feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

tapchihuongviet.eu“Ở Việt Nam tết năm nào em cũng buồn, không có tiền mua quần áo đẹp, lại phải phụ giúp mẹ bán hàng tranh thủ kiếm tiền lúc tết, không được đi chơi, em cũng chả được nhiều tiền mừng tuổi, khi bé thì phải đưa hết cho bố mẹ,

khoảng vào cấp 3 thì không ai mừng tuổi vì kêu em đã lớn, vì vậy mà đôi khi em chẳng thích tết lắm...”. Cô đang tâm sự với chồng về quãng đời vất vả khi xưa ở quê nhà, vì chỉ còn 1 thời gian ngắn nữa thôi là sẽ đến tết, hai hàng nước mắt nhạt nhòa mỗi khi cô phải nhớ lại nhưng năm tháng buồn bã đó.


Rời xa quê theo con đường du học nhờ sự giúp đỡ của 1 người bà con mà cuộc đời cô sang 1 trang mới, rồi may mắn cô gặp được anh và đi chung với anh 1 con đường. Giờ đây cô hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình với người chồng khác văn hóa và ngôn ngữ với cô nhưng lại thương yêu cô hết mực. Những ngày tháng vất vả ở quê nhà xưa kia giờ chỉ là quá khứ. Cuộc sống ở nơi đất khách quê người có đôi lúc làm cô buồn bã nhớ cha mẹ và 2 đứa em gái nhưng cô biết rằng cô được yên ổn hạnh phúc là mang hạnh phúc đến cho những người thân yêu của cô ở quê nhà.


.......
„Chúng ta phải tiết kiệm tiền hơn em ạ, nhất là khoản tiền đi chợ tốn quá trong khi chúng ta chỉ có 2 người, mình tiêu như vậy bằng 1 gia đình 4 người ăn đó“ - Chồng cô đang bàn bạc với cô về tình hình chi tiêu, cô còn là sinh viên, lại mới theo anh về thành phố này chưa có việc làm, toàn bộ chi tiêu cho anh và cô cùng những hóa đơn trong nhà là 1 mình anh lo với số lương ít ỏi của 1 công chức, dù anh đã được giảm thuế sau khi kết hôn với cô nhưng tháng nào anh cũng cảm thấy không để ra được đồng nào mà có tháng còn bị âm. Vì cô muốn ăn đồ ăn việt nên cô hay đi chợ châu á, mà hàng châu á đắt hơn rất nhiều lần so với thực phẩm ở các siêu thị. Hơn nữa, do ở đây không có những quán hàng ăn như ở Việt Nam nên cô lại tìm tòi cách nấu những món ăn vặt mà cô ưa thích nhưng cô chưa biết tính đến số lượng, nên đôi khi cô nấu xong quá nhiều mà chả ai ăn, có mỗi 2 vợ chồng mà không phải món Việt nào anh cũng ăn được. Tiền mua nguyên liệu thì rất đắt, mà thức ăn nấu lên phải đổ đi rất nhiều.


Ăn uống là nét văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, điều này anh đã hiểu từ lâu. Bạn bè cô ở xa đến chơi, tụ tập ăn uống, anh đã quá quen thuộc nên anh rất vui vẻ thoải mái. Anh rất vui mỗi khi cô tự tay trổ tài nấu nướng. Anh chỉ muốn cô tiết kiệm, đừng để lãng phí.


„Nhưng em muốn ăn đồ việt“ - cô xị mặt dỗi "Anh mua toàn đồ đắt tiền sao lúc đó anh không tiết kiệm mua cái rẻ rẻ thôi, ăn uống thì anh lại tiếc, mà em muốn ăn anh bắt em nhịn à?“. Cô lại quấy nhiễu chồng bằng mấy bài cũ rích, với cô ăn là nhu cầu cơ bản nên phải ăn uống cho thật ngon, thật thoải mái, còn theo chồng cô những đồ đạc trong nhà anh mua phải chất lượng 1 chút dù có phải trả thêm vài euro nhưng nó chỉ mua 1 lần còn ăn uống là hàng ngày, ăn cho đủ thì thôi chứ không thể cứ chi tiêu như vậy thì tốn kém quá, trong khi anh cần tiền cho những khoản chi khác.


Thấy cô dỗi anh lại tìm cách làm lành, anh ôm cô vào lòng và trêu cô „được rồi, em muốn ăn gì cũng được, nhưng em tự đi mua đừng để anh nhìn thấy giá tiền“. Cô cười dí dí ngón tay vào mũi anh.


Sắp đến tết ở Việt Nam rồi, ở đây cô không có tết, cô nhớ nhà và thèm cái không khí chuẩn bị tết ở Việt Nam quá, thể nào mẹ cũng lại tất bật lo mua sắm tết, lại hò hét 2 đứa em dọn dẹp nhà cửa, giờ mẹ không phải bán hàng vào dịp tết nữa, cuộc sống đã khá hơn, 2 đứa em cũng được sắm quần áo diện và được đi chơi thoải mái trong những ngày tết.


