feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Quốc gia, thế giới có thể phân biệt được của riêng ai hoặc nhóm nào hay của tất cả mọi người, nhưng dân tộc thì không. Người ta có thể chọn quốc tịch, nhưng không ai chọn được cha mẹ, dân tộc sinh ra mình...

 

Bắt đầu từ nhân vật gây tranh cãi chính trường, chấn động dư luận Đức tháng trước -  ông Thilo Sarrazin, chính khách đảng SPD, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức. Ông sinh năm 1945, tham gia chính trường lúc 30 tuổi, Giám đốc kế hoạch đầu tư của hãng đường sắt DB từ 2000-2001, giữ chức Bộ trưởng Tài chính Berlin từ 2002 - 2009. Tháng 5.2009, ông được Tổng thống Đức bổ nhiệm Phó Thống đốc Ngân hàng Liên bang Đức, với mức lương 230.000 Euro/năm, tức mỗi ngày làm việc 1000 Euro, thời hạn 5 năm, đến hết 2014.

Tới ngày 30.9.2010, ông từ chức, do bị dư luận chỉ trích dữ dội cuốn sách ông xuất bản, mang tựa đề "Deutschland schafft sich ab. Wie wir unser Land aufs Spiel setzen - nghĩa bóng: nước Đức sẽ hết người Đức. Chúng ta đang đánh cược với đất nước mình", bàn về hệ quả nước Đức đẻ ít, vấn nạn nhập cư cùng tầng lớp đáy xã hội ngày 1 tăng, nhưng đụng chạm đến hết thảy mọi tầng lớp, gây nên làn sóng chấn động chính trường Đức, trong đó có cáo buộc cuốn sách sặc mùi phân biệt chủng tộc. Sách dày 464 trang, xuất bản lần đầu ngày 30.8.2010, tổng số 150.000 ấn bản, giá 22,99 Euro/cuốn (bằng lương ông 14 năm làm việc), bán như cháy chợ sách; trên mạng Ebay, giá được đẩy lên tới 74 Euro. Sách đọc rồi được rao bán 68 Euro.

Những luận điểm chính trong sách gây tranh cãi, được báo chí sôi sục phân tích, trích dẫn đáng chú ý, như: - "Người Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục nước Đức giống như người Kosovaren chinh phục Kosovo bằng cách đẻ nhanh". - "Một số lớn người Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng làm ra giá trị gia tăng ngoài buôn bán rau quả". - "Tôi không buộc phải chấp nhận ai đó sống nhờ nhà nước, lại không thừa nhận nhà nước đó, chăm sóc con cái mình không tốt và luôn sinh ra những cô con gái đội khăn trùm đầu" (ý nói người Hồi giáo). - "Những tầng lớp càng ở đáy xã hội, sinh đẻ càng nhanh". -"Trợ cấp Hartz IV (nhà nước cấp cho bất kỳ ai kể cả người nước ngoài có giấy phép lưu trú ở Đức, không có thu nhập, hoặc thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống, bao gồm nhà ở, ăn, mặc, chữa bệnh, học hành, đi lại, tham gia hoạt động xã hội...) ngày nay được coi như một món quà trời cho".

Về nhà trẻ, ông cho rằng: "nhà nước hành xử như muốn gửi chúng vào trại tập trung vậy". Khi được nghe quan chức Berlin làm việc quá tải, ông bình luận: "Không ở đâu, người ta thấy nhiều người vận bộ củ rồi loanh quanh như ở Berlin".

Lý giải người hưởng Hartz IV tiêu dùng nhiều điện, tốn trợ cấp nhà nước: "Trước hết do chỉ chuyên ngồi ở nhà, tiếp theo thích ấm và thứ 3 là điều hoà nhiệt độ bằng cách mở cửa sổ, thoát bớt nhiệt". - Trả lời câu hỏi "Ngài nổi tiếng vì làm việc tại Bộ Tài chính hay tài năng khiêu khích?", ông đáp: "Tôi không có sở thích đặc biệt về khiêu khích. Tôi chỉ muốn đưa sự việc vào tâm điểm kích thích những người khác".

Ông ngụ ý nước Đức có nguy cơ đào tạo thấp, do nhập cư  từ Thổ Nhĩ Kỳ, Á châu và Phi châu: "Chúng ta đang trên con đường quân bình hoá ngu dốt. Rất cần nhiều trẻ em từ những người thông minh trước khi quá muộn".

Ông nhìn nhận tương lai nước Đức: "Vào năm 2110 chỉ còn 25 triệu người (hiện tại trên 80 triệu người), phần dân nhập cư lúc đó tới 69%".

