feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Suốt 23 năm qua, chị Phạm Thị Bình ở thôn Ðại Cầu (xã Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam) luôn gắn bó với nghề bốc mộ, lượm xác, công việc chủ yếu làm vào ban đêm. Nghề này hết sức vất vả mà ngay cả những người đàn ông cũng ngại làm nhưng với chị, lúc nào cũng cần mẫn, xông xáo với một tâm niệm là giúp được càng nhiều người càng tốt...

Như một định mệnh

Chị Bình là người phụ nữ duy nhất ở huyện Duy Tiên làm công việc tưởng chỉ dành cho cánh nam giới. Với không ít người dân, thậm chí chị còn mạnh mẽ, xông xáo và dám làm hơn nhiều người đàn ông hành nghề chuyên nghiệp. Mỗi khi có người gọi, nhờ giúp đỡ thì dù trời mưa, giữa đêm khuya, chị đều "ô-kê", chuẩn bị đồ, xắn tay vào việc. Nhiều vụ tai nạn, các đồng chí công an ở huyện Duy Tiên cũng tìm nhờ chị giúp. Mỗi lần như thế, chị được trả công ba đến năm trăm nghìn đồng. Cũng có khi chị chẳng lấy đồng nào vì gia chủ nghèo, không có tiền trả hoặc chị... biếu. Mấy chục năm đằng đẵng, chị Bình không thể nhớ mình đã bốc mộ cho bao nhiêu người, đã lượm xác cho bao nhiêu người, chưa kể hàng trăm lần vớt xác người chết ở sông Hồng, sông Ðáy, sông Nhuệ và các ao hồ...

Ðể làm hết các công đoạn cho mỗi lần bốc mộ phải mất ít nhất một tiếng rưỡi đồng hồ, đấy là chưa kể đến những ngôi mộ "kết", thi thể vẫn còn nguyên vẹn thì mất thời gian hơn nhiều, cho nên nỗi gian nan của nghề thì chẳng bút mực nào tả hết. Chị Bình kể lại: "Lần đầu tiên tôi thực hiện một mình, giữa đêm khuya hùng hục đào, rồi bật nắp quan tài như ai. Thế nhưng, thật không may tôi gặp phải một ngôi mộ "kết", hai ngôi mộ liền kề nhau của một người đàn ông và một người đàn bà sau 16 năm chôn sâu dưới lòng đất mà thân xác vẫn còn nguyên vẹn. Hình hài và mùi thi thể phân hủy xộc lên khiến tôi nôn thốc nôn tháo...".

Ngay ngày sau đó chị Bình bị ốm nằm liệt ở nhà cả tuần. Thế nhưng, nhiều khi đang ốm mà có người "a-lô" chị vẫn cố gắng đi làm giúp, xong việc lại về truyền nước vào người cho lại sức. "Trong thâm tâm, mình nghĩ đi làm phúc cho người ta để lấy đức, lấy phúc cho con cái sau này nên dù đang mệt, đang ngủ hay đang ăn cũng sẽ bỏ đó mà đi làm. Với tôi trong ba việc thường làm thì có lẽ việc lượm xác người tai nạn tàu, xe vẫn là đáng sợ nhất! Khi lượm xác của người bị tai nạn, tôi không bao giờ nghĩ để kiếm nhiều tiền mà nghĩ thương những người trẻ tuổi không may mắn, hoặc một số người trẻ vì một phút nông nổi đã gieo mình xuống sông kết thúc cuộc đời. Nhiều khi tôi lại thấy công việc của mình như một định mệnh", Chị Bình tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Khoa, cùng thôn với chị Bình, chứng kiến những việc làm của chị, tỏ lòng nể phục: "Không chỉ nhà chị Bình gần đường quốc lộ, đường ray tàu lửa mà nhiều người khác cũng gần những chỗ đó, thường thấy tai nạn, nhưng đâu phải ai cũng dũng cảm và nhiệt tâm như chị Bình. Ở quê tôi, mỗi khi có ai đó bị tai nạn, chết đuối hay tự tử người dân trong vùng lại tìm đến chị Bình nhờ chị giúp đỡ...".

