feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Việc cúng bái ngày nay đã được giản lược khá nhiều, nhưng có những lễ không thể thiếu và tuân theo trình tự nhất định.

Táo quân cưỡi cá hay ngựa?

 
 
Lễ cúng Táo quân diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Lễ cúng này liên quan đến một truyền thuyết như sau: Có người đàn ông tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi, ăn ở với nhau đã lâu mà không có con nên sinh ra buồn chán, hay cãi cọ. Một lần Trọng Cao đánh vợ khiến Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau gặp và lấy Phạm Lang. Ít lâu sau Trọng Cao hối hận đi tìm vợ. Khi tiền bạc mang theo đã hết, Trọng Cao phải đi xin ăn. Ngày nọ đến xin ở một nhà khá giả, Trọng Cao gặp lại Thị Nhi. Hai vợ chồng mừng mừng, tủi tủi, đúng lúc đó Phạm Lang về. Thị Nhi lo sợ mới bảo Trọng Cao trốn vào đống rơm. Phạm Lang không biết, đốt đống rơm định để lấy tro bón ruộng.
 
Đau đớn trước cái chết của Trọng Cao, Thị Nhi cũng lao vào đám lửa. Phạm Lang thấy vậy cũng lao theo. Sau khi chết linh hồn của 3 người được đưa lên gặp Ngọc Hoàng. Thấy cả 3 người đều có nghĩa, Ngọc Hoàng cho họ sống cùng nhau và sắc phong làm Táo quân, gọi chung là Định Phúc Táo quân. Tuy nhiên mỗi người giữ một việc: Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà, Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa (câu chuyện này còn có nhiều dị bản khác). Từ đó cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các Táo phải lên thiên đình báo cáo những điều tai nghe mắt thấy ở nhân gian, những hành vi tốt, xấu của gia chủ trong năm đó.
 
Theo tục lệ thì vào ngày các Táo lên thiên đình dự “hội nghị thường niên”, gia chủ chuẩn bị cỗ bàn, hương, hoa, nến, quả... Cỗ có thể làm mặn hoặc chay, nhưng thứ không được thiếu là 3 chiếc mũ bằng giấy cho các Táo (mũ dành cho Táo ông phải có cánh chuồn). Cũng có nơi người ta còn cúng kèm theo áo và một đôi hia. Màu sắc của mũ, áo thay đổi hằng năm theo ngũ hành.Ngoài ra ở miền Bắc người ta còn cúng cá chép còn sống, thả trong chậu nước để Táo làm “phương tiện” lên thiên đình, khi cúng xong thì phóng sinh. Hiện nay có người còn cúng thêm cả xe BMW, Mercedes (bằng giấy), tuy nhiên việc cúng này vừa tốn kém vừa không đúng nghi lễ. Còn tại miền Trung, người dân cúng ngựa giấy. Miền Nam thì nhiều người chỉ cúng mũ, áo, hia.
 
Giao thừa cúng ở đâu?
 
Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh thì Giao thừa có nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Ý nghĩa của lễ cúng Giao thừa (còn gọi là trừ tịch) là đem bỏ đi những điều không tốt của năm cũ sắp qua để đón những điều mới mẻ, tốt đẹp của năm mới sắp tới.
 
 
Người xưa cho rằng, việc cai quản nhân gian do 12 vị đại vương (thập nhị hành khiển vương) trên thiên đình đảm nhận, lần lượt theo từng năm (ứng với 12 con giáp). Dưới các đại vương có 12 vị phán quan cùng các thiên binh giúp việc. Cứ đến thời khắc Giao thừa các đại vương cùng thiên binh, thiên tướng dưới hạ giới lại về “đại bản doanh” trên thiên đình, quan quân trên thiên đình thì xuống hạ giới để tiếp quản công việc. Do quá trình bàn giao rất chóng vánh, nhiều thiên binh, thiên tướng chưa kịp ăn uống gì nên các gia đình mới đưa lễ vật ra để cúng tiến. Cũng vì “việc quân” gấp gáp, nên gia chủ phải cúng lễ ngay ngoài sân, để kịp cho quan quân đi làm nhiệm vụ.
 
