feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Dư luận coi việc Hy Lạp được cứu là thắng lợi quan trọng, là kỷ nguyên mới mở ra đối với Hy Lạp và giúp ông Georges Papandreou ngồi vững trên chiếc ghế Thủ tướng, nhưng nhiều vấn đề cũng đã và đang nảy sinh…

Giới truyền thông đã kịp thời đưa những bức ảnh đầy mãn nguyện của Thủ tướng Hy Lạp Georges Papandreou sau khi các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Âu chấp thuận giảm giá trái phiếu chính phủ của nước này xuống 50%. Tin này được Tổng thống Pháp Nicolas Sakorzy thông báo vào sáng 27/10/2011 (theo giờ châu Âu). Dư luận coi đây là thắng lợi quan trọng, là kỷ nguyên mới mở ra đối với Hy Lạp và giúp ông Georges Papandreou ngồi vững trên chiếc ghế Thủ tướng, nhưng nhiều vấn đề cũng đã và đang nảy sinh.

Từ lạc quan, tin tưởng

Sau khoảng 10 tiếng thảo luận (gần trọn một đêm làm việc căng thẳng), các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được bước đột phá quan trọng trong việc tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp. Tuy là hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), nhưng người ta chỉ thấy Tổng thống Pháp Sarkozy, Thủ tướng Đức Merkel, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde và đại diện khu vực Eurozone Jean Claude Juncker thảo luận với các ngân hàng trong nhiều giờ để họ chấp thuận xóa 50% nợ cho Hy Lạp với tổng số tiền lên tới 100 tỷ Euro.

Theo đó, từ nay đến năm 2014, Athens sẽ tiếp tục vay thêm 100 tỷ Euro từ các quỹ công cộng và Quỹ EFSF sẽ đóng góp 30 tỷ Euro, còn việc bán các tài sản nhà nước Hy Lạp sẽ góp vào đó 50%. Việc tăng vốn cho Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) từ hơn 250 tỷ Euro hiện nay lên khoảng 1.000 tỷ Euro được coi là liều thuốc quan trọng giúp trấn an thị trường và cứu trợ các nước đang gặp khó khăn như Italia, Tây Ban Nha.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nhấn mạnh tới tính chất lịch sử của thỏa thuận vừa đạt được - đây là thỏa thuận mạnh mẽ, giúp ổn định thị trường và cho phép Hy Lạp tìm lại con đường phát triển bình thường. Thủ tướng Đức Angela Merkel không những bày tỏ sự hài lòng, mà còn cho rằng, đã đưa ra được những quyết định đúng đắn bởi trước đó chính phủ Đức đã kiên quyết yêu cầu - đến năm 2020 giảm mức nợ của Hy Lạp xuống còn 120% GDP.

Tổng thống Mỹ Barack Obama coi thỏa thuận của các nhà lãnh đạo EU là những nền móng cơ bản cho một giải pháp tổng thể đối với cuộc khủng hoảng nợ của khu vực Eurozone, đồng thời hy vọng kế hoạch của EU sớm được thi hành. Việc nhất trí tái cấp vốn cho các ngân hàng và ấn định mức vốn cố định của các ngân hàng lên 9% là động lực để giới đầu tư yên tâm "mở hầu bao".

Kết quả đạt được tại hội nghị thượng đỉnh EU đã bước đầu khôi phục niềm tin của giới đầu tư, giúp vực dậy đồng Euro cũng như triển vọng tăng trưởng của khu vực này. Hãng Standard & Poor's đã xếp hạng AAA đối với EFSF khi cho rằng, việc đảm bảo từ các quốc gia thành viên Eurozone là yếu tố đối với việc xếp hạng này. Khi trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag, Chủ tịch ECB Jean Claude Trichet cho rằng, khủng hoảng tuy chưa kết thúc nhưng tin lãnh đạo châu Âu sẽ khôi phục được sự ổn định tài chính khu vực.

Lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Âu.