Ông đưa số liệu nhập cư Hồi giáo: "33,9% sống bằng thu nhập từ tiền lương hoặc kinh doanh, trong khi người Đức là 43% nghĩa là gấp rưỡi. Tỷ lệ người Hồi giáo tự kinh doanh ở Đức là 6,8%, trong khi tỷ lệ đó đối với nhóm người nước ngoài từ các nước EU là 12,4%, các nước châu Á là 13,9% và người Đức 10,4%. Người nhập cư đạo hồi hưởng trợ cấp Hartz IV lớn gấp 4 lần người bản điạ. 30% học sinh hồi giáo bỏ ngang phổ thông trung học, và chỉ có 14% tốt nghiệp phổ thông chuyên, trong khi trẻ em người Việt đạt tới 80%, hơn cả người bản địa".

Ông kết luận: "Tôi không muốn cháu chắt tôi 100 năm tới không thể sống được ở Đức. Tôi không thích, phần lớn chúng là Hồi giáo, nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập, phụ nữ trùm khăn và nhịp sống cứ 5 lần trong ngày cầu nguyện. Tôi không muốn trở thành ngoại quốc trên chính đất mình. Dân nhập cư không phải như nhau, như người Việt Nam còn làm giàu cả kinh tế lẫn văn hoá cho xã hội Đức".

Ở Đức, bất kỳ sự kiện gì bức xúc xã hội, các chính khách đại diện cho Đảng mình, hoặc quan chức đứng đầu liên quan đều phải lên tiếng, (nếu không mặc nhiên bị coi hoặc lảng tránh trách nhiệm, hoặc thiếu năng lực không dám thể hiện thái độ, cả hai tình huống đều dẫn đến mất tín nhiệm), cộng hưởng gây nên sự kiện Sarrazin chấn động chính trường Đức.

Thủ tướng Angela Merkel đánh giá (CDU): "Thể hiện đó làm tổn thương nhiều người trên đất nước này".

Chủ tịch Đảng Xanh trong Quốc hội, khẳng định: "Đó là một dạng xử sự không được phép".

Chủ tịch đảng SPD: "Tôi không thể hiểu, tại sao ông ta vẫn còn muốn là đảng viên đảng chúng tôi".

Thư ký Uỷ ban người Do Thái: "Tôi khuyên ông Sarrazin hãy gia nhập đảng NPD (bị coi là đảng quốc xã mới)".

Chính kiến tuy chỉ mới là chủ quan, nhưng trước bức xúc của dư luận đối với quan chức của mình, nhà nước phải giải toả minh bạch.

Ban Giám đốc Ngân hàng Liên bang phải cho thẩm định và dựa vào luật pháp đánh giá: "Theo hợp đồng làm việc, ông phải hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng luật, không được phép mang tính đảng phái (ở Đức, ngân hàng độc lập), bất cứ lúc nào cũng phải hành xử, giữ gìn và chăm lo uy tín của ngân hàng Liên bang trước công luận. Mối quan hệ tin cậy cần có đó đối với ông hiện không còn nữa. Vì vậy, ngân hàng Trung ương nhận thấy không còn cách nào khác phải kiến nghị lên Tổng thống cách chức ông".

Phản ứng trước quyết định của Ngân hàng Liên bang, Sarrazin có ý viện đến toà án hiến pháp, cho rằng, ý kiến của những nhà nghiên cứu hiến pháp sẽ đứng về phía ông. Tuy nhiên, kết cục đã xoay chuyển sang một hướng khác.

Theo nguyên tắc thoả hiệp các bên, được áp dụng phổ biến trong một nhà nước nhiều đảng phái, được ông tuyên bố tại 1 buổi tổ chức giới thiệu sách ông ở Potsdam: "Ban Giám đốc cáo buộc sách thể hiện phân biệt người nước ngoài, đã rút lại bản cáo buộc; BGĐ đệ đơn lên Tổng thống cách chức ông, nhưng đã rút lại; ông đã xin từ chức, bắt đầu từ ngày 30.9.2010". May mắn cho BGĐ lẫn Tổng thống tránh được phiền phức khi cách chức một người chỉ liên quan đến phát ngôn, vốn được coi tự do ở Đức.

Khác với những sắc dân nhập cư bị cho là kém hoà nhập, người Việt ở Đức được Sarrazin viện dẫn trong sách mình là 1 dân tộc rất thành công ở Đức, và chính nhờ luận cứ này đã cứu Sarrazin không bị chụp mũ phân biệt tất cả người nước ngoài, vốn là chủ đề nhạy cảm ở Đức, do lịch sử họ để lại.

Tuy nhiên lịch sử thành công của người Việt lại do áp lực đòi vươn lên khỏi cách biệt giữa 2 dân tộc, 2 quốc gia, chứ không có nghĩa họ hoàn toàn không bị phân biệt - Đó là phóng sự trên báo mạng dẫn lời những người Việt được phỏng vấn: Ông Sarrazin khen chúng tôi, để chứng minh rằng ông không bài ngoại, lấy chúng tôi làm quân bài trong trò chơi dân nhập cư, loại tốt và loại dở. Nhưng rõ ràng ông cũng nhận ra môi trường chúng tôi sống, dở cũng chẳng khác mấy họ.

