feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Số phận trớ trêu của 80 vạn “con hoang của phát xít”Bên cạnh hàng chục vạn phụ nữ Pháp từng "liên quan" đến lính Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai thì ở Pháp, có khoảng 20 vạn trẻ em sinh ra trong cuộc chiến này với thân phận rất đặc biệt: “Con hoang của phát xít”. Những người phụ nữ Pháp từng “liên quan” tới lính Đức và những đứa trẻ có mẹ Pháp, bố Đức này suốt một thời kỳ dài đã bị xã hội tẩy chay và ghét bỏ.


Lớn lên trong bất hạnh

 


Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi phát xít Đức đầu hàng quân Đồng minh và rút khỏi Pháp, ở đất nước này người ta đã thống kê có khoảng hơn 20 vạn đứa trẻ được sinh ra có bố là người Đức. Đây là kết quả của hơn 10 năm quân Đức đóng quân tại Pháp. Những đứa trẻ được sinh ra trước và sau chiến tranh này có thể là kết tinh của tình yêu nhưng cũng có thể là hậu quả của những vụ hiếp dâm, những vụ mua bán thân xác giữa quân Đức và những người phụ nữ Pháp. Và hơn 60 năm khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã đi qua, những đứa con lai này dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn không thể quên được những tháng ngày cơ cực, khó khăn khi phải mang danh "con hoang của phát xít".

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Toulouse của Pháp, ngay từ nhỏ cậu bé De Luomi Lisieux đã phải chịu sự khinh miệt không những từ bạn học mà ngay cả những người họ hàng của cậu. Mỗi khi bước chân ra cửa hoặc đến trường học, Lisieux đều phải nghe những lời miệt thị như "Đứa con hoang", "Con rơi" hay  "Con của quân phát xít"... Vì thế tuổi thơ của Lisieux trôi qua trong sự cô đơn, tự ti và mặc cảm tội lỗi mà không phải do cậu gây ra.

"Tôi không hiểu tại sao họ lại có thể thích thú như vậy mỗi khi nhìn thấy tôi. Cả tuổi thơ, tôi đã không có lấy nổi một người bạn. Họ xa lánh, hắt hủi, dè bỉu như tôi đã mắc phải căn bệnh lây nhiễm nào đó. Đến cả thầy cô giáo, những người luôn rao giảng đạo đức làm người cũng không hề tỏ ra thông cảm hay quý mến tôi" - Lisieux nhớ lại. Tuổi thơ của người đàn ông này đã không hề bình lặng, ông thường xuyên phải đối mặt với những lời thị phi của người đời. "Khi trong làng xảy ra mất trộm hoặc có điềm gì đó không hay, những người dân làng sẽ vu ngay cho tôi". Lisieux nhớ lại.

Sự cô đơn, tủi hờn trong thời thơ ấu của Lisieux đã không được người mẹ của ông sẻ chia, bà đã bị bắt giam ngay sau khi ông được sinh ra vì tội "phản bội Tổ quốc" do trót ăn nằm với một người lính Đức. “Tôi lần đầu tiên được nhìn thấy mẹ bằng xương bằng thịt khi đã gần 10 tuổi, vì khi đó mẹ tôi mới được... ra tù”. Lisieux nói.

Năm 13 tuổi, cậu bé Lisieux đã hỏi mẹ rằng: "Con hoang phát xít, tại sao lại bị đối xử như thế”? Mẹ cậu khi đó chỉ nuốt nước mắt và bảo rằng: "Bởi phát xít là những người không tốt”. Từ đó, trong tâm trí còn non nớt của Lisieux hiểu rằng, bố cậu là “một người không tốt". Năm 17 tuổi, Lisieux tìm thấy trong nhà kho của gia đình một bức ảnh đã úa màu chụp mẹ cậu với một người lính Đức. "Đó là bố tôi, tôi được sinh ra trong tình yêu, nhưng kết quả của tình yêu đó thật bi đát". Đến tuổi trưởng thành, vì trong sơ yếu lý lịch có ghi hai chữ "con hoang" nên khi đi làm và thực hiện nghĩa vụ quân sự, De Luomi Lisieux đều gặp phải những khó khăn và cản trở nhất định. Khi đến tuổi lấy vợ, mặc dù khá đẹp trai và chăm chỉ làm ăn, nhưng hầu như những ông bố bà mẹ có con gái trong vùng đều không muốn gả con cho Lisieux. Họ đều nói rằng: "Hay hớm gì dạng con hoang đó".

