feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Có công lớn trong việc thống nhất nước Đức và sau đó là châu Âu vào thế kỷ 20, cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl lại không thể hòa hợp với cuộc sống gia đình, theo tiết lộ mới nhất của Walter Kohl, con trai trưởng của ông và người vợ quá cố Hannelore Kohl.

Bi kịch gia đình một chính khách
 
Sự thiếu hòa hợp đó nghiêm trọng tới nỗi - theo tờ Suddeutsche Zeitung - dù Walter Kohl cho mình là một “con chiên Cơ Đốc giáo tận tụy” cũng không còn duy trì mối quan hệ nào với cha ruột của mình. Walter nay đã 47 tuổi, có bằng kinh tế và hiện làm việc trong ngành công nghiệp ôtô.

Trong quyển hồi ký mang tên Leben oder gelebt werden (tạm dịch từ bản tiếng Anh: Sống hay bị sống), những chi tiết về cuộc sống gia đình đầy sóng gió đã được con trai người đứng đầu nước Đức lừng lẫy một thời công bố. “Trong nhiều thập niên, tôi từng trông đợi một cuộc đối thoại để làm sáng tỏ mọi việc với cha mình. Nhưng nay tôi biết chúng tôi sẽ không bao giờ có được cuộc trò chuyện đó. Tất cả nỗ lực của tôi đã thất bại trong một chuỗi những tranh cãi, hiểu lầm và những nỗi đau mới” - Walter Kohl thú nhận trong một trích đoạn của hồi ký được Focus trích đăng.

Chỉ là khán giả

Ông Helmut Kohl, 81 tuổi, là thủ tướng lâu năm nhất của nước Đức (1982-1998) kể từ thời Otto von Bismarck. Ông được nhìn nhận như kiến trúc sư trưởng của Liên minh châu Âu và là nhà lãnh đạo chứng kiến sự thống nhất của nước Đức sau chiến tranh lạnh. Trong nhiều thập niên, ông dẫn đầu Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU), chính đảng hiện do đương kim Thủ tướng Angela Merkel dẫn dắt.

Nhưng đó không phải là Helmut Kohl được giới thiệu trong hồi ký, mà là một cuộc sống riêng tư chẳng mấy vinh quang và lừng lẫy, bởi theo lời con trai, cựu thủ tướng Đức đã dành tất cả tình yêu cho chính trị. “Chính trị đã và hiện là ngôi nhà thật sự của cha tôi. Gia đình đích thực của ông ấy mang họ CDU, không phải họ Kohl”. Kể về cha, Walter viết: “Ông ấy không bao giờ, trừ vài ngoại lệ như tai nạn của em trai tôi tại Monza mùa thu năm 1991, từ bỏ một cuộc họp đảng hay chính phủ cho nghĩa vụ với gia đình... Ông tập trung suy nghĩ và mong ước cho công việc của đảng và ban lãnh đạo. Nó cao hơn gia đình và cuộc sống riêng tư. Chúng tôi dịch chuyển trên sân khấu chính trị đó như những vật trang trí, không có một vai trò nào. Có thể nói chúng tôi có cảm giác mình chỉ là những khán giả trong cuộc đời ông ấy vì chỉ gặp ông ấy phần lớn thời gian trên tivi”.

Trong cuộc sống đó, Walter kể về người mẹ: “Một phần việc của bà luôn là truyền bá niềm tin rằng một ngày nào đó mọi chuyện sẽ khác, và chính bà - bằng cách đó - cũng đã để mình bị dối lừa”. Walter từng nỗ lực phá vỡ các trở ngại trong quan hệ tệ hại giữa cha ông và gia đình, nhưng Helmut Kohl vẫn tiếp tục giữ khoảng cách và trở nên phòng thủ. “Đứa con trai nào cũng muốn khám phá thế giới này với người cha, đi cắm trại hay chơi đá bóng cùng ông. Đứa con trai nào cũng đều muốn có cha bên cạnh. Tôi đã không thể nào tới được với cha mình. Bây giờ, hơn 40 năm đã trôi qua và hình thái bản chất của mối quan hệ cha - con đó vẫn không thay đổi”.

