feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo châu Âu hiếm khi phải lo lắng về công việc nhàm chán là lôi kéo công luận. Nhưng thực tế giờ đây không còn như vậy nữa.

Liên minh châu Âu là một công cụ để quản lý hòa bình các mâu thuẫn giữa các quốc gia để những thỏa hiệp vội vàng trong phòng họp tẻ nhạt ở Brussels thay thế cho những đụng độ trên chiến trường. Và tổ chức đã làm khá tốt việc này. Nhưng sự thỏa hiệp trong dự luật về đóng gói bao bì thực phẩm và luật về độ cong của quả dưa chuột không giống như thỏa hiệp về vấn đề bảo vệ biên giới, chính sách quốc phòng và thuế khóa. Anh đơn giản không chấp nhận mức thuế của Bỉ; Pháp sẽ không bao giờ từ chối những khoản trợ cấp nông nghiệp hào phóng của EU; và không nước nào sẽ sẵn sàng con em đi chiến trường vì những giá trị châu Âu nếu họ phản đối hành động quân sự - như Đức đã chứng minh bằng việc không tham gia vào cuộc chiến Libya.

Garton Ash viết: "Bản sắc châu Âu vẫn là thứ bản sắc thứ yếu và nhạt nhẽo. Người châu Âu hiện nay không được kêu gọi hy sinh vì châu Âu. Hầu hết trong chúng ta đều thậm chí không được kêu gọi sống vì châu Âu". Đây là mấu chốt của vấn đề. Sẽ không quan trọng nếu EU vẫn là một khối thương mại tự do kiểu NAFTA như hồi trước những năm 1990. Nhưng khi một nước mất đi quyền phủ quyết đối với đạo luật mình phản đối và các quyết định được thực hiện dựa trên tỷ lệ biểu quyết đa số, nước đó đã đánh mất phần lớn quyền quyết định đối với cuộc sống của cộng đồng mình. Khi các nước cùng nhau tạo ra một đồng tiền chung với các luật lệ chung, họ cần tin tưởng mỗi bên sẽ đều tuân thủ nó. Và khi các nước trao quyền kiểm soát biên giới cho người khác, như châu Âu đã làm ở Schengen, họ cần có niềm tin rằng những nước khác cũng sẽ làm như thế.

Điều đó cũng quan trọng đối với những người dân thường. Một người Anh nghèo trong một khu liên hợp nhà công cộng có quyền đặt câu hỏi tại sao mình lại phải đóng thuế để trợ cấp cho những nông dân Pháp giàu có. Và nếu một công nhân Đức về hưu chậm 5 năm so với người Hy Lạp, nghĩa là người Đức cũng có quyền được hỏi tại sao lại phải bỏ một phần thu nhập mồ hôi công sức của mình cho người Hy Lạp để họ chỉ phải làm việc ít hơn chứ. Quả thực, các thăm dò cho thấy hầu hết người Đức kịch liệt phản đối cứu trợ Hy Lạp, một thái độ được phản ánh rõ trên các tờ báo quốc gia. "Người Hy Lạp thậm chí còn muốn thêm nhiều tỷ tiền của chúng ta nữa", tựa đề một bài viết trên tờ báo bán chạy nhất năm 2010 Bild viết - và đây thậm chí còn là bài viết trước khi diễn ra làn sóng cứu trợ hàng loạt hồi năm ngoái.

Vấn đề này ít nhiều liên quan đến cuộc khủng hoảng niềm tin. Người Hà Lan không tin tưởng người Bulgaria và Romania sẽ bảo vệ biên giới của họ, nên đã rút khỏi Hiệp định Schengen. Người Đức không tin người Hy Lạp tiêu xài tiền của mình một cách hợp lý, nên đã chỉ trao tiền nhỏ giọt. Người Ba Lan và Baltic không tin EU sẽ bảo vệ họ khỏi sự quyết liệt của phương Đông, nên họ cậy nhờ vào NATO và Mỹ. Và người Anh không tin người châu Âu có thể làm gì giỏi hơn họ, có lẽ ngoại trừ cách ăn mặc phong cách hơn và những món ăn có khẩu vị tốt hơn.