Giới truyền thông đưa tin, để đạt được kết quả kể trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã phải nhiều lần bỏ dở hội nghị thượng đỉnh để thảo luận trực tiếp với các đại diện của Hiệp hội các ngân hàng thế giới (IIF). Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde và lãnh đạo các tổ chức châu Âu cũng muốn các ngân hàng giảm bớt những đòi hỏi đối với Hy Lạp. Và lãnh đạo của 17 nước thành viên Eurozone và giới chủ ngân hàng đã đạt được thỏa thuận 3 điểm mang tính đột phá trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực Eurozone.

Đồng Euro tăng 0,5% so với USD, lên 1,3975 USD/Euro lúc 11h31’ ngày 27/10 trên sàn giao dịch Tokyo sau khi lãnh đạo EU thuyết phục những trái chủ của Hy Lạp chấp thuận phương án giảm 50% giá trị trái phiếu nhằm giảm gánh nặng nợ công cho quốc gia này.

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi cũng vừa cam kết huy động 5 tỷ Euro/năm (khoảng 8 tỷ USD/năm) từ bán tài sản, tăng tuổi nghỉ hưu và nới lỏng luật lao động để thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu tin rằng, Italia có thể thực hiện tốt các mục tiêu ngân sách. Chương trình bán tài sản sẽ được hoàn thành trước thời điểm ngày 30/11/2011. Nhưng giới chuyên môn cho rằng, việc có thêm 5 tỷ Euro/năm chẳng giải quyết được nhiều vấn đề tại quốc gia có tổng nợ lên tới 1,9 nghìn tỷ Euro, tương đương khoảng 120% GDP như Italia.

Vai trò của các nước mới nổi

Ngày 28/10, ông Klaus Regling, Giám đốc điều hành EFSF đến Bắc Kinh để thuyết phục giới đầu tư rót tiền vào quỹ này, nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào xung quanh chủ đề này.

Trước đó (27/10), Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo chấp thuận việc tham gia vào chương trình giải cứu châu Âu. Bởi nếu kinh tế châu Âu bị tổn thương thì nhu cầu xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng lớn. Ông Nicolas Sarkozy cho rằng, sự độc lập của châu Âu sẽ không bị thiệt hại bởi hỗ trợ tài chính của Trung Quốc và nếu Trung Quốc (đang sở hữu khoảng 60% dự trữ thế giới) thích đầu tư vào đồng Euro thì không nên từ chối.

Hiện Trung Quốc là nước có nguồn dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với 3.200 tỷ USD. Hãng tư vấn tài chính Rhodium ước tính, các công ty Trung Quốc có thể đầu tư 1.000 tỷ USD ra nước ngoài trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Giới truyền thông đưa tin, tháng 1-2011, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm EU đã ký một hiệp định mua hơn 2 tỉ USD trái phiếu của khu vực này để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Tháng 4/2011, trong buổi hội kiến Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cam kết, Trung Quốc sẵn sàng mua tiếp trái phiếu, tham gia vào Quỹ tái cơ cấu Ngân hàng dự trữ ngoại tệ của Tây Ban Nha.

Nhưng cho tới nay Trung Quốc mới đầu tư 300 triệu Euro vào Quỹ EFSF. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng kêu gọi châu Âu nhanh chóng có biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định tài chính và xoa dịu nguy cơ khủng hoảng toàn cầu. Ngày 28/10, tờ Financial Times Deutschland cho rằng, Trung Quốc đang cân nhắc cấp khoảng 100 tỷ USD cho EFSF.

"Trung Quốc hi vọng các biện pháp mà các nước châu Âu đạt được sẽ giúp đối phó với các vấn đề nợ và khôi phục niềm tin cũng như ổn định của châu Âu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã tuyên bố như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 27/10.

Giới truyền thông đưa tin, các nước mới nổi chính thức nhảy vào cuộc bằng việc tham gia bơm tiền cho IMF nhằm nâng cao tiếng nói của mình trên trường quốc tế. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega đã bác bỏ ý định mua trái phiếu, nhưng có thể hỗ trợ về mặt tài chính thông qua IMF. Mặc dù lãnh đạo châu Âu đã thông qua kế hoạch giải cứu khu vực Eurozone, nhưng vấn đề chính hiện nay là liệu kế hoạch đó có trở thành hiện thực sau khi giới kinh tế đặt câu hỏi: 1.000 tỷ Euro (khoảng 1.400 tỷ USD) dành cho EFSF sẽ được lấy từ đâu.