Sống trong tủi nhục

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không chỉ tại Pháp mà còn nhiều nơi khác ở châu âu, cũng có những “đứa con hoang phát xít”. Theo số liệu thống kê, riêng ở châu âu, có khoảng hơn 80 vạn trẻ được sinh ra có bố là lính phát xít Đức. Và đương nhiên, cuộc sống và thân phận của bất kỳ đứa trẻ nào trong con số hơn 80 vạn này đều cơ cực và tủi nhục như nhau.

Riêng tại Na Uy, Chính phủ nước này đã thống kê được có hơn 10.000 đứa trẻ được sinh ra sau chiến tranh có bố là phát xít Đức. Trong thời gian chiến tranh, để nịnh quân Đức, Chính phủ Na Uy khi đó đã thực hiện kế hoạch tác chiến tại chỗ, có nghĩa là khuyến khích xây dựng tình cảm giữa lính Đức và phụ nữ Na Uy. Sau đó, mỗi đứa trẻ mẹ Na Uy, bố Đức được sinh ra đều được đánh số để có chế độ đãi ngộ đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi quân Đức bại trận, những đứa trẻ được đánh số này thay vì có chế độ đãi ngộ đặc biệt thì bị xã hội tẩy chay và coi như... không tồn tại.

Trường hợp bị tống vào tù vì trót ăn nằm với lính Đức giống như trường hợp mẹ của De Luomi Lisieux không phải là hiếm. Không những bị dày vò về mặt thể xác mà những người phụ nữ đáng thương này còn bị tra tấn về mặt tinh thần khi đi đâu họ cũng bị réo với những từ rất độc ác: "Dâm phụ, thông dâm hay... con đĩ". Thậm chí đối với những trường hợp có con, dù đó là kết quả của tình yêu hay bị làm nhục, những người phụ nữ này đều bị cạo sạch đầu rồi bị đem bêu riếu khắp thôn xóm.


Có những nơiC, không chỉ cạo trọc đầu và bị bêu riếu khắp nơi, những người phụ nữ này còn bị làm nhục bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Điển hình, ở vùng Saint -Quentin (Pháp), nếu phát hiện ra cô gái nào đã ăn nằm với lính Đức, người dân địa phương sẽ bắt giữ rồi trói cô gái vào một cái cọc được đặt giữa đường, cạo sạch tóc và vẽ lên mặt những ký hiệu kỳ lạ được gọi là sự trừng phạt của Thượng đế. Không những thế, những cô gái này còn bị bắt khoả thân để những người đi qua sỉ nhục và chửi rủa. Có một số trường hợp, những cô gái này còn bị kéo lê bằng xe tải, người dân đi sau khua chiêng gõ trống như đi xem... hội. Thậm chí có một số phụ nữ đã bị đánh đến chết, một số thì do không thể chịu được sự nhục nhã và dè bỉu của xã hội nên đã chọn cái chết để giải thoát.

Thực ra, phần  lớn những người phụ nữ Pháp đã ăn nằm với lính Đức trong chiến tranh đều có những hoàn cảnh riêng. Có trường hợp đơn giản chỉ là gái mại dâm “ăn bánh thì phải trả tiền”, nhưng cũng có trường hợp do bị lừa gạt hoặc bị lính Đức làm nhục. Tuy nhiên đối với dư luận, dù là gái mại dâm hay chỉ là cô nữ sinh trung học mười mấy tuổi khi đã ăn nằm với lính Đức thì cũng bị đánh đồng như nhau. Có trường hợp thương tâm như giáo viên lừa để sắp xếp cho nữ sinh tiếp lính Đức để trường học không bị phá huỷ. Cũng có trường hợp bà mẹ trẻ vì một nguyên nhân nào đó đi phá thai cũng bị nghi ngờ là do trót ngủ với lính Đức.... Đương nhiên, tất cả những người phụ nữ này đều không có cơ hội để giải thích nỗi oan ức của mình.

Gần đây, cuộc sống của “những đứa con hoang phát xít” này đã có những cải thiện đáng kể. Một năm trước, Chính phủ Đức đã có quyết định nhập quốc tịch Đức cho con của những người lính nước này sau Chiến tranh thế giới thứ hai tại Pháp. Sau khi thông tin này được đưa ra, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner đã thừa nhận: "Những đứa con lai này đều là nạn nhân vô tội của chiến tranh. Điều quan trọng nhất của chúng ta là phải trả lại thân phận con người cho họ".      

HẢI HIỀN


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.