Bên cạnh đó là cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp. EU nắm trong tay những quyền năng đặc biệt, nhưng lại tiến hành nhiều hành động mà không tham khảo ý kiến người dân và không có những chiếc "van an toàn" cơ bản mà ai cũng nghĩ là đương nhiên phải có trong một nền dân chủ. Đơn cử, không ai hỏi người Đứ họ có muốn từ bỏ đồng mark Đức mà họ hằng quý trọng hay không. Chính phủ đã đưa ra quyết định ấy thay họ, với lý do rằng một đồng tiền chung sẽ được ràng buộc bằng những quy định nghiêm ngặt - điều sau đó đã gây bất đồng giữa Paris và Berlin - và rằng một liên minh tiền tệ sẽ không dẫn đến việc đem của cải của nước giàu chia cho nước nghèo - điều đã chứng tỏ hoàn toàn sai trong thời gian qua.

Ở đa số các nền dân chủ, nếu bạn không thích một chính phủ, bạn có thể bỏ phiếu buộc họ giải tán. Nhưng trong cơ chế của EU, điều này đơn giản là không thể. Cả Ủy ban châu Âu và chủ tịch của Ủy ban - thứ gần nhất ở EU có thể gọi là cơ quan điều hành - đều không được bầu cử trực tiếp. Chủ tịch Hội đồng châu ÂU, hiện là chính khách người Bỉ Herman Van Rompuy, cũng không phải do dân bầu ra để nắm chức vụ này. Hai cơ quan lập pháp của EU, tức Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu, có thành phần chủ yếu là các quan chức dân cử, nhưng gần như không người châu Âu nào bận tâm bỏ phiếu cho Nghị viện, và việc thay đổi đại diện của bạn ở Hội đồng hầu như không có nhiều ảnh hưởng đến chính sách tập thể của 27 nước.

Nhưng có lẽ nghiêm trọng nhất là, EU đã không thể thuyết phục các cử tri rằng mình có khả năng mang đến những giá trị mới trong một thế giới toàn cầu hóa. Trong các cuộc thăm dò ý kiến gần đây, chưa đầy một nửa số người được hỏi nói rằng việc tham gia vào liên minh này là điều tốt. Trong cuộc thăm dò dư luận năm 2009 của Eurobarometer, 53% người châu Âu không nghĩ tiếng nói của họ được lắng nghe ở EU, trong khi chỉ 38% tin là như vậy. Và đó còn là kết quả khảo sát từ trước cuộc khủng hoảng năm ngoái.

EU đã phản ứng lại làn sóng hoài nghi đối với đồng euro bằng cách đòi thêm quyền lực hơn nữa để quản lý các vấn đề chính trị và kinh tế mang tính nhà nước. Tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 12 ở Brussels, 26/27 thành viên EU (với nước Anh riêng 1 ý kiến) đã ký vào một thỏa ước tài chính quy định mức trần thâm hụt ngân sách và các mức hình phạt đối với nước nào vượt quá mức trần đó, trao cho Brussels thêm quyền để "vá víu" các thâm hút quốc gia, với tầm nhìn hướng đến một mức thuế hài hòa trong toàn khối. Có chút logic ở đây. Dù sao, các khó khăn hiện nay của đồng euro có nguồn gốc từ quyết định tại Masstricht cách đây 20 năm để theo đuổi một liên minh tiền tệ chứ không phải là một liên minh tài chính, kinh tế hay chính trị. Điều này có nghĩa là các thành viên EU đã đồng ý với mức lãi suất, mục tiêu lạm phát và trần nợ chung, nhưng được tự do quyết định mức thuế đánh vào công dân nước mình, chế độ an sinh và mức lương hưu, và việc theo đuổi các chính sách việc làm. Không sớm thì muộn, những khiếm khuyết của hệ thống sẽ phơi bầy ra và thị trường sẽ phản ứng quyết liệt. Hiện tại, châu Âu không có nhiều lựa chọn tốt: chấp nhận các giải pháp từng phần để ngăn chặn khủng hoảng tài chính lan rộng, hay tạo ra một kiểu Mỹ của châu Âu với các chính sách tài khóa và kinh tế chung và một chính phủ liên bang thực sự ở Brussels.

