feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

tapchihuongviet_hungrau„Hội bia“ đấy là cách mà người Việt mình ở Đức thường gọi để chỉ liên hoan Bia quốc tế tổ chức tại Berlin vào cuối tuần đầu tiên của tháng 8 hàng năm.

>> Chùm ảnh liên hoan Bia quốc tế Berlin lần thứ 15

Liên hoan Bia quốc tế Berlin lần này là lần thứ 15. Bia Việt Nam tham dự liên hoan Bia lần này là lần thứ 11. Xét về mặt từ nguyên, tức xuất xứ của từ, tôi không biết chính xác từ „hội Bia“ được lưu truyền trong cộng đồng người Việt từ khi nào. Nhưng chắc chắn nó không thể ra đời sớm hơn sự có mặt của gian hàng Bia Việt Nam tại liên hoan Bia quốc tế này. Người đầu tiên và cũng là người suốt 11 năm qua quảng bá cho bạn bè Đức và bạn bè thế giới những thương hiệu Bia Việt không ai khác hơn là Nguyễn Xuân Hùng, giám đốc công ty Hmsky, mà cộng đồng người Việt ở Đức thường gọi là Hùng râu. Nhắc đến hội Bia Berlin không thể không nhắc đến Hùng râu. Vì thế bài viết này khi đề cập đến hội Bia như một nét trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng muốn vẽ một bức tranh chấm phá về chân dung một con người trong những nỗ lực mà con người này đã lặng lẽ làm suốt 11 năm qua hòng đem lại một sân chơi ngày một bổ ích hơn cho cộng đồng người Việt, nhất là cộng đồng người Việt ở Berlin.

     Trong ba ngày diễn ra lễ hội Bia vừa rồi tôi có hỏi nhiều người, từ chị đẩy xe nôi cho con đến cốt chỉ để xem ca nhạc đến những tay Cộng „mốc“ đệ tử chính hiệu của thần Lưu Linh đến cốt để uống và gặp nhau cho vui là chính xem có biết gì về lễ hội Bia berlin không? Mọi người đều trả lời khá mù mờ. Người thì mới biết từ vài ba năm nay. Người lâu nhất thì biết được mươi năm. Tức từ khi có gian hàng Bia Việt Nam. Tôi cũng nằm trong số họ. Nhưng vì là bạn của Hùng râu, nên không những tôi biết mà tôi còn trực tiếp tham gia từ những ngày đầu tiên. Tham gia không phải là góp cổ phần mà tôi chỉ giúp bạn làm những việc trong bếp như xiên thịt, nướng thịt , xào mỳ… không lương. Bù lại tôi được dịp gặp nhiều bạn bè và uống Bia thả phanh… miễn phí. Ngày ấy cả lễ hội cũng không đông đúc và hoành tráng với hơn 2000 thương hiệu Bia của 300 công ty đến từ 86 quốc gia như bây giờ. Gian hàng Bia Việt Nam vẫn ở vị trí như hiện nay nhưng chỉ nhỏ bằng ¼ với hai cái lều nhỏ. Một để bán đồ ăn. Một để bán đồ lưu niệm, chủ yếu để quảng cáo các Tour du lịch Việt Nam cho khách Đức. Không sân khấu. Không cổng chào. Khách, chủ yếu là bạn bè Hùng râu, đến để ủng hộ là chính.


