feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Con tàu tốc hành tuyến Erfurt – Warszawa vừa vượt qua biên giới và bây giờ đang chạy trên đất Ba Lan. Hành khách đi cùng trong một khoang tàu thở phào nhẹ nhõm. Họ bỗng chốc trở nên vui vẻ, chuyện trò hào hứng. Cả nhân viên hải quan Đức lẫn Ba Lan đều chỉ xem xét vali, đồ đạc của họ một cách chiếu lệ. Các loại quà lưu niệm mua được ở Đức, ngay cả những thứ ít nhiều vi phạm quy định hải quan, đã dễ dàng vượt qua biên giới.   

Sau những căng thẳng, thấp thỏm chờ đợi kiểm tra hành lý, giây phút thư giãn đã đến với mọi người. Các bà, các chị, mới cách đây không lâu còn nhấp nhổm không yên, mắt liếc ngược liếc xuôi về phía vali, đồ đạc, miệng tự nhủ „chẳng có gì đáng kể” nhưng trong bụng vẫn lo ngay ngáy, bây giờ công khai khoe tài buôn bán và tính nhậy bén của mình trong việc săn tìm những thứ hàng hóa ở mấy hiệu đồ cũ, tại nước ngoài giá thì rẻ mà giá trị sử dụng trong nước lại cao.

Sau một hồi trao đổi về chuyện thương mại, nhóm hành khách trong khoang tàu tự nhiên chuyển hướng sang đề tài tình cảm riêng tư. Cánh đàn ông không giấu giếm những pha tán tỉnh các cô gái nước sở tại, còn các bà, các chị say sưa kể về chuyện nhan sắc của mình được các chàng trai bên kia biên giới mê mệt như thế nào. Gọi là chuyện bông phèng, chẳng có gì để mất, nên sự thật thì ít mà thêm mắm thêm muối, tưởng tượng thêm thì nhiều. Đề tài này vì thế kéo dài, tưởng chừng không bao giờ chấm dứt.

 Chỉ có một bà không tham dự cuộc tào lao với các bạn đồng hành. Bà ngồi thu lu trong góc khoang tàu, lơ đãng nhìn cảnh vật đang lướt nhanh bên ngoài cửa sổ con tàu. Chỉ khi nào cả nhóm ồ lên vui vẻ, bà mới miễn cưỡng nở nụ cười, để bằng cách đó chứng minh với mọi người là mình không hoàn toàn là người ngoài cuộc, nghĩa là không thờ ơ với những gì đang diễn ra xung quanh. Thái độ đó của bà, khác hẳn những du khách còn lại, đã khiến người đàn ông ngồi đối diện phải tò mò. Ông ta vừa nở nụ cười hưởng ứng câu chuyện của một bà trong nhóm kể về điều xảy ra trên phố Zwinger ở Dresden khi một chàng trai người Đức mời bà khiêu vũ. Bây giờ, cũng vẫn với nụ cười đó, ông nghiêng hẳn người về phía bà khách ngồi ở góc khoang tàu:

- Chị không có chuyện gì vui trong chuyến du lịch này sao?

Bà ngước nhìn ông bằng đôi mắt to đượm buồn của mình và không khỏi ngạc nhiên vì sự quan tâm khá đột ngột ấy.

- Tôi ấy à? Vâng, kể ra thì cũng không hẳn là không. – Bà nói và cố lấy lại vẻ nghiêm nghị lúc trước.

Cuộc trao đổi giữa hai người đã thu hút sự chú ý của một bà béo tóc vàng ngồi cạnh. Bà này vừa nãy đã làm mọi người thán phục vì tài giấu hàng của mình. Một trăm tấm lười chùm đầu nhét trong một cái vỏ gối.

- Chị kể cho mọi người nghe đi!

Tất cả các bà khác hùa theo:

- Xin mời! Xin mời nào!

- Bây giờ đến lượt chị đấy.

- Chỉ còn một mình chị là chưa đóng góp câu nào thôi.

Bị dồn vào thế bí, người phụ nữ hơi co người lại, trông bà càng lọt thỏm trong góc khoang tàu như muốn lẩn tránh cuộc tấn công của các bạn đồng hành. Nhưng một lúc sau bà đã chiến thắng thời điểm e ngại hoặc xấu hổ đó của mình. Bà gật đầu với mọi người:

- Thôi được, tôi sẽ kể.