Hôm nay ở Việt Nam là giao thừa, ở đây chỉ có 2 vợ chồng cô, cô chả quen được người Việt nào cả. Buổi chiều cô đã ra chợ châu á mua ít đồ, cô tính làm 1 bữa cơm gọi là có tất niên. Cô chỉ làm 1 bát canh măng và mấy chiếc nem, như thế là đủ cho 2 người rồi nếu nhiều quá sẽ không có ai ăn rồi lại đổ đi lãng phí, gọi là có tết thôi, để anh biết 1 chút văn hóa Việt Nam. Anh cũng cảm thấy vui vẻ cùng cô vào bếp. Rồi cô gọi điện về Việt Nam chúc tết bố mẹ, anh cũng cầm lấy điện thoại nói vào ống nghe câu tiếng việt mà anh đã thuộc từ lâu bằng cái giọng lớ lớ của người nước ngoài „Chúc mừng năm mới“.
„Anh tính xem" – cô bàn với chồng trong khi 2 vợ chồng đang ăn bữa cơm tất niên - "mỗi tháng mình cố định hẳn 1 khoản cho tiền ăn và đưa số tiền đó cho em, em sẽ tự tính và tiết kiệm mua đồ ăn“. Bình thường 2 vợ chồng vẫn đi chợ cùng nhau vào cuối tuần và anh là người thanh toán. Cô có được ít tiền tiêu vặt trong tài khoản mà anh gửi hàng tháng để cô chi cho những nhu cầu cá nhân, còn lại mình anh lo tất cả cả hóa đơn từ tiền nhà, điện thoại, bảo hiểm, ăn uống v.v...Anh thấy cô bàn như vậy mặt ngẩng lên nhìn cô, vẻ mặt nghiêm nghị không vui, còn cô cứ nói thao thao bất tuyệt về những dự định chi tiêu của mình: „Anh giảm hút thuốc này, không chơi sổ số nữa này, không... v.v mình sẽ tiết kiệm được 1 khoản“.


........
Anh không nghe cô nói nữa, anh đứng dậy bỏ về phòng ngủ, cô thấy vậy chạy theo anh về phòng, cố bắt anh phải nghe kế hoạch của cô. Anh cứ nằm yên, không trả lời, rồi kêu để cho anh ngủ, cô cho là anh lại bắt đầu tiếc tiền với cô, cô lại ngồi khóc, cô bàn thế có gì là sai đâu cơ chứ, nếu anh thấy chi tiêu nhiều thì anh đưa số tiền nhất định đây, cô sẽ chỉ tiêu trong số đó, như thế làm sao mà anh phải giận cô chứ.


Cô vẫn cứ ngồi vừa khóc vừa lải nhải như vậy, anh đứng dậy lấy từ ngăn kéo một túi gì đó rồi đặt trước mặt cô, xong anh lại nằm chùm chăn kín.


Cô nhìn cái đống anh vừa đưa, ngạc nhiên không hiểu gì, cô mở ra thấy 1 xấp những phong bì màu đỏ, cô mở 1 phong bì và thấy có mấy tờ 5 euro. Cô kéo chăn gọi hỏi anh. Anh vẫn cứ ôm chăn chùm kín khẽ nói: “tiền mừng tuổi em, 30 phong bì cho 30 năm, giờ thì em có đủ tiền cho những kế hoạch đi chợ của em đấy“. Rồi anh kéo lại chăn nằm ngủ mặc kệ cô ngồi đó, cô cảm thấy có cái gì đó nghèn nghẹn, 1 cảm giác áy náy vì cô tự dưng lôi chuyện tiền nong vào lúc đang đón giao thừa, làm mất cả buổi tối vui vẻ của 2 vợ chồng, để anh giận dỗi không thèm nói chuyện vơi cô nữa, hơn nữa cô chả để ý đến cảm giác của anh, cô ích kỷ quá trong khi anh nghĩ nhiều cho cô, anh đã không tính toán tiền của anh hay tiền của cô mà anh nói chung là tiền của chúng ta, anh chi tiêu cái gì anh đều hỏi ý kiến cô, còn cô thì chỉ nghĩ chi tiêu cho mình mà không nghĩ tới sô tiền anh kiếm vất vả như thế nào.


Cô không giở những cái phong bì tiếp theo ra nữa, cô xếp chúng gọn lại cất vào ngăn kéo, rồi nhẹ nhàng nằm xuống cạnh anh, những giọt nước mắt vẫn rơi...