      Từ  nhiều năm nay gian hàng Bia Việt nam đã là gian hàng lớn nhất của lễ hội Bia Berlin. Cổng chào lớn mô phỏng một nét của Khuê Văn Các Hà nội với hai chữ Việt Nam quay mặt ra đại lộ Karl-Max-Allee. Sân khấu hoành tráng có mái che với đầy đủ thiết bị âm thanh hiện đại. Trên đỉnh mái che của sân khấu ngạo nghễ lá cờ Tổ Quốc. Ban đêm khi đèn đóm được bật lên, đi từ xa đã nhìn thấy hai chữ Việt Nam và màu cờ đỏ tung bay dưới trời Berlin. Năm ngoái, khi ghé qua Berlin đúng dịp Hội Bia, ông Vũ Mão nguyên bí thư Trung Ương Đoàn đã xúc động nhìn lá cờ và nói:“ Đẹp quá! Màu cờ đỏ của ta bay trong nắng gió Berlin”. 11 năm Việt Nam tham gia lễ Hội Bia có nghĩa là hàng triệu lượt người Đức và bạn bè Quốc tế đã đi qua gian hàng này đã từng nhìn thấy màu cờ ấy, hai chữ Việt Nam ấy. Trong đó có hàng chục nghìn người đã trực tiếp uống Bia Việt, ăn đồ Việt, xem văn công Việt. Rất nhiều người lần đầu tiên nghe đàn bầu, nghe sáo trúc. Lần đầu được nhìn thấy đàn tơ rưng, đàn chanh, đàn nhị… Họ không thể nghĩ đến với gian hàng Bia Việt lại được hiểu thêm về văn hóa Việt. Năm nào cũng vậy tôi đều dành thời gian đi thăm quan cả lễ hội Bia trải dài hàng mấy cây số ấy. Trong những lần đi đó lần nào tôi cũng gặp những ông tây bà đầm hân hoan đội những chiếc nón lá, mũ nan được bán trong gian hàng Bia Việt Nam. Chắc chắn rằng nhiều người trong số họ vì yêu thích hay hiếu kỳ sẽ đem nó về treo ở nhà mình. Và chiếc nón lá bình dị đó vô tình đã là biểu trưng cho Việt Nam, cho văn hóa Việt trong lòng bè bạn. Nhưng cũng trong những lần đi đó tôi đã không nhìn thấy hay không kịp nhìn thấy bất cứ gian hàng Bia nào có treo Quốc kỳ và Quốc hiệu như gian hàng Bia của ta. Có thể chăng, vì các thương hiệu Bia của bạn tự nó đã nói lên màu cờ sắc áo. Còn Bia của ta, lần đầu xuất hiện trong liên hoan có tầm cỡ như liên hoan Bia Quốc tế tại Berlin, giống như con tầu lần đầu tiên ra biển lớn, nếu không biết cách tạo ấn tượng đặc biệt, chắc nó sẽ bị chìm ngập trong hàng ngàn những thương hiệu Bia nổi tiếng và lâu đời khác. Công ty Hmsky đã đem Quốc kỳ, Quốc hiệu và cả những nét đặc sắc của văn hóa Việt quàng lên các sản phẩm Bia của ta làm cho nó lộng lẫy hơn trong mắt bạn bè Quốc tế và để cho người ta dễ dàng nhận ra Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn, Bia 333… là Bia của Việt Nam. Liên hoan Bia quốc tế lần thứ 15 này, ban tổ chức lễ hội định xác lập kỷ lục về một vườn Bia dài nhất thế giới, tới 2,2 km. Kỷ lục có được xác lập hay không còn chờ vào sự thẩm định khắt khe của hội đồng xét duyệt sách kỷ lục Ghinet (Guinness). Nhưng gian hàng Bia Viêt Nam đã lập được kỷ lục là gian hàng Bia có số lượng người đến đông nhất trong tất cả các gian hàng Bia tham gia lễ hội và cũng là năm có lượng khách đông nhất trong 11 năm tham gia lễ hội của mình. Quả là trời đã không phụ người có công.