Ngoài ra, kế hoạch và lộ trình chi tiết để nâng vốn cho EFSF vẫn đang là vấn đề còn phải thảo luận nhiều bởi cần sự tham gia của nhiều quốc gia, tổ chức tài chính lớn trên thế giới, không thể vận hành trong nội khối Eurozone.

Tới những cảnh báo

Theo thống kê, lãnh đạo châu Âu đã gặp nhau 13 lần tại những cuộc họp thượng đỉnh trong 21 tháng qua để thảo luận về vai trò của các tổ chức quốc tế trong việc giải cứu châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công. Và 27 nước thành viên EU vừa quyết định tái cơ cấu vốn của các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng phải nâng tỷ lệ vốn cốt lõi lên 9% để đề phòng rủi ro, chứ không phải ở mức 4% như luật pháp qui định trước đây. Việc này phải được thực hiện chậm nhất vào ngày 30/6/2012.

Giới chuyên môn khuyến cáo, việc tái cơ cấu vốn của ngân hàng sẽ rất tốn kém. Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu dự kiến sẽ tiêu tốn đến 106 tỷ Euro. Các ngân hàng Hy Lạp sẽ cần đến 30 tỷ Euro, trong khi các ngân hàng Tây Ban Nha cần 26,16 tỷ Euro, các ngân hàng Italia cần 14,77 tỷ Euro, các ngân hàng Pháp cần 8,84 tỷ Euro, các ngân hàng Đức cần 5,18 tỷ Euro.

Giới kinh tế cho biết, cuộc khủng hoảng nợ công khiến châu Âu gặp khó khăn trong việc huy động USD nên phải vay tiền từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông qua các hợp đồng hoán đổi ngoại tệ (swap). Theo đó, ECB đã phải sử dụng hợp đồng swap - thế chấp số Euro tương đương khi vay FED 500 triệu USD. Không ít nhà kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu giống như chứng ung thư - chỉ chữa khỏi khi phát hiện sớm và điều trị với chế độ nghiêm ngặt.

Ngày 28/10, tờ Liberation của Pháp đã giải mã các biện pháp đối phó khủng hoảng mà hội nghị thượng đỉnh EU vừa thông qua. Trong đó đặc biệt quan tâm tới tuyên bố của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại cuộc họp - các nhà đầu tư được mời đến dự hội nghị thượng đỉnh không phải để tham gia thảo luận mà để biết về các quyết định được thông qua. Ông Nicolas Sarkozy tuy cho rằng, thỏa thuận đạt được tại Brussels của lãnh đạo châu Âu về giảm nợ cho Hy Lạp, tăng quỹ giải cứu và tái cấp vốn cho các ngân hàng đã ngăn chặn một thảm họa, có thể tác động tới tất cả mọi người, nhưng cũng chỉ trích quyết định để Hy Lạp gia nhập khu vực Eurozone, đồng thời coi đó là một sai lầm và châu Âu đang phải trả giá cho điều đó.

Trong khi Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde hoan nghênh thỏa thuận của các nhà lãnh đạo EU và coi đó là một bước quan trọng để giải quyết khủng hoảng thì Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu còn phải tiếp tục có những quyết định khó khăn hơn trong quá trình giải quyết khủng hoảng nợ công.

Tuy chỉ chiếm hơn 1% tổng dân số thế giới nhưng xuất khẩu của Đức chiếm tới 9% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, đồng Euro là sự gắn kết sức mạnh của nền kinh tế nước này và khu vực Eurozone là nguồn cầu lớn nhất đối với xuất khẩu của Đức. Nếu không có Đức, EU sẽ tan rã bởi nước này tài trợ nhiều nhất cho khu vực Eurozone. Giới bình luận cũng nhận định, cuộc khủng hoảng nợ của khu vực Eurozone có nguy cơ gây rạn nứt EU, sau khi Anh cảnh báo các nước ngoài Eurozone có thể là "những người ngoài cuộc".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cũng bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone đang tạo ra rạn nứt giữa các cường quốc châu Âu. Thậm chí các nước đã gia nhập Eurozone cũng lo ngại rằng, các nước ngoài Eurozone có nguy cơ trở thành "công dân châu Âu hạng hai". Hãng Fitch Ratings cho rằng, thỏa thuận giảm 50% giá trị trái phiếu Hy Lạp của lãnh đạo châu Âu có thể gây vỡ nợ nếu các nhà đầu tư chấp nhận nó bởi điều này giống như việc vỡ nợ theo đúng tiêu chuẩn đánh giá của họ.