Helmut Kohl đã thống nhất nước Đức, cùng với đó là lục địa châu Âu. Nhưng để làm được điều đó, ông đã hi sinh gia đình mình trong bóng tối. Tại trường và khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, Walter đã bị bạn bè chọc ghẹo bởi người cha quá nổi tiếng của mình. Còn tại nhà, cậu cảm thấy giống như một nghị sĩ trong đảng của ông hơn là con trai ông. Lời khuyên duy nhất cậu nhớ đã nhận được từ người cha luôn vắng mặt là: “Con phải tự lo cho chính mình”.

Khi 14 tuổi, Walter đã ý thức rằng cha mình, khi đó là một thủ hiến, sẽ không bao giờ bên cạnh cậu. Những trích đoạn trong Focus còn mô tả bầu không khí căng thẳng những năm 1970 khi phe cánh tả Red Army Faction bắt đầu các chiến dịch bắt cóc, loại trừ các chính khách, doanh nhân và công tố viên liên bang Tây Đức. Walter mô tả cuộc sống của gia đình ông chẳng khác nào “đằng sau kính chống đạn”, trong đó người cha “chỉ là một vị khách trong nhà của chúng tôi”. Walter nhớ cảnh sát đã hướng dẫn cậu cách thức xử trí với quân cánh tả nếu lỡ bị bắt cóc, và cho biết tiền chuộc tối đa mà nhà nước Đức có thể trả nếu Walter bị bắt cóc là 5 triệu dmark (khoảng 2,5 triệu euro). Walter mỉa mai nói nhờ nhãn hiệu “con trai của Kohl” mà giá trị của cậu được gia tăng.

Cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl (phải) và con trai Walter Kohl - Ảnh: spiegel.de

 
“Đừng sử dụng lợi thế lai lịch”

Một trong những lời cuộc trò chuyện hiếm hoi và ngắn ngủi với cha mà Walter nhớ được là “cảnh báo tôi đừng bao giờ sử dụng lợi thế có được nhờ lai lịch của mình”. Walter giải thích thêm: “Nhưng tôi đâu ham muốn lợi thế đó, tôi đơn giản chỉ muốn được như những đứa trẻ khác cùng tuổi. Ông ấy nghĩ tôi luôn nhìn mọi thứ ở góc cạnh tiêu cực và điều đó là không công bằng với ông. Câu trả lời của tôi luôn là, dù đó là một đề nghị rụt rè hay một lời cáo buộc giận dữ: một người cha phải được phán xét như một người cha chứ không phải là một thủ tướng. Đó cũng là điểm nơi những cuộc tranh cãi của chúng tôi chuyển thành một trận đấu quyền anh quyết liệt. Cuối cùng thì cả hai chúng tôi đều tuyệt vọng: mỗi người đều cảm thấy mình bị đối xử bất công và kiệt quệ tinh thần”.

Có một đoạn khá cảm động khi Walter nhớ lại mối liên hệ với lãnh đạo Hiệp hội Doanh nhân Han Martin Schleyer, khi cả hai chạm mặt nhau lúc cùng đợi Helmut Kohl ở Bonn (Schleyer bị RAF ám sát năm 1977). Walter ngạc nhiên khi thấy Schleyer, người cậu từng gặp trên tivi với tư cách người đứng đầu hiệp hội các chủ doanh nghiệp Đức, lại đối xử với cậu không chút tự phụ hay cao đạo: “Đấy cuối cùng cũng có một người đáng để ta quen biết, bởi ông đối với tôi nghiêm túc và nói chuyện cùng tôi như với một người đã trưởng thành. Đó là một cuộc trò chuyện dễ thương, một loại đối thoại tôi mong muốn, như cuộc nói chuyện với bạn của cha, ngay cả khi chúng tôi chỉ mới biết nhau. Tôi đã thu hết mọi can đảm. Tôi cần ai đó có thể mở trái tim mình và kể hết những phiền muộn của mình: sự canh gác cẩn mật, bị cách ly với bạn đồng học, chờ đợi triền miên một điều nào đó có thể xảy ra...”. Họ đã nói chuyện về chủ nghĩa khủng bố, nguồn gốc nỗi sợ hãi của cậu bé Kohl. Schleyer bảo đảm với cậu rằng sẽ chẳng có gì đáng sợ, phải nhớ rằng rất ít có khả năng cậu bị tấn công. Nhưng rồi không lâu sau đó Schleyer bị RAF bắt cóc và giết chết. “Vụ bắt cóc và sát hại người đàn ông từng nói chuyện với tôi rất cởi mở và chân tình đã làm tôi đau buồn sâu sắc” - Walter Kohl nhớ lại.
 