     Với cộng đồng uống Bia người Việt, gian hàng Bia Việt Nam chính là điểm hẹn lý tưởng cũng mang tính thường niên như lễ hội. Tức cứ đến hẹn là anh em lại đến. Mà cũng chẳng riêng gì dân bia rượu. Các chị đẩy xe nôi, mấy mẹ nạ dòng, các cháu gái trẻ trung xinh đẹp cũng chen vai thích cánh tới hội Bia. Mà có phải để uống Bia đâu. Chỉ để “buôn” và xem ca nhạc. Hình như trong ầm ào của tiếng người, trong sặc sụa men Bia, mực, trong nồng nàn mùi đàn ông dễ làm người ta đưa chuyện hơn. Xem ca nhạc cũng phấn khích hơn. Chẳng riêng gì cộng đồng người Việt ở Berlin mới tới hội Bia. Tôi đã gặp người Việt mình từ Leipzig, Dresden, Hanover… đến. Cả người Việt từ Ba lan, Tiệp sang. Cũng là để thăm người thân thôi. Nhưng thăm nhau hẹn dịp hội Bia sẽ thêm vui và thêm… say. Tôi gặp một cậu em trẻ măng lặn lội một mình đến từ tây Đức. Cậu tâm sự:” Em từ Việt Nam sang công tác được một năm rồi. Bên kia buồn lắm anh ạ. Người Việt mình thì thưa thớt. Nghe nói có gian hàng Bia Việt tại lễ hội em mò sang để hưởng tý không khí Việt cho đỡ nhớ nhà”. Để được hưởng một tý không khí Việt, không kể chuyện tiền nong, chàng trai đó đã phải ngồi tàu 6 tiếng đi, 6 tiếng lại mà chỉ nội trong ngày thứ 7. Thế mới biết cái không khí sinh hoạt cộng đồng nơi đất khách đáng giá như thế nào. Trong 3 ngày hội Bia dù phải bận trong ban tổ chức quyên góp ủng hộ trẻ em khuyết tật tại Hà Nội vậy mà ngày nào tôi cũng phải uống đến say mèm. Không uống sao được. Đến bàn nào thì không bạn bè cũng là người quen. Bia rượu dễ làm người ta gần nhau hơn. Không phân biệt giàu nghèo. Không định kiến vùng miền. Tôi đã ngồi ở một bàn hầu hết là những chàng trai trẻ người miền trung. Họ la hét nổi đình nổi đám nhất gian hàng Bia Việt. Chỉ đôi ba tiếng vỏ Bia đã chất đầy dưới chân tạo thành một nhạc cụ cho những đôi chân đang cuồng vì Bia. Rồi người Hà Nội, người Nghệ An, Người Quảng Bình… cùng đạp vỏ chai, cùng nắm tay nhau nghiêng ngả hát theo tiếng ca sĩ Thanh Vinh đang hát trên sân khấu ca khúc mà anh vừa sáng tác dành riêng cho hội Bia.

Khi viết đến đây tôi mới nhớ ra là đã hơn mười năm nay tôi chưa bao giờ hỏi bạn tôi một câu rất đáng hỏi: Đấy là lý do gì? Động cơ nào để Hùng râu ra đời ý tưởng mở gian hàng Bia VN tại LH Bia quốc tế Berlin? Nhưng ngẫm lại, tôi thấy mình có thể hiểu được nguồn cơn. Thứ nhất vì văn phòng của công ty Hmsky nằm ngay trước lễ hội Bia. Thứ hai, Hùng râu vốn khởi nghiệp bằng nghề bán hội chợ từ hồi còn ở Neubrandenburg. Tôi cũng có thời giúp Hùng râu bán hàng ăn ở hội chợ. Các bạn tôi thì giúp Hùng râu bán quần áo. Hồi đó Hùng râu chưa mở công ty nhưng đã là doanh nghiệp người Việt thành đạt ở Neubrandenburg. Chắc từ hai lý do đó Hùng râu đã cho ra đời gian hàng Bia VN với mô hình lấy cái này quảng bá cho cái kia: Lấy Bia và các món ăn VN quảng bá cho du lịch và bán vé máy bay. Cũng chỉ là chuyện làm ăn vì miếng cơm manh áo thôi. Hùng râu thưở ấy và ngay bây giờ cũng chẳng thật nhiều tiền và rỗi hơi để mở sân chơi cho cộng đồng.

