feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Hiện chưa có một thống kê cụ thể bao nhiêu chợ Việt ở nước ngoài, chỉ biết rằng đó là nơi tạo việc làm và đảm bảo cuộc sống cho hàng triệu bà con tiểu thương người Việt.

Chợ Việt ở Cựu lục địa

Từ các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ và tự phát, đến nay, chợ của người Việt ở châu Âu đã phát triển quy mô hơn, trở thành các trung tâm thương mại lớn, đầu mối giao thương khó phủ nhận ở nước sở tại. Bên cạnh hàng hóa “ngoại”, các gian hàng tại chợ cũng luôn phong phú và đa dạng cácsản phẩm trong nước, không thua kém những chợ lớn như Đồng Xuân ởHà Nội hay chợ Bến Thành ở TP HCM.

Chợ Sapa ở Praha (CH Séc)

Sapa (Trung tâm thương mại Sapa) là một tập hợp nhiều chợ, được xây dựng vào năm 1999 trên nền nhà máy chế biến thực phẩm cũ của Séc do ông Hoàng Đình Thắng làm chủ.

Chợ Sapa ở Praha (CH Séc).

Chợ có quy mô diện tích lớn nhất trong số các chợ, trung tâm thương mại Việt toàn châu Âu; thu hút 3.000 người kinh doanh. Thị phần áp đảo thuộc về người Việt, ngoài ra có một số ít chủ sạp là người Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc. Hàng tuần, vào thứ 7, chủ nhật và thứ 2 là những ngày mua bán sỉ đông đúc. Các mặt hàng bày bán rất phong phú, hầu hết nhập từ Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.

Những người Việt buôn bán tại chợ Sapa mỗi người mỗi cảnh. Có những trí thức “chuyển ngành” sang buôn bán, nhưng hầu hết là những người đi xuất khẩu lao động và gần đây là những người đi sang theo những hợp đồng kinh doanh với CH Séc. Được biết, dù buôn bán tấp nập nhưng ở Sapa không có cảnh xô bồ. Hiếm khi nghe thấy tiếng chửi thề trong chợ và mọi người có vẻ rất đoàn kết, đùm bọc nhau. Vào chợ, người ta có cảm giác như “một Việt Nam thu nhỏ”, vì tất cả biển hiệu cửa hàng đều viết bằng tiếng Việt và xung quanh hầu như chỉ nghe trao đổi bằng tiếng Việt. Các món ăn Việt đầy ắp khu chợ từ giò chả đến bún đậu, mắm tôm... vẫn giữ nguyên khẩu vị Việt Nam, chứ không bị pha tạp. Ngoài ra, cách bố trí buôn bán ở chợ có nhiều nét giống Việt Nam. Các quầy hàng bán đồ tươi sống, băng ảnh, văn hoá phẩm v.v... hầu như ở ngoài trời. Những quầy bán quần áo, khu giải trí, vui chơi casino, quán cà phê, khu làm đẹp được đặt trong nhà có máy sưởi nóng.

Chợ Đồng Xuân ở Berlin (CHLB Đức)

Khu chợ này (Trung tâm thương mại Đồng Xuân - Đong Xuan Centre) được xây dựng năm 2006 với tổng diện tích 18 ha, nằm trên phố Herzberg ở quận Lichtenberg, nơi có gần 4.000 người Việt Nam định cư sinh sống. Trong đó, diện tích kinh doanh gồm 4 dãy nhà lớn rộng khoảng 40.000 m2. Mỗi dãy nhà có trên dưới 100 gian hàng dành cho các hộ kinh doanh người Việt (chiếm 75%) và người nước ngoài (phần lớn là người Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Đức...) thuê. Những người kinh doanh không phải đóng tiền vào cửa mà chỉ cần ký hợp đồng trực tiếp thuê quầy hàng với Ban quản trị, giá thuê dao động từ 8 - 13 Euro/m2 tùy theo từng vị trí.

Bên cạnh hệ thống nhà hàng ăn uống, vui chơi giải trí, các trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, nơi đây còn bày bán hầu hết các mặt hàng thường có ở các chợ Việt Nam, từ hàng dệt may, giày dép, thịt cá, gạo mì, bún phở khô, các loại rau quả, rau muống, su hào, khoai lang, hàng tiểu thủ công mỹ nghệ, sách báo, tạp chí, băng đĩa nhạc các loại, kể cả những món “đặc sản” như lòng lợn, tiết canh ngan, thịt chó mắm tôm...

Chợ Đồng Xuân ở Berlin (CHLB Đức).

Người dân bản xứ và người nước ngoài đến chợ Đồng Xuân khá đông. Họ mua sắm không nhiều, nhưng chủ yếu muốn tìm hiểu và hòa nhập vào nếp sinh hoạt của cộng đồng người Việt, thưởng thức các món ăn đặc sắc và hơn hết là muốn biết về nền văn hóa ẩm thực Việt Nam. Vì thế, chợ Đồng Xuân đã vô hình trung mang thêm trên mình chức năng cầu nối giao lưu văn hóa và mở rộng tình hữu nghị của cộng đồng người Việt với bạn bè Đức và quốc tế, giúp họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.