Bà nói rất nhỏ, nhưng giọng nói của bà thì lập tức khiến người nghe nhận ra là sẽ có cái gì đó không vui vẻ trong câu chuyện bà sẽ kể. Chính vì thế mọi người lập tức chú ý nghe. Nhóm người vừa vui vẻ, ầm ĩ là thế, giờ bỗng nhiên im lặng.

- Câu chuyện của tôi – bà cố tình nhấn mạnh vào hai chữ „câu chuyện” – bắt đầu cũng giống như những gì mà các bà các chị đã kể thôi. Chỉ có điều là nó kết thúc hơi khác một chút. Chuyện xảy ra vào buổi chiều tối, khi cả đoàn tham quan kéo nhau đi xem nhạc kịch, chỉ có tôi, vì đã xem Faust nhiều lần trong nước, nên quyết định làm một cuộc dạo chơi „đơn thương độc mã”. Tôi thích đi dạo phố vào ban đêm, khi hai bên vỉa hè không còn suối người đi bộ và dưới lòng đường xe cộ thôi không nối đuôi nhau. Khi đó tôi có thể bình thản ngắm các tủ hàng bày mẫu trước mỗi cửa hàng, thưởng thức vẻ đẹp những ngôi nhà mà trong ánh điện ban đêm, chúng lung linh hơn hẳn trong ánh sáng ban ngày. Vậy là tôi lang thang trên các đường phố vắng vẻ của trung tâm Lép-dích khi trời đã chuyển về đêm, thỉnh thoảng dừng lại trước những tủ kính bày hàng và trước những tòa nhà kiểu dáng kiến trúc khiến tôi không thể thờ ơ.

Đúng lúc tôi dừng lại trước một hiệu kính lớn, hiệu kính mà các anh các chị trong đoàn chúng ta đã mua kính mắt và một số người đã mua máy ảnh ấy, tôi nhận ra là có một người đàn ông thỉnh thoảng lại liếc nhìn tôi. Lúc đầu vì cho rằng đây là thái độ của một anh chàng đang tìm kiếm cơ hội làm quen với người khác giới, tôi đã giả vờ như không để ý, nên đi tiếp đến một cửa hàng khác. Đứng lại trước cửa hàng bán mũ, tôi ý tứ quay đầu nhìn lại phía sau và nhận ra người đàn ông không quen biết ấy vẫn bám theo mình. Điều này khiến tôi bắt đầu khó chịu. Tôi dừng lại lâu hơn, chờ cho anh ta vượt lên trước mình. Đó là một người đàn ông cao dong dỏng, dáng vận động viên thể thao, bước đi nhanh nhẹn. Anh mặc trên người chiếc áo sáng màu, đội mũ màu tro. Thoạt nhìn có thể đoán anh ta chỉ khoảng ngoài ba mươi. Nhưng rất tiếc là chiếc mũ đã che khuất một phần khuôn mặt. Chưa kể là tôi hơi bị lóa mắt vì ánh đèn hắt lên từ chiếc tủ hàng mẫu. Nhưng tôi vẫn cảm thấy cái nhìn của anh ta gợi lại cho tôi đôi mắt của một nhân viên cảnh sát chứ không phải là nỗ lực bắt quen của anh đàn ông đi tìm của lạ.

Tôi bắt đầu lúng túng. Chẳng lẽ dáng vẻ bề ngoài của tôi lại đáng khả nghi đến mức khiến anh ta phải chú ý và để tâm theo dõi? Tôi liếc nhìn đồng hồ. Sắp mười một giờ đêm rồi nên đường phố Lép-dích người và xe cộ thưa thớt dần. Tôi quyết định trở về khách sạn. Tôi quay đầu bước thật nhanh với hy vọng sẽ thoát khỏi người đang nhằng nhẵng bám theo mình như một cái bóng rất khó chịu kia. Đến chỗ rẽ đầu tiên, không kiềm chế nổi sự tò mò, tôi quay đầu nhìn lại: anh chàng đội mũ màu tro vẫn đi theo tôi, chỉ cách có mấy bước chân. Giờ thì tôi hốt hoảng thật sự. Không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng gã đang theo dõi tôi. May mà đường tới khách sạn chỉ còn lại một đoạn ngắn. Chỉ phải đi qua hai phố nữa, mà lại là những đoạn phố có hệ thống chiếu sáng tốt và không đến nỗi vắng vẻ.

Nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra, tôi vẫn có thể kêu lên và chắc chắn ai đó sẽ kịp đến giúp tôi. Nghĩ thế nên tôi cố lấy lại bình tĩnh. Mặc dù trong bụng rất muốn chạy trốn, tôi vẫn bước những bước thản nhiên, cố gắng không quay đầu lại phía sau nhiều lần. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất rõ cái bóng ấy đang đi phía sau. Mãi khi đến cửa khách sạn tôi mới ngoái đầu nhìn lại. Người lạ mặt đi về phía tôi, mắt không rời tôi giây lát. Tôi đẩy mạnh chiếc cửa xoay, bước vào bên trong khách sạn. Tôi đến bàn lễ tân, định lấy chìa khóa lên phòng. „Chắc chắn hắn không liều lĩnh đến mức định tấn công tôi ngay ở đây”. Tôi nghĩ vậy trong đầu. Nhưng gã đã liều lĩnh hơn tôi tưởng. Khi tôi quay đầu lại, gã đứng ngay trước mặt tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi. Gã đã bỏ mũ ra nên tôi nhìn rõ khuôn mặt gã: trán cao, tóc vàng thưa thớt, cắt ngắn, chải về phía sau, miệng nhỏ, trông nhợt nhạt, mắt xanh nhờ nhờ như bị phủ một lớp sương mỏng.

- Ông muốn gì ở tôi? – tôi hỏi bằng tiếng Đức, giọng hơi gay gắt.

- Vậy là bà vẫn còn sống sao? – gã hỏi và thở phào nhẹ nhõm.

- Tôi vẫn sống – tôi khẳng định một sự thật hiển nhiên. – Nhưng chuyện này liên quan gì đến ông?

- Liên quan, liên quan rất nhiều là khác. Gã nói, không giấu nổi niềm vui. – Ôi, nếu tôi biết sớm hơn rằng bà vẫn còn sống! Bà không thể hiểu điều này quan trọng đối với tôi như thế nào đâu. Vâng, vâng, đúng là bà rồi. Bây giờ thì tôi có thể tin chắc đây chính là bà. Khuôn mặt này, đôi mắt này... Dù ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng nhận ra.

- Tôi không hiểu ông đang nói gì. Phải chăng ông định ép tôi phải thừa nhận là đã quen ông từ trước?

- Bà không nhận ra tôi sao? Mà cũng đúng thôi, bà không nhận ra tôi là phải. Vì đối với bà, khi ấy tôi đâu phải là người. Nhưng tôi thì tôi nhớ bà rõ  lắm. Càng nhìn kỹ tôi càng tin chắc đây chính là bà, không thể nào nhầm lẫn được.

Cái kiểu ép buộc thừa nhận người quen này làm tôi bắt đầu khó chịu. Quả thật tôi không tài nào nhớ lại được là đã từng gặp ông ta ở đâu.

- Ông hãy giải thích cho tôi rõ, chuyện ông đang nói có ý nghĩa gì. Tôi ngờ rằng ông đã nhầm tôi với một người nào khác hoặc ông không còn coi ai ra gì...

- Xin bà đừng giận. – Ông ta ngắt lời tôi và nhìn tôi với vẻ mặt của người vừa trút được gánh nặng tâm hồn. – Tôi sẽ kể cho bà nghe mọi chuyện ngay bây giờ. Vâng, bây giờ tôi có thể kể tất cả những gì mà cho đến hôm nay tôi chưa dám hé răng nói với bất cứ ai, nhưng lại chính là điều đã day dứt lòng tôi như một căn bệnh hiểm nghèo suốt bao năm.

- Vậy thì ta hãy ngồi xuống đây. – Tôi nói khi nhìn thấy mấy chiếc ghế trống gần đấy.

Ông ta vồ ngay lấy đề nghị của tôi. Khi chúng tôi vừa ngồi xuống ghế, ông ta đi ngay vào câu chuyện, mặc dù lúc đầu có hơi ngắc ngứ đôi chút. Mắt ông ta không rời tôi, làm tôi thấy hoang mang.

