feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Quê ở tiểu bang Sachsen thuộc Đông Đức, Anke được thừa hưởng một nền giáo dục mà ở đó môn ngoại ngữ luôn được coi trọng. Vì thế, từ năm học lớp 5, chị đã được làm quen với tiếng Nga; lên đến lớp 7, chị được học tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha...

 

Kết thúc bậc học phổ thông, chị chọn thi vào một trường ngoại ngữ ở thủ đô Berlin. Khi giấy báo nhập học gửi về, Anke mới biết mình được phân vào lớp tiếng... Việt.

Từ bấy đến giờ, 28 năm tròn, Anke gắn bó với tiếng Việt. Và tiếng Việt đã trở thành một trong những “của hồi môn” có ý nghĩa nhất mà chị đem từ nước Đức xa xôi về quê chồng - Việt Nam.

1. Anke kể, năm 1975, sau sự kiện 30/4 ở Việt Nam, đã có một nghiên cứu sinh người Việt đang làm luận án ở Viện Nông nghiệp nhiệt đới gần trường chị, được mời tới nói chuyện cho các học sinh lớp 5 về một đất nước thuộc châu Á xa xôi có tên là Việt Nam. Người Việt Nam đầu tiên mà Anke được gặp đó đã khiến chị và các bạn rất cảm phục.

Đến tận giờ, chị vẫn không phai ấn tượng về nỗi nhớ thương Việt Nam mà người ấy mang theo giữa trời Âu. Thế nên, khi biết mình được xếp vào lớp tiếng Việt, Anke lập tức cảm thấy hứng thú. Hồi ấy, lớp tiếng Việt đại học 4 năm mới mở một khóa, khóa chị có 7 người theo học, khi tốt nghiệp còn lại 5, Anke nằm trong số đó.

“Thế mà càng học càng thấy khó, đến giờ vẫn thấy tiếng Việt hay nhưng... khó!”. Anke cho rằng, cái khó đó, trước hết do cách tư duy khác nhau về ngôn ngữ giữa người nước ngoài và người Việt. Ở Đại sứ quán Đức tại Hà Nội bây giờ, chị là một trong số ít cán bộ nhân viên thạo tiếng Việt, đôi khi được cử đi làm phiên dịch để “khoe” chút khả năng giao tiếp và thích nghi hoàn cảnh theo kiểu rất... Việt Nam!

Ấy là Anke khiêm tốn vậy, chứ thực tế, chị có thể nói tiếng Việt thoải mái về mọi đề tài, hiểu rất nhanh cả một số từ lóng, tiếng địa phương. Đó cũng là lý do hàng chục năm nay chị kiên trì đảm nhận một công việc thú vị nhưng không dễ làm: phụ trách phần Việt Nam của cuốn từ điển nghệ thuật thế giới xuất bản tại Đức. Theo Anke, cuốn từ điển này được triển khai từ năm 1970 tại Đức, sau khi nước này đã làm xong hai cuốn từ điển nghệ thuật thế giới lớn khác.

Quy mô của cuốn từ điển thứ ba này rất lớn, hiện đã làm được khoảng 50-60 tập nhưng mới chỉ đến vần HA, và cũng như mọi công trình lớn kéo dài khác, đã bao phen thay đổi chủ, nhất là khi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, và việc xuất bản nó đã phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Đó là điều làm Anke buồn. 12 năm kể từ khi theo chồng, đưa con về Việt Nam sinh sống, đây là công việc chiếm nhiều thời gian và tâm huyết của người phụ nữ Đức này. Đã có khoảng 250 nghệ sĩ Việt Nam được Anke đưa thông tin, giới thiệu trong cuốn sách. Hiện, cuốn từ điển còn được làm thành đĩa CD, được đưa lên thư viện trên mạng, như một “cánh cửa” đưa nghệ thuật cổ đại, trung đại và đương đại Việt Nam ra thế giới...

2. Năm 1998, anh Nguyễn Trọng Cử, chồng Anke đã quyết định đưa cả nhà từ Đức về Việt Nam. Ở Đức, anh làm nghề luật sư, với công việc chủ yếu là tư vấn, kết nối và làm dịch vụ cho các công ty Đức đã, đang và sẽ có những hợp đồng làm ăn với các đối tác Việt Nam. Anke giúp chồng những việc liên quan đến thư từ, đàm phán, ký kết văn bản...

 
Đôi khi vợ chồng chị cũng bất đồng quan điểm trong cách giáo dục con, nhưng chị tin chồng. Anke cũng cho rằng vấn đề chung thủy trong hôn nhân không bao giờ cũ: “Văn hóa nào cũng đánh giá cao sự chung thủy”. Theo Anke, những giá trị thuộc về gia đình truyền thống, người Đức cũng như người Việt, đều rất coi trọng.