Cha truyền con nối

Ðể làm được nghề, theo chị Bình phải là người không sợ ma, không sợ bẩn và có "tố chất" nhà nghề. Từ khi mới 15 tuổi, chị đã theo cha đi bốc mộ thuê và lượm xác người chết. Cha chị vốn là một người "tắm xác" có thâm niên trong vùng, đã truyền cho cô con gái sự bạo dạn, dũng cảm. Anh trai của chị cũng được cha truyền, nhưng anh rất ít làm. Khi cha mất, Bình quyết nối nghiệp cha. Trước khi mất, cha Bình dạy chị rằng, mỗi khi bật nắp quan tài ra dù thi thể người chết đã phân hủy hay chưa thì vẫn phải dùng cồn và nước ngũ vị tưới lên thi thể để tránh mùi xú uế "nhập" vào người. Và trước khi bắt đầu công việc phải uống một cốc rượu để nhiệt độ cơ thể tăng lên. Ðó là những bước quyết định cho buổi làm việc có thành công hay không và chị Bình cũng đã nắm rất chắc những nguyên tắc để giảm thiểu những hậu quả có thể đến với mình.

Giờ cái tên "Bình hài cốt" đã được nhiều người ở huyện Duy Tiên biết đến. Lúc nào chị cũng nghĩ, làm nghề chỉ mong tích đức cho con chứ chẳng bao giờ dư giả, chẳng ai giàu có. Còn sức thì chị còn cố gắng, giúp được càng nhiều người càng tốt và cố gắng nuôi con ăn học tử tế.

Khoảng chục năm nay, tháng nào việc nhiều, chị vẫn gọi anh trai đi giúp một tay. Nếu anh trai bận không đi được, chị gọi xe ôm chở rồi nhờ chính anh xe ôm cùng giúp mình những việc vặt khi rửa xương hoặc chế rượu... Chuyện nhờ người chở đi cùng đôi khi cũng có "cạm bẫy". Biết chị một thân một mình, có người đã tán tỉnh, hoặc dở trò sàm sỡ. Nhưng chị là người cá tính mạnh mẽ, không ai bắt nạt được. Sau cùng, họ "chạy" hết, chỉ còn một người chở xe quen, cần mẫn theo chị và nhiều khi trở thành "trợ lý" của chị...

Một mình một bóng nuôi con

Gần 20 năm trước, có người cùng quê  sống ở Hà Tây (cũ) đến tìm chị Bình, thuê lên bốc mộ cho vợ rồi "mời" chị ở lại luôn. Chị Bình vừa thương, vừa có tình cảm với người đàn ông đó. Hai người sống với nhau như vợ chồng khoảng vài tháng, rồi chẳng hiểu sao người ấy lại giũ bỏ chị mà đi. Bình về quê và sinh một cô con gái. Chỉ vài tháng sau khi sinh, chị lại tiếp tục nghề cũ và quên cả chuyện lấy chồng. Giờ đã gần 40 tuổi, chị Bình vẫn lẻ bóng một mình nuôi con. Tôi hỏi chị, sao không kiếm lấy một tấm chồng để nương tựa cho bớt quạnh hiu, trống vắng. Chị chua chát nói: "Mình làm cái nghề này thì ai dám lấy. Cũng có vài người ong bướm, nhưng mình biết là không "đậu" được đâu. Nghĩ đến chuyện đó, ngại lắm rồi. Giờ Bình chỉ cần có sức khỏe để tiếp tục làm thôi". Dẫu vậy, nhưng người phụ nữ nuôi con một mình ở thời buổi này thật không dễ dàng gì. Nhiều lúc, đối diện với khó khăn của cuộc sống, chị thấy mình cũng thật yếu đuối và thầm nghĩ, giá có một người đàn ông ở bên cạnh để chia sẻ, sẽ hạnh phúc, ấm áp biết bao nhiêu.

* "Không chỉ nhà chị Bình gần đường quốc lộ, đường ray tàu lửa mà nhiều người khác cũng gần những chỗ đó, thường thấy tai nạn, nhưng đâu phải ai cũng dũng cảm và nhiệt tâm như chị Bình. Ở quê tôi, mỗi khi có ai đó bị tai nạn, chết đuối hay tự tử người dân trong vùng lại tìm đến chị Bình nhờ chị giúp đỡ".

  • PHÚ TÂY, nhandan


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.