feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Châu Âu: Khủng hoảng tiếp nối khủng hoảngCác nước Khu vực đồng euro đang chia rẽ sâu sắc trước câu hỏi làm thế nào để cứu đồng euro, khi mà “bảo lãnh” cho Hy Lạp và Ireland chỉ là giải pháp tạm thời.

Khi các nhà lãnh đạo châu Âu bầu ông Herman Van Rompuy làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu, không mấy người biết rõ thân phận của ông. Thế nhưng ông Van Rompuy đã nhanh chóng chiếm lĩnh trang nhất của các tờ báo châu Âu, khi đưa ra một tuyên bố khá ngắn gọn: “Tất cả chúng ta phải phối hợp hành động để cùng tồn tại với Eurozone. Nếu không, chúng ta sẽ không tồn tại cùng với Liên minh châu Âu”. Ông đã đả động đến cái điều mà nhiều người từng nghĩ tới nhưng chẳng dám nói ra.

Hai ngày sau đó, ông Van Rompuy cải chính là ông đã bị hiểu lầm, nhưng điều này cũng không thể đảo ngược tình hình vì tuyên bố của ông là... hoàn toàn chính xác.

Từ nhiều tháng nay, các chính phủ thành viên Eurozone đã và đang cố gắng cứu vãn đồng tiền chung, nhưng hiểm hoạ vẫn còn rình rập. Không những thế, các cuộc họp xử lý khủng hoảng liên tiếp diễn ra và hàng tỷ euro của quĩ khẩn cấp lại được tung ra để chữa cháy. Có thể nói rằng, người ta chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm” của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Chỉ là giải pháp tạm thời

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tìm đủ mọi cách để cứu đồng euro. Họ đã thông qua chương trình bảo lãnh cho Hy Lạp và lập ra một quĩ cứu trợ khổng lồ cho Eurozone. Họ đã mở rộng Hiệp ước Lisbon đến giới hạn pháp lý cuối cùng (nhiều người cho rằng họ đã vượt qua “vạch đỏ”). Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã phá vỡ những điều cấm kị, khi tung cả núi tiền mua trái phiếu của các nền kinh tế thành viên ốm yếu nhằm bình ổn giá.

Thế nhưng, tẩt cả các biện pháp trên chỉ là những giải pháp tạm thời và chỉ kéo dài đến khi một cuộc khủng hoảng nữa nổ ra. Trước đây là cuộc khủng hoảng Hy Lạp, bây giờ là khủng hoảng Ireland và sắp tới có thể là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... Mỗi tin xấu mới sẽ khiến cho người ta càng tin rằng những vấn đề của châu Âu không thể được giải quyết bằng các biện pháp thông thường và càng không phải bằng cách mua nợ. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ công này có thể làm biến dạng nhiều nước thành viên và thậm chí có thể dẫn đến sự sụp đổ của Eurozone.

Khu vực đồng euro đang bị chia thành hai phe đối địch lẫn nhau. Phe do Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng đầu gồm các nước Bắc Âu ra sức bảo vệ tính ổn định, với mục tiêu tránh để cho liên minh tiền tệ này bị biến dạng thành liên minh chuyển tiền, trong đó nước Đức bị biến thành “kẻ chi tiền”. Phe thứ hai bao gồm các nước Nam Âu như Bồ Đào Nha, Italia, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Phe này muốn chính cái điều mà bà Merkel cố tránh. Đó là một liên minh tệ, trong đó các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo hơn. Chỉ khổ cho các thể chế trong Liên minh châu Âu vốn đang phải luồn lách giữa hai trận tuyến nói trên.

Khiến cho các thị trường thêm hỗn loạn

Động thái đầu tiên của cuộc khủng hoảng hiện nay xảy ra tại khu nghỉ dưỡng ven biển Deauville (Pháp) hồi giữa tháng 10/2010, khi Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thông báo từ bỏ mục tiêu đầy tham vọng nhằm trừng phạt các nước thành viên Eurozone vi phạm những qui định tài chính. Đổi lại, Tổng thống Sarkozy ủng hộ lập trường của Đức về việc các tổ chức tín dụng tư nhân như ngân hàng phải chịu trách nhiệm pháp lý về các cuộc khủng hoảng tài chính tương lai và khả năng phá sản của những nước không thể trả nợ. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU cuối tháng 10, các vị nguyên thủ quốc gia và đứng đầu 27 nước thành viên EU đã chấp thuận kế hoạch này.

Kế hoạch nói trên và những câu chuyện khủng khiếp về các ngân hàng Ireland đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên các thị trường tài chính, nâng cao đột ngột phí bảo hiểm cho trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế ốm yếu. Lãi suất trái phiếu chính phủ Ireland bị đẩy lên cao tới 8,6%, cao hơn lãi suất cho vay của Đức tới 6,2%. Điều này đã khiến cho Thủ tướng Ireland, ông Brian Cowen, phải phẫn nỗ nói rằng những hành động của Thủ tướng Đức Angela Merkel là “bất lợi”.