Anke có tới 4 người con, trong đó chỉ cô bé út là sinh ở Việt Nam. Bốn đứa trẻ đi học, Anke hiểu khá sâu sắc về phương pháp giáo dục trong nhà trường ở Việt Nam. “Ở Đức, sĩ số học sinh một trường đôi khi chỉ bằng sĩ số học sinh một lớp ở Việt Nam, tức khoảng 60 em. Điều đó cũng phải chấp nhận, vì cơ sở vật chất ở Việt Nam còn nhiều khó khăn.

Nhưng điều mà tôi bận tâm là cách dạy của các thầy cô giáo Việt Nam. Tất cả những gì họ nói, kể cả nói sai, học trò tiếp thu máy móc một chiều. Điều này khó chấp nhận quá! Bên cạnh đó là tình trạng dạy thêm học thêm. Con gái út của chúng tôi, vào lớp một mà không đi học trước, không theo kịp các bạn, nên học rất vất vả. Cực chẳng đã, chúng tôi đã phải cho cháu đi học thêm. Đến năm lớp hai, cô giáo mới, lại yêu cầu cháu phải học thêm.

Tôi nghĩ rằng, quan trọng là bố mẹ nên dành thời gian giúp con tự học, những gì con chưa hiểu thì phải cùng con giải quyết. Sẽ rất vô lý nếu việc học của con hoàn toàn phụ thuộc vào thầy cô...”. Với quan điểm ấy của mẹ, Mai, Xuân, Hải, Ngà - bốn đứa con của chị dù được làm những gì mình thích nhưng đều rất ngoan. Mai, cô con gái cả đã học múa 7 năm và tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, hiện đang học sư phạm về múa ở Berlin.

Xuân, sau khi về Đức đi nghĩa vụ dân sự 6 tháng, dành thời gian đi du lịch khắp châu Âu, đã về Việt Nam cùng bố lên Sapa trông coi tiệm ăn Âu mà gia đình mới mở, và dự định sẽ theo học ngành toán. Hải, cậu con thứ ba, là một trợ lý năng nổ của một doanh nghiệp Đức đầu tư tại Việt Nam. Cô út thì đang học lớp 6. Cả bốn đứa trẻ đều nói thành thạo hai thứ tiếng Đức và Việt.

3. Trong ngôi nhà của anh chị ở khu Nhà thờ Lớn (Hà Nội) luôn có sự giao thoa, đan cài giữa hai nền văn hóa Âu – Á, một cách hòa hợp, dễ chịu. Anh chị có một mái tranh trên nóc tầng bốn, là chỗ cả nhà có thể quây quần cơm tối, tiếp khách thân mật, hoặc thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi, ngắm cây cảnh và lắng nghe tiếng chuông nhà thờ... Lễ, Tết là những dịp mà cả nhà chị trổ tài biểu diễn ẩm thực.

Noel, mấy mẹ con phải chuẩn bị trước cả mấy tuần, món ăn mang đậm màu sắc “quê mẹ”, đó là thịt ngỗng, bánh khoai tây và bắp cải đỏ. Tết Nguyên đán thì toàn những món “quê cha”, như bánh chưng, xôi, giò chả...

Anke thích nhất món thịt bò kho mà người quê chồng chị thường làm đãi khách. “Lấy chồng rồi, tôi thành người ăn cơm nhiều hơn ăn khoai - chị cười hóm hỉnh - Nhưng lại sợ mai mốt về Đức sẽ nhớ cà muối của Việt Nam lắm!”. Chị thích tự tay trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị các món ăn cho ngày lễ, Tết...

Sinh nhật chồng, Anke cùng các con tự tay làm một con diều rực rỡ bằng giấy, rồi cả nhà đưa nhau sang bãi cỏ bên kia sông Hồng thả diều. “Ngày tôi còn bé, mẹ tôi bảo: “Con dùng tiền mẹ để mua quà cho mẹ không có ý nghĩa bằng con tặng mẹ món quà con tự tay làm. Món quà dù nhỏ, nhưng mẹ sẽ thích hơn!”. Tôi đã ghi nhớ lời mẹ, và các con tôi cũng được dạy lại điều đó...”.

Hiện Anke công tác ở bộ phận văn hóa - báo chí của Đại sứ quán Đức. Chị từng có thời gian phụ trách khâu đào tạo, tham gia tuyển chọn học sinh Việt Nam du học Đức. Chị mong muốn mang đến quê chồng “những cái hay của người Đức và học được những cái hay của người Việt”.

12 năm sống tại Việt Nam, Anke đi khá nhiều. Chị từng cõng con nhỏ trên lưng leo lên đỉnh chùa Hương. Anke mảnh dẻ đã có mặt ở đỉnh Phanxipăng cao nhất Đông Dương (thuộc dãy Hoàng Liên Sơn), trên 3.000 mét so với mực nước biển; đỉnh Kinabalu nằm trên đảo Borneo (một trong bốn đảo lớn nhất thế giới) ở Malaysia, được coi là “nóc nhà châu Á”, hơn 4.000 mét trên mực nước biển...
Nhưng dù đi đâu, ở đâu, cuối cùng Anke vẫn trở về bé nhỏ trong tổ ấm của mình, như mọi người vợ Việt Nam khác, hằng ngày chờ chồng đi làm về...


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.