Lễ cúng Giao thừa có hương, hoa, đèn, nến, trầu cau, rượu nước, bánh chưng, đĩa xôi gấc, vàng mã (nhiều nhà còn cúng cả chiếc mũ của quan đại vương hành khiển năm đó). Tuy nhiên, lễ vật quan trọng nhất là con gà sống (không cúng gà mái) hoặc chân giò lợn (những năm con giáp xung với gà thì cúng lợn và ngược lại). Gà cúng Giao thừa thường là loại gà giò, nặng chừng 1,2 kg - 1,5 kg, khi mổ phải mổ moi, mổ xong thì dùng dây lạt định hình cổ gà ngay ngắn, hai cánh áp sát vào thân rồi mới mang luộc. Luộc xong vớt gà ra đĩa, tháo dây lạt, chỉnh lại tư thế lần cuối rồi cắm vào mỏ gà một bông hoa hồng. Tiết, lòng gà được bày phía dưới bụng gà.
 
Tất niên cúng ngày nào?
 
Sau 23 tháng Chạp là có thể cúng Tất niên, nhưng thường người ta làm vào chiều 30 Tết. Trong ngày này, ban thờ gia tiên phải được lau chùi sạch sẽ, bày biện trang hoàng để đón năm mới. Lễ cúng Tất niên ngoài hương hoa, vàng mã, đèn nến, trầu cau, bánh chưng còn có cỗ mặn với đầy đủ các món của ngày Tết (ví dụ xôi gấc, thịt gà, thịt đông, giò chả các loại, nem rán, bát canh măng, bát miến...).
 
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì lễ Tất niên ban đầu đầu là lễ dành cho những người thợ cúng tổ nghề, báo cáo với tổ nghề về công việc trong năm và mong tổ phù hộ cho năm mới làm ăn may mắn. Tuy nhiên sau đó, do không phải nghề nào cũng có vị tổ nghề rõ ràng nên dần dần mọi người dân đều cúng lễ này.
 
Trong ngày 30 Tết, nhiều gia đình còn thực hiện một lễ nữa, gọi là lễ Chạp (tức lễ tảo mộ). Người ta ra mộ người thân, khấu tạ thổ thần, sửa sang mộ phần, khấn vái rước vong linh người đã khuất về hưởng Tết với gia tiên. Với những gia đình có người vừa mất trong năm thì lễ Chạp được tiến hành cẩn thận hơn. Nếu không có điều kiện ra mộ, cũng có thể cúng tại nhà, cúng vào đúng chính ngọ (trưa).
 
Tân niên cúng mấy ngày?
 
Lễ Tân niên (năm mới) thường được cúng vào mồng Một, mồng Hai và mồng Ba Tết. Trong đó ngày mồng Một Tết được coi là quan trọng nhất. Trong lễ cúng, gia chủ cảm ơn công đức trời bể của tổ tiên và mời tổ tiên về thụ lễ. Lễ cúng Tân niên thường diễn ra vào buổi sáng, cỗ cúng có đầy đủ các món của ngày Tết. Sau khi cúng xong con cháu thụ lộc tổ tiên rồi mới đi chúc Tết, thăm thú họ hàng, bạn bè. Trong các ngày mồng Hai, mồng Ba Tết cũng cúng tương tự, mỗi ngày chỉ cúng một lần.
 
Xông đất chọn ai?
 
Người đầu tiên bước chân vào nhà ai đó trong ngày đầu tiên của năm mới thì gọi là người xông đất hay đạp đất. Theo quan niệm dân gian thì người này sẽ mang lại may mắn (hoặc rủi ro) cho gia chủ trong suốt một năm, do vậy việc lựa chọn là rất kỹ.
 
Đầu tiên người xông đất phải hợp tuổi với con vật đại diện của năm đó, kế đến là hợp tuổi với chủ nhà. Ngoài ra phải là những người con cháu đề huề, làm ăn phát đạt, đặc biệt gia đình không được có tang tóc. Nhiều nơi gia chủ còn chọn những người có tên đẹp như Tài, Lợi, Phúc, Lộc... để nhờ xông đất. Do việc lựa chọn rất kỹ lưỡng nên nhiều khi không có ai đủ “tiêu chuẩn” thì gia chủ tự xông nhà mình. Trước Giao thừa người chủ rời khỏi nhà, đến chùa lễ Phật xin lộc hoặc đi du xuân, khi thời gian đã bước sang năm mới thì về xông đất.
 
