feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Sang Đức làm thợ khách 8 năm, tới 1996 tôi quay lại cầm bút.

Mùa đông 2004, khi khởi viết chương đầu tiểu thuyết Quyên, tôi đã in hơn ba chục truyện ngắn trên báo chí văn chương trong nước và hải ngoại. Nếu gom cả vài chục tùy bút, kí sự văn học, có thể nói, tôi có vốn, kinh nghiệm, ít nhiều làm chủ kĩ năng viết các thể loại ngắn.

>> Nguyễn Văn Thọ: Viết "Quyên", tôi như vơi đi một chút sự mắc nợ

Đã viết và in như vậy, trong tôi vẫn tồn đọng nhiều “ẩn ức đời sống” mà ở dạng thức văn học ngắn không thể “giải tỏa” được.

Sống ở  Đức, trước và sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, châu Âu đầy rạn nứt, biến động, tôi lăn lộn trong dòng di dân Việt tràn tới Đức kiếm sống và cũng ăm ắp ái, ố, hỉ, nộ. Bên sự được về vật chất của con người rời bỏ tổ quốc đi kiếm ăn, là biết bao câu chuyện tan nát, đau khổ, đầy nước mắt và mồ hôi, thậm chí cả máu - ngày lại ngày xảy ra quanh tôi. Vừa là người trong cuộc, vừa tự hóa thân bứt lên thời cuộc quan sát chiêm nghiệm, cuộc sống của cá nhân tôi trở nên thật không hề giản đơn. Thương mình và đau đời, trong sâu thẳm tâm thức một cây bút bấy nay chuyên truyện ngắn, luôn có tiếng giục giã viết nữa, làm sao lớn hơn, bao quát hơn những gì tôi đã viết.

Nếu như ở thơ, người ta có thể nắm ngay những cảm xúc bất chợt, chớp lấy nó, ở một tứ nào đó có thể viết ngay tắp lự một câu thơ, để sau đó một bài thơ hoàn chỉnh ra đời, thì ở văn xuôi, kinh nghiệm cho tôi thấy, cảm xúc mới chỉ là điểm khởi thủy, gợi ý và người văn xuôi phải biết chờ đợi. Nhà văn, trước sự va đập của đời sống, cần để cảm xúc lắng xuống theo thời gian, mới tạo được sự chín đọng trong câu chữ cho bạn đọc tin tưởng! Sự viết ở tiểu thuyết, khi mang tải, bao hàm nhiều vấn đề, không còn là lát cắt, hay tựa một loạt đạn bắn gần; nó hẳn là một trận đánh với quy mô lớn hơn…có lẽ cần nhiều thời gian để suy nghĩ một cách thấu đáo, chín chắn các vấn đề định đưa tới bạn đọc. Quan niệm như vậy, nên việc hình thành tiểu thuyết Quyên đầu tay, với một kẻ chưa có kinh nghiệm như tôi, là cả một quá trình đằng đẵng cả  hơn 10 năm.

Quãng sống khá dài ở Đức, từng ấy năm trăn trở, từ ý nghĩ phải viết gì đến sự cụ thể hơn là: một nàng Quyên hiện ra ngày một rõ nét.

Cũng những năm tháng ấy, trời cho tôi gặp Kumar. Anh đến từ xứ Sri Lanka, là một kẻ tha hương như chúng tôi và, tình bạn lớn dần. Kumar đen như than tối, song lại rất giống người Việt chứ không lai nét Âu như người khối Ả Rập. Kumar chăm chỉ, tốt bụng và, Kumar yêu thương hết đỗi một người đàn bà Việt Nam yếu ớt ở chung  trại. Cho tới tận hôm nay anh vẫn yêu và hy sinh rất nhiều cho người đàn bà này. Năm ấy, anh tặng tôi một bức tượng Phật bằng đồng nhỏ của quê anh, nom tựa như tượng Phật bà Quan Âm ở Việt Nam. Những câu chuyện rất giản dị của anh, của một người ít học, song lại ra đi từ một xứ sở, một trong cái nôi của Đạo Phật khối Ấn Hằng đã giúp tôi lí giải được nhiều điều ở cuộc sống hỗn tạp mà con người Việt khi di dân, cắt xa Tổ quốc, thường đứng chênh vênh hay giao thoa giữa thiện và ác. Nhiều nhân vật, đại loại như thế, từ đời sống thực bước vào trong Quyên, được lắp ghép, nối chắp, xâu chuỗi thành hệ thống nhân vật, chạy quanh vòng tròn mà Quyên chính là tâm điểm. Nhưng Quyên lại không được viết, ngay từ những dòng đầu tiên ở nước Đức.