Thời gian tới, Ban quản trị chợ Đồng Xuân sẽ xây dựng thêm hai tòa nhà kinh doanh, gồm một tòa nhà rộng 2.000 m2 cho Công ty Kaiser của Đức thuê; một nhà văn hóa Việt Nam, một bệnh viện đông y với đội ngũ bác sĩ được mời từ Việt Nam sang làm việc, một khách sạn tiêu chuẩn 4 sao khoảng 100 phòng để phục vụ các đoàn khách Việt Nam và nước ngoài có dịp sang Berlin du lịch, làm việc. Đặc biệt, khách đến thăm trung tâm sẽ được ngắm hai nhà sàn dân tộc thiểu số được đưa từ Việt Nam sang góp phần làm nổi bật văn hóa Việt. Vốn đầu tư những hạng mục này lên đến trên 30 triệu Euro.

Chợ Thăng Long ở Budapest (Hungary)

Chợ Thăng Long (Trung tâm Thương mại Thăng Long) ra đời năm 2005, dù mang đầy đủ tiêu chuẩn của một khu buôn bán, sầm uất, hiện đại của châu Âu nhưng vẫn đậm chất Việt Nam, với biểu tượng rồng vàng bay lên.

Hầu hết các gian hàng tại đây đều bán đồ hàng tiêu dùng như: quần áo, giày dép, đồ gia dụng... Cách bài trí ở đây gần giống những khu chợ ở Việt Nam. Sự xuất hiện của những chủ quầy hàng người Việt, những biển hàng tiếng Việt khiến nhiều người tưởng như đang ở khu chợ Đồng Xuân ở trong nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm trung tâm Thương mại Thăng Long của người Việt tại Hungary.

Theo ban quản lý chợ Thăng Long, đây là nơi buôn bán đầu tiên đạt tiêu chuẩn châu Âu và là địa chỉ duy nhất có giấy phép hoạt động ổn định, lâu dài. Chợ không chỉ tạo một môi trường buôn bán ổn định cho bà con người Việt ở Budapest, mà còn có định hướng biến nơi đây thành trung tâm giới thiệu và phân phối hàng Việt Nam vào châu Âu. Chợ có nhiều ưu thế với giá thuê quầy rẻ, diện tích kho chứa hàng lớn, có mái che, bãi đỗ xe lớn, đảm bảo an ninh trật tự tốt... Đại bộ phận thương nhân thuê quầy ở đây là người Việt và người Hoa.

Những năm gần đây, tình hình buôn bán nhỏ của bà con người Việt nói chung gặp không ít khó khăn do hệ thống siêu thị phát triển và phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt các hàng giá rẻ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ... Trong tình hình đó, ban quản lý chợ đã có nhiều hình thức tạo điều kiện cho bà con Việt Nam có thể làm ăn lâu dài như: bà con được miễn tiền thuê cửa hàng, nếu tháng nào việc buôn bán ế ẩm sẽ được giảm tiền thuê quầy. Bởi thế, những người Việt tại đây đều rất yên tâm trong công việc kinh doanh.

Chợ Việt Nam ở Voronezh (LB Nga)

Khu chợ hiện tọa lạc ngay giữa khu dân cư đông đúc, có tổng diện tích mặt bằng khoảng 15.000 m2 với hơn 400 ki-ốt, trong số đó 300 ki-ốt do người Việt làm chủ và hơn 100 ki-ốt còn lại của người Nga và một số nước trong khối SNG như: Tadzhikistan, Turkmenistan, Uzbekistan…

Cũng như những chợ có người Việt làm ăn buôn bán ở các thành phố khác của Liên Bang Nga, chợ Việt Nam hoạt động trên cả hình thức bán buôn và bán lẻ, các mặt hàng kinh doanh thường xuyên được thay đổi linh hoạt theo mùa, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người dân bản xứ và một bộ phận nhỏ cộng đồng Việt tại thành phố như: giày dép, quần áo, mũ nõn, kính mắt…dành cho mùa hè và các mặt hàng dành cho mùa đông như áo ấm, giày, mũ len, tất…Theo một số hộ gia đình người Việt đang kinh doanh tại đây cho biết, nhu cầu mua sắm của người dân bản xứ vào các mùa đều cao. Tuy nhiên, vào mùa hè, lượng tiêu thụ hàng hóa cao hơn so với các mùa khác.

Một góc chợ Việt Nam ở Voronezh (LB Nga).

Trải qua quá trình phát triển từ năm 2003 cho đến nay, mặc dù đã không ít lần gặp khó khăn, nhưng nhờ vào sự ủng hộ của người dân bản xứ, đặc biệt được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, chợ Việt Nam đã và đang phát triển và ngày càng được mở rộng, trở thành một bộ phận không thể thiếu phục vụ cho nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân Voronezh.

Hiện nay, với việc chính quyền Liên bang Nga tuyên bố đóng cửa chợ Emeral của người Việt hồi đầu tháng 12, cùng với hàng loạt các chợ Việt tại Moscow và nhiều thành phố lớn khác (Kazan, Ufa…) bị đóng cửa từ năm 2007 đến này, có thể coi thời kỳ “ốp chợ” của người Việt tại Nga đã bị thu hẹp hết cỡ.

  • An Đông (DatViet, tổng hợp)

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.