Không lựa chọn nào đặc biệt khả thi. Lựa chọn đầu tiên sẽ dẫn tới khả năng sụp đổ của đồng tiền duy nhất, làm suy giảm tính thanh khoản của nhiều ngân hàng hàng đầu châu Âu, và kéo dài suy thoái ở châu Âu cũng như các nơi khác trên thế giới. Lựa chọn sau sau sẽ cứu thoát được đồng euro nhưng sẽ khiến EU rời xa người dân mà nó có nghĩa vụ đại diện cho. Và dĩ nhiên, việc giải cứu sẽ tiêu tốn của người đóng thuế hàng trăm tỷ euro.

Người ủng hộ Liên minh châu Âu thường so sánh câu lạc bộ này với con cá mập: nếu không di chuyển về phía trước, nó sẽ bị chìm. Mục tiêu "liên minh mật thiết hơn bao giờ hết" giữa con người và nhà nước thậm chí còn được nêu trong hiệp ước thành lập EU, như thể đó là một sự kiện không thể không xảy ra của lịch sử. Trong hơn nửa thế kỷ, khi liên minh mở rộng từ 6 thành viên sáng lập lên con số 27, các thành viên đã tự nguyện trao nhiều quyền hơn cho Brussels, và khối này chưa bao giờ ngừng tiến về phía trước. Cuộc khủng hoảng kinh tế có thể cuối cùng dẫn đến đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa này, nhưng cái giá phải trả cho tính hợp pháp dài hạn của EU là gì?

"Khi Liên minh châu Âu đạt được bước tiến, có vẻ như chúng ta đang đánh mất đi cái gọi là công dân châu Âu ở đâu đó trong quá trình này", Joe Borg, Ủy viên Ủy ban châu Âu, từng nói vào năm 2005. Nếu như điều này còn đúng vào 7 năm trước, thì nó còn đang đúng hơn vào giây phút này, khi các nhà kỹ trị thay thế các chính trị gia dân cử lãnh đạo đất nước Hy Lạp và Italia đầy "thương tích" vì khủng hoảng và khi nhóm các quan chức EU và IMF "hạ mình" tới Athens và Rome, Madrid và Lisbon, để thuyết phục các chính trị gia mạnh tay với những khoản cắt giảm.

Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo châu Âu hiếm khi phải lo lắng về công việc nhàm chán là lôi kéo công luận. Nhưng thực tế giờ đây không còn như vậy nữa. Triển vọng mở rộng liên minh sẽ nằm trong tay các cử tri Áo và Pháp, do hiến pháp ở cả hai nước đều quy định phải tổ chức trưng cầu dân ý trong vấn đề này - một quy định đã ngăn chặn thành công cơ hội tham gia khối của Thổ Nhĩ Kỳ, do sự thù địch ở cả 2 nước đối với Ankara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi đó, việc điều chỉnh hiệp ước EU theo hướng xây dựng các quy định của khu vực eurzone nghiêm khắc hơn có thể không nhận được sự ủng hộ của người dân Ireland, nơi các cử tri từ ban đầu đã phản đối 2 nỗi lực gần đây của EU nhằm sửa đổi điều ước.

Ngay trước ngày phát hành đồng euro tháng 1/2002, Duisenberg, chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu, đã tỏ ra đầy hứng khởi: "Đồng euro còn hơn cả một đồng tiền; nó là biểu tượng của sự hội nhập châu Âu theo mọi ý nghĩa của từ này". Ông đã đúng, nhưng không phải theo cái cách mà ông đã kỳ vọng. Một thập niên trôi qua, hoàn cảnh khó khăn của đồng euro dường như càng đẩy nhanh sự sụp đổ rộng hơn của giấc mơ châu Âu về một tương lai nhất thể. Thay vì đưa Liên minh châu Âu trở nên gần gũi hơn với người dân, đồng tiền đã làm gia tăng khoảng cách giữa người thống trị và kẻ bị trị. Thay vì mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng mới, đồng euro đã đẩy hàng triệu người châu Âu vào thập kỷ cơ hàn. Và không thể gắn kết người dân châu Âu, nó còn đang "nhăm nhe" gây chia rẽ hơn nữa trong khối này.

  • Đình Ngân(theo foreignpolicy) VNN


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.