Thành viên Ban chấp hành ECB Lorenzo Bini Smaghi cũng than phiền kế hoạch buộc những người sử hữu trái phiếu chính phủ phải trả giá của Đức “có thể hấp dẫn về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế đang làm cho các thị trường mất ổn định và mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho Eurozone”. Ông nói tiếp: “Rốt cuộc, kế hoạch này chỉ mang lại kết quả trái ngược với mong muốn... do giới đầu cơ  triệt để khai thác những lỗ hổng, trong khi các nhà đầu tư nhỏ thì khuynh gia bại sản”.

Về phần mình, Chính phủ Đức cho rằng đề xuất của Đức không hề gây hại cho các nhà đầu tư tư nhân vì mãi đến năm 2013 nó mới có hiệu lực. Còn Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble quả quyết kế hoạch này “không hề liên quan đến các cuộc tranh luận hiện nay về Ireland”.

Không lường trước được hậu quả

Chỉ có điều, ông Schäuble không thể trấn an các bên tham gia thị trường tài chính. Một lần nữa, Chính phủ Đức đã không lường trước được phản ứng của thị trường, nhất là khi chính phủ này từng kiên quyết phản đối việc cứu trợ tài chính cho Hy Lạp. Trong những tuần qua, lãi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp vẫn tiếp tục leo cao, trong khi giới đầu cơ đang nhắm vào những con mồi tiếp theo ở Nam Âu.

Rốt cuộc, các chính phủ Eurozone đã thông qua một gói bảo lãnh toàn diện và Thủ tướng Merkel đang bị thất thế. Nhiều đối thủ đã lên tiếng chỉ trích rằng chính Thủ tướng Merkel đã làm cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn và khiến cho chi phí bảo lãnh leo thang ngất ngưởng. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou chỉ trích rằng kế hoạch cải tổ của bà Merkel có thể “bẻ gẫy xương sống” của nhiều quốc gia, trong khi bộ trưởng tài chính Bồ Đào Nha coi đây là “một pha phạm lỗi thô bạo” trong bóng đá.  

Thái độ "do dự chờ thời"

Những sự chỉ trích nói trên đã khiến cho nước Đức tránh đi tiên phong trong các cuộc họp giải quyết khủng hoảng ở Brussels. Chính phủ này theo đuổi chiến thuật “chờ xem”, nhất là khi bị thúc ép bởi các vấn đề mới nổi ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Có vẻ như, hai nước này đang bị lôi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng Ireland.

Không giống như Hy Lạp, lúc đầu Ireland không muốn nhận tiền cứu trợ của Liên minh châu Âu bởi vì lo ngại chủ quyền sẽ bị xâm hại. Chính phủ Ireland lập luận rằng họ chưa đến mức phải vay tiền cho đến hết quí 2/2011. Vấn đề của Ireland không phải vấn đề ngân sách nhà nước mà chủ yếu là các bảng thanh quyết toán của các ngân hàng. Thế nhưng, trên thực tế đây chỉ là hai mặt của một đồng xu vì Chính phủ Ireland đã bảo lãnh toan diện cho lĩnh vực ngân hàng mà không lường trước được hậu quả vô cùng tai hại đối với toàn bộ đất nước.
 
Trong mấy tuần qua, hàng tỷ USD đã tháo chạy khỏi Ireland. Hầu hết các nhà đầu tư quốc tế không còn muốn cho các ngân hàng Ireland vay tiền, dù chỉ là một xu. Các ngân hàng Ireland đã trả cho các chủ nợ (chủ yếu là các ngân hàng Đức, Pháp và Anh) tới 55 tỷ euro (gần 75 tỷ USD) nợ đáo hạn và các chủ nợ này đã cầm tiền rồi “chuồn thẳng”.

Tính đến cuối tháng 10/2010, Ngân hàng Trung ương Ireland đã vay của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tới 130 tỷ euro, cao hơn cả số tiền mà các ngân hàng Hy Lạp đã vay. Trong khi đó, các ngân hàng Ireland hiện đang vướng vào các khoản cho vay bất động sản khó đòi lên tới 200 tỷ euro và đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Trong một cuộc họp kín cuối tuần qua, Chủ tịch ECB President Jean-Claude Trichet đã đưa ra một đề xuất khá “nhìn xa, trông rộng”. Để giải quyết dứt điểm vấn đề, theo ông, cả Ireland lẫn Bồ Đào Nha cần phải được cung cấp tiền một cách thoả đáng để vượt qua giai đoạn nguy hiểm hiện nay.
 
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.