Đầu năm 2004, tôi về Việt Nam với những nỗi buồn đóng băng trong lòng. Tôi có cảm giác rất cô độc khi mọi người quanh tôi tất bật đón Tết. Cảm giác của một người cha mẹ mất cả, bạn bè thì ai cũng dùng chút ít thời gian xum họp hoặc trả nghĩa các quan hệ mà thường ngày khó trả. Cảm giác của một người không có gia đình, thiếu vợ con xum vầy, đi bên những cặp vợ chồng hối hả mua sắm chuẩn bị Tết trong 36 phố phường thân quen của chính tôi đã từng sống chết vì nó trong chiến cuộc.

Ăn tết xong ở nhà người anh, tôi trở về làng Ngọc Hà, giam mình, đóng chặt cửa, không đi đâu, không tiếp xúc với một ai, suốt 7 ngày Tết. Với sự yên tĩnh gần như tuyệt đối trong ngôi nhà rộng thông thênh, có mảnh vườn sớm sớm đầy tiếng chim hót tại làng Ngọc Hà tôi đặt bút viết những dòng đầu tiên cho tiểu thuyết mang tên Quyên.

Bị dồn ứ lâu ngày, dăm chương đầu tuôn ra như lốc cuốn.

Thực ra trước đó, tôi cũng hình dung ra khó khăn của sự chọn lựa viết dài. Tôi không thể mang tất cả các ngón nghề đã thành công ở truyện ngắn tới cuốn sách mà ở đó cần một dạng thức ngôn ngữ khác. Sự quen tay hay kinh nghiệm ở thể tài truyện ngắn mang cả sang tiểu thuyết đã thất bại, kinh nghiệm nhãn tiền của một nhà văn nổi tiếng. Câu chuyện mà tôi hình dung ra nhằm nói lên nhiều vấn đề của người di dân, bao quát cả một thời gian dài, với một hệ thống các nhân vật, đòi hỏi tự tôi ý thức một cách viết, cách kể trước tiên phải hấp dẫn, không bắt chước bất kì tác giả nào ở Việt Nam hay thế giới, dụng được những điều mạnh nhất của tạng tôi đã có. Cũng ý thức được sự chọn lựa các chi tiết đặt trong diễn tiến của tác phẩm sẽ hết sức khó khăn vì cái kho trong tôi vốn đã ngổn ngang chất liệu sống. Đó là một điều cần tỉnh táo và không giản đơn ở thể dạng viết dài.

Sau khi bốn, năm chương đầu hoàn thành, mà mỗi chương dụng tâm viết, đều có thể đứng độc lập như một truyện ngắn, tôi vẫn rất băn khoăn về sự giao đãi giữa ngôn ngữ truyện ngắn và ngôn ngữ tiểu thuyết mình đã thực hiện. Nhằm lôi cuốn bạn đọc, tạo nên sức nặng ám ảnh của chi tiết, trong Quyên, tôi cũng đã tận dụng thế mạnh của ngôn ngữ hình trong điện ảnh, viết, dựng nên những trường đoạn, tựa như một người quay phim đang lia máy, ống kính lại khi cận, khi toàn cảnh v.v…Những điều ấy, hay cả kĩ năng khác, kể cả việc đan cài những trường đoạn, tạo bối cảnh - hơi thở của đời sống hiện tại, mang tính báo chỉ, bạn đọc sẽ chấp nhận thế nào? Để thăm dò, tôi in vài chương ra, mời dăm bạn bè thân sơ, quan tâm tới văn học, bao gồm đủ lứa tuổi đọc. Những người bạn như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà báo Lan Anh, hai nhà phê bình, Phạm Xuân Thạch trẻ - Nguyễn Hòa già, nhà thơ Đỗ Quyên tận Canada, cả cô gái bán hàng ham đọc sách, chưa khi nào cầm bút ở Siêu thị Bách hóa tổng hợp v.v…Đa số, những bạn đọc đầu tiên ấy, đều đưa ra các ý kiến chính xác,chân thành. Năm sau nữa, rà xét lại hai chương đầu, tôi gửi từ về đăng trên báo Văn nghệ. Chị Dạ Ngân và anh Nguyễn Trí Huân đã lập tức in. Sự cởi mở một cách không giấu dốt, lại chọn mặt gửi vàng, ngay từ ban đầu hồn nhiên như thế, giúp tôi rất nhiều trong quá trình sửa chữa và điều chỉnh sau này. Nữa là, nó giúp tôi tự tin hơn vào con đường đã chọn cho Quyên. Và, sự đón nhận hai chương của bạn đọc báo Văn nghệ mà ban đầu là hai nhà văn kể trên, cũng là nguồn động viên lớn với tác giả mà tác phẩm vẫn đang còn chặng đường dài.

