đạo thừa nhận quyết định buộc các nhà đầu tư tư nhân phải chịu thiệt hại khi mua trái phiếu chính phủ của Hy Lạp là phản tác dụng và sẽ không tái diễn trong tương lai.

Mặt khác, sự thiếu đồng thuận về kế hoạch thay đổi Hiệp ước Lisbon bắt nguồn sự phản đối của Anh. Vì London là nơi đóng đô của 75% ngành công nghiệp dịch vụ tài chính, nên Chính phủ Anh phản đối đề xuất của Pháp và Đức về áp thuế giao dịch tài chính cũng như những quy định mới nhằm kiểm soát các giao dịch này.

Theo Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy, Thủ tướng Anh David Cameron chỉ đồng ý thay đổi văn bản pháp lý này với điều kiện hiệp ước sửa đổi được đính kèm một điều khoản dành cho Anh một số miễn trừ đối với các quy định về dịch vụ tài chính. Các nước EU khác phản đối lập trường của ông Cameron với lý do những khó khăn tài chính trên thế giới đều bắt nguồn từ việc vi phạm quy định trong khu vực tài chính.

Vì thế, hiệu quả của cơ chế tài chính mới của EU nhằm giải cứu khu vực Eurozone thoát khỏi nguy cơ tan rã, vẫn còn đang ở phía trước.

  • NGUYỄN NHÂM, nhandan


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.