      Đúng là Hùng râu chưa bao giờ là người nhiều tiền và chẳng bao giờ rỗi hơi để làm những chuyện không đâu. Cứ nhìn cái dáng tất tưởi muôn thuở của anh ta thì biết. Nhưng khốn nỗi cái nghiệp, mà nói nặng hơn là nghiệp chướng cứ đưa đẩy Hùng râu đến với các sự kiện của cộng đồng nhiều khi như một kẻ rỗi hơi và thừa tiền. Thế mới biết khi tính toán con người ta cần đến lý trí nhưng khi hành động người ta lại dựa vào sự mách bảo của tình cảm. Mà tình cảm trong con người Hùng râu là tình cảm của người nghệ sỹ . Cho nên nhiều khi tính một đằng, kết cục lại xằng một nẻo. Để tồn tại ở cái nước Đức này mấy chục năm, Hùng râu cũng phải lăn lộn đủ nghề. Nhưng cho đến cùng nghề đàn hát là nghề đeo bám anh ta dai dẳng nhất. Mà cái nghề này chết nỗi chẳng đem lại cho anh ta một đồng lợi lộc nào cả. Ngay cả thời làm ông bầu ca nhạc dẫn dắt sang đây toàn sao lớn, sao bé mà lỗ vẫn cứ hoàn lỗ. Chẳng biết có lấy được cái lỗ nào làm lãi như thiên hạ từng ác ý mà đồn thổi không. Tam khoanh tứ đốm như thế nhưng có bỏ được ca nhạc đâu. Như cái vụ hội Bia này cũng vậy. Có ai bán vé vào xem ca nhạc ở hội Bia bao giờ đâu cho nên cần gì phải tốp hát nọ tốp hát kia, nhóm múa này nhóm múa khác làm gì cho tốn kém nhất là trong bối cảnh kinh tế eo hẹp như thế này. Vợ can không được. Bạn bè xúm vào can, tưởng được. Ai dè trước ngày khai hội lại thấy Hùng râu tất tả đón đoàn. Toàn là chỗ tiếng tăm, tốn kém. Mà túi anh ta có rủng rỉnh gì cho cam. Chạy tiền sốt vó lên ấy chứ. Thậm trí vay nặng lãi. Lại còn trời mưa trời nắng nữa. Nhức hết cả đầu. Ngày đầu tiên khai hội sân bãi còn ngổn ngang, sờ cái gì cũng thiếu. Chạy ngược chạy xuôi. Chạy đôn chạy đáo. Lúc mọi việc tưởng đã hòm hòm thì mưa lại sập xuống. Cũng may là mưa chỉ qua quýt. Trời tạnh mây quang. Khi bà con lũ lượt kéo đến. Âm thanh nổi lên. Mấy em múa xinh đẹp của nhóm múa Bonita xuất hiện trong xiêm y lộng lẫy. Khán giả reo hò. Cả tây cả ta tràn cả lên sân khấu uốn éo, phấn kích như lên đồng. Khi đó mới thấy bộ mặt thật của Hùng râu: giãn nở hết cỡ. Lăng xăng trên sân khấu mặc cho nhân viên nơi này kêu hết Bia, nơi kia bị mất nước. Chẳng cần tính toán được thua. Chỉ cần thiên hạ vui là mình vui. Đúng thật là Hùng râu.