- Bà là... người Ba Lan phải không ạ? Vậy là mọi chuyện đều khớp cả. Bây giờ chắc bà đã biết tôi định nói gì. Khi đó tôi vừa tròn mười bảy tuổi. Tôi được giáo dục như tất cả mọi người. Tôi tin hắn, tức là Hitler. Tôi nói thật, bởi vì nếu tôi nói rằng khi ấy tôi là người chống phát xít thì chắc hẳn bà cũng chẳng tin. Tôi không phải là kẻ độc ác. Tôi được nuôi dạy trong một gia đình tử tế. Tôi bị động viên vào quân đội và tôi nhập ngũ. Mẹ tôi khóc. Bố tôi trở về từ mặt trận phía Đông, mất một tay, chân tê dại, trong lòng tràn ngập nỗi cay đắng, thất vọng. Nhưng tôi vẫn đi lính, bởi tôi còn biết làm gì hơn? Phục vụ thống chế, phục vụ đất nước mà! Khi ấy đã là những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Không mấy ai tin tưởng vào thắng lợi. Nhưng nghĩa vụ của mình thì vẫn buộc phải thực hiện đến cùng. Mới đầu là trại lính, là tập luyện, sau đó mới đến những nhiệm vụ tác chiến đầu tiên. Cuộc hành quân quỷ quái ấy, trong giá lạnh, hàng chục ngàn người, cả trăm cây số đi bộ. Tôi không phải kể lại cho bà nghe chuyện ấy nữa, vì bà còn nhớ rõ hơn tôi. Thật là khủng khiếp. Bà hãy tin là đối với chúng tôi, mọi chuyện xảy ra cũng khủng khiếp như đối với các ông các bà. Không, tôi nói gì thế này? Không thể so sánh như vậy được. Chúng tôi được cung cấp thực phẩm tốt hơn, mặc ấm hơn. Còn các ông các bà thì ngã dúi ngã dụi vì đói, vì kiệt sức...

- Ông hãy thôi đi, tôi không... – tôi cố tìm cách ngắt lời nhưng ông ta vẫn tiếp tục câu chuyện dài dòng, không cho tôi xen vào.

- Bà cho tôi nói hết đã. Tôi biết là bà có quyền lên án tôi, tôi không có gì để thanh minh cho những hành động tàn nhẫn của mình ngoài một cái lý là khi đó tôi mới mười bảy tuổi và mọi thứ tôi làm đều theo lệnh cấp trên. Đã là một người lính thì phải làm theo lệnh cấp trên. Tuy vậy lẽ ra tôi đã không bắn. Tôi giả vờ như không nhìn thấy các bà đang lê chân trên tuyết dày. Mà suy cho cùng, bắn hay không bắn thì có ý nghĩa gì. Đằng nào thì các bà cũng đang đi đến chỗ chết. Loạt đạn của tôi chỉ rút ngắn sự đau khổ mà thôi. Và tôi cũng không muốn bắn khi bà... Tôi đã nhìn thấy là bà yếu dần, khó khăn lắm mới nhấc được chân lên. Tôi đi ngay bên cạnh. Tôi nói „Schneller! Schneller!”. Khi bà ngước nhìn tôi và lần đầu tiên tôi nhìn rõ mặt bà: đôi mắt đen tuyệt đẹp ấy, tôi không bao giờ quên được. „Nhanh lên!” – tôi gào to. – „Nhanh lên!”. Vậy mà bà cứ đi mỗi lúc một chậm hơn, cho đến lúc bà ngồi thụp xuống bên đường. Bà có nhớ không? Còn tôi, tôi hoàn toàn không muốn bắn. Chỉ tại cái thằng cha ấy, cái thằng SS đi ngay sau tôi. Nó quát vào tai tôi „Schiesse du Feigling, schiesse!”. Vậy là tôi đã bắn... Ôi, bà đừng nhìn tôi như thế, tôi đã bắn thẳng, bắn thẳng băng, chỉ mong sao bà không phải tiếp tục chịu khổ...

- Thôi đủ rồi! – Tôi hét to vì không thể nghe thêm. – Ông hãy ra khỏi đây ngay. Tôi không phải là...

- Xin bà đừng sợ. – Ông ta nhẹ nhàng xin lỗi tôi. – Bây giờ chẳng còn gì có thể đe dọa bà nữa đâu, vì bà đang sống, bà đã qua cơn hiểm nghèo. Bằng phép màu nào bà đã thoát chế? Tôi đã bắn trúng bà cơ mà. Nói đúng hơn là tôi đã cảm thấy là tôi bắn trúng. Và cái giá lạnh ấy, lớp tuyết dày ấy. Nếu bà không trúng đạn thì...

