feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Thuỵ Điển tăng trưởng cao trong năm 2010, thất nghiệp giảm còn tình hình ngân sách có thể khiến bất kỳ một nước Châu Âu nào cũng phải ghen tỵ.  Tiết trời tuyệt diệu của mùa hè Thuỵ Điển khiến thú bơi lội trong làn nước biển bình thường vẫn đóng băng có cái gì đó giống như những trải nghiệm ở vùng Địa Trung Hải.

Bối cảnh đó là không thể tốt hơn cho chiến dịch vận động cho cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra ngày 19/09 này.

Cũng tuyệt diệu không kém là những tin tức kinh tế gần đây của đất nước Bắc Âu rộng lớn nhưng thưa dân này.

Chính phủ Thuỵ Điển dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay, một tốc độ hiếm thấy ở các nền kinh tế đã phát triển ở Châu Âu. Thất nghiệp giảm. Tài chính công của Thuỵ Điển khiến các nước Châu Âu khác phải xấu hổ.

Thủ tướng Fredrik Reinfeldt là một trong số ít các chính trị gia có thể hứa với cử tri một cách hợp pháp rằng mình sẽ giảm thuế và tăng chi tiêu.

Một chút lạc quan từ vùng rìa Châu Âu là điều vô cùng cần thiết. Tuần trước thị trường lại hoảng hốt vì Ireland và hệ thống ngân hàng nước này. Hy Lạp vẫn là đám mây đen bao phủ liên minh tiền tệ Châu Âu.

Trong bối cảnh ấy, thành tựu gần đây của Thuỵ Điển rất đáng học hỏi.

Hồi đầu những năm 90, quốc gia này cũng có cuộc khủng hoảng kinh tế và ngân hàng của riêng mình. Liệu biện pháp Thuỵ Điển đã thực hiện có áp dụng được cho các quốc gia khác?

Thứ nhất có một số lý do cho thấy Thuỵ Điển không có gì quá đặc biệt.

Nền kinh tế nước này nằm trong số những nước bị tác động nặng nền nhất bởi cuộc suy thoái toàn cầu năm ngoái. GDP giảm tới 5%.

Sự phục hồi của Thuỵ Điển phần nhiều phản ánh sự phục hồi chung của cả thế giới nhờ công nghiệp, thế mạnh của Thuỵ Điển. Thuỵ Điển cũng hưởng lợi nhờ không sử dụng đồng euro: xuất khẩu được hỗ trợ nhờ đồng krona mất giá.

Nhưng viễn cảnh phía trước chưa phải tuyệt đối an toàn. Điều đặc biệt đáng lo ngại là giá nhà đất quá cao ở nước này.

Nhưng sức mạnh thật sự của người Thuỵ Điển không dừng ở đó.

Trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nghiên cứu hàn lâm đã nhấn mạnh tới thành tựu vượt trội của một mô hình kinh tế dựa trên “sự đồng thuận và nhất quán trong dài hạn” (chữ của Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Áo tại Vienna, ông Karrl Aiginger).

Những gì đã diễn ra trong 3 năm vừa qua chỉ củng cố thêm uy tín cho một hệ thống trong đó các chính trị gia, giới doanh nghiệp và công đoàn đồng thuận về những cách tốt nhất để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế dài hạn, và rồi làm đúng theo như thế.

Trước đây họ tập trung củng cố nền tài chính công vững mạnh nên còn rất nhiều dư địa khi khủng hoảng ập tới. Gói kích thích kinh tế của Thuỵ Điển rất lớn nếu so với quy mô nền kinh tế nước này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp làm việc với công đoàn để cân bằng giữa lương bổng và đảm bảo việc làm, còn chính phủ hỗ trợ bằng cách trợ cấp xã hội hào phóng.

Kết quả là sự ổn định của nền kinh tế, điều rất giá trị trong thời điểm Chủ tịch FED Ben Bernanke nhìn nhận tương lai nước Mỹ là “không ổn định một cách bất thường”.

Không phải ngẫu nhiên khi các nền kinh tế “dựa trên đồng thuận” khác trong khu vực eurozone bao gồm Phần Lan, Hà Lan và Áo cũng chống chịu tốt trong quý II năm nay.

Đức cũng có những đặc điểm tương tự như Thuỵ Điển. Berlin khuyến khích các công ty giữ lại thay vì xa thải người lao động bằng các chương trình trợ cấp làm việc thiếu giờ.

Chiến lược tìm sự đồng thuận đang phát triển ở những nơi ít ngờ tới.

Ở Anh, nơi nền chính trị theo truyền thống vẫn dựa trên sự đối dầu giữa hai đảng lớn, chính phủ liên minh kiểu lục địa Châu Âu của Thủ tướng David Cameron đang tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi từ công luận cho kế hoạch thắt lưng buộc bụng sâu rộng.

Còn những nước bị tác động nặng nề nhất trong cơn biến loạn ở eurozone năm nay thì sao?

Ireland cũng gặp khủng hoảng kinh tế vào cuối những năm 80 và đã có sự đồng thuận giữa các đảng phái về một chiến lược cải cách.

Lần này không được như vậy nhưng ít nhất kinh nghiệm đồng thuận xã hội lâu năm đã giúp giảm bớt sự chống đối từ phía công đoàn và dân chúng cho kế hoạch cắt giảm ngân sách nặng nề.

Mô hình kinh tế “Địa Trung Hải” tăng trưởng nhờ tín dụng giá rẻ, chi tiêu công và trợ cấp từ EU đã mất uy tín ở khắp mọi nơi.

Chính phủ Xã hội của Hy Lạp rất cần sự ủng hộ cho những cải cách tài khoá và cơ cấu kinh tế được thảo ra dưới sự bảo trợ của IMF và EU.

Đó không phải chuyện dễ dàng. Người Hy Lạp coi Nhà nước vừa là người đỡ đầu, vừa là cái gì đó để qua mặt.

Cũng giống như các nước Nam Âu khác, kinh tế thị trường bị xem như là sự đấu tranh giữa lao động và tư bản. Athens khác xa Stockholm về mọi mặt.

Dù vậy, bài học Thuỵ Điển không hề vô tác dụng. Suy nghĩ kiểu Thuỵ Điển đang tràn ngập các cuộc thảo luận xem liên minh tiền tệ 16 nước Châu Âu nên làm gì để ngăn những cuộc khủng hoảng kiểu Hy Lạp.

Đề xuất cải cách tập trung vào đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các chính sách kinh tế nhằm đối phó với chu kỳ kinh doanh, và một sự phối hợp chặt chẽ hơn về mặt kinh tế.

Bất chấp thành công của nước mình, cuộc bầu cử ở Thuỵ Điển vẫn sẽ không thiếu hấp dẫn.

Liên minh cầm quyền của TTg Reinfeldt chỉ ngang ngừa với phe thiên tả đối lập. Đảng Dân chủ Thuỵ Điển dân tuý cánh hữu có thể sẽ quyết định ai là người thắng lợi trong quốc hội khoá tới.

Nhưng mô hình kinh tế Thuỵ Điển được ủng hộ rộng rãi tới mức ít ai mong đợi sẽ có nhiều thay đổi.
 
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.