feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần thứ 6 kể từ khi nhậm chức. Bên cạnh mục tiêu tăng cường mối quan hệ song phương, hy vọng tìm kiếm một sự ủng hộ thực tế hơn từ phía Trung Quốc với vấn đề nợ công châu Âu lại được đặt ra trong chuyến thăm lần này, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ đang càng lúc càng lan rộng và ảnh hưởng tới cả Trung Quốc. 

Chỉ trong vòng 6 tháng, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lại có một chuyến công du Trung Quốc, điều này cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Đức đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cũng dễ hiểu cho thái độ này của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Trước hết, Đức với tư cách là một nền kinh tế chú trọng xuất khẩu, chuyến thăm cấp Nguyên thủ này có lẽ là một bước ngoặt trong hợp tác kinh tế song phương với Trung Quốc, mở ra những cánh cửa hợp tác mới, đặc biệt để đánh dấu 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Có thể nói rằng, mối quan hệ giữa hai nước hiện nay trong lĩnh vực kinh tế là mối quan hệ “cộng sinh”, khi Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu, với gần một nửa hàng châu Âu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là của Đức. Trong khi đó, gần 1/4 hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào châu Âu được tiêu thụ tại Đức.

Thành quả của mối quan hệ này là gần 170 tỷ USD kim ngạch song phương đã đạt được trong năm 2011, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà kinh tế nhận định, Đức là nền kinh tế chú trọng xuất khẩu trong khi Trung Quốc lại là thị trường lớn nhất thế giới, bởi vậy, hai bên có thể hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực đang nổi như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái sinh... Đó là lý do mà trong chuyến công du đặc biệt này, Thủ tướng Merkel cùng 7 Bộ trưởng đã mang theo một phái đoàn công nghiệp lớn để thảo luận và đàm phán nhiều thỏa thuận và hợp tác mới giữa hai nước.

Bên cạnh những cái lợi cho riêng quốc gia mình như vậy, chuyến thăm này của Thủ tướng Đức còn mang theo những trọng trách của một nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Trong bối cảnh khối u nợ công đang công phá mạnh mẽ sức khỏe nền kinh tế khu vực và lan ra cả toàn cầu, Đức cùng mối quan hệ tốt đẹp hơn bao giờ hết với Trung Quốc đang là hy vọng lớn cho một giải pháp cứu vãn hiệu quả.

Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 2 đầu năm, bà Merkel cũng đã tìm kiếm sự trợ giúp của Bắc Kinh với đồng euro đang kiệt quệ. Rõ ràng, Trung Quốc với nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới - khoảng 3.200 tỷ USD, hoàn toàn có thể trở thành cứu cánh của châu Âu. Nhưng những lý lẽ của Đức đã gặp khó khi thuyết phục Trung Quốc bỏ tiền ra mua trái phiếu của các thành viên khu vực. Bởi hồi đầu năm, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bị thua lỗ lớn khi đổ tiền vào trái phiếu Hy Lạp, thời điểm Athens phải tái cơ cấu nợ dưới sự hậu thuẫn của các nước châu Âu. Và chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu năm của Thủ tướng Đức đã không đạt được kết quả như mong đợi.

Tuy nhiên, cái lý mà bà Merkel mang tới Bắc Kinh lần này được hy vọng sẽ làm Trung Quốc phải có những hành động đột phá. Đó là việc nợ công đã bắt đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Trung Quốc. Dẫn chứng cụ thể là theo báo cáo “Điều tra triển vọng toàn cầu” mới nhất của Tập đoàn Dịch vụ thông tin tài chính toàn cầu Markit, trong tháng 6 vừa qua, chỉ số Nhà Quản trị mua sắm của Trung Quốc và cả thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc sản lượng, các đơn đặt hàng mới và hợp đồng xuất khẩu mới tiếp tục giảm cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục phải đối mặt nguy cơ suy giảm kinh tế ngắn hạn. Như thế, việc Trung Quốc dang tay cứu đồng euro cũng chính là tự cứu mình. Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức còn thuyết phục rằng, trường hợp của Hy Lạp chỉ xảy ra một lần và bây giờ, trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha hấp dẫn hơn nhiều. Đồng thời, Đức hoàn toàn quyết tâm duy trì khu vực đồng tiền chung châu Âu với đối tác quan trọng hàng đầu là Trung Quốc.

Với những lập luận như vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Đức khiến người ta có thể hy vọng về một liệu pháp mới cho căn bệnh nợ công, thiết thực và hiệu quả hơn từ phía Trung Quốc. Một khi Bắc Kinh vừa nhìn thấy cái lợi khi hợp tác, vừa nhìn thấy cái hại khi còn e dè chưa “chìa tay” với EU, thì điều này là hoàn toàn có thể.

Có thể thấy rằng, hơn bao giờ hết, những bất đồng vẫn còn tồn tại giữa Đức và Trung Quốc cần phải gạt sang một bên, như vấn đề Syria, vấn đề hạt nhân Iran hay liên quan đến việc mở cửa thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… Lợi ích kinh tế, mối quan hệ song phương, đặc biệt là lời giải cho bài toán nợ công châu Âu mới là những ưu tiên hàng đầu mà hai cường quốc này cần bàn thảo, đưa ra những quyết sách mới trong chuyến thăm lần này./.

  • Phương Hoa/VOV 1


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.