Người xông đất khi đến nhà ai, tùy từng hoàn cảnh mà nói lời chúc. Ví dụ nhà có người già thì chúc Bách niên giai lão (tuy nhiên cũng nên tìm hiểu tuổi các cụ trước, nếu cụ đã gần trăm tuổi hoặc hơn thì chỉ chúc khỏe mạnh, sống lâu là đủ); nhà buôn bán thì chúc buôn may, bán đắt,  tấn tài, tấn lộc, làm ăn phát đạt bằng năm bằng mười năm ngoái; nếu công chức thì chúc thăng quan,  tiến chức; với trẻ em thì chúc hay ăn chóng lớn, học hành đỗ đạt, v.v...
 
Xuất hành năm mới
 
 
Khi xưa người ta phải xem ngày, giờ, phương hướng cho ngày xuất hành đầu năm, bởi nhiều người cho rằng ngày xuất hành sẽ mang lại may mắn cho cả năm đó. Tuy nhiên giờ đây tục lệ này đã được đơn giản hóa, nhiều người chọn đình chùa là điểm đến trong ngày xuất hành. Sau khi lễ Phật, lễ thánh, nhiều người hái một cành lộc (cành cây) nhỏ mang về nhà để lấy may. Tục hái cành lộc tồn tại chủ yếu ở miền Bắc. Hiện nay nhiều người không hiểu hết ý nghĩa của tục này, cho rằng cành càng to thì lộc càng nhiều, do vậy họ bẻ trụi cả cây cối trong chùa. Trong khi đó, cành lộc chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, cành to hay bé không quan trọng.
 
Lễ tiễn tổ tiên
 
Tới ngày mồng Bốn Tết (có nơi là mồng Ba), con cháu lại làm một lễ nữa, gọi là lễ hóa vàng. Trong ngày này, gia chủ chuẩn bị mâm cơm, vàng mã để tiễn biệt tổ tiên về trời. Lễ hóa vàng thường đầy đủ con cháu, sum vầy, quây quần bên nhau. Đây là một tục lệ rất đẹp, với tổ tiên, trước Tết con cháu có lời mời về thì sau Tết có lễ tiễn biệt. Với người đang sống, đây là dịp để anh em họ hàng hàn huyên, vui vẻ trước khi bước vào công việc của năm mới bận rộn. Trong lễ hóa vàng, những đồ cúng tế trên ban thờ được hạ xuống, vàng mã thì hóa, hoa quả thì chia đều cho mọi người cùng hưởng.
 
Ngũ quả gồm những quả gì? 
 
 
Theo triết học phương Đông, vạn vật trong vũ trụ được cấu thành bởi 5 yếu tố là kim (kim loại) , mộc (gỗ), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất), gọi là ngũ hành. Tục cúng mâm ngũ quả dịp Tết có thể xuất phát từ thuyết này. Ngũ quả ứng với ngũ hành, còn các loại quả biểu trưng cho sự sung túc, sinh sôi nảy nở, no đủ. Mâm ngũ quả ở miền Bắc, miền Trung thường có chuối, phật thủ (hoặc bưởi), đào, hồng, quýt. Ngũ quả miền Nam thường có đu đủ, mãng cầu, dừa, xoài (không có chuối, có lẽ do âm gần giống với chữ “chúi” nên người ta kiêng). Hiện nay mâm ngũ quả đã “phát triển” lên thành thất quả, bát quả, nhưng người ta vẫn gọi là ngũ quả. Ngày Tết, trên bàn thờ nhất thiết phải có mâm ngũ quả, kế đến là chai rượu, hộp mứt, bánh chưng, hương, nến và một chén nước trong.
 
Giò lụa, giò xào
 
Giò lụa được làm từ thịt lợn, gói bằng lá chuối tây. Thịt sau khi được giã dẻo quánh, trộn mắm, muối, mì chính thì dùng lá chuối bó chặt, luộc trong khoảng 50 phút. Còn giò xào làm từ thịt thủ hoặc thịt chân giò, thêm lưỡi lợn, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu...Sau khi xào xong thịt, trộn lẫn mộc nhĩ, nấm hương người ta cũng lấy lá chuối bó lại. Giò xào phải sau 2 – 3 ngày mới đông cứng.
 
Thịt đông 
 
 
Được làm từ thịt lợn (chủ yếu là thịt chân giò), bì lợn, mộc nhĩ, hạt tiêu, cà rốt...Trong các nguyên liệu này, bì lợn là thứ không thể thiếu, nếu không có bì thì sẽ không thành thịt đông. Tuy nhiên nếu nhiều bì quá thì thịt đông lại cứng. Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ thì tỉ lệ bì chiếm khoảng 1/4 nguyên liệu là vừa. Ngoài ra cũng không nên cho quá mặn, thịt đông sẽ không đông được. Món “hỗn hợp” thịt đông sau khi ninh nhừ thì đổ ra bát, đợi chừng 12 tiếng là có thể dùng được. Thịt đông thường ăn kèm với dưa hành.
 