Lại nhớ ngày đầu tiên tôi gặp Hùng râu. Cũng trong bối cảnh đàn sáo. Hôm ấy vô tình thế nào cũng đúng ngày Quỳnh Nga lặn lội từ Tiệp sang. Trong căn hộ không mấy rộng chật ních anh em Hà Nội. Hôm đó Hùng râu đã say mê hát một sáng tác mới của Phú Quang:”Em ơi! Hà Nội phố.”Chúng tôi ngồi nghe như bị thôi miên. Có ai đó tắt đèn và những bật lửa được bật lên. Những ngọn lửa như những vì sao nhỏ trên những cánh tay giơ cao cứ đung đưa theo tiếng nhạc. Kỷ niệm từ mỗi con đường, góc phố của Hà Nội bỗng ùa về trong tim. Khiến mọi người xúc động đến rưng rưng. Từ đó tôi biết Hùng râu. Và từ đó tôi mới biết dù đi đâu, về đâu, dù mua gì, bán gì nhưng trong cốp xe bao giờ cũng để sẵn một cây đàn Organ. Tiện đâu là có thể tụ bạ đàn hát. Còn nhớ cái đận tôi về Neubrandenburg giúp bạn bán hội chợ. Trong một lần về Berlin mua hàng rồi mê mải đàn hát cho đến gần hết đêm. Trên đường Autobahn để trở lại Neubrandenburg bỗng thấy Hùng râu hạ kính xe rồi thò một tay đặt lên mui xe. Trời thì lạnh dưới âm đến 20 độ. Thấy tôi tỉnh ngủ vì lạnh, Hùng râu giải thích: “Tôi không làm thế thì tôi sẽ ngủ mất. Tai nạn là cái chắc”. Tôi bảo:” sao không dừng xe ngủ lại độ một tiếng.” “Không kịp ông ạ. Phải về ngay cho mọi người có mỳ mà ngâm. Sáng mới có đồ mà bán hội chợ chứ”. Hùng râu là thế đấy: mải chơi và cũng mải kiếm tiền. Mải kiếm tiền như thế nhưng Hùng râu vẫn cứ lận đận vì tiền. Công cuộc kiếm tiền của Hùng râu cho đến giờ này vẫn như trò ú tim. Người vẫn mải mốt đi tìm. Tiền vẫn bặt vô âm tín. Nhưng sự nghiệp chơi của Hùng râu lại tạo được hiệu quả: Đấy là tiếng tăm hay còn gọi là sự nổi tiếng. Trong cộng đồng người Việt ở nước Đức, Hùng râu, là một cái tên ít người không biết. Vì thế cũng là cái tên được đàm tiếu không ít trong cộng đồng. Khen cũng có. Nhưng chê nhiều hơn. Lời chân thực cũng có. Lời thị phi càng nhiều. Càng lắm bạn tất càng nhiều thù. Vậy mà Hùng râu cứ lầm lũi làm, lầm lũi chịu đựng để vượt qua những sóng gió có thật của cuộc đời và cả những sóng gió của biết bao điều thị phi. Nhưng không phải lúc nào Hùng râu cũng dạn dày, can trường được như thế. Đã đôi lần tôi thấy Hùng râu khóc. Khóc không phải vì nỗi cùng cực. Mà khóc vì đời đã không hiểu mình. Đấy đích thực là những giọt nước mắt cay đắng. Đã rất nhiều người chơi với Hùng râu, cả yêu Hùng râu nữa. Nhưng mấy ai hiểu được Hùng râu. Kể cả đàn bà. Kể cả tôi.

Trong cuộc họp báo trước ngày hội Bia, lần đầu tiên Hùng râu được xưng tụng. Và xứng đáng được xưng tục ít nhất với công trạng đem Bia Việt và ít nhiều văn hóa Việt đến với bạn bè người Đức, bạn bè thế giới trong khuôn khổ liên hoan Bia Berlin 11 năm qua và cả trong những công việc thường nhật từ nhiều năm nay với tư cách là giám đốc công ty Hmsky- một công ty chuyên về quảng bá du lịch Việt. Còn trong buổi liên hoan gặp mặt bàn bè sau lễ hội Bia, lần đầu tiên Hùng râu được ủng hộ nhiều như thế. Không phải chỉ bằng lời nói mà bằng cả tiền mặt. Một con số không nhỏ. Tôi đã nhìn thấy Hùng râu bước lên sân khấu nói lời cảm ơn mà như muốn khóc. Không biết vì say rượu hay say tình. Đã đến lúc phải có những cánh tay trong hàng ngàn cánh tay, có những tấm lòng trong hàng ngàn tấm lòng bè bạn như thế đang giang rộng, sát cánh cùng Hùng râu để cho những sinh hoạt cộng đồng như hội Bia thêm khởi sắc.