Bìa quyển hồi ký

 
 
Trong những năm cuối cùng lãnh đạo nước Đức, Helmut Kohl lần lượt nhận nhiều giải thưởng nhờ chấm dứt chiến tranh lạnh, nhưng ít ai biết được mối quan hệ cay đắng của ông với con trai. Chỉ khi sự nghiệp Kohl kết thúc năm 1999 vì một xìcăngđan gây quỹ cho CDU, Walter hiểu rằng mọi việc đã quá muộn để có thể sửa chữa.

Gia đình Kohl tan vỡ vào một ngày đầy nắng tháng 7-2001. Sau 41 năm hôn nhân, mẹ Walter, bà Hannelore Kohl, đã uống thuốc tự tử. Những năm sau đó người ta mới biết bà bị một chứng bệnh hiếm: dị ứng ánh sáng, căn bệnh khiến bà luôn phải giam mình trong nhà. Walter cho rằng bệnh tình của mẹ là sự phản ứng đối với những căng thẳng thần kinh do các mâu thuẫn nội tại trong cuộc sống của bà, người đã không bao giờ có thể giải quyết được vai trò của mình như một trụ cột gia đình của một chính khách quá nổi tiếng, và phải đơn độc nuôi dạy hai đứa con trai.

Walter kể sau cái chết bi thảm của mẹ, ông từng nghĩ tới việc kết liễu cuộc sống sao cho thân nhân vẫn nhận được bảo hiểm. Ông định tự tử trong một “tai nạn” bơi lặn ở Hồng Hải, nhưng cuối cùng đã từ bỏ sau cuộc gặp tình cờ với đứa con trai. Cuối cùng, Walter đã kết thúc mối quan hệ với cha mình bằng một lá thư “với một cách nhẫn tâm cũng như cha từng tự giải thoát mình khỏi mọi vấn đề”.

Quyển hồi ký - theo nhận định của tờ The Irish Times - đã lột phăng mặt nạ tình cảm của cuộc sống gia đình mà người cha 81 tuổi của Walter đã phủ quanh sự nghiệp chính trị của ông. Bằng cách này, người con đã viết ra phần kết bi đát cho sự nghiệp vinh quang của cha mình - một câu chuyện có tính cảnh báo cho tất cả những ai đang và sẽ làm chính khách.

Minh Thư

* “Người đàn ông ấy trên hành trình quyền lực đã sao nhãng thứ quan trọng nhất trên thế giới: gia đình”.

* “Helmut Kohl đã làm cho châu Âu và nước Đức những thứ mà ít ai có thể làm được. Một con người quan trọng trong lịch sử Đức mà tôi cho rằng có thể xếp vào top 10. Ông ấy thiếu thời gian để làm cha vì phải bận tâm cho những việc lớn hơn. Tôi lấy làm tiếc cho con trai và gia đình ông: phải có ai đó hi sinh cho mục đích tốt đẹp của nước Đức và sẽ hành xử theo cách này hay cách khác. Một đứa con trai có quyền cảm thấy như Walter. Tuy vậy, cho rằng Kohl ích kỷ là không công bằng... Walter, tôi muốn nói điều này với cậu: Tôi chưa bao giờ gặp cha mình khi trưởng thành, ông ấy hoặc là bận làm việc hoặc đang nhậu nhẹt. Nhưng ông ấy vẫn là anh hùng với tôi vì những điều ông dạy tôi, và ông đã để lại nhiều bài học cuộc đời ông khi ra đi. Hãy tha thứ cho cha mình, cho ông một cơ hội bên cạnh cậu mà không ghét bỏ hay tức giận. Ông ấy rồi cũng sẽ ra đi và cậu chẳng bao giờ có một cơ hội cùng ông nữa”.

(Trích hai trong số nhiều ý kiến độc giả Đức về các trích đoạn hồi ký)

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.