Xôi gấc
 
Xôi gấc là món không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết. Nguyên liệu gồm có quả gấc và gạo nếp. Gấc được bổ đôi, lấy phần ruột và cùi vàng, bóp đều với rượu, sau đó trộn với gạo nếp (gạo ngâm trong nước trước đó khoảng 5 tiếng) và đem đồ bằng chõ. Sau khi xôi chín thì đơm ra đĩa, có thể rắc thêm mấy sợi dừa. Nhiều người tin rằng, xôi gấc là món ăn đem lại sự may mắn, có thể do nó có màu đỏ.
 
Dưa hành
 
 
Để làm món này, người ta chọn những củ hành ta đã được phơi khô (không bóc vỏ ngoài) đem ngâm vào nước vo gạo hoặc nước tro bếp  có pha thêm chút muối cho hành bớt hăng. Qua một ngày đêm thì ngâm tiếp hành vào nước lã có pha muối, để hành trắng, giòn. Thời gian ngâm tương tự như lần trước. Sau đó vớt hành ra, bóc bớt vỏ già bên ngoài, cắt bỏ rễ, rửa lại bằng nước pha muối loãng, để thật ráo nước. Tiếp đó pha muối với nước (khoảng 50g muối/1lít nước), chút đường (nếu dùng mía thì không cần đường), dấm bỗng rồi đun sôi, để nguội khoảng 30 độ C. Xong công đoạn này là đến công đoạn muối. Cách thức như sau: Mía đã chẻ khẩu nhỏ được xếp dưới đáy vại, kế đó là đến hành. Nếu muối xen kẽ với cải bẹ cứ một lớp hành xếp một lớp cải cho đến hết. Xếp xong rưới nước vừa đun ở trên vào vại muối, mức nước ngập mặt hành thì dừng. Tiếp đến dùng vỉ tre gài chặt, bên trên đặt vật nặng để nén. Khoảng từ 1 đến 2 tuần là có thể ăn được.
 
Ngoài dưa hành thì dưa kiệu, dưa cải cũng là món ăn có “công năng” và cách làm tương tự dưa hành. Riêng với dưa kiệu, nhiều sách ghi rằng nó đã có từ thời Hùng Vương. 
Cỗ Tết 3 miền

Tết đến, ngoài món chung không thể thiếu là thịt gà, dưa hành, kiệu, bánh chưng, bánh tét (hình dáng khác nhau nhưng nguyên liệu giống nhau) thì tùy theo mỗi vùng miền mà cỗ Tết có các món khác nhau.
 
 
Ví dụ ở miền Bắc (Hà Nội), các món cơ bản trong cỗ Tết là giò lụa, giò xào, chả quế, nem, bát bóng hoặc măng ninh chân giò, canh mọc, thịt đông, xôi gấc... Ở miền Trung (Huế) là  giò lụa, giò bò, thịt đông, gỏi gà bóp rau răm, nem, canh măng khô ninh, canh miến, cá chiên hay rán... Ở miền Nam (TP HCM) thì có thịt heo luộc, thịt kho tàu, thịt lợn quay, gỏi cuốn, nem, gỏi tôm thịt, măng tươi ninh, giò heo nhồi, gỏi ngó sen, gà luộc xé phay, đặc biệt món không thể thiếu là canh khổ qua nhồi thịt (với ý nghĩa sự khổ sở sẽ qua đi) vv...
 
Nhiều người kể ra cỗ Bắc, cỗ Trung, cỗ Nam có bao nhiêu bát, bao nhiêu đĩa, là những bát gì, đĩa gì, tuy nhiên trên thực tế, không chỉ ở mỗi vùng mà ngay trong mỗi tỉnh, mỗi huyện, thậm chí mỗi xã, phường trong cùng một vùng đã có sự khác nhau, do vậy chỉ có tính được một vài món chính mà thôi.
 
Bài trong trang có tham khảo thông tin tại Thọ mai gia lễ, Việt Nam phong tục,
 Tín ngưỡng Việt Nam và một số tài liệu khác.
 
  • Văn Phong, Giadinh

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.