      Đêm từ trung tâm thương mại Đồng Xuân trở về nhà, đi ngang nơi đã diễn ra lễ hội Bia tưng bừng mấy hôm trước, nay vắng tanh không một bóng người. Chẳng thể nhận được đâu là chỗ của gian hàng bia Việt. Lấy đâu cổng chào, sân khấu, cờ quạt mà định vị. Bất giác tôi chợt nghĩ: Giả sử từ năm sau vì lý do gì đó mà không có gian hàng Bia Việt nhỉ? Không biết mỗi mùa lễ hội bà con mình sẽ đi về đâu? Hỡi những chị đẩy xe nôi và những đệ tử trung thành của thần Lưu Linh? Các chị sẽ đẩy xe vào siêu thị, còn các anh lại hòa tan mình bên những người không nói cùng một ngôn ngữ, trong những thương hiệu Bia khác, của những quốc gia khác, có thể ngon hơn nhưng lấy đâu ra không khí nhốn nháo nhưng ấm áp của cộng động như trong gian hàng Bia Việt. Cả anh bạn trẻ của tôi đến từ tây Đức xa xôi nữa. Cũng sẽ chẳng còn không khí Việt để anh đỡ nhớ nhà. Bất giác tưởng tượng thế thôi mà sao lòng lại buồn nhỉ? Đêm nay là một đêm vui và thành công cơ mà!

>> Xem thêm: Chùm ảnh liên hoan Bia quốc tế Berlin lần thứ 15

  • Hùng Lý, Những ngày sau hội Bier. Berlin, CHLB Đức
  • Ảnh Lê Chương

Bình luận   

+1 #5 Minh Thu 13:05 24-10-2011
Cac anh oi, NguoiViet hay HuongViet thi deu la anh em ta ca thoi ma. Toi nghi nham lan 1 ty cung chang sao.
Hanoi, 24.10.2011
Trích dẫn
+1 #4 tiens thang 22:15 16-08-2011
cám ơn ban biên tập đá nhanh tróng trả lời.báo chí cũng phải có sự riêng biệt một chút.còn tin đăng lại thì thế nào cũng được
chúc ban biên tập luôn khỏe
tiến thắng
Trích dẫn
+1 #3 Hùng Lý 50:17 15-08-2011
Nếu thế thì có thể là lỗi của tôi rồi. Quả nhiên HuongViet đã đặt tôi viết bài này. Nhưng tôi nghĩ bản quyền là của tôi nên tôi cũng gửi bài này cho NguoiViet. Nếu có sai sót gì là do người gửi chưa nắm luật chăng? Dẫu sao cũng thành thật xin lỗi.
Trích dẫn
0 #2 BBT Hương Việt 15:11 15-08-2011
Trích dẫn tiens thang:
tôi đọc bài này trên báo điện tư nguoiviet vậy mà sang đây lại thấy một lần nữa ở huongviet trong trang chỉ có ở huongviet vây cho hỏi có gì nhầm lẫn không?


Cảm ơn bạn đã cho chúng tôi biết điều này. Bài viết "Có một hội Bia như thế ở Berlin hay có một Hùng râu như thế ở nước Đức!" được tác giả Hùng Lý (Hội NHN tại CHLB Đức) gửi cho BBT Tạp chí Hương Việt. Không hiểu vì lẽ nào mà những báo khác đăng lại không ghi rõ nguồn.
Trích dẫn
0 #1 tiens thang 34:21 14-08-2011
tôi đọc bài này trên báo điện tư nguoiviet vậy mà sang đây lại thấy một lần nữa ở huongviet trong trang chỉ có ở huongviet vây cho hỏi có gì nhầm lẫn không?
Trích dẫn

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.