Theo giới chuyên môn, vấn đề Hy Lạp đã được giải quyết một cách cưỡng bức bởi các ngân hàng cấp tín dụng cho Athens cảnh báo, việc xóa 50% nợ cho nước này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Hiện Bộ trưởng Tài chính các nước EU đang tiếp tục đàm phán về chi tiết của kế hoạch giải cứu này và nhiều vấn đề sẽ nảy sinh. Đã có không ít chuyên gia kinh tế và nhà phân tích đề cập tới việc để Hy Lạp vỡ nợ.

Nếu Hy Lạp vỡ nợ, nước này sẽ ngay lập tức thoát khỏi gánh nặng khổng lồ từ khoản lãi suất phải trả cho nợ nước ngoài, để lại cho ngân sách một khoản thâm hụt khiêm tốn. Với kịch bản này, sức ép về các khoản thắt lưng buộc bụng sẽ giảm đáng kể, thậm chí cho phép Hy Lạp chọn lựa chính sách thúc đẩy tăng trưởng phù hợp nhất, thay vì những biện pháp đang thực hiện. Vẫn biết rằng, vỡ nợ không phải là liều thuốc bổ, nhưng là bước đi cần thiết đầu tiên để Hy Lạp có thể tái cơ cấu, phục hồi kinh tế.

Kể từ ngày thành lập, EFSF đã đóng góp 17,7 tỷ Euro vào chương trình cứu trợ 67,5 tỷ Euro cho Ireland; 26 tỷ Euro vào chương trình cứu trợ 78 tỷ Euro cho Bồ Đào Nha và có thể tài trợ hơn 70 tỷ Euro cho Hy Lạp trong khuôn khổ gói giải cứu trị giá 110 tỷ Euro sẽ được giải ngân trong năm nay. Có tin nói rằng, lãnh đạo EU từng bác bỏ việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục tăng cường gói cứu trợ đối với gói giải cứu châu Âu sau khi rót hàng nghìn tỷ Euro cho Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha trong năm 2010 và mở rộng chương trình này đối với Italia, Tây Ban Nha hồi tháng 8/2011.

Theo thống kê, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2011, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu đã đạt 3,3 tỷ USD, vượt mức đầu tư của Bắc Kinh vào khu vực này trong năm 2010. Theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của nước này tính đến cuối tháng 6/2011 là 330 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với mức 30 tỷ USD của năm 2002. Tuy nhiên, lượng đầu tư này mới chỉ chiếm 1,6% đầu tư trực tiếp nước ngoài của toàn thế giới. Theo thống kê, khoảng 25% trong tổng số 3.200 tỉ USD dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là đầu tư vào các tài sản định giá theo đồng Euro.

Tiền giấy và tiền xu Euro được phát hành và lưu thông từ năm 2002 và việc ra đời đồng tiền chung là một ý tưởng hay. Trong 7 năm đầu, các quan chức châu Âu làm việc ở Brussels, Bỉ đều đánh giá cao về những thuận tiện khi sử dụng đồng Euro. Nhưng chỉ 2 năm qua, đồng Euro đã trải qua nhiều biến cố sau khi Hy Lạp, Ireland đứng trước nguy cơ phá sản. Tháng 5/2010, EU chi ra 110 tỷ Euro giúp Hy Lạp và 6 tháng sau đến lượt Ireland phải cứu với ngân khoản 85 tỷ Euro. Sang năm 2011, EU tiếp tục phải "tiếp sức" cho Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia và một số nước khác trong khu vực Eurozone.

  • Nguyễn Thị Lân - Lê Trí Thiện, CAND


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.