feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có một tuyên bố khiến người dân và giới quan sát không khỏi ngỡ ngàng, đó là “chủ nghĩa đa văn hóa” (Multikulti) - hay nói cách khác là chính sách xây dựng một nước Đức đa văn hóa – đã “hoàn toàn thất bại”.

Tuyên bố trên như hòn đá ném vào “cái ao” xã hội văn hóa đơn nhất của Đức đang ngầm dậy sóng về vấn đề nhập cư và chủ nghĩa tự tôn dân tộc - một vấn đề mà vì nhiều lý do, với người Đức, vẫn là một đề tài nhạy cảm kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai. Giới quan sát nhận định Thủ tướng Merkel ám chỉ tới những vấn đề xã hội và địa chính trị, có thể trở thành đề tài chung của châu Âu, liên quan tới những chính sách của châu lục này trong vấn đề người nhập cư.

Phát biểu trong cuộc họp với các thành viên trẻ của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) theo đường lối bảo thủ, bà Merkel đã kêu gọi những người nhập cư học tiếng Đức, thừa nhận các giá trị của đạo Cơ đốc và nền văn hóa Đức. Theo bà, “Multikulti” – khái niệm mà nước Đức đang chung sống và thấy hài lòng về mặt hình thức thực chất không tồn tại. Và chính phủ chỉ hỗ trợ người nhập cư không thôi là chưa đủ, mà phải có quyền đòi hỏi người nhập cư ý thức hòa nhập cộng đồng. Nữ Thủ tướng cũng khẳng định đạo Hồi là một phần của nước Đức và thúc giục chính phủ có các khóa đào tạo cho giáo sỹ Hồi giáo trong nước. Bà cũng nói rằng nước Đức, nền kinh tế số một Liên minh châu Âu (EU), cần các chuyên gia có kỹ năng người nước ngoài để duy trì đà tăng trưởng hiện nay.

Lật lại quá khứ, vấn đề người nhập cư không phải là quá mới mẻ đối với nước Đức. Sau Đại chiến thế giới thứ hai, nước Đức thiếu nhân công nghiêm trọng. Khi đó, người nhập cư từ các nước thuộc Trung Âu và Đông Đức được coi là một giải pháp tình thế khá hiệu quả. Tuy nhiên, dòng người này không thể lấp đầy khoảng trống quá lớn. Nước Đức cần nhiều hơn nữa người lao động có tay nghề để thúc đẩy nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu, hoạt động trong các ngành sản xuất, xây dựng… Giải pháp dài hạn là khuyến khích người nhập cư, tuyển dụng lao động từ nước ngoài như Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Tư cũ. Điều này dẫn tới cái gọi là  “gastarbeiter”, tiếng Đức có nghĩa là “những vị khách công nhân”. Khi đó, người Đức không nghĩ rằng làn sóng nhân công nước ngoài này có thể làm thay đổi xã hội Đức vì đơn giản họ chỉ coi đây là lực lượng lao động tạm thời, không phải là người định cư lâu dài. Với quan điểm này, lao động nước ngoài chỉ là các khách mời và sẽ trở về nước họ khi hợp đồng hết hạn. Và đây không phải là vấn đề dài hạn của nước Đức. Không chỉ lấp đầy thiếu hụt nhân công, sự hiện diện của lao động nước ngoài còn cho phép hàng triệu lao động không có tay nghề của Đức gia nhập giới cổ cồn trắng trong thập niên 1960. Tuy nhiên, sau cuộc suy thoái kinh tế năm 1966 và cuộc khủng hoảng sau cơn sốc giá dầu năm 1973, các điều kiện lao động tại Đức đã thay đổi. Nước Đức phải đối mặt với bài toán thất nghiệp trong giới nhập cư, trong khi nhiều người nhập cư quyết định định cư lâu dài, tạo nên một cộng đồng dân cư đa thế hệ, đa sắc tộc. Từ đó đặt ra các vấn đề xã hội. Khái niệm “xã hội đa văn hóa” ra đời vào cuối thập niên 1980 của thế kỷ trước, theo đó cộng đồng người nhập cư được quyền giữ bản sắc văn hóa của nước họ, theo đuổi tín ngưỡng của họ song phải trung thành và hòa nhập với nước Đức, thừa nhận các giá trị châu Âu. Điều này không phải là dễ dàng đối với nhiều cộng đồng người nhập cư, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ. Họ không chấp nhận nói tiếng Đức cũng như không chia sẻ các giá trị chung của Đức và châu Âu.

Trở lại với nước Đức ngày nay, thực tế trên vẫn hiện hữu và ngày càng rõ nét. Không thể bỏ qua một bộ phận dân chúng Đức không ưa người nhập cư và không chấp nhận chung sống hòa bình với cộng đồng này. Theo họ, chính sách “đa văn hóa” này thực chất là nhằm mua sự trung thành của người nhập cư. Họ không muốn và cũng không biết cách làm thế nào để đồng hóa về mặt văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng và đạo đức giữa các dân tộc. Nhiều ý kiến cho rằng “đa văn hóa” không thể hiện sự tôn trọng với các dân tộc mà chỉ là một cách lẩn tránh câu hỏi làm thế nào để dung hòa các lợi ích, các mối mâu thuẫn.

Khái niệm này làm gia tăng khoảng cách giữa người nhập cư và người dân sở tại. Được quyền duy trì bản sắc văn hóa của mình, cộng đồng người nhập cư coi nước Đức là nơi kiếm ăn, là nơi đảm bảo một cuộc sống tiện nghi và họ dồn tình yêu cho cố quốc, cho tín ngưỡng của họ. Điều này đặt nước Đức vào thế khó, chứng kiến những mâu thuẫn mang tính thâm căn cố đế giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây cũng như các vấn đề liên quan tới chủ nghĩa dân tộc khi mà có tới 4 triệu người nhập cư là tín đồ Hồi giáo ngay trong lòng nước Đức.

Với tuyên bố của mình, Thủ tướng Merkel đã xới lại vấn đề khá nhạy cảm này và giới phân tích cho rằng, có thể ngầm hiểu thông điệp của nữ chính khách này là “chủ nghĩa đa văn hóa” có thể là một thảm họa quốc gia và xa hơn điều này có thể ảnh hưởng tới không chỉ nước Đức và châu Âu mà còn tác động tới sự cân bằng quyền lực toàn cầu. Thực tế, không riêng gì nước Đức, mà cả châu Âu và thế giới đều đang phải đối mặt với những xung đột về văn hóa, liên quan trực tiếp tới vấn đề người nhập cư.


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.