Quyên cứ như thế hình thành, 18 chương, ròng rã từ 2004 tới tận năm 2009 mới tới hồi kết thúc. Có thời gian nửa năm “tắc tị“ không ra nổi một chữ cho Quyên, tôi bình tĩnh mở thêm cửa sổ, viết tùy bút hay các truyện ngắn khác. Cũng có khi, tôi bỏ qua một chương nào đang bí, viết nhẩy cóc sang một chương khác, nói về cảnh huống hay một nhân vật trong dự liệu của câu chuyện rỗi sau đó tìm cách ghép nối lại…Việc bếp núc như thế, âu cũng chỉ là sự láu cá cần thiết của người viết sinh ra không phải thiên tài, tìm cách đốt cháy thời gian chết, gìn giữ mạch cảm hứng, ngọn lửa trong tôi đừng tắt đi!

Ngay từ khi chưa kết thúc, nhằm thăm dò bạn đọc trong và ngoài nước, nhất là bạn đọc ngoài nước sẽ phản ứng ra sao, khi trong Quyên đề cập tới nhiều thói hư tật xấu cả sự tàn nhẫn của Người Việt trong vòng di dân? Từng chương một, còn chưa khô mực, tôi nhờ nhà báo Hoàng Linh giới thiệu rộng rãi ở Hung; nhờ nhà văn Xuân Đức giới thiệu trên mạng Trúc Sơn Trang. Phải nói rằng, văn chương mạng, với những commen chân thành, kể cả những ý kiến rất gay gắt ở mạng Xuân Đức, đã giúp tôi khá nhiều, điều chỉnh cấp thời một số tiểu tiết sạn trong cuốn tiểu thuyết.

Tết năm 2009, tôi ngã vật ốm nửa tháng, sau khi viết tới 8 cái kết khác nhau, hòng chọn ra một cái kết khả dĩ cho Quyên. Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư,  Nhà xuất bản Hội Nhà văn, cũng khốn khổ khi biên tập. Bởi vì, tới ba lần, Thư vừa thẩm định xong, tác giả lại thay đổi, mang tới một bản khác, đề nghị hủy bản cũ! Thư ân cần tiếp tôi và không hề khó chịu đọc lại, khi thì kết cấu được đảo lộn, khi thì sửa chữa, thêm bớt khá nhiều trường đoạn v.v…  Cũng kể thêm, dù rất bận bịu, với cương vị Giám đốc VOV anh vừa nhận khi đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng bò ra biên tập, hay góp ý nhiều chương cốt tử trong tiểu thuyết Quyên. Tự hiểu mạnh yếu của mình, sự giúp đỡ của người ngoài cuộc thực quan trọng! Nó làm cho Quyên chặt chẽ hơn, tránh đi những lỗi, sạn, mà người viết dễ mắc phải, khi lần đầu phải quản lí một văn bản quá dài hơi so với truyện ngắn…

Quyên đã hình thành như vậy, tính ra từ khi đặt bút tới lúc mang đến nhà xuất bản nhận quyết định in ấn, thời gian là dăm năm và thời gian thực sự đánh vật với nó trên máy tính là hai năm ba tháng.

Viết ra kinh nghiệm viết tiểu thuyết thực lòng bây giờ qua cuốn đầu tay này, không dám nói là tôi đã có. Sự thành công ở Quyên qua việc hơn hai năm phát hành hơn bẩy tám vạn cuốn, được dư luận, được nhiều tầng lớp tìm đọc, theo tôi là sự ghi nhận một thái độ lao động nghiêm túc, suy nghĩ cân nhắc, cẩn trọng khi cầm bút và, không dấu dốt tác giả. Có lẽ, đây là điều duy nhất đáng kể cho bạn đọc báo Văn nghệ quân đội, những ai liều mình dám thử thách ngòi bút trên một dạng thức tên là tiểu thuyết xưa nay vốn đòi hỏi sự nhọc nhằn giữa ngổn ngang trải nghiệm đời sống và ngổn ngang trải nghiệm văn hóa, ở thời đại ngổn ngang thông tin lí luận nhiều chiều hôm nay.

>> Nguyễn Văn Thọ: Viết "Quyên", tôi như vơi đi một chút sự mắc nợ

Nước Đức - thu 2011

  • NGUYỄN VĂN THỌ, VNQD


Bình luận   

0 #1 Đặng Bá Lộc 49:05 02-05-2013
Tôi muốn mua cuốn sách này nhưng không biết mua ở đâu. Đi vài hiệu sách lớn ở TP.HCM nhưng tìm không thất. Anh chị nào biết ở đâu có bán vui lòng chỉ giúp, Xin cảm ơn.
Trích dẫn

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.