Một người mẫu Việt dẫn chứng: Cha mẹ tôi sang Đức từ những năm 70, dạy tôi, phải giỏi hơn người Đức để được thừa nhận như họ. Chỉ một điểm 2 trong học bạ đã bị coi là thất vọng. Khi tôi giải thích đó là điểm khá (1 là điểm giỏi), mẹ tôi trả lời, mày không thể so sánh với người Đức, mày dân tộc khác. Câu đó có nghĩa, mày không giá trị như người Đức. Nếu chúng tôi gặp lại những người quen cũ, bố mẹ tôi cứ đem điểm tôi so sánh với điểm con cái bạn bè khác.

Trong quan niệm Nho giáo Việt Nam, đào tạo cực kỳ quan trọng, người thầy đóng vài trò mẫu mực mô phạm, được người Việt xuất ngoại mang theo. Khác với những thợ khách Thổ Nhĩ Kỳ, con em người Việt di dân hầu hết tốt nghiệp phổ thông.

Một lần, có gia đình người quen mang cậu con trai đến thăm chúng tôi, đem theo cả cúp cậu ta đoạt được trong một cuộc thi olympic toán học, đặt lên bàn trong phòng khách. Cậu con trai ngượng nghịu hỏi tôi: mẹ tôi có cần phải giới thiệu tôi như vậy không? Sau đó tôi hiểu ra, thế hệ cha ông phải chịu sức ép thành tích rất lớn. Xa quê hương, họ rất cần sự thừa nhận của những đông hương di dân. Tục ngữ Việt Nam, "con hơn cha là nhà có phúc"; nhiều người Việt Nam thế hệ đầu tiên nói tiếng Đức không sõi, hành nghề bán cơm rang, mì xào, làm móng, họ đặt kỳ vọng vào thế hệ thứ 2, tự biến thành nạn nhân của sự kỳ vọng này.

Theo thống kê, ở đâu cũng ít nhất hơn một nửa trẻ em người Việt học trường chuyên, tỷ lệ cao hơn cả người Đức. Hầu hết đều mong muốn học đại học, ước nguyện nhiều nhất là học kinh tế xí nghiệp, luật, hoặc y. Tại sao ?

Vì chúng muốn trả ơn bố mẹ, hoàn thành trách nhiệm gia đình hoà nhập vào xã hội. Cũng có thể, chúng cảm thấy như có lỗi, vì chúng được nuôi nấng trong một đất nước tự do và giàu có, trong khi bố mẹ chúng phải trải qua cả một thời gian khốn khó chiến tranh, phân biệt ý thức hệ, cùng hệ luỵ cản trở của nó trên con đường cố gắng đuổi kịp thế giới của dân tộc. Ít nhất tôi cũng có cảm giác vậy.

Thỉnh thoảng tôi tự hỏi mình, có đúng mình phải cố gắng, làm một cái gì đó to lớn, bởi mình mang nợ với cuộc sống của thế hệ cha mẹ người thân mình ở Việt Nam? Ở đây tôi có tất cả mọi cơ hội... Một bài toán không bao giờ kết thúc.

Phần người Việt trong tôi thúc đẩy tôi cứ phải cố nữa lên, để mình được khẳng định. Phần người Đức trong tôi lại mách bảo đầy kiêu hãnh, đủ rồi, đã bỏ xa bao người.

Người Đức thường khen tôi nói tiếng Đức tuyệt vời, hơn cả người Đức. Trong lời khen đó nổi bật lên rõ ràng tôi vẫn là một người khác, dù mình cố gắng đến đâu. Lẽ dĩ nhiên người Việt cố gắng sẽ có tương lai hơn, không còn phải trở thành người buôn bán thuốc lá lậu (mặc dù không phải luôn vậy). Phần người Việt trong tôi chỉ còn lại thời thơ ấu.

Khi về thăm đất nước của cha mẹ mình, phần người Đức trong tôi cứ ngờ ngợ, cách xa nhiều thứ ngạc nhiên đến thảng thốt. Tôi đã xa lạ với cội nguồn mình, hay cả chính nguồn cội cũng xa lạ chưa đồng hành cùng tôi? Có phải đó là cái giá tôi phải trả, để ở Đức hay Việt đều bị coi là người khác? Quốc gia, thế giới có thể phân biệt được của riêng ai hoặc nhóm nào hay của tất cả mọi người, nhưng dân tộc thì không.

Người ta có thể chọn quốc tịch, nhưng không ai chọn được cha mẹ, dân tộc sinh ra mình. Phải làm gì, và tới bao giờ, người Việt trong tôi mới được luôn kiêu hãnh, chứ không riêng phần người Đức? Câu hỏi này chắc day dứt trăn trở không riêng ai con hồng cháu lạc, dù đang nơi nguồn cội hay đã bươn chải mưu sinh khắp thế gian này!

 


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.