„Mình đã thay đổi quá nhiều“- cô tự nghĩ ngợi trong đêm. Xưa kia do nghèo khó cô đã học được cách tiết kiệm, lúc nào cũng nghĩ đến cha mẹ đang ngày đêm kiếm tiền nuôi chị em cô ăn học nên cô không bao giờ dám đòi hỏi nhiều, quần áo cô suốt thời sinh viên cũng chỉ độc 1,2 bộ thay đổi, bố mẹ cho gì ăn nấy, cô đạp xe đi học, thậm chí không dám đi xe bus vì muốn tiết kiệm cả tiền xe bus, cô ao ước mình cố gắng học giỏi sẽ dùng bằng cấp để kiếm tiền nuôi được bản thân đỡ cho bố mẹ. Vậy mà giờ đây, cuộc sống không thiểu thốn để cô phải dè sản những nhu cầu cá nhân cơ bản, vậy mà cô lại đòi hỏi quá đáng ở người chồng mà cô phải biết ơn vì anh đã yêu thương và che chở cô mà không cần biết nhà cô giàu hay nghèo, cô xuất thân từ đâu. Những thứ anh muốn cô tiết kiệm thực tế đâu có khó khăn đối với cô đâu, thậm chí cô có thể tiết kiệm được nhiều hơn những thứ anh nói. Cô tự dằn vặt mình, sao mình thay đổi nhiều thế nhỉ?. Cãi nhau với chồng chỉ vì những việc mà lẽ ra không bao giờ có chuyện như thế ở con người và tính cách của cô...


........
Hôm sau anh lại tươi tỉnh trở lại, anh quàng tay ôm cô vào lòng, cô cứ ngồi yên như thế, cả 2 cùng im lặng. Rồi vợ chồng cô lại cùng nhau đi chợ mua thức ăn cho tuần tới, anh mua rất nhiều những thứ mà anh biết cô thích ăn. Đến tối anh lại lôi xấp phong bì ra và đưa cho cô từng phong bì: „Đây là cho lúc 1 tuổi, đây là lúc 2 tuổi......và cuối cùng là năm thứ 30, em mở ra đi“. Cô mở từng phong bì, số lượng tờ 5 euro ở mỗi phong bì là khác nhau. Anh nói những năm 1, 2 tuổi chưa biết tiêu nên chỉ có 1 tờ, và những năm về sau thì sẽ tăng dần, 2, rồi 3, 4 và cao nhất là những phong bì có 5 năm tờ.


Cô vừa cười nhìn đống tờ 5 euro hỏi anh kiếm ở đâu nhiều tờ 5 đồng thế và anh chuẩn bị cái này từ lúc nào. Anh mỉm cười bảo bí mật. Cô cười hôn nhẹ lên khuôn mặt anh rồi vòng tay ôm anh đu đưa. Cô hiểu sâu sắc tiền không phải là quan trọng nhất, những thứ mua được bằng tiền thì đều rẻ cả. Quan trọng cô đã hiểu anh hơn, anh nghĩ đến cô nhiều trong khi cô luôn kết tội anh rằng anh tiếc tiền, cô cứ tự ti mặc cảm rằng cô để anh phải nuôi nên anh tính toán ăn uống với cô. Thực ra những con người Đức nói chung và anh nói riêng họ sống rất rõ ràng rành mạch trong mọi công việc, họ sống đủ chứ không phí phạm. Trong ăn uống cũng vậy, ăn uống đơn giản, mà ăn là phải ăn hết không được để thừa, nếu để thức ăn đến hôm sau thì phải cố ăn cho hết không được phép đổ đi, hơi khác 1 chút trong văn hóa của người Việt là thức ăn phải thừa thãi mới là đủ, nhất là nếu có đãi khách mà trên mâm hết sẽ khiến bạn nghĩ nhà mình thiếu ăn...


........
-Anh cầm lấy số tiền này đi, em chẳng có nhu cầu gì, quần áo em vẫn đủ, em vẫn có ăn là được rồi, anh giữ lấy nó mà mua gì đó cho anh, em chả có gì để tặng anh cả.

-Em đến với anh là món quà tặng lớn nhất rồi, còn anh thấy tiếc rằng mình không thể kiếm được nhiều hơn để lo cho vợ mình có được cuộc sống tốt đẹp hơn, điều này anh phải xin lỗi em.

-Em thấy em có anh là em may mắn lắm rồi, sau này em cũng sẽ đi làm, anh sẽ không phải vất vả nữa.


...........
 2 vợ chồng cô nhìn nhau mỉm cười, mùa xuân đang tràn ngập trong lòng. Nước Đức từ lâu đã là quê hương thứ 2 của cô. Cô cất số tiền mừng tuổi đặc biệt của mình, có lẽ cô sẽ chẳng tiêu đến nó đâu, có chăng cô sẽ để cho con cái  sau này, còn hiện giờ hãy coi nó là kỷ niệm của tình yêu.

 

 Nguyên Hương, tapchihuongviet.eu


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.