Tôi bắt đầu hiểu lơ mơ câu chuyện người đàn ông đang kể. Phải chăng tôi nên nói cho ông ta biết rõ sự thật? Thay vì căm thù ông ta, quả thật tôi chỉ thấy thương hại. Tôi nhìn thấy rõ là ông ta đang rất xúc động, vì hai mắt ông ta đẫm lệ.

- Ông đừng hỏi thêm gì nữa. – Tôi nói. – Tôi vẫn sống, chẳng lẽ như vậy chưa đủ hay sao?

- Vâng, bà nói đúng. Đối với tôi như thế là quá đủ, quá đủ rồi. Tôi không hỏi bà thêm câu nào nữa đâu. Nếu quả là bà đã được cứu thoát và đang sống, như vậy tôi có thể quên đi tội lỗi của mình. Có thể cuối cùng đôi mắt của bà, đôi mắt mà tôi đã để ý tìm kiếm mỗi khi gặp bất cứ một cô gái tóc đen nào, sẽ thôi không nhìn tôi chằm chằm một cách đáng sợ nữa. Tôi không dám cầu xin bà sự tha thứ. Tôi hiểu bà nghĩ gì khi nhìn tận mắt kẻ đã bắn mình. Chỉ riêng việc bà không căm ghét tôi đã là một ân huệ lớn dành cho tôi. Xin cảm ơn bà.

Người kể chuyện bỗng nhiên im lặng, hơi cúi người về phía trước, những người khác trong khoang tàu cũng im lặng theo. Mãi sau mới có người cất tiếng hỏi:

- Rồi sao nữa? Bà có tha thứ cho hắn không?

- Thực ra mọi chuyện chỉ có thế. Tôi đứng dậy và đi về phòng ở của mình. Tôi không bắt tay ông ta và cũng không nói thêm một lời nào trong số những lời ông ta chờ đợi. Tôi không sao làm được việc đó. Mà tôi cũng không biết mình cư xử như thế có đúng không. Tôi chấp nhận sự sám hối của ông ta, không hề tỏ ra căm ghét.

Các bà các chị ngồi cùng khoang tàu có vẻ thất vọng vì „câu chuyện” đã kết thúc không mấy hấp dẫn.

- Thôi được. – Một bà nói. – Vậy đúng ra bà đã thoát chết như thế nào? Có phải hắn đã bắn trượt không?

Người kể chuyện cắn môi, vẻ mặt đau khổ.

- Người bị bắn không phải là tôi. Tôi chưa bao giờ phải sống trong trại tập trung. Người ông ta nói đến chắc chắn là chị gái tôi. Chúng tôi rất giống nhau. Mãi hôm nay tôi mới biết chị tôi chết trong hoàn cảnh như thế nào.

- Tôi chẳng hiểu tại sao chị không nói thẳng vào mặt hắn chuyện đó? – Người phụ nữ tóc vàng bỏ cái túi lưới chùm đầu xuống, nói với vẻ tức giận. – Phải cho hắn biết hắn chính là kẻ giết người, cho hắn luôn bị day dứt trong lòng vì những tội lỗi hắn đã phạm phải chứ!

- Nhưng sau đó chị có khai báo với cảnh sát không? – người phụ nữ lúc trước vừa kể chuyện chàng thanh niên tán tỉnh mình, nói. – Dù sao thì cũng không thể để cho bọn tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật như vậy được.

- Không, tôi đã không báo cảnh sát và bây giờ tôi càng không thể làm việc đó, bởi thậm chí tôi còn không biết người đàn ông đó họ tên gì. Tại sao tôi không nói cho ông ta biết rõ sự thật? Tôi cũng không biết nữa. Tôi đã không có đủ thời gian để cân nhắc chuyện này. Nhưng cũng còn một lý do nữa. Đơn giản là trái tim tôi đã mách bảo tôi nên làm như vậy.

Người phụ nữ có đôi mắt đen quay mặt về phía cửa sổ. Con tàu lắc lư trên đường ray. Bên ngoài, những ngôi nhà cao tầng của một khu tập thể hiện ra mỗi lúc một rõ dần. Con tàu đang đi vào thành phố.

Truyện ngắn của ZDZISŁAW WRÓBEL (Ba Lan)

 Nguyễn Chí Thuật dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.